Hạn chế tối đa rủi ro trong nghiệp vụ kiểm soát chi nhằm đảm bảo an ninh, an toàn cho ngân sách là một trong những vấn đề luôn được KBNN thường xuyên quan tâm trong những năm qua. Vì vậy, việc nghiên cứu rủi ro trong kiểm soát chi ở Kho bạc các cấp, đặc biệt ở cấp huyện là cần thiết để từ đó có giải pháp hạn chế tối đa rủi ro trong thực thi nhiệm vụ kiểm soát chi.
Chiếm số lượng lớn với hơn 600 đơn vị giao dịch trên toàn quốc, KBNN cấp huyện là người “gác cổng” cuối cùng trước khi thực hiện chi NSNN đảm bảo an toàn, minh bạch, hiệu quả, đáp ứng được các yêu cầu nhiệm vụ của địa phương cũng như thực hiện nhiệm vụ chính trị của hệ thống KBNN. Kiểm soát chi ở KBNN cấp huyện chủ yếu thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên và kiểm soát chi các dự án đầu tư, kiểm soát chi các chương trình mục tiêu quốc gia, kiểm soát chi công tác đền bù, giải phóng mặt bằng đối với các dự án trung ương thực hiện trên địa bàn quản lý.
Nguy cơ rủi ro trong kiểm soát chi tại Kho bạc cấp huyện
KBNN cấp huyện cũng đang đối mặt với rất nhiều rủi ro trong khi thực hiện nhiệm vụ kiểm soát chi từ cơ chế chính sách, quy trình nghiệp vụ, hồ sơ thanh toán…
Cơ chế chính sách là hành lang pháp lý để thực hiện nhiệm vụ, tuy nhiên khi triển khai thực tế tại địa phương đối với từng nội dung chi, nhiệm vụ chi khá khó khăn, do những quy định của luật, nghị định, thông tư chung chung, một số quy định chưa sát với thực tế cuộc sống. Ví dụ như: Chi thường xuyên của các cơ quan đơn vị sử dụng ngân sách cần gửi bảng lương chi tiết hay gửi biểu tổng số để KBNN cấp huyện kiểm soát, giảm thiểu rủi ro cho các giao dịch viên trực tiếp giao dịch.
Hiện nay, để cụ thể hóa cơ chế chính sách, KBNN vẫn phải ban hành các quyết định, quy trình để hướng dẫn cụ thể từng nội dung, tuy nhiên, có những nội dung KBNN không được giao nhiệm vụ hướng dẫn thì các đơn vị KBNN cấp dưới nhất là KBNN cấp huyện tự nghiên cứu các quy định và áp dụng trong thực tế cũng làm phát sinh nguy cơ rủi ro.
Với quy trình nghiệp vụ kiểm soát chi đối với KBNN cấp huyện vẫn cần qua 03 khâu kiểm soát: Giao dịch viên-Kế toán trưởng-Lãnh đạo KBNN đối với cả nghiệp vụ kiểm soát chi đầu tư, kiểm soát chi thường xuyên. Quy trình được áp dụng trên cả ứng dụng công nghệ thông tin và kiểm soát hồ sơ giấy, trong điều kiện thời gian kiểm soát hồ sơ ngày càng được rút ngắn ((1) đối với chi đầu tư: các khoản tạm ứng và các khoản chi thực hiện theo hình thức thanh toán trước, kiểm soát sau: Trong vòng 01 ngày làm việc, các khoản thanh toán khối lượng hoàn thành: Chậm nhất 03 ngày làm việc; (2) đối với chi thường xuyên: Đối với khoản tạm ứng, chi từ tài khoản tiền gửi, chi thực hiện theo hình thức thanh toán trước, kiểm soát sau: 01 ngày làm việc; đối với khoản thanh toán: Chậm nhất 02 ngày làm việc) tạo áp lực rất lớn đối với công chức trong từng khâu kiểm soát, đặc biệt là những thời gian cao điểm, có nhiều hồ sơ giao dịch cần xử lý.
Theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hồ sơ thanh toán cho từng khoản chi, từng nội dung chi luôn được quy định tại văn bản quy phạm pháp luật ở cấp nghị định. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, đối với các đơn vị thuộc phần thực thi chính sách cần phải có quy định cụ thể về mẫu biểu hồ sơ, số lượng từng loại hồ sơ cho từng khoản chi dẫn đến lúng túng trong quá trình áp dụng đối với những hồ sơ chưa có mẫu biểu. Ví dụ như mẫu Bảng kê chứng từ thanh toán quy định tại Nghị định số 99/2021/NĐ-CP ngày 11/11/2021 của Chính phủ quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán sử dụng vốn đầu tư công (Nghị định số 99); hồ sơ pháp lý dự toán chi phí cho công tác tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư được cấp có thẩm quyền phê duyệt được lập theo quy định nào để xác định là mẫu này chủ đầu tư/ đơn vị sử dụng ngân sách gửi ra KBNN nơi giao dịch là đúng mẫu… Việc sử dụng mẫu chứng từ trong kiểm soát thanh toán không đúng trong khi thực hiện các quy định của pháp luật cũng là một rủi ro khi thực hiện kiểm soát, thanh toán cho đơn vị.
Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng các chủ đầu tư/đơn vị sử dụng ngân sách gửi bảng kê thanh toán đến KBNN để thanh toán nhưng số hóa đơn kê trong bảng kê được sử dụng nhiều lần hoặc hóa đơn giả, trong khi KBNN chưa có công cụ hỗ trợ phát hiện cũng là một trong những rủi ro phổ biến đối với công chức Kho bạc khi thực hiện nhiệm vụ. Giao dịch viên vẫn phải kiểm soát thủ công một số nội dung như đăng ký mở tài khoản, mẫu dấu chữ ký, việc kiểm tra bằng mắt thường khiến giao dịch viên phải đối diện với nguy cơ bỏ lọt mẫu dấu, chữ ký khống, giả mạo trên các chứng từ.
Cùng với quá trình hiện đại hóa, các ứng dụng công nghệ thông tin trong nghiệp vụ kiểm soát chi ngày càng nhiều. Ở đơn vị KBNN cấp huyện, mỗi hồ sơ thực hiện kiểm soát trên nhiều chương trình như: Dịch vụ công, TABMIS, Chương trình ĐTKB-GD, Chương trình Liên thông chi thường xuyên… Trong khi các ứng dụng công nghệ thông tin hiện nay giới hạn dung lượng hồ sơ không quá 5MB, điều này làm hạn chế trong việc kiểm soát hồ sơ chứng từ của công tác kiểm soát chi, nhất là kiểm soát chi đầu tư với khối lượng hồ sơ có dung lượng lớn và không thể sử dụng dạng scan cũng như chưa được thực hiện số hóa từ phía đơn vị. Quá trình kiểm soát chi phải kết hợp cả thủ công trên bản giấy do đơn vị gửi đến và chứng từ gửi qua ứng dụng công nghệ thông tin khó tránh khỏi rủi ro do hạch toán nhầm tài khoản thanh toán, phải chờ sự tra soát của ngân hàng mới thu hồi lại được số tiền đã thanh toán.
Về nhân sự tham gia kiểm soát chi, lực lượng giao dịch viên ở KBNN cấp huyện còn mỏng, trong khi khối lượng công việc lại quá nhiều. Trung bình mỗi KBNN cấp huyện có từ 10-13 công chức, trong đó chỉ có từ 03-05 công chức làm công tác kiểm soát chi (bao gồm cả chi thường xuyên, cả chi đầu tư) trong khi số lượng công trình dự án và chi tiêu cho các đơn vị sử dụng ngân sách trên địa bàn lớn không tránh khỏi thiếu sót.
KBNN cấp huyện còn lúng túng trong việc áp dụng những hồ sơ kiểm soát thanh toán đã được quy định tại nghị định hướng dẫn vào hồ sơ kiểm soát chi của khoản chi, của dự án như việc chi ra từ tài khoản tiền gửi đối với chi đầu tư, nhiều đơn vị vẫn còn sử dụng mẫu ủy nhiệm chi để thực hiện, trong khi Nghị định số 99 đã quy định phải sử dụng mẫu chứng từ Giấy rút vốn để thực hiện.
Giải pháp giảm thiểu rủi ro trong công tác kiểm soát chi
Về cơ chế chính sách, hành lang pháp lý cần tiếp tục hoàn thiện theo hướng minh bạch và thống nhất hơn để có những quy định rõ ràng, thuận lợi cho việc triển khai thực hiện khi kiểm soát hồ sơ, cụ thể: Cần sửa Nghị định số 99 để phù hợp với quy định của Luật Đất đai; sửa Luật NSNN quy định về trách nhiệm, tổ chức chi của KBNN.
Quy trình kiểm soát, cần phải được trang bị thêm các công cụ hỗ trợ, cảnh báo giao dịch viên đối với các hồ sơ chưa đúng quy định, cảnh báo thời gian quá quy định về thu hồi tạm ứng, cảnh báo việc tạm ứng quá tỷ lệ cho phép, chứng từ, hóa đơn có dấu hiệu bị sử dụng thanh toán nhiều lần, mẫu dấu không trùng khớp… Có lộ trình cụ thể dịch chuyển dần sang hình thức “hậu kiểm” thực hiện kiểm tra sau khi thanh toán để giảm rủi ro, áp lực lên quy trình các bước kiểm soát của KBNN nơi giao dịch, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của đơn vị sử dụng ngân sách.
Để giảm thiểu rủi ro về hồ sơ, KBNN cấp huyện cần thường xuyên tổ chức tọa đàm, hướng dẫn chủ đầu tư/ đơn vị sử dụng ngân sách những điểm mới trong những quy định hiện hành, hồ sơ như thế nào, ghi chép ra sao để chủ đầu tư/đơn vị sử dụng ngân sách làm đúng với các quy định hiện hành. Với những sai sót hoặc thiếu quy định trong mẫu biểu hồ sơ thanh toán, cần báo cáo các cấp quản lý hoặc phối hợp, tham mưu. báo cáo Chính quyền địa phương giải pháp tháo gỡ trong triển khai thực hiện.
Đối với hồ sơ chứng từ kiểm soát chi phải được số hóa từ nguồn, có kết nối, chia sẻ dữ liệu công nghệ thông tin với các đơn vị, cơ quan hữu quan ở trung ương và địa phương. Thực tế cho thấy, mặc dù hiện nay đã có quy định về việc chia sẻ dữ liệu về hợp đồng và Bảng xác định giá trị khối lượng hoàn thành tại Nghị định số 24/2024/NĐ-CP ngày 27/02/2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể nên việc KBNN cấp huyện khó khăn trong áp dụng và thực. Ngoài ra, việc số hóa toàn diện cũng chỉ lấy những thông tin cần thiết cho công tác kiểm soát, thanh toán của KBNN tránh việc trao đổi quá nhiều thông tin thừa, không cần thiết, gây áp lực về mặt dung lượng cho hệ thống tiếp nhận của KBNN.
Cần nâng cấp hệ thống thông tin dịch vụ công và các chương trình ứng dụng khác theo hướng bổ sung các cảnh báo khi những thông tin khi chạm đến định mức, đến tiêu chuẩn, đến thời gian quy định trong quá trình kiểm soát, thanh toán cho từng món chi, từng gói thầu như cảnh báo sắp đến mức phải thu hồi hết tạm ứng, cảnh báo tạm ứng quá mức cho phép theo quy định của cấp có thẩm quyền… Để vận hành tốt hệ thống các ứng dụng phục vụ kiểm soát chi, cần phải tăng cường đào tạo, bồi dưỡng các công chức giao dịch viên tại KBNN cấp huyện. Song song với đó là có cơ chế khen thưởng đột xuất, động viên kịp thời để tạo động lực phấn đấu cho công chức, giao dịch viên.
1.Luật NSNN năm 2015;
2.Nghị định số 99/2021/NĐ-CP ngày 11/11/2021 của Chính phủ quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán sử dụng vốn đầu tư công;
3.Nghị định số 24/2024/NĐ-CP ngày 27/02/2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu
THS. ĐỒNG VĂN ĐỊNH