Tiếp tục tăng cường hơn nữa kỷ luật, kỷ cương của ngành, nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ kiểm soát chi, tuyệt đối chấp hành các quy định và quy trình về nghiệp vụ.
Thường xuyên theo dõi, cập nhật các chủ trương, chính sách, các văn bản chế độ mới liên quan đến thực hiện phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách năm 2019 nói chung và các văn bản chính sách liên quan đến công tác quản lý, kiểm soát chi NSNN nói riêng, để triển khai thực hiện công tác kiểm soát chi đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định, các giao dịch thông suốt, liên tục, không bị ách tắc và đặc biệt không được bỏ sót công việc vào tháng cuối năm 2019 và trong thời gian chỉnh lý quyết toán NSNN.
1. Về công tác kiểm soát chi thường xuyên
Tăng cường kiểm soát chặt chẽ các khoản chi thường xuyên NSNN đúng quy định tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán NSNN năm 2019, đảm bảo trong phạm vi dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt và đảm bảo đúng tiêu chuẩn, định mức, nội dung theo quy định.
1.1. Về kiểm soát thanh toán đối với các khoản chi mua ô tô
Thực hiện kiểm soát đối với các khoản chi mua ô tô theo quy định tại Luật quản lý, sử dụng tài sản công số 15/2017/QH-14 ngày 21/06/2017; Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật quản lý, sử dụng tài sản công; Thông tư số 144/2017/TT-BTC ngày 29/12/2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung của nghị định 151/2017/NĐ-CP; Nghị định 04/2019/NĐ-CP ngày 11/01/2019 của Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô; Nghị định số 85/2018/NĐ-CP ngày 30/05/2018 của Chính phủ quy định định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô tại đơn vị lực lượng, vũ trang nhân dân. Trong đó đặc biệt lưu ý đối với trường hợp mua xe chuyên dùng được quy định tại Điều 5, Nghị định số 85/2018/NĐ-CP và Mục 3. Xe ô tô chuyên dùng, Nghị định 04/2019/NĐ-CP ngày 11/01/2019 của Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô.
1.2. Về kiểm soát thanh toán kinh phí để thực hiện sửa chữa, bảo trì, cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất
Việc kiểm soát chi đối với kinh phí để thực hiện sửa chữa, bảo trì, cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất được thực hiện theo quy định tại các Thông tư của Bộ Tài chính: Thông tư 92/2017/TT-BTC ngày 18/09/2017 quy định về lập dự toán, phân bổ và quyết toán kinh phí để thực hiện sửa chữa, bảo trì, cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất; Thông tư 39/2016/TT-BTC ngày 01/03/2016 của Bộ Tài chính về sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư 161/2012/TT-BTC ngày 02/10/2012 quy định chế độ kiểm soát, thanh toán các khoản chi NSNN qua KBNN; trong đó lưu ý:
(1) Về thẩm quyền phê duyệt kế hoạch và dự toán sửa chữa công trình có chi phí dưới 500 triệu đồng từ nguồn NSNN theo quy định tại Điểm b, Khoản 2, Điều 4 Thông tư 92/2017/TT-BTC được hiểu là cấp có thẩm quyền theo phân cấp của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND Thành phố trong việc quyết định thực hiện sửa chữa, bảo trì, cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất.
(2) Về thời hạn phê duyệt báo cáo kinh tế – kỹ thuật đối với các công trình sửa chữa, bảo trì, cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên: Thời hạn phê duyệt báo cáo kinh tế – kỹ thuật đối với các công trình nêu trên không bắt buộc phê duyệt trước ngày 31/10 năm trước năm kế hoạch nhưng phải có trước khi phân bổ dự toán (theo quy định tại Điểm b, Khoản 2, Điều 4 Thông tư 92/2017/TT-BTC).
1.3. Về kiểm soát chi đối với mua sắm tài sản, máy móc, thiết bị
Kiểm soát chi đối với mua sắm tài sản thực hiện theo Luật quản lý, sử dụng tài sản công số 15/2017/QH-14 ngày 21/06/2017; Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật quản lý, sử dụng tài sản công; Quyết định 50/2017/QĐ-CP ngày 31/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị; trong đó lưu ý:
(1) Việc mua sắm tài sản phải được phê duyệt trong dự toán ngân sách được giao, đúng tiêu chuẩn định mức tại Quyết định số 50/2017/QĐ-CP ngày 31/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Đối với các tài sản thuộc danh mục mua sắm tập trung thực hiện theo quy định tại Điểm 3 Điều 31 Luật quản lý và sử dụng tài sản công.
(2) Đối với việc mua sắm máy móc, trang thiết bị chuyên dùng: Thực hiện kiểm soát theo quy định tại Điều 8 Mục 3 Quyết định 50/2017/QĐ-CP ngày 31/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị.
1.4. Kiểm soát chi đối với các nhiệm vụ không thường xuyên khác
Căn cứ vào dự toán ngân sách nhà nước đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao, theo danh mục công việc để kiểm soát; đảm bảo nội dung chi phù hợp với dự toán được duyệt. Các trường hợp đặc thù khác có hướng dẫn riêng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cần nghiên cứu, cập nhật để thực hiện kiểm soát chi đúng quy định.
Trường hợp giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng NSNN từ nguồn kinh phí chi thường xuyên thực hiện theo Nghị định 32/2019/NĐ-CP ngày 10/04/2019 của Chính phủ.
Đối với việc kiểm soát chi từ tài khoản tiền gửi: Căn cứ vào văn bản pháp lý quy định nguồn hình thành và cơ chế sử dụng kinh phí của TKTG đó để thực hiện kiểm soát chi; đảm bảo từng nội dung chi phù hợp với tính chất của từng tài khoản.
2. Về kiểm soát thanh toán đối với chi đầu tư
Thực hiện nghiêm các nội dung liên quan đến công tác kiểm soát chi vốn đầu tư, đảm bảo công tác kiểm soát thanh toán vốn đầu tư qua KBNN được kịp thời, theo đúng quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật xây dựng và các quy định của pháp luật hiện hành; thường xuyên nắm bắt thông tin về tình hình thực hiện giải ngân vốn đầu tư công và các vướng mắc để có biện pháp tháo gỡ kịp thời, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2019 theo chỉ đạo chủa Chính phủ.
2.1. Về đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019
Các KBNN chỉ đạo bộ phận liên quan nâng cao tinh thần trách nhiệm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, thực hiện kiểm soát hồ sơ khi chủ đầu tư, ban quản lý dự án gửi đến đảm bảo đúng thời gian quy định; chủ động đôn đốc các chủ đầu tư khi có khối lượng nghiệm thu làm thủ tục thanh toán ngay với KBNN, không dồn khối lượng hoàn thành vào những ngày cuối năm, tập trung giải ngân hết kế hoạch vốn đã được giao năm 2019 và kế hoạch vốn được kéo dài thời gian thực hiện sang năm 2020.
Nghiêm túc thực hiện quy định của Bộ Tài chính tại Thông tư số 52/2018/TT-BTC ngày 24/05/2018 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 08/2016/TT-BTC ngày 18/01/2016 quy định quản lý, thanh toán vốn đầu tư sử dụng nguồn vốn NSNN, Thông tư số 108/2016/TT-BTC ngày 30/06/2016 sủa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 08/2016/TT-BTC và hướng dẫn của KBNN tại công văn số 4025 KBNN-KSC ngày 17/8/2018 về việc hướng dẫn Thông tư số 52/2018/TT-BTC ngày 24/05/2018 của Bộ Tài chính về nguyên tắc và thời gian thực hiện “thanh toán trước, kiểm soát sau” cho từng lần thanh toán và “kiểm soát trước, thanh toán sau” đối với lần thanh toán cuối cùng của hợp đồng. Việc xác nhận, hạch toán ghi thu ghi chi các dự án ODA và vốn vay ưu đãi thực hiện theo Công văn 5324/KBNN-KSC ngày 09/10/2019 của Kho bạc Nhà nước.
2.2. Về việc đôn đốc thu hồi tạm ứng vốn đầu tư
Các KBNN thường xuyên đôn đốc các chủ đầu tư thực hiện tạm ứng và thu hồi tạm ứng bằng văn bản theo đúng quy định tại Quyết định số 5657/QĐ-KBNN ngày 28/12/2016 của Tổng Giám đốc KBNN về việc ban hành kèm theo Quy trình kiểm soát thanh toán vốn đầu tư và vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư trong nước qua hệ thống KBNN; phối hợp với các chủ đầu tư thực hiện kiểm tra vốn đã tạm ứng để thu hồi những khoản tồn đọng chưa sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích chế độ quy định.
Định kỳ hàng quý, thực hiện báo cáo tình hình tạm ứng vốn đầu tư XDCB theo Công văn số 3103/KBNN-KSC ngày 27/06/2018 của Kho bạc Nhà nước, trong đó báo cáo chi tiết các khoản tạm ứng đã quá hạn mà không thực hiện thu hồi được, nguyên nhân và đề xuất hướng xử lý thu hồi tạm ứng.
Đối với số dư tạm ứng theo hợp đồng rà soát đảm bảo bảo lãnh tạm ứng còn hiệu lực; đôn đốc chủ đầu tư cung cấp gia hạn bảo lãnh tạm ứng trong trường hợp bảo lãnh tạm ứng hết hạn; kiểm tra số dư tạm ứng để đảm bảo thu hồi hết số vốn đã tạm ứng khi giá trị thanh toán (bao gồm cả tạm ứng và thanh toán khối lượng hoàn thành) đạt 80% giá trị hợp đồng đối với những hợp đồng ký từ ngày Thông tư 52/2018/TT-BTC có hiệu lực.
Rà soát số dư tạm ứng đối với công việc bồi thường, hỗ trợ và tài định cư của từng dự án nhằm xác định số dư tạm ứng trong hạn, số dư tạm ứng quá thời hạn 3 tháng kể từ thời điểm tạm ứng, số dư tạm ứng quá 1 năm kể từ ngày chuyển về tài khoản tiền gửi của chủ đầu tư. Phối hợp với chủ đầu tư trong việc xử lý số dư tạm ứng quá hạn.
2.3. Đối với số dư ứng trước kế hoạch
Ngày 24/10/2019 Kho bạc Nhà nước có văn bản số 5626/KBNN-KSC gửi Vụ Đầu tư – Bộ Tài chính đề nghị Vụ Đầu tư báo cáo lãnh đạo Bộ để có công văn gửi các Bộ, ngành có số dư ứng trước kế hoạch vốn chưa thu hồi để các Bộ, ngành này thực hiện bố trí kế hoạch vốn trong dự toán ngân sách năm 2020 và các năm sau nhằm thu hồi số vốn đã ứng trước cho các dự án của các Bộ.
Các KBNN chủ động làm văn bản, gửi các chủ đầu tư thông báo về số dư ứng trước kế hoạch, để các chủ đầu tư báo báo Bộ chủ quản nhanh chóng sắp xếp bố trí vốn để thu hồi kế hoạch ứng trước đúng chế độ quy định.
Trên đây là một số lưu ý trong công tác KSC cuối năm, mời các bạn đọc nghiên cứu triển khai thực hiện để mùa quyết toán 2019 thành công nhé!