Quy trình thanh toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản được KBNN ban hành tháng 12/2016 đã đóng góp không nhỏ vào việc tăng cường kỷ cương, kỷ luật NSNN, đồng thời, quy định rõ trách nhiệm của các bên liên quan trong quá trình kiểm soát chi NSNN. Nhằm hoàn thiện hơn nữa quy trình này, tác giả bài viết đưa ra một số đề xuất có giá trị tham khảo.
KBNN được Chính phủ giao thực hiện nhiệm vụ kiểm soát chi NSNN nói chung và công tác kiểm soát chi đầu tư XDCB nói riêng. Trong những năm qua KBNN đã thường xuyên hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy trình, thủ tục kiểm soát chi NSNN qua KBNN, siết chặt kỷ cương, tăng cường kiểm tra kiểm soát, quyết liệt điều hành, nhờ đó, toàn hệ thống KBNN đã đạt được kết quả tích cực giúp hoạt động kiểm soát chi đầu tư XDCB từng bước đi vào nề nếp, đúng quy định, tiết kiệm và hiệu quả.
Cụ thể: Ngày 28/12/2016, Tổng Giám đốc KBNN ban hành Quyết định số 5657/QĐ-KBNN kèm theo Quy trình kiểm soát thanh toán vốn đầu tư và vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư trong nước qua hệ thống KBNN (Quy trình 5657); Quyết định số 2611/QĐKBNN ngày 03/6/2019 của Tổng Giám đốc KBNN sửa đổi, bổ sung quy trình kiểm soát thanh toán vốn đầu tư và vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư trong nước qua hệ thống KBNN ban hành kèm theo Quyết định số 5657/QĐ-KBNN ngày 28/12/2016. Qua thời gian thực hiện, Quy trình 5657 đã góp không nhỏ vào việc tăng cường quản lý vốn đầu tư XDCB từ NSNN, nâng cao hiệu quả sự dụng vốn đầu tư công của nhà nước như thông qua việc quy định rõ thời gian kiểm soát chi ứng với từng bước thực hiện công việc, thời gian xử lý chứng từ của bộ phận kiểm soát chi và bộ phận kế toán, thể hiện tính chuyên môn hóa cao; từng nội dung thanh toán, “hồ sơ thủ tục trong thanh toán được công khai, minh bạch đã làm giảm những mập mờ trong xử lý công việc, góp phần đáng kể trong công tác cải cách hành chính. Bên cạnh đó, Quy trình phân định rõ hơn trách nhiệm của KBNN và chủ đầu tư trong quá trình thực hiện kiểm soát, thanh toán vốn đầu tư theo quy định của Chính phủ, Bộ Tài chính, nhất là quản lý chặt chẽ vốn tạm ứng theo chế độ quy định, giảm mạnh số dư tạm ứng tại hệ thống KBNN hằng năm… Tuy vậy, trong quá trình thực hiện Quy trình, một số khó khăn, vướng mắc cần được xem xét cải tiến cho phù hợp với thực tiễn hiện nay.
Về trách nhiệm của các cơ quan có liên quan trong quá trình kiểm soát thanh toán: Tại Khoản 2, Điều 28 Nghị định số 32/2015/NĐ-CP ngày 25/03/2015 của Chính phủ quy định: “Chủ đầu tư hoặc đại diện hợp pháp của chủ đầu tư chịu trách nhiệm về đơn giá, khối lượng và giá trị đề nghị thanh toán trong hồ sơ đề nghị thanh toán; cơ quan thanh toán vốn đầu tư không chịu trách nhiệm về đơn giá, khối lượng và giá trị đề nghị thanh toán trong đề nghị thanh toán của chủ đầu tư hoặc đại diện hợp pháp của chủ đầu tư…”; Khoản 5, Điều 19 Thông tư số 08/2016/ TT-BTC ngày 18/01/2016 của Bộ Tài chính quy định về quản lý, thanh toán vốn đầu tư sử dụng nguồn vốn NSNN quy định: “KBNN kiểm soát thanh toán trên cơ sở các tài liệu do chủ đầu tư cung cấp và theo nguyên tắc thanh toán đã quy định, không chịu trách nhiệm về việc áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu; không chịu trách nhiệm về tính chính xác đơn giá, khối lượng và giá trị đề nghị thanh toán…”
Đối với quy định nêu trên, hiện nay còn nhiều khác biệt trong nhận thức cần được thống nhất lại để hiểu đúng, kiểm soát đúng. Đa phần công chức kiểm soát chi cho rằng cơ quan kho bạc chỉ chịu trách nhiệm về tổng giá trị đề nghị thanh toán của Phụ lục 03a, 03b, 04 so với giá trị trên Giấy đề nghị thanh toán vốn đầu tư (ban hành kèm theo Thông tư 08 của Bộ Tài chính) và so với chứng từ chuyển tiền đảm bảo khớp đúng với nhau, Kho bạc không chịu trách nhiệm về tính chính xác của từng khối lượng chi tiết. Tuy nhiên, tại Điểm d, Khoản 4, Điều 6, Chương II Quy trình 5657 lại quy định: “Kiểm tra, đối chiếu hạng mục, nội dung công việc, khối lượng hoàn thành ghi tại Bảng xác định giá trị khối lượng công việc hoàn thành đề nghị thanh toán, Bảng xác định giá trị khối lượng công việc phát sinh ngoài hợp đồng đề nghị thanh toán có phù hợp với tên công trình, hạng mục, nội dung công việc hoặc số lượng và danh mục thiết bị nếu có (đối với hợp đồng mua sắm thiết bị) quy định trong hợp đồng, phụ lục hợp đồng (nếu có) đã ký…”. Như vậy, theo quy định này thì Kho bạc phải kiểm tra và chịu trách nhiệm về tính chính xác đối với từng nội dung công việc, khối lượng chi tiết. Mặt khác, quy định như vậy, cơ quan kho bạc khó giải quyết công việc đúng thời gian quy định đã được rút ngắn như hiện nay.
Về quy trình nghiệp vụ: Hiện nay, có đến 06 quy trình nghiệp vụ liên quan đến công tác kiểm soát chi còn hiệu lực áp dụng: (1) Quy trình 5657 (Quy trình kiểm soát thanh toán vốn đầu tư và vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư trong nước qua hệ thống KBNN); (2) Quy trình 2611/QĐ-KBNN (sửa đổi, bổ sung Quy trình kiểm soát thanh toán vốn đầu tư và vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư trong nước qua hệ thống KBNN ban hành kèm theo Quyết định số 5657/QĐKBNN ngày 28/12/2016 của Tổng Giám đốc KBNN); (3) Công văn số 4025/KBNN-KSC ngày 17/08/2018 của KBNN hướng dẫn Thông tư số 52/2018-BTC ngày 24/05/2018 của Bộ Tài chính (hướng dẫn nội dung kiểm soát; trình tự các bước công việc và thời gian thanh toán đối với nguyên tắc “thanh toán trước, kiểm soát sau”); (4) Quy trình kiểm soát cam kết chi NSNN qua KBNN (thực hiện các bước theo quy định tại Công văn số 507/KBNN-THPC ngày 22/03/2013 của KBNN); (5) Quy trình nghiệp vụ thống nhất đầu mối kiểm soát các khoản chi NSNN qua KBNN ban hành kèm theo Quyết định số 4377/QĐ-KBNN ngày 15/09/2017 của Tổng Giám đốc KBNN; (6) Quy trình nghiệp vụ thống nhất đầu mối kiểm soát các khoản chi NSNN tại KBNN cấp huyện không có tổ chức phòng ban hành kèm theo Quyết định 2899/QĐ-KBNN ngày 15/6/2018 của Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước về việc ban hành Quy trình nghiệp vụ thống nhất đầu mối kiểm soát các khoản chi ngân sách nhà nước tại KBNN cấp huyện không có tổ chức phòng. Như vậy, quy trình thực hiện còn chưa đồng bộ, không thuận lợi trong quá trình tham chiếu khi tác tác nghiệp, nhất là đối với công chức mới được phân công làm nhiệm vụ kiểm soát chi vốn đầu tư XDCB. Từ đó, ít nhiều làm ảnh hưởng đến thời gian giải quyết hồ sơ thanh toán.
Đối với phương thức “thanh toán trước, kiểm soát sau”: Vừa qua, KBNN đã báo cáo Bộ Tài chính phê duyệt phương thức thanh toán trước, kiểm soát chi sau cho cho hợp đồng thanh toán nhiều lần (trừ lần thanh toán cuối cùng), theo đó đã rút ngắn thời gian thanh toán xuống còn 01 ngày làm việc. Đây được xem là một trong những bước tiến về cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực KBNN, góp phần thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư, đáp ứng kịp thời nhu cầu chi tiêu của các đơn chủ đầu tư, ban QLDA và vẫn đảm bảo quản lý chặt chẽ, đúng chế độ quy định. Ngày 17/08/2018, KBNN đã ban hành Công văn số 4025/KBNN-KSC hướng dẫn Thông tư số 52/2018/TT-BTC ngày 24/05/2018 của Bộ Tài chính. Theo đó, tại Điểm 2 của Công văn có quy định về nội dung kiểm soát, trình tự các bước công việc và việc luân chuyển chứng từ được hướng dẫn khá cụ thể, rõ ràng, dễ thực hiện. Tuy nhiên, tại Điểm 2.3 quy định như sau: “Ngay sau khi thực hiện thanh toán trước cho dự án theo Điểm 2.2 nêu trên, căn cứ hồ sơ đã nhận, chậm nhất là 03 ngày làm việc kể từ ngày KBNN chấp nhận thanh toán, cán bộ kiểm soát chi thực hiện kiểm soát lại hồ sơ thanh toán, nội dung kiểm soát, trình tự các bước công việc thực hiện theo quy định tại Quyết định số 5657/QĐ-KBNN…”. Như vậy, chỉ tối đa là ba ngày làm việc kể từ ngày KBNN chấp nhận thanh toán, công chức kiểm soát chi phải hoàn thành công việc “kiểm soát chi sau” (gọi tắt là “hậu kiểm”). Thời gian ba ngày làm việc cho công tác “hậu kiểm” là tương đối ngắn; vì công chức làm công tác kiểm soát chi không chỉ thực hiện công tác này, mà còn phải thực hiện song song nhiều công việc khác có liên quan như: Đối chiếu, tách trả chứng từ cho khách hàng, báo cáo, sắp xếp lưu trữ hồ sơ, tất toán dự án hoàn thành, rà soát phân loại dư nợ tạm ứng… nhất là vào dịp cuối năm, khối lượng công việc khá lớn, bên cạnh đó vừa phải tiếp nhận, giải quyết hồ sơ mới phát sinh, vừa phải “hậu kiểm” cho những khối lượng thanh toán trước đó cùng với các công việc chi thường xuyên NSNN (hiện nay công chức kiểm soát chi được phân công nhiệm vụ chi đầu tư XDCB và cả chi thường xuyên). Vì thế, công chức kiểm soát chi chịu nhiều áp lực và khó có thể hoàn thành công việc đảm bảo chặt chẽ, chính xác và đúng thời gian quy định. Vì vậy, quy định thời gian làm việc cần được nghiên cứu và xem xét điều chỉnh cho phù hợp.
Qua những bất cập nêu trên, chúng tôi xin đề xuất một vài ý kiến mang tính trao đổi, tham khảo như sau:
Đối với quy định về nguyên tắc kiểm soát thanh toán đối với cơ quan KBNN, kiến nghị KBNN nên sửa đổi Quy trình 5657 theo hướng: KBNN thực hiện kiểm tra tính chính xác về số học đối với cột “thành tiền” trên các Phụ lục 03a, 03b, 04; chịu trách nhiệm về tổng giá trị đề nghị thanh toán của Phụ lục 03a, 03b, 04 so với giá trị trên Giấy đề nghị thanh toán vốn đầu tư (ban hành kèm theo Thông tư 08 của Bộ Tài chính) và so với chứng từ chuyển tiền đảm bảo khớp đúng với nhau, không phải kiểm tra và chịu trách nhiệm về tính chính xác của từng khối lượng chi tiết. Nhằm, một mặt là phù hợp với quy định của Chính phủ và của Bộ Tài chính; mặt khác, nhằm tránh chồng lấn trách nhiệm với chủ đầu tư, giảm bớt áp lực khối lượng công việc đối với công chức kiểm soát chi, góp phần đầy nhanh thời gian giải quyết hồ sơ thanh toán cho khách hàng.
Đối với quy trình nghiệp vụ cần được tích hợp các quy trình và các văn bản hướng dẫn của KBNN liên quan đến kiểm soát chi đầu tư XDCB, chi thường xuyên và quản lý kiểm soát cam kết chi như đã đề cập ở trên thành quy trình chung có tên gọi “Quy trình kiểm soát, thanh toán các khoản chi từ NSNN qua KBNN”. Theo hướng chia thành hai quy trình: Quy trình áp dụng tại KBNN cấp tỉnh và quy trình áp dụng đối mô hình KBNN cấp huyện. Như vậy, quy trình sẽ đồng bộ hơn; đồng thời, quy định về trình tự các bước xử lý công việc trong nội bộ đơn vị được gắn với với tổ chức bộ máy phù hợp với mô hình thống nhất đầu mối kiểm soát chi như hiện nay; tạo thuận lợi hơn trong quá trình tham chiếu khi tác nghiệp, góp phần rút ngắn thời gian kiểm soát hồ sơ thanh toán.
Về thời gian thực hiện công việc “hậu kiểm”, kiến nghị KBNN cần xem xét điều chỉnh thời gian chậm nhất là bốn ngày làm việc kể từ ngày chấp nhận thanh toán, thay cho ba ngày làm việc như quy định hiện nay sẽ hợp lý hơn, đồng thời bổ sung ràng buộc thêm quy định đó là: Phải đảm bảo hoàn thành công việc “kiểm soát chi sau” (bao gồm cả việc chủ đầu tư thống nhất với Thông báo kết quả kiểm soát thanh toán của Kho bạc) trước khi thực hiện thanh toán giai đoạn tiếp theo của hợp đồng cho phù hợp với quy định tại Thông tư số 52/2018/TT-BTC ngày 24/5/2018 của Bộ Tài chính: “Thời hạn kiểm soát thanh toán vốn của KBNN: Trong thời hạn tối đa là 04 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ thanh toán theo quy định của chủ đầu tư, căn cứ vào hợp đồng (hoặc dự toán được duyệt đối với các công việc được thực hiện không thông qua hợp đồng) và số tiền chủ đầu tư đề nghị thanh toán, KBNN kiểm soát, thanh toán cho dự án và thu hồi vốn tạm ứng theo quy định”. Đề xuất tăng thêm thời gian “hậu kiểm” không trái với quy định này vì trong giai đoạn “thanh toán trước” hay còn gọi là “tiền thanh” thì kho bạc đã hoàn thành việc thanh toán vốn cho nhà thầu và thực hiện thu hồi vốn tạm ứng theo quy định, tăng thêm thời gian “hậu kiểm” không làm ảnh hưởng đến thời gian thanh toán vốn cho nhà thầu và cũng không phải là một bước lùi trong quá trình cải cách thủ tục hành chính. Do vậy, nếu được KBNN xem xét điều chỉnh tăng thêm thời gian sẽ giảm bớt áp lực về thời gian đối với công chức làm công tác kiểm soát chi và công việc “hậu kiểm” sẽ cho ra kết quả chính xác hơn, góp phần đảm bảo an toàn tuyệt đối Quỹ NSNN.
Những nội dung bàn luận nêu trên đối với Quy trình Kiểm soát thanh toán vốn đầu tư và vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư trong nước qua hệ thống KBNN được rút ra từ thực tế phát sinh tại địa phương với mong muốn quy trình tác nghiệp ngày càng được cải tiến nhằm góp phần tăng cường công tác kiểm soát chi NSNN được chặt chẽ, đảm bảo kỷ luật, kỷ cương tài chính.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Thông tư số 08/2016/TT-BTC ngày 18/01/2016 của Bộ Tài chính quy định về quản lý, thanh toán vốn đầu tư sử dụng nguồn vốn NSNN
2. Quyết định số 5657 ngày 28/12/2016 của KBNN ban hành quy trình kiểm soát thanh toán vốn đầu tư và vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư trong nước qua hệ thống KBNN
3. Quyết định số 2899/QĐ-KBNN ngày 15/06/2018 của Tổng Giám đốc KBNN ban hành Quy trình nghiệp vụ thống nhất đầu mối kiểm soát các khoản chi NSNN tại KBNN cấp huyện không có tổ chức cấp phòng
NGUYỄN TRƯỜNG SƠN – NGUYỄN HỮU ĐỨC