Dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) của Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã và đang hoạt động ổn định, hiệu quả, đánh dấu một bước tiến quan trọng giúp hệ thống KBNN sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng Kho bạc điện tử. Việc nghiên cứu nâng cấp để nâng cao hiệu quả và hiệu năng hoạt động của hệ thống DVCTT là vấn đề cấp thiết đối với hệ thống KBNN.
Thực trạng triển khai DVCTT tại KBNN Nông Sơn (Quảng Nam)
Trong thời gian qua, DVCTT tại hệ thống KBNN đã được nâng cấp, cải thiện và tích hợp nhiều tính năng, vận hành thông suốt. Điều này giúp các đơn vị thụ hưởng ngân sách nhà nước (NSNN) tiết kiệm thời gian, chi phí trong hoạt động giao dịch; hỗ trợ công chức KBNN tiếp nhận, xử lý hồ sơ chứng từ nhanh chóng, khoa học, nâng cao hiệu suất lao động và tăng tính minh bạch.
Tuy nhiên, sau gần 4 năm triển khai, quá trình vận hành DVCTT tại KBNN Nông Sơn (Quảng Nam) vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc:
- Chưa cảnh báo chênh lệch số liệu: Chương trình chưa phát hiện và cảnh báo được sự chênh lệch về số học giữa phần tổng cộng trên giấy rút dự toán ngân sách và tổng cộng trên bảng kê chứng từ thanh toán kèm theo. Chưa phát hiện và lọc được chứng từ trùng lặp về nội dung thanh toán nếu đơn vị nhầm lẫn gửi nhiều lần.
- Hạn chế dung lượng tệp đính kèm: Dung lượng dành cho tệp đính kèm trên DVCTT còn hạn chế, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động giao dịch của đơn vị sử dụng NSNN.
- Đường truyền chậm: Đôi lúc, đường truyền giao nhận hồ sơ còn chậm, đặc biệt vào những thời điểm cuối năm khi lượng hồ sơ, chứng từ cần giải quyết nhiều.
- Chức năng phân luồng chưa hiệu quả: Nếu chưa thực hiện chức năng phân luồng (gán quyền) xử lý công việc trên DVCTT cho giao dịch viên, chương trình không hiển thị thông báo tại màn hình trang chủ. Công chức phải tra cứu thủ công, mất nhiều thời gian.
- Chênh lệch số liệu đối chiếu tự động: Chức năng đối chiếu tự động số liệu từ TABMIS sang DVCTT đôi khi còn chênh lệch, nhất là vào thời điểm đầu năm, quý.
Giải pháp nâng cao hiệu quả DVCTT
Để DVCTT ngày càng hoàn thiện, mang lại hiệu suất cao cho người vận hành và sử dụng, cần tối ưu hóa các ứng dụng, tiện ích trong hệ thống. Chúng tôi đề xuất một số giải pháp sau:
1. Nâng cấp cơ sở hạ tầng và đường truyền
KBNN cần tiếp tục rà soát, kiến nghị các cấp tăng nguồn kinh phí để đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng; duy trì và nâng cấp chất lượng đường truyền phục vụ cho hoạt động cung cấp DVCTT.
2. Ứng dụng công nghệ hiện đại
Đổi mới, áp dụng những hình thức lưu trữ hồ sơ tại hệ thống KBNN có tính khả dụng cao hơn, như ứng dụng các công nghệ số:
- Điện toán đám mây (Cloud Computing)
- Dữ liệu lớn (Big Data)
- Di động (Mobility)
- Internet vạn vật (IoT)
- Trí tuệ nhân tạo (AI)
- Chuỗi khối (Blockchain)
Những công nghệ này sẽ hỗ trợ xây dựng và triển khai các ứng dụng, dịch vụ Kho bạc số hiệu quả hơn.
3. Tăng cường kỷ luật và kỷ cương hành chính
- Nghiên cứu áp dụng tiêu chí xét thi đua, đánh giá chất lượng lao động thông qua quá trình tiếp nhận, xử lý công việc trên DVCTT.
- Phát huy tính chủ động, linh hoạt, tiềm năng của công chức trong quản lý, vận hành các ứng dụng công nghệ thông tin mới.
- Phát hiện, cảnh báo các rủi ro trong quá trình tiếp nhận, xử lý hồ sơ từ xa để nâng cao chất lượng công tác kiểm soát chi.
- Đẩy mạnh đào tạo về kỹ năng sử dụng và khả năng thích ứng với các ứng dụng công nghệ thông tin mới cho công chức.
4. Đổi mới cách thức lưu trữ hồ sơ chứng từ
- Nghiên cứu sửa đổi Quyết định số 858/QĐ-KBNN ngày 15/10/2014 của Tổng Giám đốc KBNN về việc ban hành quy chế bảo quản, lưu trữ và tiêu hủy tài liệu kế toán của hệ thống KBNN trong điều kiện vận hành hệ thống TABMIS, để phù hợp với thực tế hiện nay khi giao nhận, lưu trữ chứng từ điện tử qua DVCTT.
5. Đổi mới hình thức kiểm tra, giám sát và thanh tra
- Tiếp tục đổi mới phương pháp kiểm tra, giám sát và thanh tra việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ trên DVCTT.
- Xây dựng ứng dụng phát hiện, ngăn ngừa từ xa những sai sót.
- Hoàn thiện ứng dụng hỗ trợ kiểm tra giám sát từ xa đối với hoạt động giao dịch hàng ngày.
- Trang bị, nâng cấp tính năng kiểm tra, rà soát chứng từ gửi đến trên chương trình DVCTT cho Kế toán trưởng và Lãnh đạo đơn vị, để giám sát và phát hiện sai sót kịp thời trước, trong và sau khi tiếp nhận, xử lý hồ sơ.
6. Nâng cấp chương trình DVCTT
- Thêm tính năng hỗ trợ: Tạo chức năng nhận diện và cảnh báo hồ sơ, chứng từ trùng lặp; phát hiện sự chênh lệch về số tiền tổng giữa bảng kê chứng từ thanh toán và giấy rút dự toán NSNN.
- Nâng cấp dung lượng tệp đính kèm: Tạo điều kiện cho đơn vị sử dụng NSNN gửi các hồ sơ có dung lượng lớn.
- Cải thiện chức năng tạo và gửi tệp: Đối với những đơn vị có sự thay đổi thông tin về chủ tài khoản hoặc kế toán trưởng.
- Nâng cấp đường truyền: Để chương trình được khai thác hiệu quả hơn.
- Bổ sung tiện ích cảnh báo: Trên màn hình chính của chương trình DVCTT, tạo thêm chức năng cảnh báo, thông báo những công việc chưa phân luồng xử lý cho Kế toán trưởng và Lãnh đạo đơn vị biết và xử lý kịp thời.
- Tự động truyền dữ liệu sang ngân hàng: Tạo chức năng tự động truyền dữ liệu sang ngân hàng nơi ký thỏa thuận phối hợp, ủy quyền chi trả các khoản thanh toán cho cá nhân thụ hưởng sau khi KBNN đã kiểm soát chi, tạo thuận lợi cho đơn vị sử dụng ngân sách ở địa phương cách xa trụ sở ngân hàng thương mại.
- Nâng cao tính chính xác của đối chiếu số liệu: Cải thiện chức năng đối chiếu tự động số liệu từ TABMIS sang DVCTT để đảm bảo tính chính xác và kịp thời.
Kết luận
Trong xu thế phát triển của nền hành chính công, cung cấp DVCTT là một yêu cầu tất yếu, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ và đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Do vậy, ngoài các giải pháp trên, để nâng cao hiệu quả cung cấp DVCTT, cần sự chỉ đạo quyết liệt của KBNN cấp trên và sự chấp hành nghiêm túc của KBNN các cấp.
Tài liệu tham khảo
- Nghị định số 43/2011/NĐ-CP ngày 13/6/2011 của Chính phủ quy định về cung cấp thông tin và DVCTT trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước.
- Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
- Thông tư số 18/2020/TT-BTC ngày 31/3/2020 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn đăng ký và sử dụng tài khoản tại KBNN.
- Quyết định số 858/QĐ-KBNN ngày 15/10/2014 của Tổng Giám đốc KBNN về việc ban hành quy chế bảo quản, lưu trữ và tiêu hủy tài liệu kế toán của hệ thống KBNN trong điều kiện vận hành hệ thống TABMIS.
- Quyết định số 215/2019/QĐ-KBNN ngày 14/01/2019 của Tổng Giám đốc KBNN về kế hoạch cải cách hành chính năm 2019 của hệ thống KBNN.
NGUYỄN ĐÌNH DŨNG