Tính đến hết quý I/2020, KBNN Long An đã nhanh chóng triển khai dịch vụ công trực tuyến lĩnh vực kho bạc (DVCTT) tới 86% đơn vị sử dụng NSNN trên địa bàn tỉnh, mang đến một diện mạo hoàn toàn mới trong công tác kiểm soát chi NSNN qua KBNN.
In the first quarter of 2020, the State Treasury of Long An Province quickly implemented the State Treasury online public service to 86% spending units in the province, bringing a completely new face in the work of controlling state budget expenditure through the State Treasury.
KBNN Long An thực hiện triển khai DVCTT vào đầu tháng 10/2019. Xác định rõ DVCTT là bước tiến quan trọng để hình thành Kho bạc điện tử nhằm cung cấp thông tin, DVCTT trên diện rộng cho người dân và doanh nghiệp, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, minh bạch hoạt động của cơ quan nhà nước, vì vậy, ngay từ những ngày đầu tháng 10/2019, Ban lãnh đạo KBNN Long An đã tổ chức lấy ý kiến, họp trao đổi chỉ đạo trực tiếp với lãnh đạo các phòng nghiệp vụ, KBNN các huyện, thị thông qua các cuộc họp, hội nghị nhằm ổn định về mặt tinh thần, tư tưởng, thống nhất phương án, kế hoạch sẵn sàng để triển khai DVCTT.
Theo đó, tất cả công chức thuộc phòng Kiểm soát chi đều được KBNN tập huấn, thực hành nhuần nhuyễn các nghiệp vụ trên hệ thống DVCTT theo hình thức tập trung dưới sự hướng dẫn, hỗ trợ của công chức tin học KBNN Long An. Bên cạnh đó, trước khi triển khai DVCTT diện rộng, lãnh đạo KBNN Long An đã lựa chọn một số công chức đưa đi đào tạo học hỏi kinh nghiệm ở các đơn vị đã triển khai để tổ chức thực hiện đồng thời hướng dẫn lại cho công chức toàn đơn vị theo hình thức cầm tay chỉ việc. Trong quá trình triển khai DVCTT, mọi công chức đều nghiêm túc chấp hành quy định, quy trình nghiệp vụ DVCTT để kiểm soát các khoản chi NSNN qua KBNN theo Quyết định số 4377/QĐKBNN ngày 15/09/2017 của KBNN về việc ban hành quy trình nghiệp vụ thống nhất đầu mối kiểm soát các khoản chi NSNN qua KBNN.
KBNN Long An đặc biệt chú trọng tổ chức tuyên truyền để đông đảo người dân và các đơn vị sử dụng ngân sách hiểu về DVCTT và những lợi ích, mục tiêu hướng đến của DVCTT, đăng bài tuyên truyền về tiện ích DVCTT trên báo Long An. Mỗi công chức làm công tác kiểm soát chi là một tuyên truyền viên đến các đơn vị sử dụng NSNN. Ngoài ra, KBNN Long An cũng đã soạn thảo tài liệu chi tiết về quy trình cài đặt và hướng dẫn sử dụng DVCTT gửi các đơn vị sử dụng NSNN có quan hệ giao dịch với KBNN khi tham gia hội nghị tập huấn triển khai.
Lãnh đạo KBNN Long An luôn sát sao, bám sát diễn biến, kịp thời nắm bắt, đả thông tư tưởng khi các chủ tài khoản còn băn khoăn, e ngại đồng thời thường xuyên báo cáo Ủy ban nhân dân về tiến độ triển khai DVCTT để tranh thủ sự ủng hộ của chính quyền địa phương; tham mưu cho chính quyền địa phương ban hành một số văn bản cho công tác triển khai. Đến ngày 28/10/2019, theo quy định của KBNN, KBNN Long An có Công văn báo cáo UBND tỉnh Long An để chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND thành phố, thị xã tập trung triển khai DVCTT KBNN. Đồng thời, thống kê, đôn đốc gửi các đơn vị tham gia DVCTT được biết và phối hợp thực hiện. KBNN Long An đã đảm bảo cơ sở vật chất, nền tảng công nghệ thông tin, các chương trình ứng dụng vận hành thông suốt đáp ứng nhu cầu khi triển khai hệ thống DVCTT.
Hệ thống mạng máy tính và các thiết bị tin học đã được lắp đặt đầy đủ đảm bảo vận hành tốt; các chương trình ứng dụng như TABMIS, (ĐTKB – LAN) thanh toán liên ngân hàng, Thanh toán liên kho bạc, Thu thuế trực tiếp (TCS), mạng Internet… đều hoạt động ổn định, thông suốt. Trong tháng 10/2019, Hội nghị tập huấn triển khai DVCTT được triển khai trên toàn tỉnh Long An. Tại Văn phòng KBNN Long An chia làm hai đợt, mỗi đợt thực hiện trong một ngày làm việc, đối tượng là các đơn vị sử dụng NSNN của thành phố Tân An và các đơn vị sử dụng NSNN còn lại trên địa bàn tỉnh với số lượng mỗi đợt trên 100 người bao gồm lãnh đạo đơn vị sử dụng NSNN và kế toán trưởng có giao dịch với KBNN.
Bên cạnh đó, tại các huyện thị, lãnh đạo KBNN Long An đã chỉ đạo triển khai 14 cuộc tại 14 huyện, thị với thành phần được mời triển khai là lãnh đạo đơn vị sử dụng NSNN và kế toán trưởng của các đơn vị sử dụng NSNN trên địa bàn có giao dịch với KBNN. Các đối tượng tham gia tập huấn được phổ biến, hướng dẫn toàn bộ quy trình cài đặt và sử dụng hệ thống dịch vụ công trực tuyến KBNN. Ngày 01/11/2019, KBNN Long An đã chính thức triển khai DVCTT trên toàn tỉnh Long An theo hình thức “cuốn chiếu”.
KBNN Long An cử công chức tin học đến từng đơn vị để cài đặt chương trình DVCTT và hướng dẫn chi tiết các thao tác cần thiết theo hình thức “cầm tay chỉ việc”, “một thầy một trò” chắc chắn từng đơn vị, từng người sử dụng đều thao tác nhuần nhuyễn trên hệ thống DVCTT sau triển khai. KBNN Long An đã phân công công chức tin học trực tiếp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong suốt quá trình và sau khi triển khai DVCTT, đảm bảo công tác giao dịch qua DVCTT được vận hành thông suốt, tránh tối đa những luồng ý kiến trái chiều gây ảnh hưởng đến tâm lý của các đơn vị giao dịch.
Tính đến hết ngày 31/03/2020, KBNN Long An đã hoàn thành triển khai DVCTT đến 1.178/1.372 đơn vị sử dụng ngân sách, tương đương 86%. Hệ thống DVCTT đã hoạt động thông suốt, ổn định, an toàn; tập trung ở các mảng dịch vụ: Thủ tục đăng ký mở và sử dụng tài khoản tại KBNN; thủ tục giao, nhận và trả kết quả đối với hồ sơ kiểm soát chi; kê khai yêu cầu thanh toán dễ dàng cho các đơn vị tham gia. Các đơn vị sử dụng ngân sách đã truyền được chứng từ sang KBNN Long An, KBNN Long An đã thực hiện hoàn thiện chứng từ trên DVCTT, kết nối thành công vào TABMIS và trả báo nợ cho đơn vị theo đúng quy định. Hết ngày 31/03/2020, trên địa bàn KBNN Long An có 69.181 hồ sơ giao dịch đã được tiếp nhận và thực hiện thành công qua hệ thống DVCTT, chiếm 89% tổng số hồ sơ giao dịch tính từ thời điểm triển khai DVCTT.
Tuy được sự ủng hộ của chính quyền địa phương và sự đồng thuận của các đơn vị sử dụng ngân sách nhưng kết quả triển khai DVCTT trên địa bàn tỉnh Long An chưa đạt kết quả cao do nhiều yếu tố như: Nhiều đơn vị sử dụng ngân sách đang thực hiện chủ trương đẩy mạnh công tác sáp nhập, giải thể, cổ phần hóa nên số lượng đơn vị giao dịch với KBNN vẫn đang có nhiều biến động; các đơn vị khối an ninh quốc phòng nhiều giao dịch liên quan đến bí mật nhà nước; địa bàn tập trung nhiều hội nghề nghiệp, các đơn vị và ban quản lý dự án không thường xuyên quan hệ giao dịch với kho bạc; có nhiều tài khoản giao dịch đã ngừng hoạt động; đơn vị không có kế toán trưởng… Triển khai DVCTT trên địa bàn tập trung vào sử dụng chữ ký số chuyên dùng nên khó khăn nhiều cho các đơn vị có thay đổi chủ tài khoản hoặc kế toán trưởng; các đơn vị ngành dọc trên địa bàn chậm được cấp chữ ký số chuyên dùng (không thuộc diện đề nghị cấp tỉnh).
Tiến độ cấp chữ ký số chuyên dùng còn chậm do đơn vị đề nghị chậm, chưa đủ các chức danh lãnh đạo. Việc ban hành một số quy trình hỗ trợ liên quan đến hoạt động DVCTT của KBNN cần được bổ sung, điều chỉnh như việc lưu trữ chứng từ theo Quyết định số 858/QĐ-KBNN ngày 15/10/2014 về việc ban hành Quy chế bảo quản, lưu trữ và tiêu hủy tài liệu kế toán của hệ thống KBNN trong điều kiện vận hành TABMIS (Quyết định 858) áp dụng hệ thống DVCTT trên diện rộng cần được bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.
DVCTT là một hệ thống ứng dụng mới đòi hỏi người sử dụng cần phải có thời gian sử dụng để có thể tối ưu mọi chức năng của hệ thống. Đây cũng là khó khăn cho công chức kế toán, thủ trưởng các đơn vị sử dụng NSNN cũng như công chức làm công tác kiểm soát chi và lãnh đạo KBNN Long An.
Hiện nay, công tác lưu trữ chứng từ, hồ sơ trong thanh toán của bộ phận Kiểm soát chi sau khi thực hiện triển khai DVCTT chưa có hướng dẫn cụ thể nên cũng tồn tại một số khó khăn như phải kết hợp lưu trữ chứng từ in phục hồi từ cổng DVCTT và chứng từ, hồ sơ được đơn vị sử dụng ngân sách gửi trực tiếp, các phụ lục và hồ sơ đính kèm qua cổng DVCTT khi in ra để lưu trữ không có dấu đỏ (đây là cơ sở pháp lý để lưu trữ chứng từ giấy) theo Quyết định.
Quá trình xử lý hồ sơ, chứng từ chi NSNN của đơn vị sử dụng ngân sách qua cổng DVCTT trong thời gian qua trên hệ thống mạng có những thời điểm rất chậm, đặc biệt là vào các thời điểm giao dịch cao điểm, số lượng hồ sơ giao dịch nhiều như cuối năm, cuối tháng khi đó màn hình giao dịch DVCTT bị treo hay hoạt động được nhưng xử lý rất chậm.
Xuất phát từ thực tế triển khai tại địa phương, KBNN Long An đề xuất một số giải pháp để triển khai DVCTT hiệu quả trong thời gian tới:
Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức, qua tất cả các kênh truyền thông để các đơn vị sử dụng ngân sách, chủ đầu tư, ban quản lý dự án trên địa bàn tỉnh Long An thấy được tầm quan trọng, lợi ích, hiệu quả DVCTT trong giao dịch hành chính công; hiểu điện tử hóa hoạt động hành chính công nói chung và hoạt động giao dịch KBNN nói riêng là một xu thế tất yếu, bắt buộc phải thực hiện để xây dựng Chính phủ điện tử;
Các sở, ngành có liên quan đến việc cấp chứng thư số cần tạo điều kiện tối đa để tiến độ cấp chữ ký số chuyên dùng diễn ra nhanh và thuận lợi hơn, tạo điều kiện tốt nhất cho các đơn vị sử dụng NSNN có giao dịch với KBNN được tham gia DVCTT KBNN sớm nhất.
Kiến nghị KBNN tiếp tục nâng cấp tốc độ xử lý, ổn định đường truyền cũng như nâng cấp giao diện sử dụng hệ thống DVCTT có tính thân thiện với người sử dụng hơn nữa, có các chức năng sắp xếp hồ sơ tiếp nhận theo từng đơn vị sử dụng NSNN và từng công chức kiểm soát chi chuyên quản tạo thuận lợi cho công tác phê duyệt chứng từ để hồ sơ, chứng từ chi NSNN của đơn vị sử dụng NSNN qua cổng DVCTT trong thời gian tới trên hệ thống mạng được nhanh chóng kịp thời và thuận tiện hơn. Qua đó, tạo được niềm tin của người dùng trong hệ thống KBNN và khách hàng giao dịch sử dụng hệ thống.
KBNN sớm ban hành mới quy trình nghiệp vụ lưu trữ chứng từ, hồ sơ trong thanh toán của bộ phận Kiểm soát chi sau khi thực hiện triển khai hệ thống DVCTT trên diện rộng.
Một hệ thống có hiện đại đến đâu thì cũng không thể thiếu con người vận hành, khai thác. Mỗi công chức cần chú trọng công tác tự đào tạo, tự nâng cao kỹ năng tin học, khai thác hệ thống DVCTT cho bản thân đồng thời tuyên truyền đến các đơn vị sử dụng NSNN tham gia hiệu quả vào hệ thống DVCTT KBNN.
Hiệu quả thực sự của hệ thống DVCTT được đánh giá qua nhận xét từ những người sử dụng trực tiếp của hệ thống. Những yếu tố như: Giao diện sử dụng thân thiện, tốc độ xử lý nhanh chóng, quy trình triển khai được thuận tiện mang đến cho khách hàng là yếu tố quyết định. Trong thời gian qua còn tồn tại một số điểm chưa hài lòng cần được cải tiến, khắc phục như: Việc sắp xếp, phân loại hồ sơ chứng từ để kiểm soát của lãnh đạo KBNN còn chưa thật sự thuận lợi, chương trình còn có những thời điểm bị treo, chậm gây khó chịu cho người sử dụng…
Cần nâng cấp đường truyền và hệ thống DVCTT tốt hơn. Đây là yếu tố quyết định giúp cho việc triển khai DVCTT của KBNN thành công trên phạm vi cả nước.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Quyết định số 4377/QĐ-KBNN ngày 15/09/2017 của KBNN về việc ban hành quy trình nghiệp vụ thống nhất đầu mối kiểm soát các khoản chi NSNN qua KBNN;
2. Quyết định số 858/QĐ-KBNN ngày 15/10/2014 của KBNN về việc ban hành Quy chế bảo quản, lưu trữ và tiêu huỷ tài liệu kế toán của hệ thống KBNN trong điều kiện vận hành TABMIS;
3. Nghị định số 11/2020/NĐ-CP ngày 20/01/2020 của Chính phủ quy định về thủ tục hành chính trong linh vực KBNN.
ThS.NGUYỄN NGỌC HÙNG CƯỜNG