Trong những năm qua, Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) đã góp phần quan trọng trong việc phát triển hệ thống hạ tầng cơ sở tại các địa bàn thôn, xã để thực hiện một số mục tiêu đã được xác định trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội chung của đất nước trong một thời gian xác định. Bên cạnh đó, vẫn còn một số nội dung cần đặt ra và giải quyết đối với công tác kiểm soát chi phí quản lý dự án thuộc chương trình này.
Nghị định số 161/2016/ NĐ-CP ngày 02/12/2016 của Chính phủ về cơ chế đặc thù trong quản lý đầu tư xây dựng đối với một số dự án thuộc các CTMTQG giai đoạn 2016 – 2020 (Nghị định 161). Cụ thể: Dự án thuộc các CTMTQG giai đoạn 2016 – 2020 có quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp, Nhà nước hỗ trợ đầu tư một phần, phần còn lại do nhân dân đóng góp (gọi tắt là dự án nhóm C quy mô nhỏ).
Dự án nhóm C quy mô nhỏ phải đáp ứng được các tiêu chí: Thuộc nội dung đầu tư của các CTMTQG giai đoạn 2016 – 2020; tổng mức đầu tư dưới 05 tỷ đồng; dự án nằm trên một địa bàn xã do UBND xã quản lý; sử dụng một phần NSNN, phần kinh phí còn lại do nhân dân đóng góp và các nguồn khác, có sự tham gia thực hiện và giám sát của người dân. Phần kinh phí đóng góp của nhân dân có thể bằng tiền hoặc hiện vật, ngày công lao động được quy đổi thành tiền; thuộc danh mục loại dự án được áp dụng cơ chế đặc thù do UBND cấp tỉnh ban hành.
Trên cơ sở của Nghị định 161, ngày 30/12/2016, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 349/2016/TTBTC quy định về thanh toán, quyết toán nguồn vốn đầu tư từ NSNN thực hiện các CTMTQG giai đoạn 2016 – 2020. Cụ thể: Hồ sơ ban đầu gửi đến KBNN để được kiểm soát thanh toán đối với dự án thực hiện dự án: Quyết định phê duyệt Hồ sơ xây dựng công trình của UBND xã kèm theo Hồ sơ xây dựng công trình; hợp đồng thực hiện dự án/gói thầu được ký kết giữa Ban quản lý xã và đại diện cộng đồng dân cư, tổ chức đoàn thể, tổ, nhóm, thợ.
Những kết quả đạt được
Để triển khai thực hiện các dự án thuộc CTMTQG do xã quản lý, UBND xã thành lập Ban quản lý thực hiện CTMTQG để quản lý các dự án thuộc CTMTQG trên địa bàn, có trách nhiệm lập hồ sơ xây dựng công trình gửi UBND xã thẩm định và phê duyệt, dự thảo hợp đồng, đàm phán ký kết hợp đồng xây dựng.
Các dự án nhóm C quy mô nhỏ được áp dụng cơ chế đầu tư đặc thù lập hồ sơ xây dựng công trình đơn giản (gọi tắt là hồ sơ xây dựng công trình) thay cho báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng. Do vậy, hồ sơ pháp lý của dự án thực hiện dự án chỉ gồm Quyết định phê duyệt Hồ sơ xây dựng công trình của UBND xã kèm theo hồ sơ xây dựng công trình; hợp đồng thực hiện dự án/gói thầu được ký kết giữa Ban Quản lý xã và đại diện cộng đồng dân cư, tổ chức đoàn thể, tổ, nhóm, thợ.
Riêng chi phí quản lý dự án thực hiện theo Thông tư của Bộ Tài chính quy định (hiện nay là Thông tư số 72/2017/TT-BTC ngày 17/7/2017 của Bộ Tài chính quy định về quản lý, sử dụng các khoản thu từ hoạt động quản lý dự án của các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án (BQLDA) sử dụng vốn NSNN (Thông tư 72)). Đối với của Ban Quản lý xã, UBND cấp tỉnh trình HĐND cấp tỉnh ban hành định mức chi phí quản lý dự án và nội dung chi phù hợp với các quy định hiện hành và điều kiện cụ thể của địa phương nhưng không cao hơn các định mức chi phí theo cơ chế đầu tư thông thường.
Theo Thông tư 72, BQLDA gồm 2 nhóm: Nhóm 1: Các chủ đầu tư do người quyết định đầu tư giao, BQLDA đầu tư xây dựng 1 dự án nhóm A do chủ đầu tư quyết định thành lập; Nhóm 2: BQLDA đầu tư xây dựng chuyên ngành, BQLDA đầu tư xây dựng khu vực. BQLDA nhóm 1 quản lý một dự án có tổng mức đầu tư nhỏ hơn 15 tỷ đồng không phải lập và duyệt dự toán thu, chi quản lý dự án.
Qua thực tế khi triển khai kiểm soát thanh toán đối với Dự án nhóm C có quy mô nhỏ, do áp dụng theo cơ chế đặc thù, thủ tục đơn giản, các chủ đầu tư (Ban Quản lý xã) tiếp cận nhanh, thời gian lập, thẩm định và phê duyệt dự án được rút ngắn, nên công tác giải ngân vốn thuộc CTMTQG được dễ dàng, thuận lợi, góp phần phát triển hệ thống các cơ sở hạ tầng thiết yếu, tạo động lực phát triển kinh tế xã hội trên các địa bàn xã, thôn.
Một số vướng mắc
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác kiểm soát thanh toán đối với các dự án nhóm C trong đó có chi phí quản lý dự án do BQL xã do quản lý, cũng còn một số vướng mắc, cụ thể:
Theo quy định Thông tư 72 thì BQLDA quản lý 1 dự án có tổng mức đầu tư nhỏ hơn 15 tỷ đồng thì không phải lập và duyệt dự toán thu, chi quản lý dự án; còn đối với BQLDA quản lý nhiều dự án phải thực hiện lập dự toán thu, chi quản lý dự án. Để thanh toán chi phí quản lý dự án, Ban Quản lý xã quản lý từ hai dự án trở lên phải mở tài khoản tiền gửi (TK 3731) tại Kho bạc nơi giao dịch để tiếp nhận kinh phí QLDA được trích từ các dự án, đồng thời phải có dự toán thu, chi được cấp cấp thẩm quyền phê duyệt.
KBNN nơi Ban Quản lý xã mở tài khoản căn cứ vào Quyết định giao kế hoạch vốn, quyết định giao dự toán thu, chi quản lý dự án của cấp có thẩm quyền thực hiện tạm ứng, thanh toán theo đề nghị của Ban Quản lý xã. Tuy nhiên, cơ cấu Ban Quản lý xã gồm: Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND xã làm Trưởng ban, công chức phụ trách giao thông, địa chính xã và 01 công chức phụ trách kế toán phụ trách kế toán Ban… các công chức này xét về thực tế thì chưa đủ điều kiện năng lực về quản lý xây dựng để thực hiện một số công việc thuộc nhiệm vụ quản lý dự án.
Qua nắm bắt một số đơn vị KBNN cơ sở, một số Ban Quản lý xã không biết trong năm phải quản lý bao nhiêu dự án, nên không thể lập dự toán thu, chi gửi cấp có thẩm quyền phê duyệt, khi có phát sinh dự án, kế toán Ban Quản lý xã gửi hồ sơ đến Kho bạc đề nghị thanh toán chi phí quản lý dự án. Căn cứ theo quy định quản lý một dự án có tổng mức đầu tư nhỏ hơn 15 tỷ đồng, chuyên viên Kho bạc hướng dẫn kế toán Ban Quản lý xã thực hiện thanh toán chi phí quản lý dự án từ tài khoản thanh toán vốn.
Một thời gian sau, Kế toán Ban Quản lý xã lại đem đến Kho bạc một dự án khác và cũng đề nghị thanh toán chi phí quản lý dự án, chuyên viên Kho bạc phải kiểm soát thanh toán trực tiếp từ tài khoản thanh toán vốn, nên không thể đề nghị đơn vị phải mở tài khoản tiền gửi để chuyển chi phí quản lý dự án từ tài khoản thanh toán vốn, việc làm này không đúng với quy định là quản lý từ hai dự án trở lên phải mở tài khoản tiền gửi (TK 3731) tại Kho bạc nơi giao dịch để tiếp nhận kinh phí QLDA được trích từ các dự án.
Nội dung dự toán chi của Ban Quản lý xã chủ yếu là khoản chi phụ cấp kiêm nhiệm quản lý dự án, đa số các công chức xã được phân công kiêm nhiệm quản lý dự án, mức hưởng phụ cấp kiêm nhiệm quản lý dự án 01 tháng cho một cá nhân tối đa bằng 50% tiền lương và phụ cấp lương 01 tháng của cá nhân đó. Khi Ban Quản lý xã đề nghị thanh toán chi phí phụ cấp kiêm nhiệm, chuyên viên Kho bạc phải mở sổ theo dõi công chức đó đã hưởng phụ cấp kiêm nhiệm tháng mấy trong năm.
Trường hợp tháng đó đã hưởng rồi nhưng Ban Quản lý xã đề nghị chi phụ cấp kiêm nhiệm của tháng đó nữa nhưng vượt trên 50% tiền lương và phụ cấp lương 1 tháng của cá nhân thì chuyên viên Kho bạc phải từ chối thanh toán. Bên cạnh đó, chi phí QLDA phải làm sao thanh toán hết nên Ban Quản lý xã lập chứng từ thanh toán cho khoản phụ cấp kiêm nhiệm quản lý dự án không trùng khớp với thời gian thực hiện dự án nên không đúng theo quy định tại Điểm b, Khoản 3, Điều 11 Thông tư 72.
Qua những vướng mắc trên cho thấy, công tác kiểm soát chi phí quản lý dự án đối với CTMTQG còn nhiều khó khăn cho Kho bạc, vì Thông tư 72 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý chi phí dự án đối với BQLDA nhóm 1, phải có đủ điều kiện năng lực phù hợp để thực hiện quản lý dự án và nhiệm vụ chính chuyên về quản lý dự án.
Còn đối với Ban Quản lý xã đa số là công chức xã kiêm nhiệm, điều kiện năng lực về lĩnh vực đầu tư XDCB còn hạn chế nên việc áp dụng cơ chế thanh toán vốn đầu tư cho các BQLDA chuyên ngành, khu vực đối với các Ban Quản lý xã là chưa phù hợp. Nói khác hơn, thực hiện lập dự toán thu, chi phí QLDA của Ban Quản lý xã hiện nay là chưa khả thi.
Cơ chế thanh toán vốn CTMTQG theo Nghị định 161 quy định: Dự án có quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp; Thông tư 349 hướng dẫn: Dự án nhóm C có quy mô nhỏ chỉ cần Quyết định phê duyệt hồ sơ công trình của UBND xã, hợp đồng được ký kết giữa Ban Quản lý xã với đại diện cộng đồng dân cư, tổ chức đoàn thể, tổ, nhóm, đội nhưng chi phí quản lý dự án thì lại thực hiện theo Thông tư số 72 của Bộ Tài chính thì đây là vấn đề cần phải nghiên cứu sửa đổi bổ sung cho phù hợp.
Một số kiến nghị
Cơ chế đặc thù trong quản lý đầu tư xây dựng đối với một số dự án thuộc các CTMTQG giai đoạn 2016 – 2020 trong đó quy định đơn giản về hồ sơ thủ tục như: Hồ sơ xây dựng công trình thay cho Báo cáo kinh tế kỹ thuật, không thông qua đấu thầu mà chỉ ký kết hợp đồng đối với đại diện cộng đồng dân cư, tổ chức đoàn thể, tổ, nhóm, thợ. Đối với chi phí QLDA cũng cần có văn bản quy định đơn giản về hồ sơ thanh toán, để các Ban Quản lý xã dễ thực hiện.
Như theo quy định hiện nay, để được thanh toán chi phí QLDA, các Ban Quản lý xã thường hay lập hồ sơ chứng từ “khống” để đối phó, làm sao để thanh toán được hết chi phí QLDA đã được phê duyệt trong quyết định phê duyệt hồ sơ xây dựng công trình, điều này vô hình trung tạo kẽ hở cho các Ban Quản lý xã làm sai nguyên tắc trong quản lý tài chính, dẫn đến Kho bạc cũng phải chịu liên đới trách nhiệm.
Tại khoản 1, Điều 11, Thông tư 349 quy định: “Việc quản lý, sử dụng chi phí quản lý dự án thực hiện theo Thông tư của Bộ Tài chính quy định về quản lý, sử dụng các khoản thu từ hoạt động quản lý dự án của các chủ đầu tư, BQLDA sử dụng vốn NSNN và vốn TPCP”.
Theo quy định này, các Ban Quản lý xã phải thực hiện chi phí quản lý dự án theo BQLDA nhóm 1, thực hiện việc lập dự toán, quyết toán thu chi theo quy định tại Mục 1, Chương II Thông tư 72, khả năng của Ban Quản lý xã để thực hiện các quy định này là nhiệm vụ bất khả thi. Vì vậy, đối Ban Quản lý xã, cần có quy định đơn giản hơn. Cụ thể là giảm bớt khâu lập dự toán thu, chi QLDA, bổ sung Ban Quản lý xã có thể thanh toán trực tiếp chi phí QLDA từ tài khoản thanh toán vốn.
Theo quy định hiện hành, căn cứ vào hồ sơ chứng từ có liên quan theo quy định Thông tư 72, Kho bạc kiểm soát thanh toán chi phí QLDA cho Ban Quản lý xã, đến khi dự án hoàn thành, Ban Quản lý xã lập hồ sơ trình cơ quan tài chính thẩm tra quyết toán. Điều này dẫn đến một khoản chi NSNN mà có hai cơ quan kiểm soát chi. Do vậy, nếu theo quy định cơ quan tài chính thẩm tra
quyết toán, thì cơ quan Kho bạc có thể không kiểm soát hồ sơ chứng từ liên quan mà chỉ thanh toán theo đề nghị của Ban Quản lý xã. Đến khi cơ quan tài chính thẩm tra quyết toán, trường hợp Ban Quản lý xã thanh toán vượt tiêu chuẩn, định mức, Ban Quản lý xã có trách nhiệm nộp trả cho NSNN.
Để phục vụ khách hàng một cách tốt nhất nhưng vẫn đảm bảo được tiền và tài sản của Nhà nước, kiểm soát chi ngân sách đúng luật, đúng chế độ chính sách của Nhà nước, cần tiếp tục nghiên cứu và có những giải pháp tốt hơn để công tác kiểm soát chi NSNN vừa thuận lợi cho đơn vị sử dụng ngân sách, vừa đảm bảo an toàn tiền và tài sản của Nhà nước, người làm nhiệm vụ kiểm soát chi thực hiện nhiệm vụ một cách tốt nhất, hạn chế áp lực vì công việc, tiềm ẩn rủi ro dẫn đến trách nhiệm pháp lý của bản thân.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Nghị định số 161/2016/NĐ-CP ngày 02/12/2016 của Chính phủ về cơ chế đặc thù trong quản lý đầu tư xây dựng đối với một số dự án thuộc các CTMTQG giai đoạn 2016 – 2020.
2. Thông tư số 349/2016/TT-BTC ngày 30/12/2016 của Bộ Tài chính quy định về thanh, quyết toán nguồn vốn đầu tư từ NSNN thực hiện các CTMTQG giai đoạn 2016 – 2020.
3. Thông tư số 72/2017/TT-BTC ngày 17/7/2017 của Bộ Tài chính quy định về quản lý, sử dụng các khoản thu từ hoạt động quản lý dự án của các CĐT, BQLDA sử dụng NSNN.
Dương Công Trinh