Ngày 30/8/2019, Hội đồng Khoa học và Công nghệ – Kho bạc Nhà nước (KBNN) tổ chức nghiệm thu Đề tài “Nhận diện rủi ro và các giải pháp nhằm ngăn chặn rủi ro trong công tác kế toán, thanh toán của hệ thống KBNN” mã số KB-04/QN-2017 do Kho bạc Nhà nước Quảng Nam nghiên cứu. ThS.CVCC. Đặng Thị Thuỷ – Phó Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước – Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu.
Mục đích nghiên cứu của đề tài: tập trung nghiên cứu về nhận diện rủi ro trong công tác kế toán, thanh toán của KBNN; tìm ra những nguy cơ tiềm ẩn rủi ro và đề xuất những biện pháp nhằm hạn chế những rủi ro trong công tác kế toán và thanh toán. Đề tài bao gồm 3 phần chính là phần mở đầu, phần nội dung và phần kết luận. Trong đó, phần nội dung của đề tài gồm có 3 chương: Chương 1: Một số vấn đề chung về rủi ro và nhận diện rủi ro trong công tác kế toán; Chương 2: Thực trạng rủi ro và nhận diện rủi ro trong công tác kế toán, chi trả của KBNN; Chương 3: Một số giải pháp rủi ro và nhận diện rủi ro trong công tác kế toán, chi trả của KBNN.
Theo nhận xét đánh giá của Hội đồng nghiệm thu, Đề tài đạt được một số thành công chủ yếu như sau:
Về phương diện lý luận: Đề tài đã hệ thống hóa những vấn đề chung về rủi ro và nhận diện rủi ro trong công tác kế toán, thanh toán của hệ thống Kho bạc Nhà nước
Về phương diện thực tiễn: Đề tài đã làm rõ thực trạng rủi ro và ngăn chặn rủi ro trong công tác kế toán, thanh toán chi trả của KBNN; Thông qua thực trạng, nhóm tác giả phân tích, đánh giá đúng nhận diện rủi ro và thực trạng giải pháp ngăn chặn rủi ro trong công tác kế toán, thanh toán của hệ thống KBNN, chỉ rõ những nguyên nhân của rủi ro và hạn chế ngăn chặn rủi ro trong công tác kế toán, thanh toán của hệ thống KBNN.
Về đề xuất giải pháp: (i) Đề tài đã đưa ra được một số quan điểm, định hướng trong công tác kế toán liên quan đến phòng ngừa rủi ro trong kế toán, thanh toán của KBNN; (ii) Đề xuất một số giải pháp nhằm ngăn chặn rủi ro trong công tác kế toán, thanh toán của KBNN như: Hoàn thiện cơ sở pháp lý; hoàn thiện về cơ chế chính sách, quy trình nghiệp vụ; hoàn thiện công tác kiểm tra nội bộ trong hệ thống KBNN; hoàn thiện tổ chức bộ máy kế toán, tăng cường năng lực kế toán, thanh toán; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng hệ thống thông tin cảnh báo sai sót, phòng ngừa rủi ro trong thanh toán, chi trả của KBNN. Những giải pháp của Nhóm nghiên cứu đưa ra có căn cứ khoa học, thực tiễn và khả thi.
Bên cạnh những thành công chủ yếu nêu trên, đề tài cần nghiên cứu, bổ sung làm rõ thêm một số nội dung để được hoàn thiện hơn như: chuẩn hóa các khái niệm liên quan, nêu trích dẫn rõ ràng, phù hợp với quy định, cần nhất quán trong việc sử dụng các thuật ngữ nhận diện hay nhận dạng rủi ro. Ngoài ra, Nhóm tác giả có thể bổ sung thêm những kinh nghiệm quốc tế về nhận diện rủi ro và giải pháp cơ bản để ngăn chặn rủi ro trong kế toán, thanh toán của hệ thống KBNN của một số nước trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam thì giá trị khoa học của đề tài sẽ cao hơn…
Hội đồng nghiệm thu nhận xét và đánh giá cao ý nghĩa khoa học, thực tiễn của Đề tài, đáp ứng yêu cầu của một đề tài nghiên cứu cấp cơ sở cũng như quá trình thực hiện công phu và nghiêm túc của nhóm tác giả. Kết quả nghiên cứu của Đề tài được Hội đồng nghiệm thu thống nhất đánh giá, xếp loại Xuất sắc./.
Nhật Tân