Câu hỏi: Thủ trưởng đơn vị sử dụng ngân sách có được ủy quyền cho người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc cơ cấu tổ chức của mình ký thừa ủy quyền hợp đồng mua sắm hàng hóa, dịch vụ trong cơ quan nhà nước không? Đề nghị KBNN có hướng dẫn đối với trường hợp nêu trên?
Trả lời: Tại Khoản 1, Điều 138 Bộ Luật dân sự số 91/2015/QH13 ngày 24/11/2015 của Quốc hội quy định: “Cá nhân, pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự”.
Tại Điều 7 Nghị định số 30/2020/NĐ-CP ngày 05/3/2020 của Chính phủ quy định về công tác văn thư (Nghị định số 30) quy định: “Văn bản hành chính gồm các loại văn bản sau: Nghị quyết (cá biệt), quyết định (cá biệt), chỉ thị, quy chế, quy định, thông cáo, thông báo, hướng dẫn, chương trình, kế hoạch, phương án, đề án, dự án, báo cáo, biên bản, tờ trình, hợp đồng, công văn, công điện, bản ghi nhớ, bản thỏa thuận, giấy ủy quyền, giấy mời, giấy giới thiệu, giấy nghỉ phép, phiếu gửi, phiếu chuyển, phiếu báo, thư công”.
Tại Khoản 3 và Khoản 5, Điều 13 Nghị định số 30 quy định: “Trong trường hợp đặc biệt, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thể ủy quyền cho người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc cơ cấu tổ chức của mình ký thừa ủy quyền một số văn bản mà mình phải ký. Việc giao ký thừa ủy quyền phải được thực hiện bằng văn bản, giới hạn thời gian và nội dung được ủy quyền. Người được ký thừa ủy quyền không được ủy quyền lại cho người khác ký. Văn bản ký thừa ủy quyền được thực hiện theo thể thức và đóng dấu hoặc ký số của cơ quan, tổ chức ủy quyền” (Khoản 3).
“Người ký văn bản phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về văn bản do mình ký ban hành. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về toàn bộ văn bản do cơ quan, tổ chức ban hành” (Khoản 5).
Do đó, căn cứ vào các quy định nêu trên, đề nghị đơn vị sử dụng ngân sách phối hợp với KBNN nơi mở tài khoản để thực hiện kiểm soát thanh toán hồ sơ mua sắm, đảm bảo đúng quy định của pháp luật.