Trong thực tiễn, nhiệm vụ kiểm soát chi hiện nay còn tồn tại những hiểu biết chưa nhất quán về nội hàm của những khái niệm liên quan đối với kiểm soát thanh toán khoản chi sửa chữa cơ sở vật chất của các cơ quan đơn vị hành chính sự nghiệp không có hợp đồng và khoản chi sửa chữa có giá trị hợp đồng dưới hai mươi triệu đồng. Trong bài viết, tác giả sẽ làm rõ nội hàm các khái niệm quan trọng, qua đó, góp phần đảm bảo công tác kiểm soát các khoản chi này được chặt chẽ hơn, tránh các rủi ro đối với công chức KBNN đang thực hiện nhiệm vụ kiểm soát chi NSNN.
In the current practice of expenditure control, there is inconsistent understanding of concepts related to payment control for repairs of facilities of spending units without contract and payment for repairs with the contract value of less than 20 million VND. In this article, the author will clarify the key concepts, with a contribution to ensuring the strict expenditure control, in order to avoid risks to State Treasury officers who are performing state budget expenditure control tasks.
Trong công tác kiểm soát thanh toán vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư, hiện nay đang có sự thực hiện khác nhau giữa các đơn vị KBNN đối với kiểm soát thanh toán khoản chi sửa chữa cơ sở vật chất của các cơ quan đơn vị hành chính sự nghiệp (HCSN) không có hợp đồng và khoản chi sửa chữa có giá trị hợp đồng dưới hai mươi triệu đồng. Nguyên nhân cơ bản, dường như xuất phát từ sự nhìn nhận, hiểu biết chưa nhất quán về nội hàm của những khái niệm có liên quan, và do hướng dẫn cũng chưa thật sự rõ ràng, cụ thể đối với kiểm soát thanh toán khoản chi này.
Sau đây, tôi xin trao đổi làm rõ hơn về nội hàm khái niệm “vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư”, xác định rõ và cụ thể hơn về hồ sơ kiểm soát thanh toán đối với khoản chi sửa chữa cơ sở vật chất của các cơ quan, đơn vị HCSN không có hợp đồng và khoản chi có giá trị hợp đồng dưới hai mươi triệu đồng phải gửi KBNN để kiểm soát thanh toán. Qua đó, hy vọng góp phần giúp cho công tác kiểm soát các khoản chi này được chặt chẽ hơn, tránh các rủi ro đối với công chức KBNN đang thực hiện nhiệm vụ kiểm soát chi NSNN.
Bàn về nội hàm khái niệm của thuật ngữ “vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư” trong Thông tư số 39/2016/TT-BTC ngày 01/03/2016 của Bộ Tài chính (Thông tư 39) sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 161/2012/TT-BTC ngày 02/10/2012 của Bộ Tài chính Quy định chế độ kiểm soát, thanh toán các khoản chi NSNN qua KBNN (Thông tư 161). Theo Thông tư 39, vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư được xác định như sau: Vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư là các khoản chi từ nguồn kinh phí thường xuyên, kinh phí sự nghiệp cho sửa chữa, cải tạo, mở rộng, xây dựng mới các hạng mục công trình, nâng cấp cơ sở vật chất hiện có của cơ quan đơn vị hành chính sự nghiệp nhằm phục hồi hoặc tăng giá trị tài sản cố định.
Như vậy, với quy định như trên chúng ta có thể hiểu vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư bao gồm hai nguồn, đó là từ nguồn kinh phí thường xuyên và nguồn kinh phí sự nghiệp.
Việc lập dự toán, phân bổ dự toán đối với vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư hiện nay được thực hiện theo quy định tại Luật NSNN năm 2015 và Thông tư số 92/2017/TT-BTC ngày 18/09/2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về lập dự toán, phân bổ và quyết toán kinh phí để thực hiện sửa chữa, bảo trì, cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất (Thông tư 92).
Theo hướng dẫn tại Thông tư này, việc lập dự toán, phân bổ dự toán đối với vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư được chia làm hai trường hợp. Trường hợp có kế hoạch thực hiện trong năm kế hoạch và trường hợp phát sinh trong năm kế hoạch (Điều 4 Thông tư 92). Trường hợp có kế hoạch thực hiện trong năm kế hoạch: Hằng năm, căn cứ hướng dẫn xây dựng dự toán NSNN của các cấp có thẩm quyền, nhiệm vụ thực hiện trong năm kế hoạch và các quy định tại Thông tư này; cơ quan, đơn vị trực thuộc lập dự toán kinh phí thực hiện sửa chữa, bảo trì, cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất tổng hợp chung vào dự toán của cơ quan, đơn vị mình; gửi cơ quan chủ quản ở trung ương và địa phương (đơn vị dự toán cấp I), để xem xét, tổng hợp chung vào dự toán của đơn vị dự toán cấp I gửi cơ quan tài chính cùng cấp để trình cấp có thẩm quyền quyết định.
Trường hợp trong năm, cơ quan, đơn vị có phát sinh nhu cầu sửa chữa, bảo trì, cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất, cơ quan đơn vị tự sắp xếp trong phạm vi dự toán được giao và đảm bảo hồ sơ tài liệu về lập và phân bổ dự toán như quy định tại Điểm b, Khoản 1 và Điểm b, Khoản 2, Điều 4 Thông tư 92.
Như vậy, chúng ta có thể hiểu, kinh phí dùng để sửa chữa, bảo trì, cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất, cơ quan đơn vị được NSNN cấp kinh phí hoạt động, sử dụng NSNN đều có thể được coi là vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư và thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư 161 và Thông tư 39 quy định chế độ kiểm soát, thanh toán các khoản chi NSNN qua KBNN.
Vướng mắc trong thực hiện kiểm soát thanh toán vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư: Như đã trình bày ở trên, có thể thống nhất rằng kinh phí dùng để sửa chữa, bảo trì, cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất, cơ quan đơn vị được NSNN cấp kinh phí hoạt động, sử dụng NSNN đều có thể được coi là vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư. Đối với các khoản chi này, phải áp dụng các quy định tại Khoản 7, Điều 1 Thông tư 39 về hồ sơ tạm ứng, thanh toán vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư để kiểm soát thanh toán.
Tại Khoản 7, Điều 1 Thông tư 39 quy định hai trường hợp: Trường hợp thứ nhất là tạm ứng, thanh toán vốn đối với các dự án có tổng mức vốn từ 1 tỷ đồng trở lên, việc quản lý, kiểm soát tạm ứng, thanh toán vốn thực hiện theo quy định tại Thông tư hướng dẫn về quản lý, thanh toán vốn đầu tư sử dụng nguồn vốn NSNN của Bộ Tài chính. Riêng đối với quyết định đầu tư và báo cáo kinh tế kỹ thuật của các dự án thì không bắt buộc phê duyệt trước 31/10 năm trước năm kế hoạch.
Trường hợp thứ hai là tạm ứng, thanh toán vốn đối với các dự án có tổng mức vốn dưới 1 tỷ đồng, hồ sơ tạm ứng, thanh toán vốn bao gồm có hồ sơ gửi lần đầu như: Báo cáo kinh tế – kỹ thuật và quyết định phê duyệt báo cáo kinh tế-kỹ thuật (không bắt buộc phê duyệt trước ngày 31/10 năm trước năm kế hoạch) hoặc Quyết định phê duyệt thiết kế – dự toán; quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu; hợp đồng mua sắm hàng hóa, dịch vụ đối với khoản chi có giá trị hợp đồng từ hai mươi triệu đồng trở lên và Hồ sơ gửi từng lần khi có nhu cầu như: Hồ sơ tạm ứng, hồ sơ thanh toán tạm ứng, hồ sơ thanh toán trực tiếp.
Vấn đề hiện nay đang vướng mắc là đối với những khoản chi sửa chữa không có hợp đồng và đối với những khoản chi sửa chữa có giá trị hợp đồng dưới hai mươi triệu đồng thì hồ sơ tạm ứng, thanh toán vốn bao gồm những tài liệu nào, và trách nhiệm kiểm soát của KBNN. Thực tế hiện nay có hai cách hiểu khác nhau:
Cách hiểu thứ nhất cho rằng đối với khoản chi sửa chữa không có hợp đồng và đối với những khoản chi sửa chữa có giá trị hợp đồng dưới hai mươi triệu đồng thì vẫn là một khoản chi vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư và được áp dụng quy định tại Khoản 7, Điều 1 Thông tư 39 để kiểm soát thanh toán. Do vậy, cũng phải có hồ sơ gửi lần đầu và hồ sơ gửi từng lần. Hồ sơ gửi lần đầu trong trường hợp này là dự toán được duyệt. Hồ sơ gửi từng lần khi có nhu cầu tạm ứng, thanh toán tạm ứng, thanh toán trực tiếp thì theo như quy định tại Điểm b, c, d, Mục 2.2, Khoản 7, Điều 1 Thông tư 39.
Cách hiểu thứ hai cho rằng đối với khoản chi sửa chữa không có hợp đồng và đối với những khoản chi sửa chữa có giá trị hợp đồng dưới hai mươi triệu đồng thì không cần gửi kho bạc hồ sơ gửi lần đầu (dự toán sửa chữa được duyệt) mà chỉ cần gửi hồ sơ theo quy định tại Điểm b, c, d, Mục 2.2, Khoản 7, Điều 1 Thông tư 39 là đủ điều kiện thanh toán vốn. Nếu hiểu theo cách hiểu này thì có thể phát sinh trường hợp kế toán đơn vị sử dụng ngân sách lợi dụng chuyển tiền sửa chữa mà không có hồ sơ, không có hoạt động sửa chữa tại đơn vị nhằm chiếm đoạt NSNN (hồ sơ thanh toán chỉ có giấy rút dự toán, trong giấy rút dự toán nội dung ghi số hóa đơn không có thực và gửi đến kho bạc để thanh toán). Vì vậy, đối với việc kiểm soát chi sửa chữa (không có hợp đồng và đối với những khoản chi sửa chữa có giá trị hợp đồng dưới 20 triệu đồng thì hồ sơ tạm ứng thanh toán và trách nhiệm kiểm soát của KBNN phải thực hiện theo cách hiểu thức nhất, không thể thực hiện theo cách hiểu thứ 2 được.
Ví dụ: Trường hợp thanh toán trực tiếp chỉ cần gửi Giấy rút dự toán và Bảng kê chứng từ thanh toán (Mẫu số 01 Thông tư 39) là đủ điều kiện thanh toán.
Như đã xác định ở trên, kinh phí dùng để sửa chữa, bảo trì, cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất, cơ quan đơn vị được NSNN cấp kinh phí hoạt động, sử dụng NSNN đều được coi là vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư. Và như vậy, các khoản chi này phải áp dụng các quy định tại Khoản 7, Điều 1 Thông tư 39 để kiểm soát thanh toán. Do đó, hồ sơ tạm ứng, thanh toán phải bao gồm hồ sơ gửi lần đầu và hồ sơ gửi từng lần. Đối với khoản chi sửa chữa không có hợp đồng và đối với những khoản chi sửa chữa có giá trị hợp đồng dưới hai mươi triệu đồng cũng không phải là một ngoại lệ.
Điểm khác biệt về hồ sơ gửi kho bạc giữa khoản chi sửa chữa không có hợp đồng và những khoản chi sửa chữa có giá trị hợp đồng dưới hai mươi triệu đồng với những khoản chi sửa chữa có giá trị hợp đồng từ 20 triệu đồng trở lên là khi thanh toán trực tiếp, thì đối với những khoản chi không có hợp đồng và những khoản chi có giá trị hợp đồng dưới hai mươi triệu đồng, ngoài giấy rút dự toán thì chỉ phải gửi Bảng kê chứng từ thanh toán (Mẫu số 01 Thông tư 39). Còn đối với những khoản chi sửa chữa có giá trị hợp đồng từ 20 triệu đồng trở lên phải gửi Bảng xác định giá trị khối lượng công việc hoàn thành theo hợp đồng đề nghị thanh toán theo mẫu biểu phụ lục số 03a và phụ lục số 04 (nếu có) quy định tại Thông tư số 08/2016/TT-BTC ngày 18/01/2016 của Bộ Tài chính quy định về quản lý, thanh toán vốn đầu tư sử dụng nguồn vốn NSNN.
Cũng cần lưu ý, hợp đồng thực hiện sửa chữa, bảo trì, cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất của cơ quan, đơn vị cũng khác, không đồng nhất với hợp đồng mua sắm hàng hóa, dịch vụ. Không thể đánh đồng hợp đồng sửa chữa với hợp đồng mua sắm hàng hóa, dịch vụ là một. Do vậy, cách hiểu thứ nhất là đúng. Vấn đề này, cũng đã được KBNN hướng dẫn tại Công văn số 2411/KBNNKSC ngày 09/06/2016 của KBNN về việc trả lời vướng mắc sau hội nghị tập huấn Thông tư 39 và các thông tư liên quan khác (Điểm 9.3 mục I phần A).
Trong xu hướng cải cách hành chính hiện nay, chúng ta đang phân định rõ và tăng trách nhiệm của chủ tài khoản, trách nhiệm của đơn vị sử dụng NSNN. Do đó, đối với khoản chi sửa chữa không có hợp đồng và những khoản chi sửa chữa có giá trị hợp đồng dưới hai mươi triệu đồng nếu áp dụng thực hiện như đối với quy định của hợp đồng mua sắm hàng hóa, dịch vụ, thì cũng cần phải được quy định rõ ràng và cụ thể hơn để thống nhất khi thực hiện kiểm soát thanh toán.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Thông tư số 39/2016/TT-BTC ngày 01/03/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 161/2012/TT-BTC ngày 02/10/2012 quy định chế độ kiểm soát, thanh toán các khoản chi NSNN qua KBNN.
2. Nghị định số 46/2015/NĐ-CP ngày 12/05/2015 của Chính phủ về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng.
3. Thông tư số 92/2017/TT-BTC ngày 18/09/2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về lập dự toán, phân bổ và quyết toán kinh phí để thực hiện sửa chữa, bảo trì, cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất.
NGUYỄN NGỌC ĐẢN