Hoạt động nghiệp vụ, công tác trả lãi và thu phí dịch vụ tài khoản và thanh toán đối với tiền gửi không có nguồn gốc từ ngân sách của các đơn vị, tổ chức mở tài khoản tại KBNN là một trong những nghiệp vụ quan trọng trong hoạt động quản lý ngân quỹ Nhà nước tại các đơn vị KBNN. Thời gian qua, việc thực hiện và áp dụng các quy định trong văn bản, chế độ để thực hiện quản lý trả lãi, thu phí tiền gửi không có nguồn gốc từ ngân sách cho các đơn vị, tổ chức mở tài khoản tại KBNN trong cách hiểu, cách làm tại địa phương còn nhiều vướng mắc, bất cập cần được tiếp tục chia sẻ và tháo gỡ.
Thực hiện Thông tư số 18/2020/TT-BTC ngày 31/3/2020 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn đăng ký và sử dụng tài khoản tại KBNN (Thông tư số 18), tại Chương II Mục 5 Điều 14, 15 quy định về lãi tiền gửi và các khoản phí dịch vụ: Đối tượng được hưởng lãi, thực hiện theo quy định tại Tiết a Khoản 2 Điều 11 Nghị định số 24/2016/NĐ-CP ngày 05/4/2016 của Chính phủ, về việc quy định chế độ quản lý ngân quỹ nhà nước (Nghị định số 24).
Theo đó, các đối tượng được KBNN trả lãi, bao gồm: Quỹ dự trữ tài chính thuộc ngân sách trung ương và ngân sách tỉnh, thành phố; các quỹ tài chính nhà nước gửi tại KBNN; tiền của các đơn vị, tổ chức không có nguồn gốc từ NSNN mở tại KBNN.
Hiện nay, KBNN đang quản lý các dòng tiền thông qua hệ thống tài khoản theo Thông tư số 77/2017/ TT-BTC, ngày 28/7/2017 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn chế độ kế toán ngân sách nhà nước và hoạt động nghiệp vụ KBNN (Thông tư số 77); Thông tư số 19/2020/TT-BTC ngày 31/3/2020 của Bộ Tài chính, về sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư số 77/2017/TT-BTC ngày 28 tháng 7 năm 2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ kế toán NSNN và hoạt động nghiệp vụ KBNN, kết hợp với các đoạn mã COA… Do vậy, việc tính lãi và thu phí dịch vụ tiền gửi không có nguồn gốc từ ngân sách dựa vào tính chất tài khoản và nguồn hình thành số dư các tài khoản.
Tuy nhiên, quá trình tính lãi tiền gửi không có nguồn gốc từ ngân sách của các đơn vị, tổ chức mở tài khoản tại KBNN hiện nay vẫn còn nhiều vướng mắc, nhiều ý kiến trái chiều. Nguyên nhân cơ bản là do chưa xác định đúng tài khoản thuộc đối tượng không có nguồn gốc từ NSNN. Qua việc kiểm tra nội bộ tại các đơn vị KBNN, nhận thấy việc tính trả lãi tài khoản tiền gửi cho các đơn vị, tổ chức mở tại KBNN chưa được thống nhất, đồng bộ về tài khoản được tính lãi (cụ thể là tài khoản không có nguồn gốc từ ngân sách).
Qua trao đổi và tìm hiểu thì khái niệm về tiền không có nguồn gốc từ ngân sách theo Thông tư số 18, Công văn số 3546/KTNN-KBNN ngày 01/7/2020 của KBNN về việc hướng dẫn thực hiện Thông tư số 18 chỉ nêu thực hiện theo Tiết a, Khoản 2 Điều 11 Nghị định số 24, chưa hướng dẫn, giải thích rõ tài khoản không có nguồn gốc từ ngân sách hiện nay KBNN đang quản lý cụ thể là những tài khoản nào.
Trước đây, thực hiện theo Mục 9 Điều 19 của Thông tư số 61/2014/ TT-BTC ngày 12/5/2014 của Bộ Tài chính về hướng dẫn đăng ký và sử dụng tài khoản tại KBNN (Thông tư số 61) quy định rõ đối tượng không được hưởng lãi bao gồm: Tài khoản tiền gửi của đơn vị dự toán (kể cả tài khoản tiền gửi khác của đơn vị dự toán), tài khoản tiền gửi của đơn vị chủ đầu tư, chủ dự án mở tại KBNN và được cấp kinh phí từ NSNN; tài khoản tiền gửi của các đơn vị, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn nhà nước (bao gồm các doanh nghiệp có vốn nhà nước và các công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước 1 thành viên…) cung cấp hàng hóa, dịch vụ như điện thắp sáng, điện thoại, nước… được sự đồng ý của KBNN cho phép đăng ký, sử dụng tài khoản tại KBNN nơi đơn vị tiếp nhận các khoản thanh toán hàng hóa, dịch vụ của đơn vị mua hàng; các tài khoản tiền gửi theo quy định bắt buộc phải mở tại KBNN, trừ trường hợp được hưởng lãi theo Quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Thông tư số 61 cũng quy định các đối tượng được hưởng lãi tiền gửi bao gồm: Tài khoản tiền gửi Quỹ dự trữ tài chính của Trung ương và của cấp tỉnh (bằng đồng Việt Nam, bằng ngoại tệ); tài khoản tiền gửi quỹ Bảo hiểm xã hội Việt Nam (kể cả tài khoản chuyên thu); tài khoản tiền gửi quỹ Bảo hiểm y tế; tài khoản tiền gửi vốn đầu tư xây dựng cơ bản của Bảo hiểm xã hội Việt Nam; tài khoản tiền gửi của các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế (nếu có); tiền gửi của các đơn vị, tổ chức, cá nhân không có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước gửi tại KBNN theo quy định được KBNN trả lãi hằng tháng. Đây là một số điểm khác trong quy định đối tượng được tính lãi so với hiện nay.
Một số quan điểm cho rằng tính chất tài khoản và nguồn hình thành “Tiền gửi của quỹ Bảo hiểm xã hội” (BHXH) hiện KBNN đang quản lý gồm thu 10,5% từ tiền lương cá nhân đóng BHXH và thu 21,5% người sử dụng lao động đóng (ngân sách đóng). Theo cách hiểu như vậy “tiền gửi của quỹ BHXH” quy định tại Thông tư số 18 có thuộc đối tượng được tính lãi không? Tương tự như vậy, tài khoản tiền gửi kinh phí công đoàn (3751); nguồn kinh phí tiết kiệm của đơn vị sự nghiệp công tự đảm bảo một phần kinh phí hoạt động trích qua tài khoản tiền gửi khác của đơn vị dự toán (3713); tài khoản tiền gửi ban quản lý tự đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động và một số tài khoản khác…
Về phương pháp tính lãi: Theo quy định Thông tư số 18 “ Số dư tính lãi là số dư đầu ngày của tất cả các ngày trong tháng (số ngày thực tế) có trên tài khoản tiền gửi của đơn vị, tổ chức”. Với phương pháp tính theo “số dư đầu ngày”, tức là lấy số dư cuối ngày hôm trước phiên ra số dư đầu ngày hôm sau trên cơ sở sổ chi tiết tài khoản tiền gửi của đơn vị, hiện nay hệ thống KBNN chưa có chương trình tính lãi áp dụng thống nhất trong hệ thống, nhiều nơi còn làm theo phương pháp thủ công hoặc chương trình tự viết. Do vậy, quá trình thực hiện tính lãi không đồng nhất, dễ gây ra sai sót, nhầm lẫn.
Qua việc kiểm tra nội bộ về chuyên đề trả lãi và thu phí dịch vụ thanh toán tiền gửi không có nguồn gốc từ ngân sách của các đơn vị, tổ chức, nhận thấy còn nhiều bất cập về chương trình, phương pháp tính, áp dụng mức lãi suất và quan trọng nhất là việc xác định đúng đối tượng tài khoản để tính lãi. Để thực hiện an toàn, chính xác và hiệu quả nghiệp vụ tính lãi và thu phí dịch vụ thanh toán đối với tiền gửi không có nguồn gốc từ ngân sách, trong thời gian tới cần thực hiện một số giải pháp.
Xây dựng, nâng cấp chương trình tính lãi thu phí đồng bộ chung, cài đặt phương pháp tính lãi, áp tỷ lệ lãi suất (%) theo thông báo mức lãi suất của cấp có thẩm quyền, theo từng thời điểm để áp dụng thực hiện chương trình tính lãi, thu phí thống nhất chung trên toàn hệ thống.
Có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng tiền gửi không có nguồn gốc từ ngân sách theo từng nội dung tài khoản… tại Khoản 8.1 quy định đối tượng tính lãi tài khoản tiền gửi theo Công văn số 3546/KTNN-KBNN, tại Điều 14, 15 Mục 5, Thông tư số 18 để thống nhất thực hiện.
Nhận diện rủi ro và đánh giá khả năng rủi ro đến hoạt động nghiệp vụ quản lý ngân quỹ là việc làm cần thiết trong mọi thời điểm, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay, hệ thống KBNN đang từng bước hình thành kho bạc số với hàng loạt phương thức thanh toán điện tử trên diện rộng, cần hiện đại hóa công tác tính lãi và tính phí dịch vụ thanh toán để ngăn ngừa rủi ro, sai sót trong thanh toán.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, tự kiểm tra, đối chiếu các giao dịch thanh toán để kịp thời phát hiện các sai sót trong quy trình thực hiện, sơ hở trong công tác quản lý, bất cập trong việc vận dụng các văn bản chế độ, kiến nghị để bổ sung, sửa đổi cho phù hợp nhằm nâng cao vai trò quản lý ngân quỹ nhà nước.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Nghị định số 24/2016/NĐ-CP ngày 05/4/2016 của Chính phủ, về việc quy định chế độ quản lý ngân quỹ nhà nước;
- Thông tư số 18/2020/TT-BTC, ngày 31/3/2020 của Bộ Tài chính, về việc hướng dẫn đăng ký và sử dụng tài khoản tại KBNN;
- Thông tư 77/2017/TT-BTC, ngày 28/7/2017 của Bộ Tài chính, về việc hướng dẫn Chế độ kế toán Ngân sách nhà nước và hoạt động nghiệp vụ KBNN;
- Thông tư 19/2020/TT-BTC ngày 31/3/2020 của Bộ Tài chính, về sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư 77/2017/TT-BTC, ngày 10/10/2017 của Bộ Tài chính, về việc hướng dẫn Chế độ kế toán Ngân sách nhà nước và hoạt động nghiệp vụ KBNN;
- Công văn số 3546/KTNN-KBNN ngày 01/7/2020 của Kho bạc Nhà nước về việc hướng dẫn thực hiện Thông tư 18/2020/TT-BTC, ngày 31/3/2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính;
NGUYỄN THỊ MỸ DUNG