Công tác kiểm soát chi qua KBNN đã được Bộ, ngành hướng dẫn về quy trình, thủ tục kiểm soát chi NSNN qua KBNN. Tuy nhiên, có một số văn bản chưa quy định rõ ràng, nhất quán, đôi khi còn chồng chéo dẫn đến việc tổ chức thực hiện kiểm soát chi nói chung và kiểm soát chi nhóm tài khoản tiền gửi (TKTG) các đơn vị thụ hưởng NSNN qua KBNN nói riêng chưa được thống nhất về cách hiểu văn bản cũng như trình tự, thủ tục thực hiện kiểm soát chi, từ đó có ảnh hưởng nhất định đến chất lượng kiểm soát chi và tiềm ẩn rủi ro.
Qua thực tiễn triển khai nhiệm vụ kiểm soát, thanh toán từ TKTG các đơn vị thụ hưởng NSNN tác giả muốn trao đổi một số khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách đã tác động đến chất lượng kiểm soát chi của KBNN ở địa phương và tính hiệu quả trong chi tiêu NSNN.
Căn cứ Thông tư số 61/2014/ TT-BTC ngày 12/05/2014 hướng dẫn đăng ký và sử dụng tài khoản tại KBNN trong điều kiện áp dụng hệ thống TABMIS (Thông tư 61) quy định danh mục tài khoản tiền gửi gồm 7 loại tài khoản: TKTG của các đơn vị hành chính, sự nghiệp gồm 3 tài khoản: Tiền gửi dự toán (3711), Tiền gửi thu sự nghiệp (3712), Tiền gửi khác (3713); TKTG của xã gồm có 3 tài khoản: Tiền gửi vốn đầu tư do xã quản lý (3721), tiền gửi các quỹ công chuyên dùng (3722), tiền gửi khác (3723); TKTG của dự án (3731); TKTG có mục đích (3741); TKTG của các tổ chức, cá nhân (3751); TKTG của các quỹ (3761) và TKTG đặc biệt của các đơn vị (3771). Tuy nhiên, căn cứ Điều 32 Thông tư số 77/2017/TT- BTC ngày 28/07/2017 hướng dẫn Chế độ kế toán NSNN và hoạt động nghiệp vụ KBNN (Thông tư 77) quy định danh mục tài khoản tiền gửi gồm 8 loại tài khoản, trong đó riêng TKTG các đơn vị hành chính, sự nghiệp gồm 4 tài khoản: Tiền gửi dự toán (3711), tiền gửi thu phí (3712), tiền gửi thu sự nghiệp khác (3714), tiền gửi khác (TK 3713) ; ngoài ra, còn có thêm TKTG của các đơn vị khác (3791).
Về tên gọi, TKTG 3711 là tài khoản đơn vị dự toán áp dụng cho tất cả các đơn vị thụ hưởng NSNN, không chỉ có đơn vị hành chính, sự nghiệp mà bao gồm cả đơn vị lực lượng vũ trang và cơ quan Đảng, trong khi đó Thông tư 77 đặt tên TK 3711 là tài khoản dự toán của các đơn vị hành chính, sự nghiệp.
Tại Điều 39 Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21/12/2016 của Chính phủ hướng dẫn luật NSNN năm 2015 có quy định: Các đơn vị sử dụng ngân sách và các tổ chức được NSNN hỗ trợ thường xuyên phải mở tài khoản tại KBNN… Giao Bộ Tài chính quy định chi tiết và hướng dẫn về việc mở tài khoản tại KBNN. Hiện nay, KBNN đang dự kiến trình Bộ Tài chính ban hành Thông tư thay thế Thông tư 61 sau khi nghị định về thủ tục hành chính trong lĩnh vực KBNN được Chính phủ ban hành.
Nguồn hình thành TKTG rất đa dạng, song chủ yếu tập trung ở một số phương thức cấp phát và các kênh thanh toán đầu vào (tiền mặt, chuyển khoản) bao gồm:
Nguồn hình thành do NSNN cấp: Nguồn hình thành TKTG xuất phát từ NSNN chủ yếu thông qua hình thức cấp phát bằng lệnh chi tiền cho các đơn vị thụ hưởng NSNN như cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam; đơn vị thuộc Lực lượng vũ trang; các cơ quan cấp dưới thực hiện các nhiệm vụ của cấp trên thông qua việc cơ quan cấp trên cấp kinh phí bằng dự toán chuyển tiền vào TKTG của cấp dưới để thực hiện các nhiệm vụ, chương trình của cấp trên (chương trình mục tiêu; kinh phí ủy quyền; dự án khoa học – công nghệ; các quỹ đường bộ; quỹ khám bệnh người nghèo; các dự án có vốn vay nước ngoài, vốn ODA…). Luồng tiền hình thành từ các kênh thanh toán như: Căn cứ phiếu thu, giấy nộp tiền vào tài khoản, lệnh chuyển Có từ ngân hàng chuyển về; căn cứ lệnh chuyển Có kiêm chứng từ phục hồi từ KBNN khác chuyển về; căn cứ uỷ nhiệm chi của đơn vị chuyển tiền cho đơn vị thụ hưởng có tài khoản tại cùng 1 đơn vị KBNN…
Nguồn hình thành có nguồn gốc từ NSNN: Hình thành từ nguồn thu phí, lệ phí và các nguồn thu khác có nguồn gốc từ NSNN… Các đơn vị nộp bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản các khoản tiền có nguồn gốc từ NSNN như: Tiền bán đấu giá tài sản, các khoản được trích để lại đơn vị…
Nguồn hình thành không có nguồn gốc từ NSNN: Hình thành từ tiền gửi của tổ chức, cá nhân ủng hộ, hỗ trợ, làm từ thiện; các khoản kinh phí được để lại từ hoạt động dịch vụ (không sử dụng NSNN) của các đơn vị sự nghiệp theo cơ chế tự chủ…
Căn cứ nguồn hình thành nêu trên và quy định tại Khoản 2, Điều 7, Thông tư số 39/2016/TT-BTC ngày 01/03/2016 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 161 quy định chế độ kiểm soát, thanh toán các khoản chi NSNN qua KBNN (Thông tư 39), thì cơ quan KBNN căn cứ vào văn bản pháp lý quy định nguồn hình thành và cơ chế sử dụng kinh phí của TKTG đó để thực hiện kiểm soát chi.
Tuy nhiên, trong thực tiễn công tác việc theo dõi, xác định chính xác nguồn hình thành và được hạch toán đúng tính chất tài khoản ngay từ khi tiếp nhận nguồn kinh phí đầu vào không phải là điều dễ dàng. Mặt khác, chính sách, chế độ hướng dẫn về tính chất và hạch toán TKTG còn một số vướng mắc đã tác động không nhỏ đến việc theo dõi nguồn hình thành trên TKTG.
Chẳng hạn, đối với TKTG có mục đích (TK 3741) nguồn hình thành theo quy định tại Thông tư số 71/2011/ TT-BTC ngày 24/05/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc trích lập, quản lý và sử dụng quỹ thi đua, khen thưởng theo Nghị định số 42/2010/ NĐ-CP ngày 15/04/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng (Thông tư 71) bao gồm: Từ nguồn NSNN; từ đóng góp của cá nhân, tổ chức trong nước, nước ngoài cho mục đích thi đua, khen thưởng; từ nguồn thu hợp pháp khác. Như vậy, nếu từ nguồn NSNN do việc các đơn vị thụ hưởng NSNN trích kinh phí từ tài khoản dự toán theo tỷ lệ% theo chế độ, từ đó việc sử dụng nguồn kinh phí phải đảm bảo đúng mục đích, đối tượng quy định tại Thông tư 71.
Trường hợp sử dụng nguồn đóng góp của tổ chức, cá nhân và nguồn hợp pháp khác cho công tác thi đua khen thưởng thì không nhất thiết phải tuân thủ quy định của nhà nước. Tuy nhiên, khi nhận nguồn kinh phí đầu vào, cho dù từ nguồn nào cũng hạch toán gộp chung vào TK 3741, đến khi chi ra thì không thể theo dõi chính xác tính chất nguồn kinh phí được hình thành từ ban đầu để thực hiện khâu kiểm soát chi đầu ra.
Tương tự, căn cứ Nghị định số 191/2013/NĐ- CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết về tài chính công đoàn (Nghị định 191), quy định nguồn hình thành TKTG công đoàn (TK 3751) bao gồm: Đoàn phí công đoàn do đoàn viên công đoàn đóng (1% quỹ tiền lương); kinh phí Công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng (2% quỹ tiền lương) và do NSNN cấp hỗ trợ.
Như vậy, nguồn kinh phí công đoàn được xác định có nguồn gốc từ NSNN (2% quỹ tiền lương), tuy nhiên căn cứ Điều lệ công đoàn và Nghị định 191 thì cơ quan Công đoàn các cấp có thể mở TKTG tại KBNN hoặc tại ngân hàng thương mại để thực hiện hoạt động thu, chi kinh phí công đoàn. Với quy định này và trong thực tế hiện nay tại địa phương, cơ quan Công đoàn vừa mở TKTG tại KBNN vừa mở TKTG tại NHTM để gửi kinh phí công đoàn, do đó KBNN sẽ không thực hiện kiểm soát chi nguồn hình thành có nguồn gốc từ NSNN.
Trường hợp được NSNN hỗ trợ (thông thường từ công đoàn cấp trên hỗ trợ công đoàn cấp dưới để mua sắm, sửa chữa, xây dựng…) cũng được hạch toán vào TK 3751, lúc này việc xác định chính xác nguồn đầu vào sẽ rất khó khăn, từ đó ảnh hưởng đến công tác kiểm soát chi của KBNN.
Hiện nay, Thông tư 161 và Thông tư39 là hai văn bản pháp quy cơ bản quy định chế độ kiểm soát chi nói chung và kiểm soát chi TKTG qua KBNN nói riêng. Tuy nhiên, trong thực tế triển khai, có một số vướng mắc, bất cập, cụ thể như sau:
Đối với TKTG dự toán (TK 3711) của các đơn vị hành chính, sự nghiệp:
Theo quy định tại Thông tư 39 thì hồ sơ thanh toán đối với TKTG dự toán là Ủy nhiệm chi chuyển khoản, chuyển tiền điện tử (Mẫu C4-02/KB) hoặc Giấy rút tiền mặt từ TKTG (Mẫu C4-09/KB), KBNN không thực hiện kiểm soát chi tài khoản này. Tuy nhiên, trong thực tế TK 3711 là tài khoản chủ yếu nhận kinh phí từ NSNN để chi tiêu cho cơ quan Đảng, các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang và các cơ quan khác được NSNN hỗ trợ. Do đó, nếu không kiểm soát chi tài khoản này sẽ làm giảm hiệu quả sử dụng NSNN và tiềm ẩn rủi ro trong hoạt động KBNN.
Đối với TKTG dự toán (TK 3711) các cơ quan thuộc lực lượng vũ trang:
Thông tư số 369/2017/TT-BTC ngày 11/04/2017 của Bộ Tài chính về cấp phát, kiểm soát kinh phí để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng của Bộ Quốc phòng (Thông tư 369) quy định về chế độ kiểm soát chi như sau: Căn cứ nội dung lệnh chi tiền thực hiện chuyển tiền vào TKTG của đơn vị sử dụng NSNN mở tại KBNN và gửi báo Có cho đơn vị. Khi đơn vị thực hiện chi từ TKTG, KBNN nơi giao dịch thực hiện kiểm soát thanh toán trên cơ sở số dư trên TKTG của đơn vị, đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật.
Như vậy, KBNN sẽ kiểm soát chi trên cơ sở số dư trên TKTG được đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật hay là KBNN kiểm soát chi trên cơ sở số dư trên TKTG của đơn vị và đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật về kiểm soát chi (định mức, tiêu chuẩn, hồ sơ…), nội dung quy định này chưa rõ và có thể hiểu ở các khía cạnh khác nhau về kiểm soát chi.
Ngoài ra, tại khoản 6, Điều 4 Thông tư 369 quy định: Các khoản chi xây dựng, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa các công trình, dự án thuộc danh mục bí mật nhà nước theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Tuy nhiên, hiện nay chi thường xuyên thuộc danh mục bí mật nhà nước chưa được Thủ tướng chính phủ, Bộ Quốc phòng ban hành, do đó khi đơn vị đề nghị chi xây dựng, sửa chữa… có ghi nội dung trên chứng từ chi là “Bảo mật cao” thì KBNN thực hiện chi mà không thực hiện kiểm soát chi cho dù khoản chi xây dựng, sửa chữa đó có thuộc danh mục bí mật nhà nước hay không.
Đối với việc ứng trước dự toán chi thường xuyên đối với những nhiệm vụ cần thiết, cấp bách, quan trọng thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách năm sau theo quy định tại khoản 2, Điều 14 Thông tư số 55/2017/TT-BTC ngày 19/05/2017 của Bộ Tài chính quy định chi tiết về quản lý, sử dụng NSNN đối với một số hoạt động thuộc lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội hiện chưa phù hợp với quy định của Luật NSNN năm 2015 và Nghị định 163.
Đối với kiểm soát chi tài khoản tiền gửi của các đơn vị sự nghiệp (TK 3712, TK 3713, TK 3714): Căn cứ Nghị định số 16/2015/NĐ- CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập (Nghị định 16) và Nghị định số 141/2016/ NĐ-CP ngày 10/10/2016 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác (Nghị định 141) quy định việc mở TKTG tại KBNN hoặc tại ngân hàng thương mại để phản ánh các khoản thu, chi hoạt động dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng NSNN.
Đối với các khoản kinh phí thuộc NSNN, các khoản thu dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN, các khoản thu phí theo pháp luật về phí, lệ phí, đơn vị mở tài khoản tại KBNN để phản ánh. Như vậy, trường hợp đơn vị mở TKTG tại KBNN để phản ánh các khoản thu dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN, đây là khoản thu có nguồn gốc từ NSNN nên KBNN thực hiện kiểm soát chi.
Trong trường hợp hoạt động dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng NSNN nhưng đơn vị vẫn mở TKTG tại KBNN thì lúc này về nguyên tắc KBNN không kiểm soát chi nguồn kinh phí này. Tuy nhiên cho dù có nguồn gốc hay không có nguồn gốc NSNN thì đều đưa nguồn thu từ hoạt động dịch vụ sự nghiệp công vào cùng một TKTG 3714, đây là điểm nghẽn cần được tháo gỡ.
Đối với các đơn vị thực hiện cơ chế tự chủ thì nguồn kinh phí được phân phối qua kết quả tài chính trong năm thông qua việc trích lập các quỹ (Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, Quỹ bổ sung thu nhập, Quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi, Quỹ khác) hiện nay có quy định về việc trích lập các quỹ và cơ chế sử dụng, song chưa quy định rõ ràng việc hạch toán loại TKTG phù hợp với tính chất và nội dung của nguồn kinh phí để làm cơ sở kiểm soát chi của KBNN.
Chẳng hạn, nguồn hình thành từ việc trích lập các Quỹ do tiết kiệm được trong năm (chênh lệch thu lớn hơn chi) nên đưa toàn bộ vào TK 3713 hay là một tài khoản nào khác… theo đó việc kiểm soát chi sẽ căn cứ vào quy chế chi tiêu nội bộ hoặc là căn cứ vào chế độ quy định về kiểm soát chi để KBNN thực hiện kiểm soát chi theo đúng từng nguồn hình thành.
Để quản lý chặt chẽ nguồn đầu vào, làm cơ sở để kiểm soát chi đầu ra trên TKTG của các đơn vị thực hiện cơ chế tự chủ; cơ quan chức năng cần quy định cụ thể về loại tài khoản tương ứng với tính chất của khoản thu (thuộc NSNN hay không thuộc NSNN) và phù hợp với từng loại quỹ để thuận lợi trong việc mở tài khoản và thực hiện trích lập, theo dõi và thực hiện kiểm soát chi TKTG đảm bảo chính xác theo từng nguồn, từng nội dung chi.
Đối với kiểm soát chi tài khoản tiền gửi khác của các đơn vị dự toán (TK 3713), căn cứ Công văn số 4696/KBNN-KTNN ngày 29/09/2017 của KBNN hướng dẫn Thông tư 77 có quy định: Tài khoản 3713 phản ánh khoản tiền gửi có nguồn gốc khác (không do NSNN cấp) của đơn vị hành chính, sự nghiệp; tài khoản này không theo dõi mã cấp ngân sách. Tuy nhiên, Thông tư 39 quy định: Tài khoản 3713 mà văn bản pháp luật không quy định KBNN phải kiểm soát thì hồ sơ tạm ứng, thanh toán bao gồm: Ủy nhiệm chi chuyển khoản, chuyển tiền điện tử (Mẫu C4-02/KB) hoặc giấy rút tiền mặt từ TKTG (Mẫu C4-09/KB).
Như vậy, nếu căn cứ vào Thông tư 77 thì TKTG khác không có nguồn gốc từ NSNN và được KBNN trả lãi và thu phí thanh toán, theo đó KBNN không thực hiện kiểm soát chi. Tuy nhiên, nếu căn cứ Thông tư 39 thì TKTG khác được KBNN thực hiện kiểm soát chi hay không còn tùy thuộc vào quy định các văn bản pháp luật.
Đối với TKTG kinh phí ủy quyền, Thông tư 39 quy định: Tùy theo các nội dung chi, đơn vị gửi kèm theo các hồ sơ, chứng từ như đối với trường hợp thanh toán, chi trả từ tài khoản dự toán. Tuy nhiên, theo Luật NSNN (tại Khoản 5, Điều 9), Thông tư 77 và Thông tư 61 thì không tồn tại TKTG kinh phí ủy quyền và do đó việc kiểm soát TKTG kinh phí ủy quyền theo Thông tư 39 sẽ không thực hiện được.
Ngoài các TKTG nêu trên thì Thông tư 161 và Thông tư 39 chưa có hướng dẫn việc kiểm soát chi các TKTG của các tổ chức, đơn vị, bao gồm: Ban quản lý dự án (TK 3731); Tiền gửi của xã (TK 3720, TK 3722, TK 3723); Tiền gửi có mục đích (TK 3741); Tiền gửi của các tổ chức – cá nhân (TK 3751); Tiền gửi đặc biệt của các đơn vị (TK 3771); Tiền gửi của đơn vị khác (TK 3791). Tất cả các TKTG này sẽ được điều chỉnh bởi các văn bản pháp quy riêng biệt theo từng lĩnh vực cụ thể.
Theo quy định hiện hành, việc tạm ứng, thanh toán tạm ứng TKTG đều thực hiện quy trình tương tự như tài khoản dự toán, tuy nhiên hiện nay chưa xây dựng được chương trình phần mềm quản lý TKTG tích hợp được với hệ thống TABMIS.
Do đó, KBNN các tỉnh, thành phố đều thực hiện kiểm soát TKTG theo hình thức thủ công, nhất là việc tạm ứng và theo dõi thanh toán tạm ứng. Khi đơn vị thụ hưởng NSNN có nhu cầu chi (tạm ứng hoặc thanh toán), KBNN thực hiện tạm ứng (chưa đủ điều kiện thanh toán) hoặc thanh toán (đủ điều kiện thanh toán), tuy nhiên trong thực tế KBNN ở địa phương chỉ thực hiện kiểm soát chi “một lần” cho dù hồ sơ có đủ điều kiện thanh toán hay không, đây là “lỗ hổng” đặt ra trong công tác kiểm soát chi TKTG của KBNN.
Do vậy, cần cân nhắc để bổ sung, sửa đổi Thông tư 77 đối với TKTG (TK loại 3) theo hướng được theo dõi tạm ứng – thực chi tương tự như tài khoản chi ngân sách (tài khoản loại 8) trên hệ thống TABMIS để đảm bảo tính thống nhất trong kiểm soát, hạch toán và thanh toán trong hoạt động KBNN.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Thông tư số 61/2014/TT-BTC ngày 12/05/2014hướng dẫn đăng ký và sử dụng tài khoản tại KBNN trong điều kiện áp dụng hệ thống TABMIS.
2. Thông tư số 77/2017/TT-BTC ngày 28/07/2017 hướng dẫn Chế độ kế toán NSNN và hoạt động nghiệp vụ KBNN.
3. Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21/12/2016 của Chính phủ hướng dẫn Luật NSNN năm 2015.
4. Thông tư số 39/2016/TT-BTC ngày 01/3/2016 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 161 quy định chế độ kiểm soát, thanh toán các khoản chi NSNN qua KBNN.
5. Thông tư số 369/2017/TT-BTC ngày 11/04/2017 của Bộ Tài chính về cấp phát, kiểm soát kinh phí để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng của Bộ Quốc phòng.
ThS. NGUYỄN CÔNG ĐIỀU