Trong thời gian qua, đã xuất hiện cơ sở giáo dục đào tạo, trường dân tộc nội trú lợi dụng chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập rút tiền NSNN để chi tiêu vào mục đích cá nhân. Từ thực trạng trên cần phải nghiên cứu, trao đổi để hiểu rõ bản chất chính sách, cơ chế thu, quản lý học phí, cơ chế chi đối với các cơ sở giáo dục, từ đó thực hiện kiểm soát chi đúng đối tượng, định mức trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo nói chung và chính sách ưu đãi của Chính phủ đối với các đối tượng được miễn, giảm học phí cho các đối tượng thuộc diện miễn, giảm đang học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân nói riêng nhằm giảm thiểu rủi ro liên đới trách nhiệm đến công chức KBNN.
Các quy định của pháp luật về quản lý thu, chi đối với các cơ sở giáo dục đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 2/10/2015 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 – 2016 đến năm học 2020 – 2021 (Nghị định 86), theo đó: Điều 4 Nghị định 86 quy định mức trần học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông như sau: Chính phủ quy định khung học phí năm học 2015 – 2016, từ năm học 2016 – 2017 trở đi, học phí được điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng tăng bình quân hằng năm do Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo. Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định mức học phí cụ thể hằng năm phù hợp với thực tế của các vùng trên địa bàn của mình.
Điều 5 Nghị định 86 quy định cụ thể mức trần học phí đối với các chương trình đào tạo đại trà trình độ đại học tại các cơ sở giáo dục công lập tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư áp dụng theo các khối ngành, chuyên ngành đào tạo từ năm học 2015 – 2016 đến năm học 2020 – 2021 (kể cả các cơ sở giáo dục đại học được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thực hiện thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động). Tại Điều 6 Nghị định 86 quy định đối tượng không phải đóng học phí tại các cơ sở giáo dục công lập bao gồm: Học sinh tiểu học; học sinh, sinh viên sư phạm; người học các ngành chuyên môn đặc thù đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh theo quy định của Luật Giáo dục đại học.
Điều 7, Điều 8 Nghị định 86 quy định đối tượng được miễn học phí và đối tượng được giảm học phí, tùy theo từng đối tượng mà mức giảm từ 50 – 70% học phí.
Khoản 2, Điều 11 Nghị định 86 quy định NSNN có trách nhiệm cấp bù trực tiếp học phí cho các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học công lập theo nhóm ngành, chuyên ngành, nghề của chương trình đại trà tại cơ sở giáo dục công lập chưa tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư để thực hiện việc miễn, giảm học phí đối với người học thuộc các đối tượng miễn, giảm đang học tại cơ sở giáo dục đó với mức thu học phí tương ứng với từng cấp học.
Theo Điều 13 Nghị định 86 quy định, cơ sở giáo dục công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, nộp toàn bộ số thu học phí của các ngành nghề được NSNN hỗ trợ chi phí đào tạo vào KBNN để quản lý và sử dụng. Nguồn thu học phí trực tiếp từ đóng góp của học sinh, sinh viên đang tham gia các khóa học tại cơ sở giáo dục phải gửi vào KBNN để quản lý và sử dụng, NSNN cấp bù cho các cơ sở giáo dục có học sinh đang tham gia khóa học thuộc đối tượng miễn, giảm học phí theo hình thức giao dự toán ngân sách. Như vậy, nguồn thu học phí của các cơ sở giáo dục công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư được hình thành từ hai nguồn: Nguồn thu học phí trực tiếp từ đóng góp của học sinh, sinh viên đang tham gia các khóa học tại cơ sở giáo dục và nguồn thu từ NSNN cấp bù học phí trực tiếp cho các cơ sở giáo dục công lập.
Điều đó có nghĩa là nguồn thu học phí để trang trải bộ máy hoạt động của cơ sở giáo dục công lập đang nằm ở hai tài khoản của đơn vị mở tại KBNN đó là tài khoản tiền gửi (tài khoản 3712 – Thu phí và lệ phí ) và tài khoản dự toán ngân sách (tài khoản 9527 – Kinh phí dự toán không giao tự chủ). Vấn đề đặt ra quản lý tài khoản dự toán ngân sách khi rút dự toán ngân sách được hạch toán theo đúng nội dung chi giao trong dự toán hỗ trợ đối tượng chính sách đóng học phí, được hạch toán mục 6156; ngoài ra các cơ sở giáo dục công lập khi sử dụng nguồn thu học phí (từ học sinh và từ NSNN cấp bù) để chi thường xuyên phải được hạch toán các nhóm tiểu mục theo nội dung chi như nhóm tiểu mục chi tiền lương, phụ cấp lương; học bổng và hỗ trợ khác cho học sinh sinh viên, cán bộ đi học; tiền thưởng… Đáp ứng được yêu cầu nêu trên, công chức KBNN hướng dẫn cơ sở giáo dục được NSNN cấp bù học phí bằng hình thức giao dự toán, khi rút dự toán cơ sở giáo dục công lập được chuyển vào tài khoản 3712 của cơ sở giáo dục mở tại KBNN (hòa chung nguồn thu học phí trực tiếp từ học sinh đang theo học tại cơ sở giáo dục) để cơ sở giáo dục tự chủ sử dụng theo quy định hiện hành về chế độ tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, đồng thời hạch toán mục 6156 – Hỗ trợ đối tượng chính sách đóng học phí.
Đối với kinh phí hỗ trợ kinh phí học tập, công chức KBNN thanh toán cho từng đối tượng được hưởng thông qua cơ sở giáo dục, và được hạch toán tiểu mục 6157 – Hỗ trợ đối tượng chính sách chi phí học tập, cơ sở giáo dục có trách nhiệm thanh toán bằng tiền mặt trực tiếp cho cha, mẹ (hoặc người giám hộ) trẻ em mẫu giáo, học sinh tiểu học, học sinh trung học cơ sở.
Ngày 20/01/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 11/2020/NĐ-CP quy định về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực KBNN (Nghị định 11), Khoản 4 Điều 7 quy định hồ sơ đối với đối với khoản chi trợ cấp của NSNN từ tài khoản dự toán của các đơn vị sử dụng NSNN là: Dự toán chi tiết được cấp thẩm quyền giao; quyết định trợ cấp của cấp có thẩm quyền.
Ngày 30/3/2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính, Bộ Lao động thương binh và xã hội ban hành Thông tư Liên tịch số 09/2016/TTLTBGDĐT-BTC-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện một số Điều của Nghị định quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 – 2016 đến năm học 2020 – 2021 (Thông tư 09) quy định:
Tại Khoản 1, Điều 6 của Thông tư 09 quy định: Khi giao dự toán cho các cơ sở giáo dục, cơ quan chủ quản ghi rõ dự toán kinh phí thực hiện chính sách cấp bù học phí cho người học thuộc đối tượng được miễn, giảm học phí đang theo học tại cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học công lập. Tiết a, Khoản 1, Điều 7 Thông tư 09 quy định trình tự lập dự toán cấp bù học phí cho các cơ sở giáo dục công lập, theo đó cơ quan có thẩm quyền bố trí dự toán ngân sách cấp bù học phí, hỗ trợ học tập cho các cơ sở giáo dục trên cơ sở thẩm định danh sách, kinh phí miễn, giảm học phí, hỗ trợ học tập của cơ quan chủ quản của cơ sở giáo dục.
Một số lưu ý đối với công chức KBNN khi kiểm, soát thanh toán chi thường xuyên đối với các cơ sở giáo dục đào tạo
Trong kiểm soát thanh toán khi cơ sở giáo dục rút dự toán kinh phí cấp bù học phí cần lưu ý một số điểm sau:
Trong quyết định giao dự toán thu chi của cấp cơ quan chủ quản cho cơ sở giáo dục phải giao chi tiết cho phần dự toán kinh phí thực hiện chính sách cấp bù học phí và phần dự toán hỗ trợ chi phí học tập riêng cho người học thuộc đối tượng được miễn, giảm học phí đang theo học tại cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học công lập.
Trong hồ sơ rút dự toán kinh phí miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập phải có: Quyết định phê duyệt danh sách được miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập của cấp có thẩm quyền; bảng kê nội dung thanh toán, tạm ứng (mẫu số 07 Nghị định 11).
Cách ghi chép bảng kê nội dung thanh toán, tạm ứng như sau: Tích vào ô thanh toán trực tiếp; số, ngày tháng năm quyết định trợ cấp của cơ quan chủ quản cơ sở giáo dục, ghi vào cột số, ngày tháng năm của cột chứng từ; cột 8 ghi số học sinh thực tế thuộc đối tượng cấp bù học phí đang tham gia khóa đào tạo tại cơ sở giáo dục, cột 9 ghi định mức cấp bù, cột 11 = 8 x 9.
Ngoài ra, công chức KBNN không được thanh toán phần dự toán giao kinh phí cấp bù học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho mục đích khác. Dự toán kinh phí giao cho nội dung chi nào thì thanh toán cho nội dung chi đó, không được bù trừ các nội dung chi với nhau
Theo quy định Thông 09 thì kinh phí cấp bù tiền miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập được cấp không quá 9 tháng/năm học (đối với học sinh mầm non và phổ thông), 10 tháng/năm học (đối với học sinh, sinh viên học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp giáo dục đại học) và thực hiện rút dự toán thành 2 đợt, thời điểm thanh toán đợt 1 (tháng 10 tháng 11) thanh toán tiền kinh phí hỗ trợ của 4 tháng đầu năm học (đối với học sinh mầm non và phổ thông), 5 tháng đầu năm học (đối với học sinh, sinh viên học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học); đợt 2 thanh toán vào tháng 3 hoặc tháng 4 năm sau kinh phí hỗ trợ của 5 tháng cuối năm học; Trường hợp cha mẹ (hoặc người giám hộ) trẻ em học mẫu giáo, học sinh phổ thông, học sinh, sinh viên chưa nhận tiền cấp bù học phí và hỗ trợ chi phí học tập theo thời hạn quy định thì được truy lĩnh trong kỳ chi trả tiếp theo.
Theo quy định của Luật NSNN thì thời gian kết thúc năm ngân sách là ngày 31/01 năm sau, như vậy thời gian thanh toán kinh phí hỗ trợ 5 tháng cuối năm của năm học rơi vào niên độ ngân sách năm sau; dự toán còn lại (kinh phí hỗ trợ 5 tháng cuối năm học) được chuyển sang năm sau để tiếp tục chi cho đợt 2 của năm học (theo quy định tại Tiết c, Khoản 1, Điều 43 Nghị định số 163/2016/ NĐ-CP ngày 21/12/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật NSNN) và Điểm d, Khoản 2, Điều 7 Thông tư Liên tịch 09 quy định: Trường hợp kết thúc năm ngân sách, phần ngân sách trung ương hỗ trợ thực hiện chính sách miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập theo quy định tại Nghị định 86 không sử dụng hết (nếu có) được chuyển sang năm sau để tiếp tục thực hiện, không được sử dụng cho mục đích khác.
Sau khi thực hiện rút dự toán kinh phí cấp bù học phí của của các cơ sở giáo dục công lập, nguồn thu học phí được tập trung vào tài khoản 3712 của đơn vị mở tại KBNN; việc thực hiện kiểm soát chi các khoản chi để đảm bảo hoạt động thường xuyên của cơ sở giáo dục thưc hiện theo quy định hiện hành về chế độ tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.
Hiện nay, do chưa có nghị định quy định cơ chế tự chủ trong lĩnh vực hoạt động giáo dục đào tạo, nên các cơ sở giáo dục đào tạo công lập tiếp tục thực hiện cơ chế tự chủ theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập (Nghị định 43) và Thông tư số 71/2006/TT-BTC ngày 9/8/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định 43.
Ngoài việc thực hiện kiểm soát chi theo Thông tư số 62/2020/TTBTC ngày 22/6/2020 của Bộ Tài chính hướng dẫn kiểm soát, thanh toán các khoản chi NSNN qua KBNN, công chức KBNN cần phải thường xuyên cập nhật, nghiên cứu các văn bản pháp luật chi ngân sách riêng cho từng lĩnh vực trong đó quy định riêng về lĩnh vực giáo dục đào tạo nhằm nâng cao chất lượng kiểm soát chi thường xuyên đối với cơ sở giáo dục đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, góp phần quan trọng để giữ vững niềm tin, nâng cao uy tín của hệ thống KBNN trong công tác kiểm soát chi NSNN.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Luật Giáo dục đại học;
- Luật NSNN năm 2015;
- Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập;
- Thông tư số 71/2006/TT-BTC ngày 9/8/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định 43;
- Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 2/10/2015 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 – 2016 đến năm học 2020 – 2021;
- Thông tư Liên tịch số 09/2016/TTLT-BGDĐTBTC- BLĐTBXH ngày 30/3/2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính, Bộ Lao động thương binh và xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 – 2016 đến năm học 2020 – 2021;
- Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21/12/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật NSNN;
- Nghị định số 11/2020/NĐ-CP ngày 20/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực KBNN.
TRẦN THỊ ĐỊNH
Hp