Thực hiện chủ trương của Chính phủ, Bộ Tài chính đã hoàn thiện các quy định về quản lý thu, chi bằng tiền mặt qua hệ thống KBNN. Ngày 28/12/2018, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 136/2018/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 13/2017/TT-BTC ngày 15/02/2017 quy định quản lý thu, chi tiền mặt qua hệ thống KBNN (Thông tư 136) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/04/2019.
Mặc dù thuận lợi cho các giao dịch thanh toán vừa và nhỏ, song việc thanh toán bằng tiền mặt đòi hỏi chi phí lớn trong việc in ấn, vận chuyển, kiểm đếm, bảo quản; gây khó khăn trong việc kiểm soát tiền tệ cũng như kiểm soát các hoạt động buôn lậu, rửa tiền, tham ô, tham nhũng và tạo điều kiện cho sự phát triển của hoạt động kinh tế ngầm. Trong khi đó, bên cạnh việc giảm thiểu chi phí cho nền kinh tế, thanh toán không dùng tiền mặt còn giúp cho quá trình thanh toán diễn ra nhanh chóng, an toàn, tiện lợi, minh bạch hóa các giao dịch thanh toán; qua đó, góp phần chống thất thu thuế, chống tham nhũng, tiêu cực và tăng tốc độ luân chuyển vốn, giúp cho Ngân hàng Nhà nước điều tiết và kiểm soát lượng tiền trong lưu thông, từ đó có chính sách tiền tệ phù hợp để tác động vào nền kinh tế.
Không nằm ngoài xu hướng chung trên thế giới, trong thời gian qua, Chính phủ Việt Nam cũng đã không ngừng chú trọng đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt. Theo đó, một trong những mục tiêu mà Chính phủ đã đề ra trong Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016 – 2020 là tạo sự chuyển biến rõ rệt về thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế, làm thay đổi dần tập quán sử dụng các phương tiện thanh toán trong xã hội, giảm chi phí xã hội liên quan đến tiền mặt, giảm tỷ lệ tiền mặt trong lưu thông tính trên GDP, tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán; đồng thời, thúc đẩy việc sử dụng thanh toán điện tử, giảm sử dụng tiền mặt trong các giao dịch thanh toán giữa cá nhân, doanh nghiệp và Chính phủ.
Bên cạnh đó, ngày 23/02/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 241/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công: Thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội (Quyết định 241) nhằm đẩy mạnh thanh toán dịch vụ công và chi trả an sinh xã hội qua ngân hàng, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng của nền kinh tế và phát triển thanh toán không dùng tiền mặt.
Thực hiện chủ trương của Chính phủ, Bộ Tài chính đã hoàn thiện các quy định về quản lý thu, chi bằng tiền mặt qua hệ thống KBNN qua việc ban hành Thông tư số 13/2017/TT-BTC ngày 15/02/2017 quy định quản lý thu, chi bằng tiền mặt qua hệ thống KBNN (Thông tư 13); qua đó, đã có những đóng góp tích cực trong việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt. Cụ thể, đến cuối năm 2017, số thu NSNN bằng tiền mặt qua KBNN đã giảm, chỉ còn 1,94% so với tổng thu qua KBNN; chi NSNN bằng tiền mặt tại KBNN chỉ còn 7,57% trong tổng khối lượng giao dịch chi qua KBNN; so với cùng kỳ năm 2016, khối lượng chi bằng tiền mặt tại KBNN đã giảm 24,36%.
Tuy nhiên, tỷ lệ giao dịch bằng tiền mặt trong thu NSNN còn cao (chiếm khoảng 14% so với tổng giao dịch thu qua KBNN). Đồng thời, quy trình chi trả các khoản thanh toán cho cá nhân qua tài khoản còn có lỗ hổng, dẫn tới rủi ro và trong thực tế đã phát sinh một số trường hợp lợi dụng, chiếm đoạt tiền của Nhà nước. Bên cạnh đó, thực hiện Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020 với mục tiêu đến năm 2020, về cơ bản, KBNN không thực hiện giao dịch bằng tiền mặt, việc tiếp tục thắt chặt các giao dịch thu, chi bằng tiền mặt qua KBNN là cần thiết.
Trước tình hình trên, ngày 28/12/2018, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 136 quy định một số nội dung chủ yếu như sau:
Về hình thức thanh toán trong thu nộp NSNN
Thông tư 136 các đơn vị, tổ chức kinh tế có tài khoản tại ngân hàng thương mại thực hiện nộp NSNN bằng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt hoặc nộp bằng tiền mặt tại ngân hàng thương mại để chuyển nộp vào tài khoản của KBNN.
Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đối tượng mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng bao gồm cá nhân và tổ chức là pháp nhân. Theo đó, các đối tượng bắt buộc phải sử dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt hoặc nộp tiền mặt tại ngân hàng thương mại để chuyển nộp NSNN bao gồm các doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và các tổ chức khác có tài khoản tại ngân hàng thương mại; không bao gồm các hộ kinh doanh cá thể (do không có tư cách pháp nhân, không thuộc đối tượng mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng). Đối với các cá nhân và đơn vị, tổ chức khác, thì tiếp tục ưu tiên sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt trong thu nộp NSNN theo quy định của Thông tư 13.
Quy trình chi trả các khoản thanh toán cho cá nhân qua tài khoản
Theo quy định hiện hành tại Thông tư 13, sau khi KBNN kiểm soát và chuyển tiền vào tài khoản thanh toán của đơn vị tại ngân hàng thương mại, đơn vị giao dịch chịu trách nhiệm gửi danh sách chi trả cá nhân cho ngân hàng thương mại để chuyển tiền vào tài khoản của từng người thụ hưởng. Kể từ ngày 01/04/2019, quy trình chi trả các khoản thanh toán cho cá nhân qua tài khoản được thực hiện như sau:
Đối với phương thức giao dịch điện tử (kiểm soát chi lương trên Trang thông tin dịch vụ công của KBNN): Đơn vị giao dịch lập đầy đủ hồ sơ, chứng từ chi, ký số và gửi đến KBNN qua Trang thông tin dịch vụ công điện tử của KBNN; trong đó, bảng thanh toán cho đối tượng thụ hưởng được lập theo phương thức nhập trực tiếp trên Trang thông tin dịch vụ công điện tử của KBNN hoặc tải tệp tin điện tử (file) theo cấu trúc do KBNN công bố vào Trang thông tin dịch vụ công điện tử vào lần tham gia đầu tiên và được đơn vị giao dịch cập nhật hàng tháng nếu có thay đổi.
KBNN kiểm soát chi lương theo chế độ quy định, nếu phù hợp thì chuyển tiền vào tài khoản thanh toán của đơn vị tại ngân hàng thương mại. Sau khi nhận được tiền do KBNN chuyển đến, ngân hàng thương mại nơi đơn vị mở tài khoản thanh toán truy cập vào Cổng trao đổi dữ liệu điện tử của KBNN để lấy thông tin bảng thanh toán cho đối tượng thụ hưởng của đơn vị và thực hiện chuyển tiền từ tài khoản thanh toán của đơn vị vào tài khoản của từng đối tượng thụ hưởng.
Đối với phương thức giao dịch bằng hồ sơ, chứng từ giấy: Sau khi kiểm soát chi NSNN theo chế độ quy định, nếu đủ điều kiện, thì KBNN xác nhận bảng thanh toán cho đối tượng thụ hưởng và trả lại cho đơn vị giao dịch để gửi ngân hàng thương mại làm căn cứ chuyển tiền cho từng cá nhân.
Về việc đăng ký nhu cầu rút tiền mặt và rút tiền mặt tại ngân hàng thương mại
Nhằm tạo thuận lợi cho các đơn vị sử dụng NSNN, Thông tư 136 bãi bỏ quy định đơn vị sử dụng NSNN phải gửi bổ sung văn bản đăng ký rút tiền mặt với KBNN sau khi đã đăng ký qua điện thoại với KBNN. Đối với các hình thức đăng ký nhu cầu rút tiền mặt khác, các đơn vị sử dụng NSNN tiếp tục thực hiện theo quy định tại Thông tư 13.
Về mức rút tiền mặt phải thực hiện tại ngân hàng thương mại, Thông tư 136 quy định các đơn vị sử dụng NSNN khi giao dịch với đơn vị KBNN mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng thương mại có nhu cầu thanh toán bằng tiền mặt có giá trị từ một trăm triệu (100.000.000) đồng trở lên trong 01 lần giao dịch, thì thực hiện rút tiền mặt tại ngân hàng thương mại nơi đơn vị KBNN mở tài khoản, trừ các trường hợp:
(i) Đơn vị sử dụng NSNN có khoản nộp vào KBNN và khoản chi bằng tiền mặt trong cùng một lần giao dịch; đảm bảo sau khi bù trừ, số chi thực tế bằng tiền mặt tại KBNN có giá trị không quá một trăm triệu (100.000.000) đồng hoặc
(ii) Đơn vị KBNN trực tiếp chi trả tiền đền bù, hỗ trợ cho người dân theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền.
Về chi phí đơn vị sự nghiệp công phải trả cho ngân hàng
Thực hiện Quyết định 241 (trong đó, giao Bộ Tài chính rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản hướng dẫn về cơ chế tài chính cho phép các đơn vị cung ứng dịch vụ công được chi trả phí dịch vụ thanh toán cho ngân hàng và tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán khi triển khai việc thanh toán qua ngân hàng), Bộ Tài chính hướng dẫn việc chi trả phí dịch vụ thanh toán khi tổ chức thu qua ngân hàng và tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán tại Thông tư 136 như sau:
Các khoản chi phí mà đơn vị sự nghiệp công phải trả cho ngân hàng hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán khi thực hiện các khoản thu từ hoạt động dịch vụ sự nghiệp công là một khoản chi thường xuyên của đơn vị sự nghiệp công lập và được thực hiện theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.
Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020 đặt ra mục tiêu đến năm 2020, về cơ bản, KBNN không thực hiện giao dịch bằng tiền mặt; đồng thời, sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực của các tổ chức cung ứng dịch vụ chuyên nghiệp. Vì vậy, việc đẩy mạnh thực hiện các khoản thu, chi NSNN, đặc biệt là các khoản thu, chi NSNN bằng tiền mặt qua ngân hàng thương mại theo quy định tại Thông tư 136 là một bước đi đúng đắn; qua đó, giúp hệ thống KBNN tập trung các nguồn lực cho việc cải cách, hiện đại hóa các chức năng cốt lõi của KBNN (quản lý quỹ NSNN, quản lý ngân quỹ và huy động vốn, tổng kế toán nhà nước) và đồng thời, góp phần nâng cao hiệu quả của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, với việc triển khai quy trình kiểm soát thanh toán các khoản chi cho cá nhân qua Trang thông tin dịch vụ công điện tử, KBNN cũng sẽ tiến gần hơn tới việc xây dựng, triển khai quy trình kiểm soát chi điện tử theo định hướng Chiến lược, không chỉ giới hạn ở việc gửi hồ sơ, chứng từ theo hình thức điện tử như hiện nay.
Trong thời gian gần đây, công nghệ thanh toán đang phát triển ngày càng mạnh mẽ với sự ra đời của hàng loạt các phương thức thanh toán mới như ví điện tử, thanh toán bằng mã QR hay qua các đại lý ngân hàng… Mặc dù các công nghệ thanh toán này có mức độ phổ biến chưa cao; song cũng sẽ là một trong những cơ sở để Bộ Tài chính, KBNN tiếp tục nghiên cứu, đẩy mạnh việc ứng dụng, đa dạng hóa các phương thức thanh toán trong thu, chi NSNN và hoàn thiện cơ chế quản lý thu, chi bằng tiền mặt qua hệ thống KBNN hơn nữa nhằm tạo thuận lợi cho người nộp NSNN, các đơn vị sử dụng NSNN và góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam trong thời gian tiếp theo.
Vũ Nguyệt Vân