Sự ra đời của Luật NSNN năm 2015, Luật Kế toán, Luật Phí và Lệ phí… là những dấu mốc quan trọng trong cải cách quản lý tài chính, ngân sách, hướng đến nền tài chính công ngày càng minh bạch, hiệu quả. Đáp ứng các yêu cầu thay đổi từ các Luật, ngành Tài chính nói chung và KBNN nói riêng đã tiếp tục có những cải cách, thay đổi và hướng dẫn kịp thời về cơ chế, quy trình.
Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 77 và Thông tư số 133/2017/TT-BTC ngày 15/12/2017 quy định về giao dịch điện tử trong hệ thống KBNN. Từ ngày 01/02/2018, hệ thống KBNN triển khai cung ứng dịch vụ công trực tuyến trên toàn quốc. Đây là những bước hoàn thiện hơn nữa về chế độ kế toán NSNN và hoạt động nghiệp vụ Kho bạc, về giao dịch điện tử giữa KBNN với xã hội, đáp ứng đầy đủ nhu cầu cải cách hành chính, đẩy mạnh điện tử hóa trong giao dịch, giảm thời gian, chi phí giao dịch xã hội, từ đó góp phần tăng tính minh bạch và nâng cao hiệu quả của nền tài chính công, ngày càng phù hợp với thông lệ quốc tế.
Một số thuận lợi đạt được
Trước những thay đổi lớn trong chế độ kế toán NSNN và hoạt động nghiệp vụ KBNN, KBNN Cần Thơ triển khai thực hiện Thông tư 77 đến các đơn vị sử dụng ngân sách, công văn triển khai được phát hành theo phương thức điện tử và được gửi thư điện tử đến kế toán trưởng các đơn vị sử dụng ngân sách. Toàn bộ nội dung Thông tư và các biểu mẫu đính kèm được đăng tải trên chuyên mục thông tin của KBNN Cần Thơ tại cổng thông tin điện tử UBND thành phố Cần Thơ, các mẫu biểu đã được đính kèm (hyperlink) tại file danh mục để các đơn vị thuận lợi khi tải về và sử dụng. Đến nay, qua thực tế triển khai, việc thực hiện chế độ kế toán mới trên cơ sở quy trình thống nhất đầu mối kiểm soát chi; điện tử hóa một số nghiệp vụ như: Mở tài khoản chuyên thu tại các NHTM, thu NSNN qua máy POS, triển khai dịch vụ công trực tuyến, chi NSNN qua thẻ chi tín dụng tại KBNN Cần Thơ… bước đầu đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.
Về hệ thống chứng từ kế toán:
Hình thức và nội dung chứng từ đã được hệ thống hóa rõ ràng hơn, chỉnh sửa theo hướng đơn giản phù hợp với từng nghiệp vụ phát sinh. Một số mẫu được bổ sung phù hợp với thực tiễn phát sinh như Giấy ghi thu ghi chi vốn vay ưu đãi nước ngoài (Mẫu C2-19/NS); tách Mẫu Uỷ nhiệm chi (UNC) chuyển khoản, chuyển tiền điện tử thành Mẫu UNC sử dụng trong trường hợp có hoặc không có ngoại tệ và có hoặc không có khấu trừ thuế; bổ sung thêm phần tích chọn trường hợp rút tiền mặt tại kho bạc hoặc tại ngân hàng trên mẫu (C2-01a; C3-01) giúp kho bạc thực hiện nghiệp vụ chi tiền mặt tại ngân hàng đối với những món tiền lớn cho đơn vị thụ hưởng (các đơn vị có nhu cầu chi tiền mặt lớn như: Khối An ninh, Quốc phòng, chi bồi hoàn…), khi đơn vị rút tiền mặt tại Ngân hàng sẽ giúp giảm chi phí và thời gian di chuyển, đảm bảo an toàn và hướng tới mục tiêu hình thành kho bạc điện tử, tinh giảm bộ phận kho quỹ. Trên một số chứng từ đã bổ sung chữ ký của bộ phận kiểm soát chi đảm bảo thực hiện thông suốt quy trình thống nhất đầu mối kiểm soát chi.
Về hệ thống tài khoản:
Việc thay đổi từ TK 1392 (phải thu trung gian) sang TK 3391 (phải trả trung gian về thu ngân sách) nhằm sử dụng đúng tính chất tài khoản, tạo thuận lợi cho kế toán viên trong công tác kiểm soát số dư, chấm cân đối khi TK này nằm trong nhóm TK phải trả nhà cung cấp (TK 3300). Theo quy định của Luật NSNN năm 2015; Luật Phí và Lệ phí năm 2015 toàn bộ các khoản lệ phí nộp toàn bộ vào NSNN, phí nộp vào NSNN trừ phần để lại cho hoạt động đơn vị nên Thông tư 77 đã tách tài khoản trung gian thu phí, lệ phí, thu sự nghiệp khác thành tài khoản trung gian thu phí (TK 3712) và tài khoản trung gian thu sự nghiệp khác (TK 3714) và không thực hiện kế toán ghi thu ghi chi số phí được khấu trừ và trích lại để bù đắp chi phí.
Sự phân tách rõ ràng này rất thuận lợi cho hoạt động quản lý NSNN trên địa bàn thành phố Cần Thơ vì rất nhiều bệnh viện; trường đại học thực hiện thu theo giá dịch vụ công và cơ chế kiểm soát chi thực hiện theo quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị. Phần kinh phí được trích lại của đơn vị thực hiện thu phí, lệ phí kiểm soát chi theo quy định, từ đó kế toán KBNN dễ quản lý, đảm bảo việc hạch toán kế toán, điều tiết các khoản phí, lệ phí đúng quy định về danh mục, thẩm quyền cũng như tỷ lệ phân chia nguồn lực này cho các cấp ngân sách.
Khi KBNN triển khai thống nhất đầu mối kiểm soát chi, tập trung nhiệm vụ kiểm soát các khoản chi NSNN vào một đầu mối theo nguyên tắc “một cửa, một giao dịch viên”, các đơn vị sử dụng ngân sách, khách hàng chỉ gửi hồ sơ đến một công chức làm nhiệm vụ kiểm soát chi của KBNN (bao gồm cả hồ sơ chi đầu tư và chi thường xuyên), đồng thời nhận lại kết quả từ chính công chức kiểm soát chi đó.
Với cải cách này, việc luân chuyển chứng từ chi NSNN giữa kiểm soát chi và kế toán được thực hiện trên hệ thống TABMIS giúp cho lãnh đạo KBNN dễ dàng kiểm tra, giám sát. Thống nhất đầu mối kiểm soát chi đã xác định rõ vị trí, chức năng của kế toán KBNN theo luật kế toán, giúp cho đội ngũ công chức kế toán nhận thức rõ chức năng nhiệm vụ của kế toán KBNN là hạch toán, lập báo cáo kế toán, phân tích và thuyết minh báo cáo, điều này có ý nghĩa rất lớn trong cung cấp thông tin về bức tranh tài chính NSNN cho lãnh đạo KBNN, lãnh đạo địa phương trong việc quản lý, điều hành NSNN, tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực NSNN, góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Công tác hạch toán, luân chuyển chứng từ cũng được thuận lợi hơn, giảm được số lượng chứng từ giao dịch khi triển khai thanh toán chi tiêu công qua thẻ tín dụng. Thanh toán qua thẻ tín dụng có tính chủ động rất cao trong việc chi tiêu công như: Không phải thực hiện ứng tiền mặt, an toàn hơn trong chi tiêu, tăng tính công khai minh bạch trong công tác mua sắm tại đơn vị, giảm số lượng chứng từ giao dịch với Kho bạc.
Mố số khó khăn bất cập
Qua 6 tháng thực hiện chế độ kế toán mới theo Thông tư 77 trong điều kiện thống nhất đầu mối kiểm soát chi, triển khai diện rộng dịch vụ công trực tuyến, công tác thực hiện nghiệp vụ kế toán và phối hợp giữa phòng (bộ phận) Kế toán và phòng (bộ phận) Kiểm soát chi cũng còn một số khó khăn, vướng mắc cần xem xét, hướng dẫn như:
Một số mẫu biểu chứng từ chưa phù hợp với quy trình thống nhất đầu mối kiểm soát chi như Lệnh hoàn trả thu NSNN (C1-04/NS) – ở vị trí mã cơ quan thu (không rõ ràng là mã cơ qua thu hay mã đơn vị sử dụng ngân sách của cơ quan thu), bảng kê thanh toán thực hiện cho ngân sách xã phường chưa thống nhất và đồng bộ với bảng kê chứng từ của Thông tư số 344/2016/TTBTC ngày 30/12/2016 của Bộ Tài chính quy định về quản lý ngân sách xã và các hoạt động tài chính khác của xã, phường, thị trấn. Chức danh Giám đốc (KBNN) để ở phần kế toán trên tất cả chứng từ chi ngân sách còn chưa phù hợp với trình tự luân chuyển, ký chứng từ theo Quyết định 4377 …
Danh mục báo cáo theo Thông tư 77 khi lập trên Chương trình TABMIS (hoặc môi trường khai thác số liệu TABMIS) còn chưa cập nhật công thức kịp thời đối với Mục lục ngân sách mới. Các chỉ tiêu trên báo cáo thu B2-01, B3-01 chưa bám sát theo chỉ tiêu giao dự toán thu, chi NSNN của Bộ Tài chính, nên khi đối chiếu với các cơ quan thuế, hải quan, tài chính trong công tác quyết toán hằng năm còn phải thực hiện thủ công theo từng chỉ tiêu.
Thực hiện thống nhất đầu mối kiểm soát chi, bộ phận Kế toán không còn thực hiện nhiệm vụ kiểm soát chứng từ, chỉ tập trung công tác hạch toán và làm báo cáo kế toán. Theo quy trình này, kiểm soát chi thực hiện kiểm soát và nhập chứng từ trên chương trình TABMIS để kiểm tra dự toán, số dư tài khoản, chuyển bút toán và chứng từ giấy sang kế toán để ghi định khoản, kiểm tra bút toán nhập trên hệ thống và chứng từ giấy, trình ký và áp thanh toán.
Đây cũng là một khó khăn cho bộ phận Kế toán vì ngay khi bắt đầu nhập chứng từ kiểm soát chi đã xác định sai nghiệp vụ dẫn đến nhập sai tài khoản, hoặc xác định sai các phương thức thanh toán (khi là ngân hàng, liên kho bạc, hoặc các nghiệp vụ kế toán có nhiều định khoản như thanh toán các khoản chi xây dựng cơ bản có nộp thuế, bảo hành…) khi truyền sang kế toán mới phát hiện sai và phải trả về cho bộ phận kiểm soát chi sửa lại, gây mất nhiều thời gian trong luân chuyển và thanh toán chứng từ (có nhiều trường hợp khi sửa lại không còn kịp thời gian thanh toán trên chương trình Citad, phải để chứng từ sang ngày hôm sau).
Đa số công chức kiểm soát chi trước nay chưa quen nhập bút toán trên chương trình TABMIS, nên việc nhập chứng từ còn chậm, độ chính xác chưa cao. Bên cạnh đó việc lưu trữ chứng từ kế toán theo Quyết định số 858/ QĐ-KBNN ngày 15/10/2014 của KBNN cũng còn một số bất cập.
Các công việc có liên quan đến công tác khoá sổ kế toán hằng năm như: Xử lý chuyển nguồn, xử lý số dư tạm ứng, phối hợp với cơ quan tài chính trong công tác đối chiếu và xác nhận số liệu để hạch toán thu chi chuyển nguồn do bộ phận Kiểm soát chi thực hiện, nhưng công tác tập hợp, chấm báo cáo, cân đối, xác định cân đối thu chi, kiểm soát tồn quỹ NSNN (trừ xử lý chênh lệch cân đối thu, chi xã; tồn quỹ ngân sách xã) do bộ phận kế toán đảm nhận, vì vậy, kế toán rất bị động đối với công tác khoá sổ kế toán hằng năm nếu bộ phận Kiểm soát chi hợp tác chưa tốt, chưa kịp thời.
Hệ thống tài khoản kế toán và phương pháp ghi chép chứng từ, các nghiệp vụ kinh tế phát sinh còn phải qua nhiều tài khoản trung gian (TK trung gian về cơ bản không chi tiết theo mã đơn vị quan hệ ngân sách, nếu kiểm soát không chặt chẽ số dư TK trung gian rất dể phát sinh các bất cập trong việc kiểm soát số liệu kế toán), nhiều nghiệp vụ có bút toán đồng thời mất nhiều thời gian và lãng phí nguồn lực, nhất là các nội dung có liên quan đến cam kết chi, xử lý chuyển nguồn cuối năm.
Việc thu phí chuyển tiền lần 2 (do lỗi của đơn vị lập sai chứng từ thanh toán) theo quy định tại Thông tư số 61/2014/TT-BTC ngày 12/05/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn đăng ký và sử dụng tài khoản tại KBNN trong điều kiện áp dụng hệ thống TABMIS (Thông tư 61) đối với từng lần thanh toán hiện tại chưa phù hợp vì đối với các chứng từ giá trị thấp thu 2.000 đ/lần chuyển tiển sai, kế toán phải lập 01 chứng từ, nhập 01 bút toán, sang kho quỹ thu rất tốn chi phí, tài nguyên hệ thống.
Việc thanh toán chi tiêu công qua thẻ tín dụng sẽ mang lại hiệu quả rất lớn như: Giảm được số lượng chứng từ, giảm trách nhiệm kiểm soát của bộ phận kiểm soát chi nhưng hiện tại các đơn vị sử dụng ngân sách trên địa bàn thành phố Cần Thơ chưa triển khai được nhiều do các đơn vị chưa nhận thức đầy đủ tính tiện lợi của hình thức thanh toán này.
Việc KBNN ký báo nợ cho đơn vị giao dịch qua dịch vụ công trực tuyến còn phải thực hiện thủ công đối với từng chứng từ đã làm tăng thêm thời gian xử lý công việc tại KBNN.
Một số giải pháp đề xuất kiến nghị
Với các nội dung nêu trên và từ kinh nghiệm thực tế địa phương, để tiếp tục hoàn thiện công tác kế toán và đẩy mạnh giao dịch điện tử qua hệ thống KBNN, chúng tôi đề xuất cần thực hiện một số các biện pháp sau:
Cập nhật sửa một số chỉ tiêu trên mẫu biểu chứng từ để phù hợp hơn nữa với các nghiệp vụ kinh tế phát sinh và quy trình thống nhất đầu mối kiểm soát chi, dịch vụ công trực tuyến, như: Chức danh Giám đốc (KBNN) trên các chứng từ chi ngân sách, nên chuyển từ phần kế toán, kế toán trưởng sang phần bộ phận kiểm soát chi để phù hợp với trình tự luân chuyển, ký chứng từ theo Quyết định 4377…
Từng bước, cần có chế tài buộc đơn vị sử dụng ngân sách áp dụng hình thức thanh toán chi tiêu công qua thẻ tín dụng, cần có các quy định như: thu phí giao dịch bằng tiền mặt, góp phần hạn chế lưu thông tiền mặt, hướng đến nền tài chính minh bạch trong việc sử dụng NSNN.
Về công tác phối hợp trong triển khai các nghiệp vụ kế toán cần có quy định tại KBNN tỉnh, huyện cần xây dựng quy chế phối hợp giữa bộ phận Kế toán và Kiểm soát chi trong công tác thực hiện nghiệp vụ kế toán để cùng thống nhất thực hiện.
Các công thức báo cáo cần được thiết lập phù hợp với chỉ tiêu giao dự toán thu chi NSNN, phù hợp với chỉ tiêu trên báo cáo quyết toán NSNN, nhằm đảm bảo một báo cáo phục vụ cho nhiều đối tượng, nhiều mục đích quản lý khác nhau. Đối với việc thu phí chuyển tiền lần 2 (do lỗi của đơn vị lập sai chứng từ thanh toán) theo quy định tại Thông tư 61: Cần quy định phòng (bộ phận) kiểm soát chi tự thu và mở sổ theo dõi (có đại diện đơn vị ký tên trên sổ khi nộp tiền), đến cuối tháng phòng Kiểm soát chi tổng hợp nộp một lần vào tài khoản tiền gửi khác của phòng Tài vụ (nghiệp vụ tiền tệ); hạn chế việc thu và hạch toán từng lần nộp như hiện nay gây rất mất thời gian, tài nguyên hệ thống.
Thực hiện sửa đổi quy trình thống nhất đầu mối kiểm soát chi NSNN, bộ phận Kế toán có thể sửa được trực tiếp bút toán trên Chương trình TABMIS đối với các định khoản mà bộ phận kiểm soát chi đã nhập sai mà không cần phải loại bỏ chứng từ về cho bộ phận kiểm soát chi, nhằm đảm bảo kịp thời gian thanh toán trên chương trình Citad, thanh toán song phương, liên kho bạc.
Tự động hóa khâu ký báo nợ chứng từ cho đơn vị giao dịch qua dịch vụ công trực tuyến, trên cơ sở giao diện tự động tình trạng kiểm soát thành công của Kế toán trưởng trên hệ thống TABMIS sang dịch vụ công KBNN, hoặc có thể kiểm soát theo lô trên cơ sở các chứng từ được lọc tự động theo nguyên tắc nêu trên.
ĐOÀN THỊ NGỌC THÙY – NGUYỄN THỊ MINH THƯ