Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Thanh tra KBNN Hà Nội phát hiện việc trích lập các quỹ từ các khoản thu từ hoạt động quản lý dự án và việc chậm thu hồi tạm ứng bồi thường, hỗ trợ đền bù giải phóng mặt bằng tại một số ban quản lý dự án đầu tư xây dựng (BQLDA) còn một số tồn tại phổ biến, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro cần được trao đổi, chia sẻ để đảm bảo chấp hành đúng chủ trương, chính sách của nhà nước về quản lý Quỹ NSNN.
Từ năm 2016 đến nay, KBNN Hà Nội đã tổ chức thực hiện được 20 cuộc thanh tra chuyên ngành tại các đơn vị sử dụng NSNN với nội dung thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về các khoản chi NSNN, bao gồm chi thường xuyên và chi đầu tư xây dựng cơ bản thực hiện kiểm soát chi qua hệ thống KBNN. Xuất phát từ thực trạng phổ biến và nguyên nhân dẫn đến thiếu sót trong việc trích lập quỹ và quản lý tiền đền bù giải phóng mặt bằng, chúng tôi trao đổi một số đề xuất nhằm hạn chế, phòng ngừa rủi ro trong quản lý quỹ NSNN tại các BQLDA.
Trích lập các quỹ
Hiện nay, các BQLDA được hoạt động theo nguyên tắc tự đảm bảo kinh phí hoạt động theo quy định tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập (Nghị định 16); Nghị định số 141/2016/NĐ-CP ngày 10/10/2016 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác (Nghị định 141); Thông tư số 72/2017/TT-BTC ngày 17/7/2017 của Bộ Tài chính quy định về quản lý, sử dụng các khoản thu từ hoạt động quản lý dự án của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án sử dụng vốn NSNN (Thông tư 72); Thông tư số 06/2019/ TT-BTC ngày 28/01/2019 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 72 (Thông tư 06). Tuy việc sử dụng các khoản thu từ hoạt động quản lý dự án được quy định tại nhiều văn bản pháp lý nhưng qua thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành, chúng tôi nhận thấy việc sử dụng nguồn thu để trích lập các quỹ (quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp; qũy bổ sung thu nhập; quỹ khen thưởng; quỹ phúc lợi) tại các BQLDA vẫn còn nhiều bất cập tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây thất thoát NSNN. Cụ thể như:
Việc trích lập các quỹ được thực hiện bằng cách sử dụng chênh lệch nguồn thu được sử dụng trong năm trừ số chi thường xuyên thực tế. Theo quy định tại Mẫu số 02/QĐ-QLDA Thông tư 06, nguồn thu được sử dụng trong năm phải bằng dự toán chi nhưng thực tế tại một số BQLDA, nguồn thu được sử dụng trong năm lại lớn hơn dự toán chi dẫn đến việc trích lập các quỹ thường cao hơn mức quy định. Việc thực hiện trích lập quỹ sai do hai nguyên nhân chính:
Từ phía cơ quan phê duyệt dự toán: Cơ quan phê duyệt dự toán (thường là UBND các quận, huyện) phê duyệt nguồn thu được sử dụng trong năm lớn hơn số dự toán chi; việc phê duyệt sai của cơ quan ban hành quyết định dẫn đến các BQLDA thực hiện trích lập các quỹ sai.
Từ phía đơn vị sử dụng ngân sách: BQLDA xác định kết quả hoạt động tài chính năm để trích lập các quỹ (được lấy từ nguồn tiết kiệm chi thường xuyên và chênh lệch từ nguồn chi không thường xuyên) là chưa đúng theo quy định tại Mục 11 Thông tư 06.
Theo quy định hiện hành, kết thúc năm ngân sách, sau khi hạch toán đầy đủ các khoản chi phí, nộp thuế và các khoản nộp khác theo quy định, phần chênh lệch giữa nguồn thu thực tế được sử dụng trong năm (không bao gồm các khoản thu trong dự toán được duyệt hoặc phát sinh trong năm chưa thực hiện nhiệm vụ hoặc chưa hoàn thành nhiệm vụ được chuyển sang năm sau để tiếp tục sử dụng theo quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 21 Thông tư 72 và được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 12, Điều 1 Thông tư này) lớn hơn chi thường xuyên thực tế đúng quy định (không bao gồm các khoản chi thường xuyên trong dự toán chi chưa thực hiện hoặc chưa chi hết được chuyển sang năm sau để tiếp tục sử dụng theo quy định tại điểm a Khoản 2, Điều 21 Thông tư 72 và được sửa đổi, bổ sung tại Khoản, 12 Điều 1 Thông tư này), BQLDA được sử dụng theo trình tự như sau: Trích lập tối thiểu 25% để lập Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp; trích lập quỹ bổ sung thu nhập: Tối đa không quá 3 lần quỹ tiền lương ngạch, bậc, chức vụ và các khoản phụ cấp lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động hưởng lương từ chi phí quản lý dự án do nhà nước quy định; quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi: Mức trích đối với 2 quỹ này tối đa không quá 3 tháng tiền lương, tiền công bình quân thực hiện trong năm; phần chênh lệch thu lớn hơn chi còn lại (nếu có) sau khi đã trích lập các quỹ theo quy định được bổ sung vào quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp.
Tuy nhiên, qua thực tế thanh tra chuyên ngành KBNN cho thấy, việc trích lập các quỹ sai quy định tiềm ẩn nhiều rủi ro trong quản lý NSNN như: Đơn vị xác định số thu được sử dụng trong năm chưa đúng quy định dẫn đến việc xác định kết quả hoạt động tài chính năm và số dự toán chi trong năm không chính xác. Việc trích lập các quỹ chưa đúng quy định, cụ thể là trích quỹ bổ sung thu nhập lớn hơn số được trích theo quy định dẫn đến chi thu nhập tăng thêm cho công chức, viên chức vượt nguồn thu đúng được trích, có thể gây thất thoát NSNN.
Để khắc phục tình trạng trên, chúng tôi đề xuất như sau:
Đối với đơn vị BQLDA cần thực hiện xây dựng dự toán chi hằng năm theo đúng quy định tại Thông tư 06, trong đó lưu ý đối với các tiêu chí:
Dự toán chi năm = Nguồn thu được sử dụng trong năm = Tổng số thu – Nguồn thu chuyển sang năm sau tiếp tục sử dụng.
Thực hiện trích lập các quỹ theo quy định tại Mục 11 Thông tư 06; lưu ý khi trích lập các quỹ chỉ được lấy số tiết kiệm chi từ dự toán chi hằng năm đối với các khoản chi thương xuyên (tuyệt đối không lấy số chênh lệch từ dự toán chi không thường xuyên).
Cùng với đó, KBNN thực hiện nghiêm quy trình kiểm soát thanh toán đối với nội dung trích lập các quỹ của các BQLDA đảm bảo theo đúng quy định của Thông tư số 72/2017/ TT-BTC; Thông tư số 06/2019/TT[1]BTC ngày 28/01/2019 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 72/2017/TT-BTC và phù hợp với quy định tại các Nghị định 16, Nghị định 141 nêu trên.
Bồi thường, đền bù giải phóng mặt bằng
Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật quy định về công tác bồi thường, hỗ trợ đền bù giải phóng mặt bằng khá chặt chẽ. Theo đó, chủ đầu tư là các BQLDA được tạm ứng vốn, mức vốn tạm ứng, thu hồi tạm ứng và thời điểm thu hồi tạm ứng đối với công tác bồi thường, hỗ trợ đền bù giải phóng mặt bằng tại KBNN theo quy định tại Khoản 5, Điều 1, Thông tư số 52/2018/TT-BTC ngày 24/5/2018 của Bộ Tài chính (Thông tư 52) sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 08/2016/TT-BTC ngày 18/01/2016 của Bộ Tài chính quy định về quản lý, thanh toán vốn đầu tư sử dụng nguồn vốn NSNN (Thông tư 08), Thông tư số 108/2016/TT[1]BTC ngày 30/06/2016 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 08 (Thông tư 108). Theo đó Thông tư 52 quy định: “Vốn tạm ứng chưa thu hồi nếu quá thời hạn 3 tháng kể từ thời điểm tạm ứng vốn chưa thực hiện chi trả cho người thụ hưởng, chủ đầu tư có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với KBNN yêu cầu tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường hỗ trợ và tái định cư chuyển toàn bộ số dư tạm ứng về tài khoản tiền gửi của chủ đầu tư tại KBNN để thuận tiện cho việc kiểm soát thanh toán và thu hồi tạm ứng”.
Tuy nhiên, trong công tác bồi thường, hỗ trợ đền bù giải phóng mặt bằng hiện nay vẫn mắc phải một số vấn đề như: Một số BQLDA, sau khi thực hiện tạm ứng tiền bồi thường, hỗ trợ đền bù giải phóng mặt bằng tại kho bạc quá thời hạn 3 tháng kể từ thời điểm tạm ứng vẫn chưa thực hiện chi trả cho người thụ hưởng nhưng tự bảo quản tại đơn vị, không nộp vào tài khoản tiền gửi tại KBNN theo đúng quy định. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là: Khi xây dựng kế hoạch bồi thường, hỗ trợ đền bù giải phóng mặt bằng, chủ đầu tư chưa bám sát tình hình thực tế dẫn đến tình trạng cơ quan chủ quản phê duyệt kế hoạch nhưng một số hộ dân là đối tượng thụ hưởng không chấp nhận mức đền bù đã phê duyệt.
Việc tự quản lý tiền bồi thường, hỗ trợ đền bù giải phóng mặt bằng tại BQLDA tiềm ẩn những rủi ro như: Kế toán BQLDA lợi dụng sơ hở để rút tiền làm việc riêng gây thất thoát NSNN; BQLDA dùng tiền bồi thường, hỗ trợ đền bù giải phóng mặt bằng để sử dụng sai mục đích hoặc gửi sang các ngân hàng thương mại hưởng lãi suất tiền gửi sai quy định.
Hồ sơ các khoản thanh toán bồi thường, hỗ trợ đền bù giải phóng mặt bằng cũng còn nhiều bất cập như hồ sơ ghi chưa đầy đủ tên từng hộ dân đã nhận tiền bồi thường, hỗ trợ theo hướng dẫn tại Phụ lục 03b, Quyết định số 5657/QĐ-KBNN ngày 28/12/2016 của Tổng Giám đốc KBNN ban hành quy trình kiểm soát chi thanh toán vốn đầu tư và vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư trong nước quan hệ thống KBNN (Quyết định 5657); trên danh sách các hộ dân nhận tiền bồi thường, hỗ trợ đền bù giải phóng mặt bằng còn có một số trường hợp ký nhận thay mà không có giấy ủy quyền của người thụ hưởng theo quy định của pháp luật. Những thiếu sót trong hồ sơ thanh toán bồi thường đã nêu có thể dẫn đến rủi ro như: Cán bộ làm nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ đền bù giải phóng mặt bằng làm giả hồ sơ thanh toán để chiếm đoạt tiền; đơn vị, cá nhân thực hiện nhiệm vụ bồi thường có thể bị người thụ hưởng khiếu kiện do chi sai đối tượng thụ hưởng gây chậm trễ trong công tác giải ngân và có thể dẫn đến thất thoát NSNN.
Để hạn khắc phục những hạn chế nêu trên, chúng tôi đề xuất một số ý kiến như sau:
BQLDA cần nghiêm túc chấp hành các quy định của Chính phủ, Bộ Tài chính, Ủy ban nhân dân các cấp và các cơ quan có liên quan trong thực thi nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ đền bù giải phóng mặt bằng: Đối với các khoản tạm ứng bồi thường, hỗ trợ đền bù giải phóng mặt bằng kéo dài quá thời gian 3 tháng (kể từ thời điểm tạm ứng) nhưng chưa thực hiện chi trả cho người thụ hưởng phải chuyển toàn bộ số dư tạm ứng về tài khoản tiền gửi của chủ đầu tư tại KBNN để thuận tiện cho việc kiểm soát thanh toán và thu hồi tạm ứng.
Tuyệt đối không chi trả cho đối tượng ngoài danh sách được phê duyệt nếu không có đầy đủ giấy tờ ủy quyền theo quy định của pháp luật.
KBNN thực hiện nghiêm quy trình kiểm soát chi đối với nội dung chi bồi thường, hỗ trợ đền bù giải phóng mặt bằng đảm bảo đúng quy định tại Thông tư 52, Thông tư 08, Thông tư 108, Quyết định 5657…
Để tránh tình trạng chậm thu hồi tạm ứng bồi thường, hỗ trợ đền bù giải phóng mặt bằng do người thụ hưởng không chấp nhận mức giá đền bù và một số lý do khác, chúng tôi đề xuất một số giải pháp sau:
Cần phải xây dựng được định mức, đơn giá đền bù giải phóng mặt bằng phù hợp với thực tế; chú trọng công tác tuyên truyền phổ biến cho người dân về chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước và quy định của thành phố liên quan đến giải phóng mặt bằng;
Thực hiện tốt công tác công khai, minh bạch cơ chế chính sách và lợi ích của nhân dân trong giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện cho người dân hiểu rõ được mục đích và lợi ích khi triển khai dự án;
Quan tâm, chia sẻ với người dân, nhất là đối với những hộ phải di dời đến nơi ở mới; có cơ chế động viên khen thưởng cho những hộ, cá nhân gương mẫu, tích cực vận động và kiên quyết xử lý đối với những trường hợp chây ỳ.
Tập trung chỉ đạo đồng bộ, thống nhất từ trung ương đến cơ sở, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện các công việc liên quan đến giải phóng mặt bằng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập;
- Nghị định số 141/2016/NĐ-CP ngày 10/10/2016 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác;
- Thông tư số 72/2017/TT-BTC ngày 17/7/2017 của Bộ Tài chính quy định về quản lý, sử dụng các khoản thu từ hoạt động quản lý dự án của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án sử dụng vốn NSNN;
- Thông tư số 06/2019/TT-BTC ngày 28/01/2019 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 72/2017/TT-BTC ngày 17/7/2017 của Bộ Tài chính quy định về quản lý, sử dụng các khoản thu từ hoạt động quản lý dự án của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án sử dụng vốn NSNN;
- Thông tư số 08/2016/TT-BTC ngày 18/01/2016 của Bộ Tài chính quy định về quản lý, thanh toán vốn đầu tư sử dụng nguồn vốn NSN;
- Thông tư số 108/2016/TT-BTC ngày 30/06/2016 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 08/2016/TT-BTC ngày 18/01/2016 của Bộ Tài chính quy định về quản lý, thanh toán vốn đầu tư sử dụng nguồn vốn NSN;
- Thông tư số 52/2018/TT-BTC ngày 24/5/2018 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 08/2016/TT-BTC ngày 18/01/2016 của Bộ Tài chính quy định về quản lý, thanh toán vốn đầu tư sử dụng nguồn vốn NSNN;
- Quyết định số 5657/QĐ-KBNN ngày 28/12/2016 của Tổng Giám đốc KBNN ban hành quy trình kiểm soát chi thanh toán vốn đầu tư và vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư trong nước quan hệ thống KBNN.