Đăng ký mở và sử dụng tài khoản; bổ sung tài khoản và thay đổi mẫu dấu, chữ ký; đối chiếu, xác nhận số dư tài khoản là một khâu quan trọng trong quy trình kiểm soát các khoản chi NSNN qua KBNN. Thực hiện tốt công tác đối chiếu, xác nhận số dư tài khoản sẽ góp phần tăng cường công tác kiểm soát chi NSNN; đảm bảo các khoản chi NSNN có trong dự toán được giao, đúng tính chất nguồn kinh phí, đúng mục đích sử dụng, trong phạm vi số dư tài khoản còn được chi.
Những quy định pháp lý
Theo quy định tại Khoản 3, Điều 4 Thông tư số 161/2012/TT-BTC ngày 02/10/2012 của Bộ Tài chính quy định chế độ kiểm soát, thanh toán các khoản chi của NSNN qua KBNN: Đơn vị sử dụng ngân sách và các tổ chức được NSNN hỗ trợ thường xuyên phải mở tài khoản tại KBNN; chịu sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan tài chính, KBNN trong quá trình thực hiện dự toán ngân sách được giao và quyết toán ngân sách theo đúng chế độ quy định. Lập chứng từ thanh toán theo đúng mẫu do Bộ Tài chính quy định; chịu trách nhiệm về tính chính xác của các nội dung chi đã kê trên bảng kê chứng từ thanh toán gửi KBNN.
Theo quy định tại Thông tư số 61/2014/TT-BTC ngày 12 /05/2014 của Bộ Tài chính, hướng dẫn đăng ký và sử dụng tài khoản tại KBNN trong điều kiện áp dụng TABMIS (Thông tư 61): Khi đăng ký sử dụng tài khoản; đơn vị, tổ chức, cá nhân tùy từng trường hợp cụ thể lập 03 bản Giấy đăng ký sử dụng tài khoản và mẫu dấu, mẫu chữ ký (Mẫu số 01a/MTK) hoặc Giấy đăng ký và sử dụng bổ sung tài khoản (Mẫu số 01b/MTK), Giấy đề nghị thay đổi mẫu dấu, mẫu chữ ký (Mẫu số 02/MTK) cùng Bảng kê đăng ký sử dụng tài khoản chi tiết (Mẫu số 06a/MTK hoặc Mẫu số 06b/MTK, nếu có) và toàn bộ hồ sơ pháp lý gửi đến KBNN nơi đăng ký sử dụng tài khoản.
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 17 Thông tư 61 công tác đối chiếu tài khoản tiền gửi và tài khoản có tính chất tiền gửi được thực hiện hằng tháng (năm), bao gồm số dư đầu kỳ, số phát sinh trong kỳ và số dư cuối kỳ.
Đơn vị, tổ chức, cá nhân gửi KBNN 04 Bản xác nhận số dư tài khoản tiền gửi tại KBNN Mẫu số 05-ĐCSDTK/ KBNN ban hành theo Thông tư này. Sau khi kiểm tra, đối chiếu khớp đúng, KBNN ký xác nhận, đóng dấu “Kế toán Kho bạc” và xử lý: 01 bản lưu tại KBNN; 03 bản gửi lại đơn vị (01 bản đơn vị lưu, 01 bản gửi cấp trên, 01 bản gửi cơ quan tài chính).
Một số khó khăn vướng mắc
Như vậy, theo quy định tại Thông tư 61, một đơn vị khi đăng ký mở nhiều tài khoản tiền gửi chỉ cần lập 3 bản Giấy đăng ký sử dụng tài khoản và mẫu dấu, mẫu chữ ký (Mẫu số 01a/MTK) và 3 Bảng kê đăng ký sử dụng tài khoản chi tiết (Mẫu số 06b/MTK); đến khi thực hiện đối chiếu, xác nhận số dư tài khoản tiền gửi thì đơn vị phải lập 04 Bản xác nhận số dư tài khoản tiền gửi tại KBNN (Mẫu số 05-ĐCSDTK/KBNN) cho mỗi tài khoản tiền gửi.
Trong thực tế, khi thực hiện thanh tra chuyên ngành chúng tôi nhận thấy: Do yêu cầu quản lý, UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn mở rất nhiều tài khoản tiền gửi, cụ thể như: Tiền gửi chi phí bảo hành, tiền gửi chi phí quản lý dự án, tiền gửi khác, tiền gửi Quỹ an ninh quốc phòng, tiền gửi Quỹ vì người nghèo, tiền gửi Quỹ bảo trợ trẻ em, tiền gửi Quỹ phòng chống lụt bão, tiền gửi Quỹ khuyến học, tiền gửi tiếp nhận và chi về hàng việt về nông thôn …
Do vậy, hằng tháng UBND các xã, phường, thị trấn phải lập rất nhiều Bản xác nhận số dư tài khoản tiền gửi tại KBNN (Mẫu số 05-ĐCSDTK/KBNN) theo quy định tại Thông tư 61; trong trường hợp trên có 9 tài khoản tiền gửi nhân với 04 bản mỗi tài khoản, tổng cộng là 36 bản xác nhận số dư tài khoản tiền gửi tại KBNN.
Không phải tài khoản nào cũng có phát sinh trong tháng, do đó nếu quy định như hiện hành thì những tài khoản không có phát sinh trong tháng, thậm chí không có số dư cũng phải lập bản xác nhận số dư tài khoản tiền gửi tại KBNN; vấn đề này chẳng những không đơn giản hóa được thủ tục hành chính, mà còn tốn kém công sức và chi phí của các đơn vị sử dụng ngân sách; công chức của KBNN cũng mất nhiều thời gian và công sức trong việc chấm và ký đối chiếu với đơn vị.
Mặt khác, hiện nay hệ thống KBNN đang thực hiện thống nhất đầu mối kiểm soát các khoản chi NSNN, thực hiện cơ chế “Một cửa một giao dịch viên”; mỗi đơn vị sử dụng NSNN mở tài khoản tại KBNN chỉ thực hiện giao dịch duy nhất với một giao dịch viên.
Đề xuất và kiến nghị
Qua những bất cập nêu trên, chúng tôi đề xuất một số ý kiến để góp phần thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực KBNN, đơn giản hóa thủ tục đối chiếu tài khoản tiền gửi; giúp đơn vị sử dụng ngân sách và hệ thống KBNN giảm tốn kém công sức, thời gian và chi phí không cần thiết.
Đề nghị KBNN kiến nghị Bộ Tài chính sửa đổi Mẫu số 05-ĐCSDTK/KBNN quy định tại Khoản 1, Điều 17, Mục 8, Chương 2 Thông tư 61; theo hướng áp dụng cho nhiều tài khoản, hằng tháng đơn vị chỉ lập 04 Bản xác nhận số dư tài khoản tiền gửi tại KBNN cho tất cả các tài khoản tiền gửi được mở tại KBNN giao dịch.
Đề nghị KBNN kiến nghị Bộ Tài chính sửa đổi Khoản 1, Điều 17, Mục 8, Chương 2 Thông tư 61 như sau:
Việc đối chiếu tiền gửi của đơn vị giao dịch được thực hiện hằng tháng (năm), bao gồm số dư đầu kỳ, số phát sinh trong kỳ và số dư cuối kỳ; trường hợp trong tháng không có phát sinh thì không phải thực hiện đối chiếu.
LÊ VĂN HIỆP