Sau hơn 10 năm triển khai, Thanh toán song phương điện tử (TTSPĐT) đã vận hành ổn định và liên tục mở rộng. Tính đến tháng 07/2024, hệ thống KBNN đã thực hiện TTSPĐT với 18 ngân hàng thương mại (NHTM) thông qua 833 tài khoản thanh toán và 2.589 tài khoản chuyên thu, tương ứng với gần 700 đơn vị KBNN các cấp. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức trong việc thực hiện nghĩa vụ thu, nộp ngân sách nhà nước (NSNN), đồng thời đẩy nhanh công tác thanh toán cho đối tượng thụ hưởng NSNN, góp phần hoàn thành nhiệm vụ của hệ thống KBNN.
Bước tiến quan trọng trong quá trình phát triển Kho bạc Nhà nước
Theo Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020, được ban hành theo Quyết định số 138/2007/QĐ-TTg ngày 21/08/2007 của Thủ tướng Chính phủ, năm 2014, KBNN đã hoàn thành và triển khai TTSPĐT với 4 ngân hàng thương mại quốc doanh (Vietinbank, Agribank, Vietcombank, BIDV) cho các đơn vị KBNN có tài khoản trên địa bàn.
Việc triển khai TTSPĐT là bước tiến quan trọng kể từ khi thành lập hệ thống KBNN, lần đầu tiên các giao dịch thanh toán giữa các đơn vị KBNN và các chi nhánh NHTM nơi KBNN mở tài khoản được điện tử hóa hoàn toàn, thay cho việc giao dịch thủ công bằng chứng từ giấy và giao nhận trực tiếp như trước đây. Nhờ đó, các giao dịch thanh toán của KBNN được thực hiện nhanh chóng, chính xác và an toàn hơn. Đồng thời, ngân quỹ nhà nước ở các tài khoản thanh toán, tài khoản chuyên thu của các đơn vị KBNN được tập trung hàng ngày về tài khoản thanh toán tổng hợp, tài khoản chuyên thu tổng hợp của KBNN mở tại trụ sở chính NHTM, sau đó tập trung về tài khoản thanh toán tổng hợp của KBNN mở tại Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Sau hơn 10 năm triển khai, mô hình TTSPĐT tài khoản phân tán đã vận hành ổn định và không ngừng phát triển, mở rộng. KBNN từng bước thực hiện quản lý ngân quỹ nhà nước tập trung, nâng cao hiệu quả quản lý ngân quỹ nhà nước. Tính đến tháng 07/2024, hệ thống KBNN đã thực hiện TTSPĐT với 18 hệ thống NHTM thông qua 833 tài khoản thanh toán và 2.589 tài khoản chuyên thu, tương ứng với gần 700 đơn vị KBNN các cấp. Nhờ vậy, tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức trong việc thực hiện nghĩa vụ thu, nộp NSNN, cũng như đẩy nhanh công tác thanh toán cho đối tượng thụ hưởng NSNN, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, góp phần hoàn thành nhiệm vụ của hệ thống KBNN được Đảng và Nhà nước giao.
Tuy nhiên, trước những nhiệm vụ và yêu cầu quản lý mới về thanh toán của hệ thống KBNN, mô hình TTSPĐT hiện nay đã bộc lộ một số hạn chế, cụ thể:
- Việc các đơn vị KBNN phải mở và thanh toán qua nhiều tài khoản tại các chi nhánh NHTM khiến việc quản lý tài khoản dàn trải, tốn nhiều nguồn lực của cả KBNN và NHTM để thực hiện quản lý, đối chiếu, quyết toán. Hạn chế này sẽ gia tăng khi KBNN tiếp tục triển khai phối hợp thu với các hệ thống NHTM mới. Mặt khác, việc quyết toán các tài khoản được thực hiện vào cuối ngày với thời gian rất ngắn (khoảng 40 phút), trong khi khối lượng công việc phải xử lý trên hệ thống quá lớn, nhiều trường hợp xảy ra sự cố và không thực hiện được quyết toán, dẫn đến số dư các tài khoản thanh toán, tài khoản chuyên thu sau khi quyết toán không được chuyển về tài khoản tổng hợp để kết chuyển về tài khoản thanh toán tổng hợp tại NHNN.
- Hiện nay, KBNN sử dụng hai ứng dụng: Phối hợp thu để xử lý các khoản thu NSNN và Thanh toán điện tử – ngân hàng (TTĐT-NH) để xử lý các khoản thu khác và các khoản chi trả cho đối tượng thụ hưởng mở tài khoản tại NHTM. Hai ứng dụng này được xây dựng từ khá lâu, công nghệ đã cũ, thường xuyên phải nâng cấp để đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ. Ngoài ra, việc sử dụng đồng thời hai ứng dụng để thực hiện hoàn thiện các lệnh thanh toán đến (thu NSNN và thu khác) ảnh hưởng đến công tác thanh toán của KBNN.
Xu thế phát triển thanh toán của các ngân hàng thương mại
Xu hướng chung của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực ngân hàng. Hội nhập quốc tế tạo nên một nguồn vốn lớn giúp các ngân hàng nâng cao tính thanh khoản và dễ dàng hơn trong việc chuyển giao công nghệ tiên tiến. Từ đó, ngành ngân hàng (bao gồm các ngân hàng nơi KBNN mở tài khoản) đang phải chuyển đổi mô hình thanh toán, thay đổi hệ thống ngân hàng lõi, điều này cũng ảnh hưởng trực tiếp tới KBNN.
Điển hình, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) – ngân hàng ủy nhiệm thu lớn nhất của KBNN – đang thực hiện kết nối và thanh toán phân tán với KBNN, trong thời gian tới sẽ đẩy nhanh việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách, quy trình nghiệp vụ, chuẩn bị các điều kiện cho đổi mới hệ thống Core Banking nhằm thúc đẩy triển khai, ứng dụng công nghệ vào hoạt động ngân hàng và phát triển ngân hàng số.
Cùng với sự chuyển mình mạnh mẽ của các NHTM, KBNN cần đi trước một bước trong cải cách cơ chế chính sách, quy trình nghiệp vụ, đặc biệt là cải cách mô hình thanh toán theo hướng tập trung và chuyên môn hóa cao.
Tiếp tục hoàn thiện mô hình thanh toán, đáp ứng yêu cầu phát triển Kho bạc Nhà nước đến năm 2030
Trong lĩnh vực NSNN, yêu cầu của xã hội về đổi mới, cải cách quản lý thu, chi NSNN ngày càng cao và đa dạng. Đối với thu NSNN, bên cạnh yêu cầu cần được tập trung nhanh, đầy đủ, kịp thời vào NSNN, người dân và doanh nghiệp cần được tạo thuận lợi hơn nữa trong việc thực hiện các thủ tục, mở rộng thời gian, không gian thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước. Mặt khác, các cơ quan quản lý thu cần có thông tin thu kịp thời để phục vụ cho công tác quản lý của mình.
Từ năm 2020, Chính phủ đã triển khai Cổng Dịch vụ công Quốc gia; theo đó, người dân có thể thực hiện các nghĩa vụ với NSNN trực tuyến một cách nhanh chóng, chính xác. Đối với chi NSNN, các giao dịch thanh toán phải được đảm bảo thực hiện nhanh chóng, kịp thời, an toàn và chính xác.
Với chức năng nhiệm vụ của mình, một mặt KBNN là một khách hàng của ngân hàng, mặt khác, KBNN có chức năng như một ngân hàng, cung cấp các dịch vụ thanh toán, chi trả liên quan đến NSNN, các quỹ tài chính nhà nước cho các đơn vị thụ hưởng. Do đó, KBNN cũng phải có bước chuyển mình để phù hợp với “sân chơi” thanh toán chung, tương thích với mô hình thanh toán tập trung hiện đại của các NHTM nơi KBNN mở tài khoản.
Ngày 13/4/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030 tại Quyết định số 455/QĐ-TTg, trong đó đặt ra những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: Mở rộng sự tham gia của các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán và đa dạng hóa các phương thức thanh toán điện tử trong công tác thu NSNN; cung cấp dịch vụ quản lý tài khoản và thu, chi của các quỹ tài chính nhà nước qua tài khoản thanh toán tập trung của KBNN đảm bảo minh bạch, hiệu quả; hoàn thiện mô hình thanh toán tập trung của KBNN phù hợp với lộ trình xây dựng, phát triển hạ tầng thanh toán số quốc gia, đáp ứng yêu cầu thanh toán thông suốt của Chính phủ, đảm bảo nguyên tắc tại mỗi hệ thống ngân hàng, KBNN chỉ có duy nhất một tài khoản và cuối ngày toàn bộ số dư ngân quỹ nhà nước được tập trung về tài khoản thanh toán tổng hợp của KBNN tại NHNN.
Thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trên, thời gian tới, KBNN cần tiếp tục nghiên cứu, nhanh chóng xây dựng mô hình thanh toán song phương tập trung (TTSPTT) giữa KBNN với NHTM để giải quyết những hạn chế của mô hình TTSPĐT hiện tại, nhằm đáp ứng được những yêu cầu, nhiệm vụ thanh toán trong bối cảnh mới. Mô hình này hướng tới xử lý tập trung các giao dịch thanh toán điện tử của KBNN với từng hệ thống NHTM qua một hệ thống ứng dụng và thông qua một tài khoản thanh toán, tài khoản chuyên thu tổng hợp mở tại mỗi trụ sở chính NHTM.
Một số nội dung chủ yếu của mô hình TTSPTT giữa KBNN với NHTM như sau:
- Về mở và sử dụng tài khoản: Các đơn vị KBNN không mở tài khoản thanh toán, tài khoản chuyên thu tại các chi nhánh NHTM trên địa bàn như hiện tại. Việc thanh toán với các NHTM được thực hiện qua tài khoản thanh toán tổng hợp hoặc tài khoản chuyên thu tổng hợp (tài khoản duy nhất) của KBNN mở tại mỗi trụ sở chính NHTM.
- Về xử lý giao dịch thanh toán: Mọi khoản thanh toán của các đơn vị KBNN qua NHTM được cộng (+), trừ (-) trực tiếp vào tài khoản thanh toán, tài khoản chuyên thu tổng hợp của KBNN tại mỗi hệ thống NHTM. Cuối ngày, sau khi đối chiếu, số dư trên tài khoản thanh toán, tài khoản chuyên thu tổng hợp tại thời điểm cắt thời gian nhận chứng từ (COT) được kết chuyển về tài khoản thanh toán tổng hợp của KBNN tại NHNN (trước thời điểm ngừng nhận lệnh thanh toán giá trị cao của hệ thống Thanh toán liên ngân hàng – TTLNH).
Với mô hình quy trình nghiệp vụ thanh toán tập trung nêu trên, cùng với sự thay đổi của Agribank, sẽ giải quyết được hạn chế lớn nhất của quy trình nghiệp vụ hiện đang thực hiện, đó là không phải thực hiện việc điều chuyển vốn giữa các chi nhánh Agribank tương ứng theo nhu cầu chi của từng địa bàn. Đồng thời, những khoản phát sinh sau thời điểm COT cũng được tập trung toàn bộ tại tài khoản thanh toán, tài khoản chuyên thu tổng hợp của KBNN tại các trụ sở chính NHTM.
Như vậy, với mô hình TTSPTT sẽ không còn tình trạng tồn đọng rải rác số dư ở các tài khoản “con” của các đơn vị KBNN ở các chi nhánh NHTM. Đây là nền tảng cơ bản để KBNN tối ưu hiệu quả quản lý ngân quỹ tập trung theo hướng điều hành ngân quỹ tập trung, đảm bảo duy trì số dư ngân quỹ ở mức tối thiểu mà vẫn đảm bảo khả năng thanh toán; đồng thời, sử dụng linh hoạt ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi để đầu tư nhằm tăng thêm nguồn thu cho NSNN.
- Về quy trình xử lý lệnh thanh toán: Toàn bộ lệnh thanh toán đi, đến được truyền nhận, xử lý và quản lý thống nhất, tập trung tại hệ thống TTSPTT, ưu điểm hơn quy trình nghiệp vụ hiện tại, trong đó lệnh thanh toán đến phải xử lý trên hai ứng dụng hệ thống TTSPĐT và hệ thống phối hợp thu. Đối với lệnh thanh toán đi, các đơn vị KBNN có thể thực hiện thanh toán qua các hệ thống NHTM nơi KBNN mở tài khoản thanh toán tổng hợp, thay vì chỉ được thực hiện với một NHTM qua một tài khoản thanh toán như hiện nay. Từ đó, không chỉ nâng cao tính nhanh chóng, kịp thời và an toàn của nghiệp vụ thanh toán, giảm tải khối lượng công việc cho các đơn vị KBNN, mà còn góp phần quan trọng làm giảm được chi phí thanh toán, do có thể lựa chọn các kênh thanh toán phù hợp qua các hệ thống NHTM nơi KBNN mở tài khoản thanh toán tổng hợp, dựa trên thông tin tài khoản đơn vị nhận tiền mở tài khoản tại ngân hàng nào.
- Về đối chiếu: KBNN là đầu mối thực hiện đối chiếu với trụ sở chính NHTM cho toàn hệ thống, sau đó tự động thực hiện đối chiếu với các đơn vị KBNN. Nhờ đó, số liệu thanh toán được quản lý tập trung tại KBNN, phục vụ tốt cho công tác báo cáo, điều hành hoạt động thanh toán, giảm tải đáng kể khối lượng công việc cho các công chức làm nhiệm vụ thanh toán tại các đơn vị KBNN.
- Về quyết toán và kết chuyển: Một trong những lợi ích lớn nhất của TTSPTT là không còn nghiệp vụ quyết toán từ các tài khoản thanh toán, tài khoản chuyên thu của các đơn vị KBNN về các tài khoản thanh toán, tài khoản chuyên thu tổng hợp của KBNN như hiện tại, vì các đơn vị KBNN chỉ thực hiện thu, chi trực tiếp thông qua một tài khoản thanh toán, tài khoản chuyên thu duy nhất. Cuối ngày, KBNN chỉ thực hiện kết chuyển số dư tại thời điểm COT trên tài khoản thanh toán, tài khoản chuyên thu tổng hợp của KBNN mở tại trụ sở chính NHTM về tài khoản thanh toán tổng hợp của KBNN tại NHNN.
- Về lãi tài khoản và phí thanh toán: Với tư cách là chủ tài khoản của tài khoản thanh toán, tài khoản chuyên thu tổng hợp, KBNN sẽ là đầu mối đối chiếu tập trung lãi, phí, thực hiện thu lãi tài khoản thanh toán, tài khoản chuyên thu tổng hợp và trả phí thanh toán cho toàn quốc, thay vì thực hiện đối chiếu, thanh toán lãi phí phân tán theo từng tài khoản của các đơn vị KBNN.
Nhận thấy sự cần thiết của TTSPTT, KBNN đã nghiên cứu, xây dựng Đề án “Xây dựng mô hình TTSPTT giữa KBNN với NHTM trên ứng dụng nền tảng công nghệ thông tin hiện đại, đáp ứng được yêu cầu thanh toán nhanh chóng, kịp thời, đảm bảo an toàn và bảo mật”. Đề án đang trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt và đồng thời chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết liên quan để đề án sớm được triển khai thực hiện.
Khi Đề án TTSPTT được triển khai thành công, hoạt động thanh toán và quản lý thanh toán của KBNN sẽ được tập trung, chuyên môn hóa cao, từ đó nâng cao hiệu quả quản lý quỹ NSNN, quỹ tài chính nhà nước, tối ưu hiệu quả điều hành ngân quỹ nhà nước, góp phần giúp KBNN hoàn thành nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao.
Tài liệu tham khảo:
- Thủ tướng Chính phủ (2007), Quyết định số 138/2007/QĐ-TTg ngày 21/8/2007 về việc phê duyệt Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020;
- Thủ tướng Chính phủ (2022), Quyết định số 455/QĐ-TTg ngày 13/4/2022 về việc phê duyệt Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030;
- Bộ Tài chính (2019), Thông tư số 58/2019/TT-BTC ngày 30/8/2019 quy định về việc quản lý và sử dụng tài khoản của KBNN mở tại NHNN và các NHTM;
- Bộ Tài chính (2021), Thông tư số 109/2021/TT-BTC ngày 09/12/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 58/2019/TT-BTC;
- Kho bạc Nhà nước (2020), Công văn số 3545/KBNN-KTNN ngày 01/07/2020 về việc hướng dẫn thực hiện chế độ kế toán NSNN và hoạt động nghiệp vụ KBNN;
- Kho bạc Nhà nước (2022), Công văn số 2888/KBNN-KTNN ngày 21/06/2022 về việc bổ sung hướng dẫn kế toán NSNN.
THS. ĐINH THỊ NGỌC ÁNH