Trong những năm qua, KBNN Bến Tre luôn tuân thủ chặt chẽ các quy định về kiểm soát chi NSNN nhằm đảm bảo chi tiêu NSNN đúng mục đích, hiệu quả, tạo điều kiện cho các đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tuy nhiên, việc kiểm soát chi NSNN đối với các đơn vị sự nghiệp công lập vẫn còn một số vấn đề tồn tại cần được nghiên cứu, trao đổi tìm giải pháp khắc phục.
In the recent years, the State Treasury of Ben Tre Province has always strictly followed the regulations on state budget expenditure control to ensure that the state budget expenditure is effective, on the right purpose and creating favourable conditions for spending units to fulfil their tasks. However, the control of state budget expenditure for public non-business units still has some problems that need to be studied and discussed to find solutions.
Với hệ thống văn bản pháp lý quy định về hoạt động đơn vị sự nghiệp công lập ngày càng được hoàn thiện, cơ chế tài chính tự chủ, tự chịu trách nhiệm giúp các đơn vị sự nghiệp chủ động nâng cao chất lượng hoạt động dịch vụ công cho xã hội. Tuy nhiên, qua thực tế, KBNN Bến Tre nhận thấy công tác kiểm soát chi NSNN đối với các đơn vị sự nghiệp công lập còn một số bất cập và hạn chế.
Một số điểm hạn chế
Nguồn kinh phí NSNN bố trí hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập còn khó khăn, nhiều khoản chi bố trí kế hoạch chi nhưng chưa chủ động cân đối để phân bổ ngay đầu năm, kế hoạch vốn đầu tư phải giao nhiều lần trong năm, kinh phí sự nghiệp còn phát sinh bổ sung rất nhiều lần trong năm… đã làm ảnh hưởng đến công tác kiểm soát chi của KBNN và chậm tiến độ thực hiện dự toán của các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn.
Hiện tại, cơ sở các văn bản pháp lý liên quan đến kiểm soát chi về tiêu chuẩn, định mức chi vẫn còn thiếu. Cụ thể, quy định về mua sắm tài sản, thiết bị chuyên dùng chưa được ban hành hoặc ban hành chưa đầy đủ; Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp chưa quy định rõ ràng, đơn vị sự nghiệp công lập chưa tự chủ chi thường xuyên có được dùng nguồn kinh phí giao khoán (tự chủ) hoặc tiết kiệm để thanh toán về kiểm soát chi lương trả hợp đồng lao động công việc không thường xuyên; Nghị định số 161/2018/NĐCP ngày 29/11/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập có quy định đơn vị sự nghiệp công lập do nhà nước đảm bảo toàn bộ hoặc một phần chi thường xuyên thì không được ký hợp đồng đối với những người xác định vị trí việc làm là viên chức. Thực tế hoạt động một số đơn vị sự nghiệp công lập chỉ có một người làm kế toán (là vị trí viên chức), trong trường hợp không ký hợp đồng cho vị trí kế toán sẽ xảy ra tình trạng đơn vị không có kế toán khi viên chức kế toán nghỉ hộ sản, nghỉ việc mà chưa có người thay thế.
Bên cạnh đó, hệ thống văn bản vẫn còn chồng chéo, mâu thuẫn chưa được sửa đổi đồng bộ như: Thông tư số 39/2016/TT-BTC ngày 01/03/2016 của Bộ Tài chính (Thông tư 39) về sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư số 161/2012/TT-BTC ngày 02/10/2012 của Bộ Tài chính (Thông tư 161) quy định chế độ kiểm soát thanh toán các khoản chi NSNN qua KBNN quy định hồ sơ chi thu nhập tăng thêm là danh sách chi trả thu nhập tăng thêm và bảng xác định kết quả tiết kiệm chi theo năm, trong khi Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập và Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/04/2006 quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập lại quy định việc trích lập các quỹ, trong đó có trích lập Quỹ bổ sung thu nhập để chi trả thu nhập tăng thêm. Ngược lại, Thông tư số 81/2006/TT-BTC ngày 06/09/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ kiểm soát chi đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính lại quy định KBNN không kiểm soát việc sử dụng các quỹ của đơn vị sự nghiệp công lập. Theo quy định, các khoản chi phúc lợi phải chi từ quỹ phúc lợi nhưng thực tế, đa số đơn vị chi các khoản mang tính phúc lợi vào chi thường xuyên, từ đó làm sai lệch kết quả tiết kiệm, ảnh hưởng đến tỷ lệ trích các quỹ.
Quy trình nghiệp vụ chi đầu tư còn phức tạp, rườm rà. Công chức phải nhập dữ liệu vào 03 chương trình một lúc (ĐTKB-LAN, THBCLAN, TABMIS) nên quá trình xử lý hồ sơ thanh toán chậm. Quy trình chi thường xuyên phải mở sổ tay khi tiếp nhận hồ sơ, trong khi yêu cầu giải quyết hồ sơ phải rút ngắn nên áp lực công việc rất lớn, ảnh hưởng đến chất lượng kiểm soát chi cũng như mất nhiều thời gian của công chức.
Ứng dụng công nghệ còn hạn chế so với yêu cầu thực tế. Hệ thống hạ tầng truyền thông chưa được nâng cấp tăng tốc độ xử lý nhanh; nhiều phần mềm ứng dụng được trang bị nhưng tính kết nối chưa cao, chưa khai thác được thông tin trên hệ thống dùng chung (giữa TABMIS, ĐTKB-LAN, THBC-LAN…). Hiện nay, KBNN chưa có phần mềm ứng dụng để hỗ trợ kiểm soát chi thường xuyên trong kiểm soát chi lương, lập phiếu giao nhận chứng từ chi thường xuyên, theo dõi tạm ứng tài khoản tiền gửi… nên phải thực hiện thủ công làm chậm thời gian giải quyết hồ sơ, gây áp lực và tiềm ẩn rủi ro đối với công chức kiểm soát chi.
Công tác kiểm tra, thanh tra chuyên ngành còn khó khăn, đôi khi còn lúng túng trong xử lý các sai sót; số lượng công chức thanh tra chưa bố trí đủ theo quy định, công tác tự kiểm tra hiệu quả chưa cao, chưa hỗ trợ nhiều trong việc nâng cao chất lượng kiểm soát chi của KBNN. Nhiều đơn vị sự nghiệp chưa tuân thủ quy định, còn nhiều sai sót trong thủ tục giao dịch với KBNN nhưng xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực KBNN chưa kiên quyết, nhiều trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập vi phạm thủ tục thanh toán, cam kết chi nhưng phần lớn KBNN chỉ yêu cầu điều chỉnh chứng từ, hoặc bổ sung hồ sơ thanh toán.
Đề xuất giải pháp
Để khắc phục các hạn chế trong kiểm soát chi đối với đơn vị sự nghiệp công lập, cần thực hiện các giải pháp sau:
Cơ quan tài chính bố trí dự toán kịp thời đầu năm, hạn chế bổ sung nhiều lần trong năm. Địa phương cần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo nguồn kinh phí cân đối thu chi ngân sách. KBNN chủ động phối hợp các đơn vị liên quan tập trung đầy đủ, kịp thời các nguồn thu NSNN, đảm bảo nguồn cân đối bố trí kịp thời các khoản chi theo dự toán ngay từ đầu năm, hạn chế bổ sung dự toán nhiều lần trong năm; kịp thời hướng dẫn các đơn vị tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư hằng năm, tạo điều kiện cho các đơn vị sự nghiệp công lập tiếp cận nhanh nguồn vốn, chủ động trong thực hiện nhiệm vụ, nâng cao chất lượng dịch vụ công nhằm tăng nguồn thu dịch vụ sự nghiệp, giảm sự hỗ trợ từ NSNN và tiến tới tự chủ về tài chính, chủ động chi tiêu theo thẩm quyền, giảm số lượng hồ sơ kiểm soát chi qua KBNN.
Kiến nghị các cấp ban hành hoàn thiện các văn bản pháp luật liên quan đến thu chi, quản lý tài chính đơn vị sự nghiệp công lập, đảm bảo các văn bản hướng dẫn đồng bộ, thống nhất làm cơ sở để KBNN thực hiện kiểm soát chi theo từng loại hình đơn vị sự nghiệp như: Sửa đổi Thông tư 39, Thông tư 161 theo hướng quy định cụ thể kiểm soát chi theo mức độ tự chủ kinh phí của đơn vị sự nghiệp trong đó bao gồm nguồn thu sự nghiệp có sử dụng NSNN; không thực hiện kiểm soát chi qua KBNN đối với nguồn thu sự nghiệp không sử dụng NSNN (kể cả đơn vị sự nghiệp là ban quản lý dự án đầu tư chuyên ngành, khu vực); bổ sung tài khoản mới để theo dõi nguồn thu sự nghiệp không sử dụng NSNN, sửa đổi tên TK 3714 thành tài khoản nguồn thu sự nghiệp sử dụng NSNN; thực hiện hợp đồng lao động trong đơn vị sự nghiệp, thuê mướn thực hiện công việc kế toán; bổ sung quy định cho phép các đơn vị sự nghiệp tạm ứng kinh phí để trích lập quỹ phúc lợi thực hiện chi các khoản phúc lợi ngay từ đầu năm (hoặc theo quý) trên cơ sở tạm tính tiết kiệm chi thường xuyên của đơn vị; xây dựng thống nhất nội dung mẫu biểu văn bản xác định kết quả tiết kiệm của đơn vị sự nghiệp công lập nhằm tạo điều kiện cho KBNN kiểm soát chặt chẽ, thống nhất các loại hình đơn vị sự nghiệp công lập, đảm bảo kết quả tiết kiệm đầy đủ chính xác, đúng thực tế, tạo điều kiện để các cơ quan quản lý đánh giá phân loại mức độ tự chủ tài chính của từng đơn vị sự nghiệp công lập.
Sửa đổi quy trình thống nhất đầu mối kiểm soát chi áp dụng tại KBNN tỉnh theo hướng đơn giản hóa thủ tục, chuyên sâu, rút ngắn thời gian xử lý chứng từ, giảm bớt số lượng người tham gia quy trình kiểm soát chi từ 5 chức danh xuống còn 3 chức danh nhằm thống nhất, tránh trùng, phân định rõ tránh nhiệm giữa hai phòng Kế toán nhà nước và Kiểm soát chi. Triển khai đầy đủ, kịp thời, thống nhất từ cách hiểu đến cách làm ở mỗi công chức kiểm soát chi, đồng thời mỗi công chức kiểm soát chi chủ động nghiên cứu, học tập nắm chắc các quy định về kiểm soát chi các lĩnh vực sự nghiệp để hướng dẫn các đơn vị thực hiện và hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Đẩy nhanh triển khai dịch vụ công trực tuyến của KBNN đến 100% đơn vị giao dịch nhằm giảm bớt thao tác nhập liệu trên hệ thống, xây dựng kết nối các chương trình dịch vụ công, TABMIS, chương trình thanh toán song phương, liên ngân hàng đảm bảo theo hướng kiểm soát chính trên dịch vụ công, thanh toán ngay sau khi kiểm soát trên dịch vụ công, đồng thời quy định cụ thể về lưu trữ trong điều kiện thực hiện dịch vụ công để công chức mạnh dạn thực hiện và nhằm giảm bớt thời gian trong lưu trữ chứng từ theo quy trình hiện tại; thông báo, vận động các đơn vị lựa chọn hình thức thanh toán các khoản chi phí bằng hình thức thanh toán chuyển khoản qua ngân hàng (đối tượng thụ hưởng có tài khoản tại ngân hàng) không phân biệt giá trị khoản chi.
Tăng cường quản trị nội bộ, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực kiểm soát chi, hướng đến kiểm soát chi theo phương pháp hậu kiểm. Tạo điều kiện cho công chức kiểm soát chi tham gia nghiên cứu, học tập nâng cao về trình độ chuyên môn nghiệp vụ kiểm soát chi; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ công chức trực tiếp làm công tác kiểm soát chi để thống nhất thực hiện các văn bản, chế độ quy định. Sắp xếp, phân công công chức hợp lý dựa trên sở trường, năng lực nhằm giảm định biên các bộ phận trung gian và quản lý nội bộ, tăng cường số lượng công chức kiểm soát chi và thanh tra, kiểm tra. Thường xuyên giáo dục nâng cao trách nhiệm, phong cách ứng xử và văn hóa giao tiếp cho công chức kiểm soát chi thông qua tổ chức các lớp về kỹ năng giao tiếp, văn minh văn hóa.
Áp dụng công nghệ hiện đại, an toàn trong kiểm soát chi: Tổ chức các lớp đào tạo kiến thức tin học cho công chức kiểm soát chi sử dụng thành thạo các ứng dụng trong nghiệp vụ, thao tác trên máy tính nhanh, giảm thời gian nhập liệu trên hệ thống TABMIS. Có giải pháp khuyến khích, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ phục vụ trong kiểm soát chi và thanh toán của KBNN như: Kết nối dữ liệu để khai thác thông tin dùng chung giữa TABMIS, ĐTKB-LAN, THBC-LAN (tiến tới bỏ, không sử dụng chương trình ĐTKB-LAN); xây dựng ứng dụng hỗ trợ kiểm soát chi lương, phụ cấp lương, theo dõi tạm ứng tài khoản tiền gửi; lập phiếu giao nhận chứng từ chi thường xuyên; nâng cấp chương trình khai thác báo cáo vốn đầu tư đáp ứng yêu cầu báo cáo của địa phương; nâng cấp hoàn thiện chương trình DVC về lỗi kỹ thuật, tốc độ xử lý trong giao nhận, xử lý chứng từ, đảm bảo hướng tới số hóa hồ sơ, chứng từ thanh toán.
Nâng cao hơn nữa chất lượng kiểm tra, tự kiểm tra, thanh tra chuyên ngành KBNN: Bố trí đủ số lượng công chức thanh tra; tăng cường thực hiện công tác tự kiểm tra nội bộ, kiểm tra chéo trong từng đơn vị và giữa các bộ phận với nhau; định kỳ sáu tháng thành lập đoàn kiểm tra cấp dưới để nắm bắt việc triển khai các văn bản mới, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn và thống nhất thực hiện. Xây dựng kế hoạch thanh tra chuyên ngành chú ý các đơn vị sự nghiệp công lập có nguồn thu sự nghiệp lớn, có nguồn hỗ trợ NSNN nhiều, đơn vị sai phạm trong hồ sơ thanh toán qua KBNN. Bố trí đủ số lượng và năng lực công chức thanh tra theo yêu cầu. Khai thác có hiệu quả hệ thống quản lý rủi ro và giám sát từ xa, cảnh báo mọi rủi ro trong hoạt động KBNN.
Hằng năm, tổ chức các hội nghị chuyên đề về kiểm soát chi thường xuyên, chi đầu tư nhằm tuyên truyền, hướng dẫn, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong kiểm soát chi; qua đó tuyên truyền về cơ chế kiểm soát chi NSNN qua KBNN thông tin để các đơn vị biết, từ đó có sự chia sẻ những khó khăn, phối hợp KBNN thực hiện. Khi phát hiện các sai phạm trong lĩnh vực KBNN cần dứt khoát xử lý nghiêm. Bên cạnh đó, tuyên truyền các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kho bạc, kế toán, sử dụng tài sản nhà nước, thực hành tiết kiệm chống lãng phí, nhằm giúp đơn vị nâng cao ý thức phòng tránh các sai phạm. Động viên, khuyến khích các đơn vị giao dịch chấp hành tốt quy định về hồ sơ, thủ tục thanh toán qua KBNN.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp;
- Nghị định số 161/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị dự nghiệp công lập;
- Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập;
- Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/04/2006 quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập;
- Thông tư số 39/2016/TT-BTC ngày 01/03/2016 của Bộ Tài chính về sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư số 161/2012/TT-BTC ngày 02/10/2012 của Bộ Tài chính quy định chế độ kiểm soát thanh toán các khoản chi NSNN qua KBNN;
- Thông tư số 81/2006/TT-BTC ngày 06/09/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ kiểm soát chi đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính