Công chức kho bạc nhà nước Hải Dương đang kiểm tra các hồ sơ thanh toán vốn của đơn vị sử dụng ngân sách. Ảnh: Hạnh Thảo
Công chức kho bạc nhà nước Hải Dương đang kiểm tra các hồ sơ thanh toán vốn của đơn vị sử dụng ngân sách. Ảnh: Hạnh Thảo

Những nguy cơ tiềm ẩn

Theo thống kê từ Kho bạc Nhà nước (KBNN), rủi ro thường tập trung ở các hoạt động nghiệp vụ, gồm: từ việc áp dụng các văn bản pháp luật; từ các quy trình nghiệp vụ; từ các ứng dụng công nghệ thông tin và đặc biệt là rủi ro từ một số nhóm chi ngân sách.

Để giúp các công chức làm công tác kiểm soát chi nhận diện và loại khỏi quá trình kiểm soát chứng từ, hồ sơ thanh toán vốn ngân sách nhà nước (NSNN) những rủi ro có thể gặp phải, KBNN đã chỉ ra những tiềm ẩn ở một số nhóm chi ngân sách.

Cụ thể, đối với nhóm chi cho cá nhân, rủi ro được nhận diện khi đơn vị sử dụng ngân sách (SDNS) cố tình nâng khống hệ số lương, các khoản phụ cấp theo lương; nâng khống số tiền cột tổng số, kê khống tên, kê trùng số thứ tự… Theo KBNN, các đơn vị dự toán là đơn vị sự nghiệp công lập, có số lượng biên chế nhiều, hệ số lương do lãnh đạo đơn vị quyết định, chưa có sự giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý cấp trên. Do đó, cá nhân có thẩm quyền của đơn vị SDNS sẽ lợi dụng sơ hở này để cố tình nâng khống hệ số lương, các khoản phụ cấp theo lương… để chiếm đoạt.

Ngoài ra, những rủi ro trong việc hồ sơ thiếu tài liệu; tài liệu của hồ sơ không đúng quy định, không đúng mẫu quy định; thiếu chữ ký; chữ ký, mẫu dấu của đơn vị SDNS không đúng với mẫu dấu, chữ ký đăng ký với kho bạc.

Với nhóm chi mua sắm hàng hóa, vật tư văn phòng, rủi ro được nhận diện khi đơn vị sử dụng ngân sách cố tình dùng hóa đơn, hợp đồng đã được KBNN kiểm soát thanh toán chuyển trả cho đơn vị lại tiếp tục đề nghị thanh toán; giả mạo hợp đồng, biên bản nghiệm thu để chuyển cho nhà cung cấp…

Rủi ro còn có thể tiềm ẩn ở một số khoản chi liên quan đến khoản chi mang tính chất đặc thù, hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng thụ hưởng được điều chỉnh bởi một số văn bản hướng dẫn còn có nhiều cách hiểu khác nhau, gây lúng túng cho các công chức kiểm soát chi.

Tăng cường giám sát từ xa

Từ một số các rủi ro cơ bản được nhận diện, KBNN đã có nhiều văn bản cảnh báo rủi ro trong các hoạt động nghiệp vụ của KBNN, đặc biệt đối với nghiệp vụ kiểm soát chi ngân sách. Tuy nhiên, trước những thay đổi như vũ bão của công nghệ thông tin thì những rủi ro xảy ra ngày càng tinh vi và phức tạp hơn.

Hơn nữa, tại Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030 đã định hướng, KBNN tiếp tục đổi mới phương thức kiểm soát chi ngân sách nhà nước (NSNN) theo hướng chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”, gắn việc tăng cường phân cấp, giao trách nhiệm giải trình cho đơn vị SDNS.

Do đó, để phòng ngừa các rủi ro có thể phát sinh liên quan đến KBNN khi các đối tượng cố tình lợi dụng, chiếm đoạt tiền, tài sản nhà nước, KBNN đang đưa ra giải pháp đào tạo đội ngũ công chức làm công tác kiểm soát chi tinh thông, nắm chắc các nguyên tắc và điều kiện chi NSNN theo các quy định hiện hành. Đồng thời, KBNN cũng lưu ý đến các công chức làm công tác kiểm soát chi phải thường xuyên nghiên cứu cơ chế, chính sách tài chính có liên quan đến công tác kiểm soát chi, các quy định của Chính phủ, Bộ Tài chính và các hướng dẫn của Bộ Tài chính, KBNN và quy định của pháp luật hiện hành có liên quan.

KBNN cũng yêu cầu các đơn vị KBNN phải tăng cường trao đổi, cập nhật cơ chế, chính sách, quy định, quy trình liên quan đến kiểm soát chi NSNN cho kế toán, chủ tài khoản của các đơn vị SDNS. Bên cạnh đó, các đơn vị KBNN cần đưa ra những cảnh báo và yêu cầu đơn vị SDNS, cơ quan có thẩm quyền liên quan thực hiện kiểm tra, giám sát quá trình chi tiêu để phát hiện và ngăn chặn kịp thời những tiêu cực trong đơn vị.

KBNN đang tiếp tục hoàn thiện quy trình kiểm soát chi nói chung và chi thường xuyên nói riêng, làm rõ hơn, cụ thể hơn về trách nhiệm của kho bạc trong các nội dung kiểm soát chi. Đặc biệt, KBNN đang đưa ra kế hoạch đổi mới mô hình giao dịch, hình thức thanh toán để đảm bảo cho các công chức kiểm soát chi có điều kiện, thời gian kiểm tra các khoản chi một cách chặt chẽ, đầy đủ, kỹ càng nhất; ban hành cơ chế, quy trình, tổ chức bộ máy quản lý và kiểm soát rủi ro trong công tác kiểm soát chi NSNN nhằm hỗ trợ một cách đắc lực và hiệu quả cho công tác kiểm tra, kiểm soát nguồn vốn NSNN.

Ngoài những giải pháp đã đưa ra, theo KBNN, giải pháp quan trọng mà đơn vị đang hướng tới đó là xây dựng hệ thống kiểm soát nội bộ để kiểm soát các yếu tố rủi ro bên trong của hệ thống. Theo đó, KBNN đang tăng cường năng lực kiểm tra, giám sát cho đội ngũ công chức thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là việc giám sát từ xa thông qua báo cáo kế toán và báo cáo số liệu từ chương trình thanh toán, hệ thống dịch vụ công trực tuyến và các ứng dụng khác; đồng thời, trang bị các phương tiện, công cụ phần mềm cần thiết cho đội ngũ công chức thanh tra, kiểm tra cấp tỉnh.

Kiểm soát chặt số liệu kế toán: Ngoài việc tích cực cải cách thủ tục hành chính, giảm thiểu các bước trong khâu kiểm soát, giúp cho các đơn vị sử dụng ngân sách (SDNS) dễ dàng thực hiện việc thanh toán vốn ngân sách, các kho bạc nhà nước (KBNN) địa phương đã thường xuyên cảnh báo và yêu cầu thủ trưởng các đơn vị SDNS tuyệt đối không được giao chữ ký số, chứng thư số, tài khoản chương trình dịch vụ công trực tuyến của mình cho người khác quản lý. Đồng thời, KBNN yêu cầu các đơn vị SDNS kiểm soát chặt chẽ số liệu kế toán, thanh toán, số dư tài khoản trên các mẫu đối chiếu với KBNN./.