Công tác giải ngân vốn đầu tư công từ đầu năm 2024 đến nay cho thấy nhiều điểm tích cực. Tuy nhiên, các bộ, ngành, địa phương vẫn cần tiếp tục thực hiện một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, để đảm bảo hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công được Quốc hội và Chính phủ giao.
Phân bổ vốn đạt kết quả tích cực
Được xác định là một yếu tố quan trọng góp phần vào tăng trưởng kinh tế, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 được Thủ tướng Chính phủ giao cho các bộ và địa phương là 657.349 tỷ đồng bằng 92,4% so với dự toán giao năm 2022. Trong đó, bố trí 92.900 tỷ đồng cho các dự án quan trọng quốc gia, các dự án đường bộ cao tốc liên vùng, đường ven biển.
Đáng chú ý, tính đến hết tháng 01/2024 cơ bản các bộ, địa phương đã phân bổ chi tiết cho các dự án, chương trình, chỉ còn lại 30.537 tỷ đồng tương đương khoảng 4,65% kế hoạch giao sẽ được các bộ, địa phương hoàn thành phân bổ trên cơ sở rà soát hoàn tất một số thủ tục theo quy định.
Tiến độ phân bổ tích cực hơn các năm trước cho thấy ý thức cũng như chất lượng của công tác lập kế hoạch 2024 đã được cải thiện. Kết quả giải ngân hết tháng 1/2004 đạt 2,58% kế hoạch (cùng kỳ năm trước chỉ đạt 1,72%)
Theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, năm 2024 được xác định là năm tăng tốc, bứt phá, trong đó, công tác đầu tư công tiếp tục được yêu cầu đẩy mạnh, phấn đấu giải ngân đạt 95% kế hoạch giao cùng tăng cường phân cấp phân quyền, nâng cao trách nhiệm, sử dụng hiệu quả đồng vốn đầu tư công.
Phát huy đà tích cực của năm 2023, để đạt được mục tiêu đề ra, các bộ, ngành, địa phương chú trọng một số nội dung trong triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2024. Theo đó, đối với những khoản vốn sau 31/12/2023 chưa phân bổ cần được tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo đúng chỉ đạo tại Quyết định số 1603/QĐ-TTg ngày 11/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về giao kế hoạch đầu tư công năm 2024. Sau khi có chỉ đạo, các bộ, địa phương nhanh chóng hoàn thành phân bổ chi tiết vốn còn lại 30.537 tỷ đồng cho các dự án để làm cơ sở thực hiện giải ngân.
Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong chỉ đạo triển khai
Nếu năm 2023 là năm bùng nổ về mức vốn với một loạt công trình kết cấu hạ tầng lớn được khánh thành cũng như khởi công thì năm 2024 sẽ là năm bản lề đối với rất nhiều dự án quan trọng. Đặc biệt là 123 dự án, dự án thành phần là các dự án quan trọng quốc gia, các dự án đường bộ cao tốc liên vùng, đường ven biển, với tổng kế hoạch vốn được các bộ, ngành địa phương phân bổ là 93.534 tỷ đồng.
Nghị quyết số 106/2023/ QH15 ngày 28/11/2023 của Quốc hội về thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ đã có những tháo gỡ mạnh mẽ về thủ tục khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng, về sử dụng ngân sách các cấp, về quản lý công trình tạo cơ sở pháp lý rất thuận lợi cho đẩy nhanh tiến độ. Những cơ chế mở này cần được nhanh chóng đưa vào thực tiễn để các chủ đầu tư, nhà thầu có thể áp dụng được ngay. Bên cạnh đó, những vấn đề đã được nhận diện cần được tiếp tục các cấp có thẩm quyền chủ động báo cáo, đề xuất hoặc giải quyết ngay theo thẩm quyền, không đùn đẩy, né tránh.
Đồng thời, khâu điều hành của các cấp cần hết sức chủ động và linh hoạt, phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Công tác phân bổ vốn đã kịp thời hơn so năm 2023, song quá trình thực hiện cụ thể của các dự án cần được giám sát chặt chẽ, tính toán tiến độ cụ thể để chủ động điều hòa, điều chỉnh kịp thời trước những phát sinh, thực hiện điều chỉnh sớm kế hoạch vốn của những dự án chậm hoặc không có khả năng thực hiện cho các dự án có nhu cầu. Điều này đòi hỏi công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan chủ quản, chủ đầu tư, cơ quan tư vấn hết sức trách nhiệm, hiệu quả, cập nhật tiến độ theo từng tuần, từng tháng.
Khâu thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán, đấu thầu, giải phóng mặt bằng, tổ chức thi công, nghiệm thu thanh toán cần được đẩy nhanh, đảm bảo chính xác, kịp thời, tránh để dồn vào một thời điểm; chủ đầu tư cần bám sát, thực hiện nghiệm thu, thanh toán cho nhà thầu ngay khi có khối lượng hoàn thành.
Đặc biệt, vai trò của người đứng đầu cần được tiếp tục củng cố và cơ chế kiểm tra định kỳ, kiểm tra theo kết quả công việc của các cấp cũng cần tăng cường theo đúng tinh thần của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Các bộ, ngành cần tiếp tục chủ động rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến điều chỉnh hoạt động đầu tư công theo hướng đồng bộ, phù hợp với thực tế, đẩy mạnh phân cấp gắn với cơ chế kiểm tra, giám sát hiệu quả, đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Đối với 5 tổ kiểm tra đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công theo Quyết định 245/QĐ TTg ngày 14/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, cần tiếp tục phát huy, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học trong quản lý, đảm bảo tổng hợp kết quả thực hiện, kết quả xử lý vướng mắc cũng như những phát sinh mới, đề xuất phương án xử lý theo định kỳ tháng; công khai trên cổng thông tin điện tử của Chính phủ, bộ, ngành và địa phương.
Lãnh đạo các bộ, địa phương cần chịu trách nhiệm toàn diện đối với kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công của đơn vị, tăng cường chất lượng công tác quản lý nội bộ, gắn kết quả giải ngân với đánh giá chất lượng, mức độ hoàn thành nhiệm vụ của đội ngũ công chức làm nhiệm vụ quản lý đầu tư công.
Kế hoạch đầu tư công năm 2024 tuy còn nhiều thách thức, song việc hoàn thành mục tiêu đề ra là hoàn toàn khả thi, qua đó, góp phần hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, tăng năng lực quốc gia, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế bền vững của đất nước.
LÊ TUẤN ANH