Câu hỏi:
Khi kiểm soát chi cho việc sửa chữa công trình, thiết bị công trình xây dựng có dự toán chi phí sửa chữa dưới 500 triệu đồng được giao từ dự toán kinh phí thường xuyên, “Kế hoạch sửa chữa” của đơn vị có phải là thủ tục hành chính cần gửi đến Kho bạc Nhà nước (KBNN) để kiểm soát chi không?
Theo Nghị định số 11/2020/NĐ-CP ngày 20/01/2020 của Chính phủ về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực KBNN (Nghị định số 11), không quy định phải có “Kế hoạch sửa chữa” trong thành phần hồ sơ gửi KBNN đối với trường hợp này. Tuy nhiên, Thông tư số 65/2021/TT/BTC ngày 29/7/2021 của Bộ Tài chính về lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công (Thông tư số 65) lại quy định khi kiểm soát chi, tạm ứng, thanh toán thì thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 35 Nghị định 06/2021/NĐ-CP ngày 26/01/2021 của Chính phủ về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng. Cụ thể: “Đối với trường hợp sửa chữa dưới 500 triệu đồng: Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quản lý tài sản công phê duyệt kế hoạch sửa chữa.”
Đề nghị KBNN hướng dẫn cụ thể về vấn đề này.
Trả lời:
Theo khoản 6, Điều 7 Nghị định số 11 quy định về hồ sơ đối với các công trình sửa chữa, bảo trì, cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất có chi phí thực hiện dưới 500 triệu đồng, hồ sơ bao gồm:
- a) Hồ sơ gửi lần đầu (gửi một lần vào đầu năm hoặc khi có điều chỉnh, bổ sung), bao gồm: Dự toán năm được cấp có thẩm quyền giao; hợp đồng (đối với các hợp đồng có giá trị trên 50 triệu đồng trở lên).
- b) Hồ sơ tạm ứng (gửi theo từng lần đề nghị tạm ứng), bao gồm: Chứng từ chuyển tiền; văn bản bảo lãnh tạm ứng hợp đồng (đối với trường hợp hợp đồng có quy định phải bảo lãnh tạm ứng).Trường hợp những khoản chi không có hợp đồng hoặc những khoản chi có hợp đồng với giá trị không quá 50 triệu đồng, nhưng chứng từ chuyển tiền của đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN) không thể hiện được hết nội dung chi, đơn vị sử dụng NSNN gửi bảng kê nội dung thanh toán/tạm ứng.
- c) Hồ sơ thanh toán (gửi theo từng lần đề nghị thanh toán), bao gồm:
- Đối với khoản chi không có hợp đồng hoặc hợp đồng có giá trị không quá 50 triệu đồng: Chứng từ chuyển tiền; giấy đề nghị thanh toán tạm ứng (nếu thanh toán tạm ứng); bảng kê nội dung thanh toán/tạm ứng (trường hợp chứng từ chuyển tiền không thể hiện hết nội dung chi).
- Đối với khoản chi có giá trị hợp đồng trên 50 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng: Chứng từ chuyển tiền; giấy đề nghị thanh toán tạm ứng (nếu thanh toán tạm ứng); bảng xác định giá trị khối lượng công việc hoàn thành.
Trường hợp dự án hoàn thành được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt quyết toán nhưng chưa được thanh toán đủ vốn theo giá trị phê duyệt quyết toán, đơn vị sử dụng NSNN gửi bổ sung quyết định phê duyệt quyết toán.
Theo quy định trên, đối với các công trình có dự toán chi phí dưới 500 triệu đồng được giao từ nguồn kinh phí thường xuyên, thì “Kế hoạch sửa chữa công trình” không thuộc thành phần hồ sơ gửi KBNN.
Tại tiết 2, điểm b, khoản 2 Điều 5 Thông tư số 65 quy định về kiểm soát chi, tạm ứng, thanh toán kinh phí sửa chữa công trình, thiết bị công trình có dự toán chi phí sửa chữa dưới 500 triệu đồng:
“Đối với trường hợp sửa chữa công trình, thiết bị công trình xây dựng có dự toán chi phí sửa chữa dưới 500 triệu đồng: Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quản lý tài sản công phê duyệt kế hoạch sửa chữa, trong đó thuyết minh đầy đủ các nội dung nêu tại điểm a, khoản 2 Điều này.”
Theo quy định này, đối với các công trình sửa chữa có dự toán chi phí dưới 500 triệu đồng được giao từ nguồn kinh phí thường xuyên, thủ trưởng cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách tự phê duyệt kế hoạch sửa chữa công trình.
Kết luận:
- “Kế hoạch sửa chữa” không thuộc thành phần hồ sơ gửi KBNN khi kiểm soát chi cho công trình sửa chữa dưới 500 triệu đồng được giao từ nguồn kinh phí thường xuyên.
- Đề nghị đơn vị sử dụng ngân sách phối hợp với KBNN nơi mở tài khoản để thực hiện kiểm soát thanh toán, đảm bảo chặt chẽ và đúng quy định của pháp luật hiện hành.