Sau một năm đi vào vận hành, hệ thống Tổng kế toán đã trở thành một công cụ không thể thiếu của công chức KBNN làm nhiệm vụ tổng hợp báo cáo tài chính nhà nước. Hệ thống hỗ trợ đắc lực để KBNN hoạt động chuyên nghiệp, an toàn hiệu quả; bên cạnh đó, hệ thống giúp tiết kiệm chi phí thời gian, tiền bạc và nguồn nhân lực cho đơn vị.
Sau 6 năm triển khai, KBNN đã hoàn thành nhiệm vụ lập báo cáo tài chính nhà nước năm 2018, trình Quốc hội vào tháng 5/2020. Để đạt được kết quả nêu trên, bên cạnh việc xây dựng hành lang pháp lý, Lãnh đạo KBNN đã chỉ đạo Cục Công nghệ thông tin KBNN xây dựng hệ thống Tổng kế toán nhà nước nhằm vận dụng ứng dụng công nghệ thông tin tổng hợp nhanh chóng, chính xác các thông tin tài chính nhà nước, phục vụ công tác lập báo cáo tài chính nhà nước.
Hệ thống Tổng kế toán nhà nước có độ phức tạp cao về giải pháp kỹ thuật; phục vụ 53.000 đơn vị gửi báo cáo; vận hành trên môi trường internet tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an toàn, an ninh mạng và phải tuân thủ các cơ chế, cách thức truyền/nhận dữ liệu dữ liệu phức tạp theo quy định của Bộ Tài chính và KBNN.
Trước áp lực về thời gian, công chức KBNN quyết tâm, tập trung cao độ triển khai hệ thống đúng tiến độ, trở thành công cụ đắc lực giúp đơn vị gửi báo cáo cho KBNN các cấp một cách nhanh chóng, đơn giản, thuận tiện; giúp công chức KBNN tiếp nhận và tổng hợp kịp thời số lượng lớn báo cáo đầu vào.
Hệ thống bao gồm hai khối chức năng: Khối chức năng cổng tiếp nhận báo cáo cung cấp thông tin tài chính trên phạm vi toàn quốc truy cập địa chỉ https://bctcnn.vst.mof.gov.vn; khối chức năng xử lý tổng hợp báo cáo tài chính nhà nước cho người dùng kho bạc truy cập địa chỉ https://bctcnn.vst.gov.vn.
Đơn vị gửi báo cáo cần đăng ký tài khoản để đăng nhập Cổng thông tin điện tử hệ thống Tổng kế toán, tài khoản nhân danh chính là mã đơn vị theo quy định của KBNN gồm 18 ký tự Mã chương. Mã địa bàn. Mã QHNS. Giải pháp cấp tài khoản nhân danh thay vì tài khoản đích danh (là tài khoản cấp đích danh từng cá nhân) giảm tải tính phức tạp trong công tác quản trị người dùng, theo đó khi cá nhân đơn vị nghỉ hưu, thay đổi vị trí công tác phía KBNN không cần cấp lại tài khoản đăng nhập.
Các đơn vị dự toán cấp một gửi báo cáo cho KBNN đồng cấp dưới dạng file XML (Extensible Markup Language: Mô tả dữ liệu dưới dạng text với mục đích chính đơn giản việc chia sẻ tài nguyên giữa các hệ thống chương trình khác nhau, đặc biệt những hệ thống được kết nối mạng), theo cấu trúc do KBNN quy định.
Nếu phần mềm kế toán của đơn vị chưa hỗ trợ kết xuất XML, KBNN cung cấp công cụ chuyển đổi gọi tắt là phần mềm offline – là một phần mềm nhỏ được đơn vị cài đặt trên máy trạm sau khi đơn vị tải về từ Cổng thông tin điện tử hệ thống Tổng kế toán.
Để thực hiện gửi báo cáo cho KBNN, đơn vị phải có chữ ký số nhân danh của đơn vị hoặc chữ ký số đích danh của Thủ trưởng đơn vị đang còn hiệu lực do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số theo quy định của pháp luật (theo hướng dẫn tại Công văn số 5772/BTC-KBNN ngày 21/5/2019 của Bộ Tài chính về việc sửa đổi, bổ sung Công văn số 2728/BTC-KBNN ngày 11/3/2019 của Bộ Tài chính hướng dẫn gửi báo cáo cung cấp thông tin tài chính để triển khai lập báo cáo tài chính nhà nước năm 2018).
Hệ thống kiểm tra cấu trúc file báo cáo phải phù hợp với từng loại hình đơn vị, đơn vị dự toán cấp 1 là đơn vị kế toán cấp trên theo mẫu quy định tại Thông tư số 99/2018/TT-BTC ngày 1/11/2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn báo cáo tài chính tổng hợp của đơn vị kế toán nhà nước là đơn vị kế toán cấp trên, đơn vị dự toán cấp 1 là đơn vị kế toán cơ sở theo mẫu quy định tại Thông tư số 107/2017/ TT-BTC ngày 10/10/2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ kế toán hành chính, sự nghiệp, hoặc đơn vị là Uỷ ban nhân dân xã và các đơn vị khác gửi báo cáo dạng file PDF thay vì gửi file dạng XML.
Sau khi đơn vị ký chữ ký số thành công, hệ thống sẽ chuyển file báo cáo cho KBNN đồng cấp gần như tức thời. Tại khối chức năng xử lý nghiệp vụ, người sử dụng KBNN thực hiện nhận file báo cáo điện tử, hệ thống cho phép người dùng nhận một hoặc nhiều file báo cáo của nhiều đơn vị đồng thời. Về nguyên tắc, đơn vị chịu trách nhiệm về tính đúng đắn của số liệu, vì vậy hệ thống chỉ kiểm tra tính logic của số liệu báo cáo trên cơ sở các quy tắc, ràng buộc nghiệp vụ đã được định nghĩa trước theo quy tắc kiểm tra từng chỉ tiêu có mối liên quan giữa các báo cáo như chỉ tiêu tiền, các khoản phải thu khác trên Báo cáo tình hình tài chính bằng chỉ tiêu tiền, tổng các khoản phải thu khác trên Báo cáo thuyết minh tài chính…
Nếu bộ báo cáo vi phạm quy tắc này, hệ thống liệt kê chi tiết các chỉ tiêu không bằng nhau, người sử dụng thực hiện từ chối nhận báo cáo, hệ thống tự động gửi toàn bộ thông tin lỗi báo cáo vào email của đơn vị.
Quy trình nhận thành công khi báo cáo có trạng thái “chờ tổng hợp”. Nguyên tắc tổng hợp báo cáo theo hai bước:
- Bước một, hệ thống hợp cộng bằng cách cộng toàn bộ các báo cáo bổ sung thông tin tài chính (báo cáo các giao dịch nội bộ của các đơn vị);
- Bước hai, hệ thống tổng hợp báo cáo tài chính nhà nước đồng thời loại trừ giao dịch nội bộ tại bước một.
Hệ thống cho phép người sử dụng có thể tổng hợp thử nghiệm trước khi tổng hợp chính thức. Chức năng này giúp người dùng tìm ra nhanh các chênh lệch từ số liệu đầu vào của đơn vị. Chức năng tổng hợp báo cáo cáo tài chính nhà nước là chức năng nòng cốt trong hệ thống phần mềm tổng kế toán.
Do nguồn dữ liệu đầu vào rất đa dạng, phức tạp, hệ thống hỗ trợ tối đa người dùng quy trình xử lý, tổng hợp tất cả các nguồn dữ liệu đầu vào này. Ví dụ: Các số liệu trên báo cáo tài chính nhà nước tỉnh được tổng hợp từ báo cáo cung cấp thông tin tài chính của các đơn vị dự toán cấp I trên địa bàn tỉnh; báo cáo tổng hợp thông tin tài chính của các huyện; Báo cáo cung cấp thông tin tài chính của Cục Thuế tỉnh (số liệu thu và phải thu NSNN của Cục Thuế trên địa bàn tỉnh); số liệu vay của tỉnh do Vụ NSNN (Bộ Tài chính) cung cấp và được tổng hợp vào báo cáo KBNN tỉnh; số liệu vốn nhà nước tại doanh nghiệp của tỉnh quản lý do Sở Tài chính tỉnh cung cấp và một số số liệu thu, chi NSNN do KBNN tỉnh tổng hợp từ hệ thống Kho dữ liệu nghiệp vụ; số liệu tài sản công do Cục Quản lý công sản, kho bạc hỗ trợ nhập…
Từ đó, hệ thống tổng hợp báo cáo tài chính nhà nước tỉnh theo đúng quy định tại Nghị định số 25/2017/ NĐ-CP ngày 14/3/2017 của Chính phủ về báo cáo tài chính nhà nước, bao gồm 4 báo cáo chính: Báo cáo tình hình tài chính nhà nước tỉnh; báo cáo kết quả hoạt động tài chính nhà nước tỉnh; báo cáo lưu chuyển tiền tệ tỉnh; thuyết minh báo cáo tài chính nhà nước tỉnh.
Việc lập thành công báo cáo tài chính nhà nước sẽ không chỉ góp phần nâng cao vai trò, vị thế của KBNN trong nền tài chính công quốc gia mà quan trọng hơn là đặt nền móng quan trọng, làm tiền đề cho các giai đoạn tiếp theo, góp phần vào công cuộc cải cách quản lý tài chính công tại Việt Nam, tiến đến một nền tài chính ngày càng công khai, minh bạch, phù hợp với thông lệ quốc tế.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Tổng cục thống kê, “Báo cáo tình hình kinh tế xã hội Quý II và 6 tháng đầu năm 2020”, 6/2020;
2. IMF, Bản bổ sung định kỳ “Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á (ADO”) 4/2020;
3. IMF, “Báo cáo cập nhập Triển vọng kinh tế thế giới (World Economic Outlook Update)”, 6/2020;
4. IMF, “Báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới 2020”, 1/2020;
5. VEPR, “Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2020 – Củng cố điểm tựa tài khóa cho phát triển”, 6/2020;
Bài và ảnh: ĐỖ THỊ THU HÀ