Luật NSNN cho phép thực hiện chi chuyển nguồn sang ngân sách năm sau đối với một số nội dung chi, giúp các đơn vị sử dụng ngân sách có nguồn để chủ động triển khai các nhiệm vụ còn dở dang. Công tác quyết toán NSNN những năm vừa qua cho thấy số chi chuyển nguồn sang ngân sách năm sau, có xu hướng tăng nhanh. Nhằm chấn chỉnh, khắc phục tình trạng chuyển nguồn ngân sách không đúng quy định, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng NSNN, chúng ta cần có những giải pháp phù hợp.
Chi chuyển nguồn NSNN là việc chuyển nguồn kinh phí ngân sách sang năm sau để thực hiện các khoản chi đã được bố trí trong dự toán chi năm ngân sách, bao gồm cả các khoản dự toán bổ sung trong năm, nhưng đến hết năm ngân sách, kể cả thời gian chỉnh lý quyết toán ngân sách, chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa đáp ứng các điều kiện nhất định và được cơ quan có thẩm quyền cho phép tiếp tục thực hiện chi vào ngân sách năm sau.
Theo quy định tại Điều 64 Luật NSNN và Điều 43 Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21/12/2016 của Chính phủ (Nghị định 163) quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật NSNN, các trường hợp được phép chuyển nguồn sang ngân sách năm sau bao gồm:
Các khoản tăng thu, tiết kiệm chi được cấp có thẩm quyền quyết định cho phép sử dụng vào năm sau để giảm bội chi, tăng chi trả nợ; bổ sung quỹ dự trữ tài chính; bổ sung nguồn thực hiện chính sách tiền lương; thực hiện một số chính sách an sinh xã hội được chuyển sang năm sau tiếp tục sử dụng;
Các khoản dự toán chưa thực hiện hoặc chưa chi hết, các khoản tạm ứng trong dự toán, số dư tài khoản tiền gửi đến hết thời gian chỉnh lý quyết toán chưa thực hiện, hoặc chưa sử dụng hết, được chuyển sang năm sau tiếp tục sử dụng, gồm: Chi đầu tư phát triển thực hiện chuyển sang năm sau theo quy định của Luật Đầu tư công; chi mua sắm trang thiết bị đã đầy đủ hồ sơ, hợp đồng mua sắm trang thiết bị ký trước ngày 31/12 năm thực hiện dự toán; chi mua tăng, mua bù hàng dự trữ quốc gia; nguồn thực hiện chính sách tiền lương, phụ cấp, trợ cấp và các khoản tính theo tiền lương cơ sở, bảo trợ xã hội; kinh phí được giao tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập và các cơ quan nhà nước; các khoản viện trợ không hoàn lại đã xác định cụ thể nhiệm vụ chi; các khoản dự toán được cấp có thẩm quyền bổ sung sau ngày 30/9 năm thực hiện dự toán, không bao gồm các khoản bổ sung do các đơn vị dự toán cấp trên điều chỉnh dự toán đã giao của các đơn vị dự toán trực thuộc; kinh phí nghiên cứu khoa học bố trí cho các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học được cấp có thẩm quyền quyết định đang trong thời gian thực hiện.
Từ thực tế công tác quyết toán NSNN các năm vừa qua, chúng tôi nhận thấy số liệu chi chuyển nguồn còn lớn, chiếm tỷ trọng cao trong tổng chi NSNN, làm giảm hiệu quả sử dụng NSNN, công tác chuyển nguồn NSNN sang năm sau còn tồn tại một số vướng mắc như sau:
Nhiều khoản kinh phí thực hiện chuyển nguồn sai quy định, nhiều nội dung chi đã hết nhiệm vụ chi, số dư dự toán phải thực hiện hủy dự toán nhưng các địa phương vẫn thực hiện chuyển nguồn sang năm sau.
Các đơn vị sử dụng ngân sách thực hiện chuyển nguồn sang NSNN năm sau đối với kinh phí thực hiện các chương trình, dự án có tính chất đầu tư sử dụng vốn thường xuyên không đúng quy định, do các chương trình, dự án này không sử dụng vốn đầu tư và không thuộc đối tượng chuyển nguồn sang NSNN năm sau đối với vốn thường xuyên theo quy định của Luật NSNN năm 2015.
Thực hiện chuyển nguồn sang năm sau đối với các hợp đồng mua sắm ký trước ngày 31/12 năm thực hiện dự toán nhưng không thuộc đối tượng chuyển nguồn sang ngân sách năm sau, do không phải là hợp đồng mua sắm trang thiết bị theo quy định của Luật NSNN.
Nhiều địa phương không thực hiện chuyển nguồn đối với một số khoản chi theo quy định. Trên thực tế, nhiều khoản chi đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật và phải thực hiện chuyển nguồn nhưng không được chuyển nguồn sang năm sau để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ chi.
Từ thực tế công tác chuyển nguồn NSNN sang năm sau, Quốc hội, Chính phủ và chính quyền các cấp đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành, yêu cầu chỉ thực hiện chuyển nguồn đối với một số khoản chi còn nhiệm vụ và thực sự cần thiết theo đúng quy định của pháp luật. Tại Nghị quyết số 114/2020/QH14 ngày 18/6/2020 của Quốc hội về phân bổ vốn viện trợ không hoàn lại, điều chỉnh dự toán chi NSNN và phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2018, Quốc hội đã giao Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương, ủy ban nhân dân các cấp thực hiện các biện pháp quyết liệt, đồng bộ để tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, sử dụng NSNN, hạn chế thấp nhất số chi chuyển nguồn sang ngân sách năm sau.
Để đạt được mục tiêu quản lý NSNN chặt chẽ, hiệu quả, hệ thống KBNN cần lưu ý trong công tác kiểm soát chi chuyển nguồn sang năm sau, đảm bảo thực hiện theo đúng quy định tại Điều 64 Luật NSNN năm 2015 và Điều 43 Nghị định 163, cụ thể:
Thực hiện hủy dự toán theo quy định: Đối với các khoản kinh phí chi thường xuyên không giao tự chủ, không giao khoán (thuộc nguồn 12): Đến hết ngày 31/01 hằng năm, các KBNN giao dịch rà soát và thực hiện hủy dự toán đối với các khoản kinh phí không được chuyển nguồn theo quy định của Luật NSNN, tránh trường hợp đơn vị sử dụng ngân sách tổng hợp, báo cáo các cấp có thẩm quyền cho phép chuyển nguồn sang năm sau tiếp tục sử dụng và quyết toán vào ngân sách năm sau không đúng quy định.
Rà soát các khoản kinh phí thực hiện các chương trình, dự án có tính chất đầu tư sử dụng vốn thường xuyên chuyển nguồn NSNN sang năm sau, đảm bảo đúng quy định: Đối với các chương trình, dự án có tính chất đầu tư nhưng sử dụng vốn thường xuyên thì phải kiểm tra, rà soát, áp dụng các quy định được phép chuyển nguồn sang NSNN năm sau đối với vốn thường xuyên theo quy định của Luật NSNN, không áp dụng quy định của Luật NSNN đối với vốn đầu tư.
Kiểm tra, rà soát, thực hiện chuyển nguồn đối với các hợp đồng chi mua sắm trang thiết bị thuộc danh mục quy định tại Quyết định số 50/2017/QĐTTg ngày 31/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức, sử dụng máy móc, thiết bị, đảm bảo đã có đầy đủ hồ sơ và hợp đồng mua sắm trang thiết bị ký trước ngày 31/12 theo quy định của Luật NSNN.
Thực hiện đúng quy trình chuyển nguồn NSNN sang năm sau: Thực tế vẫn xảy ra trường hợp nhập dự toán sai niên độ ngân sách, không thực hiện đúng quy trình chuyển nguồn NSNN sang năm sau, dẫn đến số chuyển nguồn sang năm sau không chính xác. Ví dụ cụ thể: Quyết định giao dự toán NSNN năm 2019 của đơn vị sử dụng ngân sách được giao sau ngày 30/9/2019 (nguồn 15 – Kinh phí không tự chủ được cấp có thẩm quyền bổ sung sau ngày 30/9). Tuy nhiên, các đơn vị không nhập vào dự toán NSNN năm 2019 và làm thủ tục chuyển nguồn NSNN sang năm 2020 mà thực hiện nhập vào dự toán NSNN năm 2020; đồng thời thực hiện rút dự toán chi ngân sách năm 2020 không đúng quy định, dẫn đến tình trạng số liệu chuyển nguồn NSNN năm 2019 sang năm 2020 không chính xác, không đúng quy định, không đảm bảo đúng nguồn để thực hiện chi NSNN.
Kiểm tra, rà soát đảm bảo hạch toán, kế toán đúng mã nguồn ngân sách được giao đúng quy định: Theo quy định về hạch toán mã nguồn NSNN, đối với một số mã nguồn được chuyển nguồn sang năm sau theo quy định, bao gồm: Mã nguồn 13 – Kinh phí được giao tự chủ; mã nguồn 14 – Kinh phí thực hiện chính sách tiền lương; mã nguồn 15 – Kinh phí không tự chủ được cấp có thẩm quyền bổ sung sau ngày 30/9; mã nguồn 16 – Kinh phí nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên trên thực tế vẫn xảy ra tình trạng hạch toán sai mã nguồn ngân sách dẫn đến việc thực hiện chuyển nguồn sang ngân sách năm sau sai quy định, cụ thể:
Kinh phí chi thường xuyên không được giao tự chủ nhưng thực hiện giao dự toán và hạch toán vào mã nguồn 13 – Kinh phí được giao tự chủ, dẫn đến tình trạng chuyển nguồn sang năm sau sai quy định
Một số nhiệm vụ chi thường xuyên không giao tự chủ, không giao khoán (mã nguồn 12) nhưng giao vào nguồn kinh phí nghiên cứu khoa học (mã nguồn 16), hoặc ngược lại, một số Đề án thuộc nguồn kinh phí nghiên cứu khoa học (mã nguồn 16) nhưng được giao dự toán và hạch toán vào nguồn chi thường xuyên không giao tự chủ, không giao khoán (mã nguồn 12). Thực trạng này gây khó khăn cho công tác chuyển nguồn sang ngân sách năm sau và dẫn đến tình trạng số liệu chuyển nguồn sang năm sau không chính xác, không đúng quy định.
Để hạn chế việc chuyển nguồn sai quy định, KBNN cần phối hợp với đơn vị và cơ quan tài chính kiểm tra, rà soát khoản chi ngân sách đảm bảo hạch toán, kế toán đúng mã nguồn ngân sách được giao, đảm bảo công tác chuyển nguồn sang năm sau đúng quy định.
Kiểm tra, rà soát đối với các khoản kinh phí thực hiện chuyển nguồn sang năm sau theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước: Đối với một số khoản chi đơn vị đã làm thủ tục thanh toán thực chi tại KBNN nhưng cần bổ sung thêm thủ tục theo quy định, khi thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, đề nghị KBNN giao dịch làm thủ tục số thanh toán thực chi, tăng số tạm ứng đồng thời chuyển nguồn sang ngân sách năm sau; kiểm tra, rà soát đối với các khoản chi thường xuyên không giao tự chủ, không giao khoán (mã nguồn 12). Trường hợp khoản kinh phí không được chuyển nguồn sang ngân sách năm sau theo quy định, KBNN giao dịch không thực hiện chuyển nguồn sang ngân sách năm sau mà thực hiện thu hồi số tạm ứng theo quy định tại Điểm c Khoản 5 Điều 26 Thông tư số 342/2016/TT-BTC ngày 30/12/2016 của Bộ Tài chính quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 163.
Việc quy định rõ ràng về các khoản kinh phí được phép chuyển nguồn sang ngân sách năm sau của Luật NSNN năm 2015 đã tạo sự rõ ràng, minh bạch trong công tác chuyển nguồn ngân sách, đồng thời tăng trách nhiệm của KBNN giao dịch trong việc kiểm soát số chi được phép chuyển nguồn sang ngân sách năm sau. Vì vậy, để đảm bảo công tác chuyển nguồn sang NSNN năm sau chặt chẽ, hiệu quả, các đơn vị KBNN cần lưu ý triển khai thực hiện theo đúng quy định của Luật NSNN và Nghị định 163.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Luật NSNN số 83/2015/QH13 ngày 25/6/2015 của Quốc hội.
- Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21/12/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật NSNN.
- Báo cáo số 227/BC-CP ngày 16/5/2020 của Chính phủ về quyết toán NSNN năm 2018.
- Báo cáo số 42/BC-KTNN ngày 11/5/2020 của Kiểm toán Nhà nước về kiểm toán quyết toán NSNN năm 2018.
- Nghị quyết số 114/2020/QH14 ngày 18/6/2020 của Quốc hội về phân bổ vốn viện trợ không hoàn lại, điều chỉnh dự toán chi NSNN và phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2018.
- Bài viết: “Chuyển nguồn NSNN sang năm sau và những vấn đề đặt ra đối với Kiểm toán Nhà nước” của Thời báo Tài chính số tháng 4/2019.
THS. NGUYỄN HỒNG NHUNG