Trong quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, phân biệt các nguồn vốn để thực hiện các trình tự, thủ tục về phân bổ nguồn vốn, quản lý đầu tư xây dựng cơ bản là việc làm rất cần thiết nhằm đảm bảo đúng các quy định của nhà nước. Trong phạm vi bài viết, chúng tôi trao đổi với các đồng nghiệp một số nội dung về thực hiện công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản trên cơ sở phân biệt nguồn vốn nhà nước và quản lý vốn đầu tư xây dựng từ nguồn vốn thường xuyên.
Có rất nhiều khái niệm về nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản, Điều 4 Luật Đầu tư công năm 2019 quy định: Vốn đầu tư công, vốn NSNN, vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư (Khoản 22 Điều 4); vốn ngân sách trung ương chi cho đầu tư phát triển (Khoản 23 Điều 4); vốn ngân sách địa phương chi cho đầu tư phát triển (Khoản 24 Điều 4); vốn ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho địa phương để đầu tư chương trình, dự án đầu tư công (Khoản 25 Điều 4); vốn chương trình mục tiêu quốc gia; vốn trái phiếu Chính phủ, vốn công trái quốc gia; vốn nhà nước ngoài ngân sách; vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA); vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; vốn để thực hiện các công trình sửa chữa, bảo trì, cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất từ nguồn kinh phí chi thường xuyên, quy định tại Thông tư số 92/2017/TT-BTC ngày 18/9/2017 của Bộ Tài chính quy định về lập dự toán, phân bổ và quyết toán kinh phí để sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất (Thông tư 92).
Phân biệt nguồn vốn trong đầu tư xây dựng cơ bản
Để thực hiện các trình tự, thủ tục về quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, có thể phân chia làm ba loại nguồn vốn nhà nước chủ yếu: Vốn đầu tư công; vốn sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất từ nguồn kinh phí chi thường xuyên; vốn chương trình mục tiêu quốc gia quy mô nhỏ.
Đối với vốn đầu tư công gồm: Vốn NSNN, vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư theo quy định của pháp luật (Khoản 22, Điều 4 Luật Đầu tư công năm 2019), trình tự, thủ tục về quản lý đầu tư xây dựng thực hiện theo Luật Đầu tư công năm 2019, Luật Xây dựng năm 2014 và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn.
Đối với vốn sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất từ nguồn kinh phí chi thường xuyên, trình tự, thủ tục về quản lý đầu tư xây dựng thực hiện theo Luật Xây dựng năm 2014, các Nghị định, Thông tư hướng dẫn và Thông tư 92.
Đối với vốn chương trình mục tiêu quốc gia quy mô nhỏ, trình tự, thủ tục về quản lý đầu tư xây dựng thực hiện theo Luật Xây dựng năm 2014, các Nghị định, Thông tư hướng dẫn và Nghị định số 161/2016/NĐCP ngày 02/12/2016 của Chính phủ về cơ chế đặc thù trong quản lý đầu tư xây dựng đối với một số dự án thuộc các chương trình Mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2016 – 2020 (Nghị định 161).
Lập dự toán, phân bổ dự toán, quyết toán kinh phí sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất từ nguồn kinh phí chi thường xuyên
– Hồ sơ kèm theo khi lập dự toán: Khoản 1, Điều 4 Thông tư 92 quy định hồ sơ tài liệu kèm theo dự toán kinh phí sửa chữa, bảo trì, cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất, bao gồm: Thuyết minh chi tiết về tên công trình; mục tiêu sửa chữa, bảo trì, cải tạo, nâng cấp, mở rộng; sự cần thiết, lý do thực hiện; văn bản phê duyệt của cấp có thẩm quyền; khối lượng công việc dự kiến; thời gian bắt đầu, thời gian kết thúc; dự toán kinh phí theo các nguồn vốn và phân kỳ thực hiện hằng năm.
– Hồ sơ kèm theo khi phân bổ dự toán: Khoản 2, Điều 4 Thông tư 92 quy định hồ sơ tài liệu kèm theo khi phân bổ dự toán các công trình sửa chữa, bảo trì, cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất như sau:
Đối với công trình sửa chữa, bảo trì, cải tạo, nâng cấp, mở rộng có chi phí thực hiện dưới 500 triệu đồng, tài liệu bao gồm: Văn bản phê duyệt của cấp có thẩm quyền (tên công trình, mục tiêu sửa chữa, bảo trì, cải tạo, nâng cấp, mở rộng); sự cần thiết, lý do thực hiện; dự toán công trình được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Đối với công trình sửa chữa, bảo trì, cải tạo, nâng cấp, mở rộng có chi phí thực hiện từ 500 triệu đồng trở lên: Ngoài các tài liệu theo quy định đối với các công trình có chi phí thực hiện dưới 500 triệu đồng; cơ quan, đơn vị gửi thêm quyết định phê duyệt dự án sửa chữa, bảo trì, cải tạo, nâng cấp, mở rộng kèm theo dự án (hoặc quyết định phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật kèm theo báo cáo kinh tế kỹ thuật đối với công trình chỉ lập báo cáo kinh tế kỹ thuật); dự án, báo cáo kinh tế kỹ thuật không bắt buộc phê duyệt trước 31/10 năm trước năm kế hoạch nhưng phải có trước khi phân bổ dự toán.
Tại Khoản 4, Điều 39 Nghị định số 46/2015/NĐ-CP ngày 12/5/2015 của Chính phủ về quản lý chất lượng và bao trì công trình xây dựng (Nghị định 46) quy định: Đối với trường hợp sửa chữa công trình, thiết bị có chi phí dưới 500 triệu đồng từ nguồn vốn NSNN thì chủ sở hữu hoặc người quản lý sử dụng công trình tự quyết định về kế hoạch sửa chữa với các nội dung sau: Tên bộ phận công trình hoặc thiết bị cần sửa chữa, thay thế; lý do sửa chữa hoặc thay thế, mục tiêu sửa chữa hoặc thay thế; khối lượng công việc; dự kiến chi phí, dự kiến thời gian thực hiện và thời gian hoàn thành;
Đối với trường hợp sửa chữa công trình, thiết bị có chi phí thực hiện từ 500 triệu đồng trở lên từ nguồn vốn NSNN thì chủ sở hữu hoặc người quản lý sử dụng công trình tổ chức lập, trình thẩm định và phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật hoặc dự án đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng công trình.
Như vậy, trước khi lập dự toán chi thường xuyên hằng năm (thực hiện vào cuối năm trước năm kế hoạch), thực hiện theo Khoản 1, Điều 4 Thông tư 92, trong đó chưa cần phải có dự toán hoặc báo cáo kinh tế kỹ thuật được phê duyệt, văn bản phê duyệt của cấp có thẩm quyền là văn bản phê duyệt chủ trương thực hiện.
Trước khi phân bổ dự toán, thực hiện theo Khoản 2, Điều 4 Thông tư 92, trong đó dự toán công trình phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt (đối với công trình có chi phí thực hiện dưới 500 triệu đồng), lập, trình thẩm định và gửi quyết định phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật hoặc dự án đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng công trình (đối với công trình có chi phí thực hiện từ 500 triệu đồng trở lên).
Theo các quy định nêu trên, trong trường hợp các cơ quan, đơn vị phải thuê đơn vị tư vấn lập thiết kế, dự toán, báo cáo kinh tế kỹ thuật hoặc dự án đầu tư xây dựng, phải đảm bảo thời điểm ký hợp đồng tư vấn sau khi có quyết định giao dự toán và trước khi có quyết định phân bổ dự toán, tránh vi phạm việc ký hợp đồng trước khi có kế hoạch vốn theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP ngày 15/6/2015 của Chính phủ về hợp đồng trong hoạt động xây dựng (Nghị định 37).
– Quyết toán kinh phí: Thực hiện theo quy định tại Điều 5 Thông tư 92, trong đó:
Các công trình có mức vốn dưới 500 triệu đồng: Các cơ quan, đơn vị tổng hợp chung trong báo cáo quyết toán hằng năm theo quy định của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn xét duyệt, thẩm định và thông báo quyết toán năm đối với các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, tổ chức được NSNN hỗ trợ và ngân sách các cấp. Các công trình có mức vốn từ 500 triệu đồng trở lên: Ngoài việc lập quyết toán hàng năm theo quy định như đối với các công trình có mức vốn dưới 500 triệu đồng, các cơ quan, đơn vị lập báo cáo quyết toán dự án hoàn thành theo quy định về quyết toán dự án hoàn thành thuộc nguồn vốn nhà nước.
Trình tự, thủ tục thực hiện, quản lý các công trình sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất từ nguồn kinh phí chi thường xuyên
Điều 1 Thông tư 92 quy định: Thông tư này không điều chỉnh đối với các dự án sử dụng vốn đầu tư công, các công trình sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, mở rộng có tính chất đặc thù đã được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật riêng.
Điều 2 Thông tư 92 quy định kinh phí để thực hiện các công trình sửa chữa, bảo trì, cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất từ các nguồn kinh phí sau: Nguồn kinh phí chi thường xuyên NSNN trong các lĩnh vực theo quy định của Luật NSNN; nguồn phí được để lại theo chế độ quy định để chi thường xuyên.
Về trình tự, thủ tục thực hiện, quản lý các công trình sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất theo quy định Nghị định 46, chủ sở hữu hoặc người quản lý sử dụng công trình phải thực hiện các công việc sau:
Lập kế hoạch bảo trì theo Điều 39 Nghị định 46: Thủ tục sửa chữa công trình, thiết bị tùy theo mức độ chi phí, được thực hiện theo quy định tại Khoản 4, Điều 39 Nghị định 46; việc quản lý chất lượng công việc bảo trì công trình xây dựng được thực hiện theo quy định tại Khoản 3, 4, 5, Điều 41 Nghị định 46: Chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình có trách nhiệm tổ chức giám sát, nghiệm thu công tác thi công sửa chữa; lập, quản lý và lưu giữ hồ sơ sửa chữa công trình theo quy định của pháp luật.
Công việc sửa chữa công trình phải được bảo hành không ít hơn 6 tháng đối với công trình từ cấp II trở xuống và không ít hơn 12 tháng đối với công trình từ cấp I trở lên. Chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình thỏa thuận với nhà thầu sửa chữa công trình về quyền và trách nhiệm bảo hành, thời gian bảo hành, mức tiền bảo hành đối với các công việc sửa chữa trong quá trình thực hiện bảo trì công trình xây dựng.
Chi phí bảo trì công trình được thực hiện theo quy định tại Khoản 3, Điều 42 Nghị định 46: Chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình có trách nhiệm tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt dự toán bảo trì đối với các công trình sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước; quản lý, thanh toán, quyết toán kinh phí bảo trì công trình xây dựng theo quy định của Luật NSNN và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Theo các quy định nêu trên, việc bảo trì, sửa chữa công trình, thiết bị, không phân biệt giá trị, đều phải thực hiện theo đúng các trình tự, thủ tục nêu trên, từ việc lập kế hoạch bảo trì; lập, thẩm định, phê duyệt dự toán bảo trì; thỏa thuận với nhà thầu về bảo hành công trình sửa chữa (quyền và trách nhiệm bảo hành, thời gian bảo hành, mức tiền bảo hành), vì vậy cần thiết phải lựa chọn nhà thầu và thương thảo ký kết hợp đồng để đảm bảo thỏa thuận được với nhà thầu các nội dung quy định nêu trên.
Bên cạnh đó, việc bảo trì, sửa chữa công trình xây dựng, kể cả việc bảo trì thiết bị công trình có giá trị không quá 50 triệu đồng không thuộc phạm vi điều chỉnh theo Khoản 19, Điều 3 Quyết định số 17/2019/QĐ-TTg ngày 08/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về một số gói thầu, nội dung mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên được áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt theo quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu năm 2014.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14;
2. Luật Xây dựng số 50/2014/QH13;
3. Nghị định số 161/2016/NĐ-CP ngày 02/12/2016 của Chính phủ về cơ chế đặc thù trong quản lý đầu tư xây dựng đối với một số dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020;
4. Nghị định số 46/2015/NĐ-CP ngày 12/5/2015 của Chính phủ về quản lý chất lượng và bao trì công trình xây dựng;
5. Nghị định số 37/2015/NĐ-CP ngày 15/6/2015 của Chính phủ về hợp đồng trong hoạt động xây dựng
6. Thông tư số 92/2017/TT-BTC ngày 18/9/2017 của Bộ Tài chính quy định về lập dự toán, phân bổ và quyết toán kinh phí để sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất;
7. Quyết định số 17/2019/QĐ-TTg ngày 08/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về một số gói thầu, nội dung mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên được áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt theo quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu năm 2014.
ThS. TRẦN THỊ SONG MÂY
xin hỏi ThS Trần Thị Xong Mây;
Trình tự, thủ tục thực hiện, quản lý các công trình sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất từ nguồn kinh phí chi thường xuyên: “có cần phải lập dự toán khảo sát, lập báo cáo KTKT thẩm dịnh và phê duyệt dự toán khảo sát” không ạ
Trân trọng!
Xin hỏi Bạn Đối với dự án sử dụng nguồn thu hợp pháp của đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư mà người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập có quyền quyết định đầu tư dự án thì chủ đầu tư xác định như thế nào ạ? Theo điều 7 văn bản hợp nhất luật xây dựng Số: 02/VBHN-VPQH năm 2020 Điều 7. Chủ đầu tư[22] 1. Chủ đầu tư được xác định trước khi lập dự án đầu tư xây dựng hoặc khi phê duyệt dự án hoặc các trường hợp khác theo quy… Read more »