Nhằm chuẩn bị các điều kiện cho triển khai thí điểm Quy trình liên thông chi đầu tư giữa các chương trình, ứng dụng Dịch vụ công trực tuyến KBNN (DVCTT), đầu tư giao dịch (ĐTKB-GD), TABMIS và Thanh toán điện tử với ngân hàng (TTĐT-NH) vào cuối quý 3/2024 (dự kiến từ tháng 9/2024), thời gian qua, KBNN tiếp tục hoàn thiện các chức năng trên các chương trình, ứng dụng, tiến hành kiểm thử đảm bảo các chức năng đáp ứng đầy đủ yêu cầu nghiệp vụ, tự động hóa tối đa các bước xử lý trên chương trình, từ đó góp phần nâng cao năng suất, chất lượng lao động, hạn chế tối đa các rủi ro nghiệp vụ.
Tập trung nguồn lực hoàn thiện các chương trình, ứng dụng
Việc chuẩn bị các điều kiện triển khai Quy trình liên thông chi đầu tư là nhiệm vụ phức tạp, cần thiết phải rà soát và đánh giá chi tiết các quy định nghiệp vụ, các chức năng trên các chương trình ứng dụng liên quan, thời gian qua, Cục Công nghệ thông tin (CNTT) phối hợp với Vụ Kiểm soát chi tập trung phân tích, thiết kế, cải tiến, hoàn thiện quy trình nghiệp vụ; tiến hành chỉnh sửa và nâng cấp các chương trình, ứng dụng, đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ, yêu cầu pháp lý trong giao dịch điện tử và các vấn đề phát sinh trong thực tiễn kiểm soát chi đầu tư của các đơn vị khi triển khai Quy trình này. Đồng thời, Cục CNTT phối hợp với Vụ Kiểm soát chi, Cục Kế toán Nhà nước và các đơn vị gồm Sở Giao dịch, KBNN Hà Nội, KBNN Hải Dương kiểm thử trên nhiều bộ dữ liệu, nhiều bộ sổ với hàng trăm tình huống nghiệp vụ để đảm bảo các chức năng vận hành thông suốt khi đưa vào triển khai.
Để đáp ứng quy trình liên thông chi đầu tư, công việc đầu tiên là tiến hành rà soát hoàn thiện chức năng trên các chương trình ứng dụng DVCTT, ĐTKB-GD, TABMIS, TTĐT-NH để tự động sinh dữ liệu ở các bước hoàn thiện hồ sơ, chứng từ. Đây là nhóm các chức năng cơ bản của quy trình liên thông giữa các ứng dụng, căn cứ vào các quy tắc nghiệp vụ, chương trình ĐTKB-GD thiết kế các chức năng để tự động sinh một số trường dữ liệu hạch toán dựa trên dữ liệu đầu vào được nhập trực tiếp trên chương trình ĐTKB-GD hoặc tiếp nhận từ DVCTT; đồng thời bảo toàn thông tin được đơn vị sử dụng ngân sách nhập trên DVCTT. Đối với các nội dung thông tin do KBNN hoàn thiện, chương trình ĐTKB-GD cho phép người dùng cập nhật, hoàn thiện trước khi ký duyệt và gửi đi giao diện với hệ thống TABMIS, sau đó đi thanh toán với ngân hàng.
Bên cạnh đó, Cục CNTT hoàn thiện chức năng trên các chương trình ứng dụng ĐTKB-GD, TABMIS, TTĐT[1]NH để xử lý các tình huống nghiệp vụ đối với hồ sơ kiểm soát chi đầu tư có nhiều chứng từ, nhiều bút toán. Đây là một trong những nội dung phức tạp đòi hỏi trên chương trình ĐTKB-GD và TABMIS phải chỉnh sửa, bổ sung chức năng đếm số lượng bút toán, chứng từ và kiểm tra việc giao diện thành công hoặc thất bại đối với từng bút toán, chứng từ để đảm bảo hoàn thành giao diện của tất cả các bút toán, chứng từ của một hồ sơ ở mỗi bước giao diện trước khi thực hiện bước tiếp theo.
Cục CNTT cũng xây dựng các chức năng trên chương trình ĐTKB-GD để quản lý các dự án đăng ký áp dụng thí điểm quy trình liên thông. Chức năng này cho phép các đơn vị KBNN chủ động trong lựa chọn các dự án đăng ký trên chương trình ĐTKB-GD áp dụng thí điểm quy trình liên thông. Đối với các dự án không lựa chọn áp dụng thí điểm quy trình nghiệp vụ liên thông giữa các ứng dụng của KBNN, các đơn vị thực hiện theo quy trình nghiệp vụ hiện hành của KBNN không triển khai quy trình liên thông. Hồ sơ, chứng từ thanh toán của dự án được lựa chọn đăng ký áp dụng thí điểm quy trình liên thông chi đầu tư được nhập/hoàn thiện và kiểm soát, ký số trên chương trình ĐTKB-GD, sau đó tự động giao diện với các hệ thống TABMIS, TTĐT-NH theo quy trình được ban hành kèm theo Quyết định số 7736/QĐ-KBNN ngày 29/12/2023 của KBNN.
Ngoài ra, cục CNTT nghiên cứu, xây dựng các chức năng tiện ích kiểm tra đảm bảo tính toàn vẹn dữ liệu của các hồ sơ chứng từ kiểm soát chi áp dụng theo quy trình liên thông. Một trong những điểm thay đổi căn bản của quy trình liên thông giữa các ứng dụng là các đơn vị KBNN chỉ thực hiện kiểm soát hồ sơ chứng từ trên một hệ thống ứng dụng, sau đó tự động giao diện liên thông với các hệ thống ứng dụng và tự động sinh ra lệnh thanh toán trên hệ thống TTĐT-NH. Do vậy, Cục CNTT rà soát và bổ sung chức năng kiểm tra tính toàn vẹn dữ liệu đối với các trường thông tin của hồ sơ, chứng từ không thay đổi sau khi đã được ký duyệt trên chương trình ĐTKB-GD và gửi sang TTĐT-NH gồm: (1) Số chứng từ gốc (là số chứng từ duy nhất được tạo ra trên hệ thống DVCTT/ ĐTKB-GD và được truyền sang TABMIS và TTĐT[1]NH); (2) tổng số tiền; (3) mã ngân hàng nhận (mã NH 8 số) lấy theo thông tin nhà cung cấp; (4) tên ngân hàng nhận lấy theo thông tin nhà cung cấp; (5) số tài khoản nhận lấy theo thông tin nhà cung cấp; (6) tên tài khoản nhận lấy theo thông tin nhà cung cấp; (7) nội dung thanh toán.
Các chức năng tiện ích theo dõi các trạng thái giao diện và danh sách các dự án, hồ sơ, chứng từ áp dụng quy trình liên thông cũng được Cục CNTT nghiên cứu xây dựng. Hiện nay mô hình triển khai chương trình ĐTKB-GD đang được cài đặt phân tán đến KBNN tỉnh, thành phố và giao diện với nhiều hệ thống liên quan nên chương trình phải quản lý nhiều trạng thái giao diện và trong quá trình vận hành khó tránh khỏi lỗi phát sinh cần có phương án giám sát, ngăn chặn. Do vậy, hệ thống cũng đã bổ sung chức năng phân loại các trạng thái, tình huống lỗi giao diện để người sử dụng tra cứu làm cơ sở xử lý từng trường hợp cụ thể.
Song song với việc rà soát, bổ sung các trạng thái giao diện giữa các hệ thống, trên chương trình ĐTKB[1]GD đã thiết kế đã bổ sung chức năng cho phép theo dõi, liệt kê các chứng từ theo từng dự án áp dụng quy trình liên thông chi đầu tư, trong đó cung cấp thông tin các trạng thái giao diện sang TTĐT-NH; bổ sung sổ liệt kê các giao dịch liên thông giúp công chức kiểm tra, đối chiếu số liệu đảm bảo thông tin gửi đi thanh toán với ngân hàng khớp đúng giữa các chương trình ứng dụng.
![Chương trình ĐTKB-GD](https://tinhocvui.com/wp-content/uploads/2024/10/DTKB-GD1.jpg)
Phạm vi áp dụng thí điểm quy trình liên thông chi đầu tư
Quy trình liên thông giữa các ứng dụng của KBNN áp dụng đối với hồ sơ, chứng từ của dự án đầu tư loại tiền Việt Nam Đồng được gửi qua hệ thống DVCTT và tiếp nhận, hoàn thiện, kiểm soát trên chương trình ĐTKB-GD hoặc các hồ sơ, chứng từ của dự án đầu tư được nhập và kiểm soát trực tiếp trên chương trình ĐTKB-GD và đi thanh toán với ngân hàng qua hệ thống TTĐT-NH.
Thực tế, Quy trình chưa áp dụng đối với các chứng từ của dự án đầu tư đi thanh toán với chương trình TTĐT-LKB; chứng từ nhập thủ công tại hệ thống TABMIS. Trường hợp một bộ hồ sơ có cả chứng từ đi thanh toán với chương trình TTĐT-LKB và chứng từ đi thanh toán với ngân hàng qua hệ thống TTĐT-NH thì cả bộ hồ sơ vẫn thuộc phạm vi liên thông. Tuy nhiên chứng từ đi TTĐT[1]LKB thực hiện như quy trình hiện tại phê duyệt và ký số trên TABMIS (quy định tại Mục II chương V phụ lục VII ban hành kèm theo Công văn số 3545/KBNN-KTNN ngày 01/07/2020); chứng từ đi thanh toán qua hệ thống TTĐT-NH áp dụng quy trình liên thông (tự động áp thanh toán, tự động giao diện sang TTĐT-NH, không phải ký kiểm soát trên TTĐT-NH).
Bên cạnh việc khẩn trương, liên tục rà soát hoàn thiện các chức năng, tiện ích trên các chương trình ứng dụng, đảm bảo triển khai Quy trình liên thông chi đầu tư được an toàn, thông suốt, đáp ứng đầy đủ các quy định của nghiệp vụ và cung cấp được nhiều tính năng, tiện ích ưu việt tới người sử dụng, thì mỗi công chức của các đơn vị tham gia thí điểm cần nắm bắt quy định nghiệp vụ, kiểm soát chặt chẽ hồ sơ chứng từ trên chương trình ĐTKB-GD; thực hiện kiểm tra, đối chiếu dữ liệu đảm bảo dữ liệu được gửi nhận liên thông giữa các ứng dụng đầy đủ, chính xác, thí điểm thành công Quy trình liên thông chi đầu tư giữa các ứng dụng của KBNN để sớm triển khai diện rộng trong toàn hệ thống KBNN.
NGUYỄN TUẤN ANH – VÕ ĐẠI TRUNG