Ngày 18/12/2020 KBNN ban hành công văn số 7216/KBNN-KSC về một số nội dung lưu ý kiểm soát chi cuối năm 2020 và đầu năm 2021, nội dung công vă như sau:
Kính gửi:
– Kho bạc Nhà nước tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
– Sở Giao dịch KBNN
Để thực hiện công tác kiểm soát chi ngân sách nhà nước (NSNN) tháng cuối năm 2020 và những tháng đầu năm 2021 theo đúng quy định của pháp luật và Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán NSNN năm 2020 (viết tắt là Nghị quyết số 01/NQ-CP), Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19 (viết tắt là Nghị quyết số 84/NQ-CP) và Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ hàng tháng; Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/03/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19; Thông tư số 88/2019/TT-BTC ngày 24/12/2019 của Bộ Tài chính quy định tổ chức thực hiện dự toán NSNN năm 2020; Chỉ thị số 05/CT-BTC ngày 10/11/2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc tăng cường chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính-ngân sách nhà nước trong những tháng cuối năm 2020 và các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Bộ Tài chính; Kho bạc Nhà nước (KBNN) đề nghị KBNN tỉnh, thành phố trực thuộc TW, Sở Giao dịch KBNN (gọi chung là KBNN tỉnh) thực hiện nghiêm túc một số nội dung sau:
I. Tăng cường công tác kiểm soát chi NSNN đảm bảo kỷ luật, kỷ cương trong chi NSNN
Những tháng cuối năm 2020 và các tháng đầu năm 2021 là thời điểm khối lượng công việc của hệ thống KBNN là rất lớn. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao và đáp ứng yêu cầu công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Bộ Tài chính từ nay đến cuối năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, hướng tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, KBNN triển khai đồng bộ các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm như sau: Đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của hệ thống KBNN; tăng cường cải cách hành chính theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, rõ ràng, minh bạch về hồ sơ, chứng từ gắn với việc đẩy mạnh hiện đại hóa công nghệ thông tin trong quản lý; nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng giao dịch là các đơn vị sử dụng ngân sách, chủ đầu tư; giữ vững ổn định nội bộ, nêu cao tinh thần đoàn kết, tuyệt đối không để phát sinh các điểm nóng làm ảnh hưởng đến uy tín và hình ảnh của hệ thống KBNN nói riêng và ngành Tài chính nói chung. Vì vậy, đề nghị KBNN tỉnh tiếp tục chỉ đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc tăng cường hơn nữa kỷ luật, kỷ cương của ngành, nâng cao tinh thần trách nhiệm của các cán bộ, công chức kiểm soát chi; nghiêm cấm công chức kiểm soát chi của KBNN lợi dụng chức năng, nhiệm vụ để gây nhũng nhiễu, phiền hà, trục lợi khi xử lý, giải quyết công việc liên quan đến đơn vị sử dụng ngân sách, chủ đầu tư. Tăng cường công tác kiểm tra nội bộ về nghiệp vụ kiểm soát chi NSNN, xử lý nghiêm khắc các hành vi sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho đơn vị trong quá trình thực hiện kiểm soát thanh toán các khoản chi NSNN, kiên quyết xử lý nghiêm công chức và người đứng đầu đơn vị để xảy ra vi phạm quy chế, quy trình kiểm soát chi.
KBNN tỉnh thường xuyên theo dõi, cập nhật các chủ trương, chính sách, các văn bản chế độ mới liên quan đến thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán NSNN năm 2020 nói chung và các văn bản chính sách liên quan đến công tác kiểm soát chi NSNN nói riêng để triển khai thực hiện công tác kiểm soát chi đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định, các giao dịch thông suốt, liên tục, không bị ách tắc và đặc biệt không được để bỏ sót công việc trong tháng cuối năm 2020 và những tháng đầu năm 2021. Trong quá trình thực hiện kiểm soát chi NSNN thời điểm cuối năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, cần lưu ý một số nội dung như sau:
1. Về kiểm soát chi thường xuyên
KBNN tỉnh thực hiện nghiêm túc các quy định về kiểm soát thanh toán đối với các khoản chi thường xuyên NSNN theo đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, các văn bản hướng dẫn Luật NSNN và Thông tư số 62/2020/TT-BTC ngày 22/6/2020 của Bộ Tài chính hướng dẫn kiểm soát, thanh toán các khoản chi thường xuyên từ NSNN qua KBNN (viết tắt là Thông tư số 62/2020/TT-BTC). Hồ sơ kiểm soát chi thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định số 11/2020/NĐ-CP ngày 20/01/2020 của Chính phủ về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước (viết tắt là Nghị định số 11/2020/NĐ-CP). Việc kiểm soát thanh toán các khoản chi thường xuyên NSNN đảm bảo trong phạm vi dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt; theo đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức và nội dung chi, nhiệm vụ chi theo quy định của pháp luật hiện hành. Trong đó, lưu ý một số nội dung sau:
1.1. Kiểm soát các khoản chi lương và các khoản phụ cấp theo lương, các khoản thanh toán cho cá nhân
Thực hiện kiểm soát thanh toán theo quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 6 Thông tư số 62/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính, Công văn số 5609/KBNN-KSC ngày 07/10/2020 của KBNN về việc một số lưu ý trong kiểm soát chi thường xuyên từ NSNN qua KBNN (viết tắt là Công văn số 5609/KBNN-KSC), trong đó lưu ý:
– Về kiểm soát chỉ tiêu, biên chế:
+ Đối với cán bộ, công chức: Đảm bảo phù hợp với với tổng số biên chế được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
+ Đối với viên chức, lao động thường xuyên theo hợp đồng: thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn số 5609/KBNN-KSC của Kho bạc Nhà nước.
– Đối với chi thu nhập tăng thêm kiểm soát tỷ lệ tạm trích Quỹ bổ sung thu nhập phù hợp với quy định tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn trong từng lĩnh vực sự nghiệp công; Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/04/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập, Nghị định số 85/2012/NĐ-CP ngày 15/10/2012 của Chính phủ về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập và giá dịch vụ khám bệnh chữa bệnh của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập (đối với đơn vị sự nghiệp công lập); Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005 của Chính phủ quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước; Thông tư liên tịch số 71/2014/TTLT-BTC-BNV ngày 30/5/2014 của Bộ Tài chính – Bộ Nội vụ quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng kinh phí quản lý hành chính đối với cơ quan nhà nước (đối với cơ quan hành chính nhà nước).
– Đối với khoản chi phụ cấp và trợ cấp khác, tiền khoán, KBNN tỉnh kiểm soát số tiền phụ cấp và trợ cấp khác, tiền khoán mà đơn vị sử dụng ngân sách đề nghị thanh toán cho đối tượng thụ hưởng theo định mức quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.
1.2. Kiểm soát chi mua sắm tài sản công
Thực hiện kiểm soát thanh toán theo quy định tại Điểm b, Khoản 2, Điều 6 Thông tư số 62/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính, trong đó lưu ý:
Khi kiểm soát dự toán chi tiết, KBNN tỉnh căn cứ dự toán mua sắm tài sản công chi tiết theo danh mục thiết bị mua sắm hoặc Quyết định mua sắm tài sản công được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều luật quản lý sử dụng tài sản công.
1.3. Kiểm soát, thanh toán các khoản chi từ Tài khoản tiền gửi
Hồ sơ kiểm soát chi đối với các khoản chi từ tài khoản tiền gửi theo quy định tại Khoản 7, Điều 7 Nghị định số 11/2020/NĐ-CP của Chính phủ. KBNN tỉnh thực hiện kiểm soát, thanh toán theo quy định tại Khoản 3, Điều 6 Thông tư số 62/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính; trong đó lưu ý:
Đối với các nhiệm vụ thực hiện bằng hình thức Lệnh chi tiền; KBNN tỉnh thực hiện kiểm soát theo quy định tại Điều 19 Thông tư số 342/2016/TT-BTC ngày 30/12/2016 của Bộ Tài chính, cụ thể: khi nhận được Lệnh chi tiền từ cơ quan tài chính, KBNN kiểm tra tính hợp pháp, hợp lệ của Lệnh chi tiền, căn cứ nội dung chi trên lệnh chi tiền, thực hiện xuất quỹ ngân sách (Quỹ ngân sách trung ương, Quỹ ngân sách địa phương) cho đối tượng thụ hưởng hoặc vào tài khoản tiền gửi của đơn vị sử dụng ngân sách. Trường hợp lệnh chi tiền cấp vào tài khoản tiền gửi của đơn vị sử dụng ngân sách, khi chi từ Tài khoản tiền gửi của đơn vị sử dụng ngân sách, KBNN thực hiện kiểm soát theo đúng quy định tại Tiết a Khoản 3 Điều 6 Thông tư số 62/2020/TT-BTC.
1.4. Đối với các công trình sửa chữa, bảo trì, cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất theo quy định tại Thông tư số 92/2017/TT-BTC
Thực hiện kiểm soát thanh toán theo quy định tại Khoản 6 Điều 7 Nghị định số 11/2020/NĐ-CP của Chính phủ và Khoản 7, Điều 6 Thông tư số 62/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính, trong đó lưu ý:
– Chứng từ chuyển tiền là Giấy rút dự toán NSNN theo mẫu C2-02a/NS và C2-02b/NS.
– Đối với các công trình có chi phí thực hiện từ 500 triệu đồng trở lên: Việc quản lý, kiểm soát tạm ứng, thanh toán vốn thực hiện theo quy định như đối với chi đầu tư, bảng xác định giá trị khối lượng công việc hoàn thành theo mẫu số 08b phụ lục II kèm theo Nghị định số 11/2020/NĐ-CP.
– Đối với các công trình có chi phí thực hiện dưới 500 triệu đồng: Thực hiện kiểm soát thanh toán theo quy định tại Khoản 6 Điều 7 Nghị định số 11/2020/NĐ-CP và Khoản 7, Điều 6 Thông tư số 62/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính, bảng xác định giá trị khối lượng công việc hoàn thành theo mẫu số 08a phụ lục II kèm theo Nghị định số 11/2020/NĐ-CP của Chính phủ
2. Về việc kiểm soát thanh toán đối với chi đầu tư xây dựng cơ bản
Giám đốc KBNN tỉnh tiếp tục chỉ đạo các phòng, bộ phận kiểm soát chi tại các đơn vị thuộc và trực thuộc thực hiện nghiêm các nội dung liên quan đến công tác kiểm soát chi vốn đầu tư theo đúng quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Xây dựng và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Việc kiểm soát thanh toán các dự án đầu tư xây dựng cơ bản đảm bảo theo đúng danh mục dự án và kế hoạch vốn được cấp có thẩm quyền giao hàng năm, phù hợp với kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn theo quy định tại Luật Đầu tư công. Ngoài ra, KBNN tỉnh cần lưu ý một số nội dung cụ thể như sau:
2.1. Về đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020
KBNN tỉnh chủ động phối hợp với các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án thực hiện các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/3/2020 và chỉ đạo cuả Chính phủ tại Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020; Nghị quyết số 129/NQ-CP ngày 11/9/2020 về phiên họp thường kỳ tháng 8 năm 2020; các Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ hàng tháng năm 2020 và các văn bản chỉ đạo điều hành khác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính nhằm phấn đấu hoàn thành kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 đã được giao. Trong đó, KBNN tỉnh cần tập trung thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau đây:
– Kịp thời nắm bắt và xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện giải ngân vốn đầu tư của từng gói thầu, dự án theo đúng thẩm quyền. Đối với các vướng mắc vượt thẩm quyền, KBNN tỉnh tổng hợp và đề xuất các giải pháp tháo gỡ với cấp có thẩm quyền để xem xét giải quyết.
– Chủ động đề nghị chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện và nghiệm thu khối lượng XDCB hoàn thành gửi hồ sơ thanh toán đến KBNN nơi giao dịch làm cơ sở kiểm soát, thanh toán (bao gồm cả vốn kéo dài năm 2018, 2019 chuyển sang năm 2020 được thanh toán đến hết ngày 31/12/2020 theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 129/NQ-CP), đảm bảo trong vòng 04 ngày làm việc, kể từ ngày có khối lượng được nghiệm thu, làm thủ tục thanh toán ngay với Kho bạc Nhà nước, không để dồn thanh toán vào những ngày cuối năm 2020.
– Thực hiện cung cấp thông tin, báo cáo tình hình thu, chi NSNN hàng ngày cho các cấp ủy, chính quyền và cơ quan quản lý tài chính địa phương, đảm bảo số liệu chính xác, kịp thời, đáp ứng được yêu cầu quản lý, điều hành ngân sách của chính quyền các cấp. Niêm yết công khai thủ tục hành chính về kiểm soát chi NSNN. Công khai số liệu giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản thuộc kế hoạch năm 2020 kỳ tháng 12/2020 và 13 tháng năm 2020 đối với từng chủ đầu tư, Ban QLDA thuộc các Bộ, Sở, ban ngành quản lý.
– Chủ động, phối hợp với các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án thực hiện rà soát, đối chiếu số liệu giải ngân vốn đầu tư công chi tiết theo từng dự án đến hết ngày 31/01/2021 làm cơ sở thực hiện chuyển nguồn và quyết toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm 2020.
2.2. Về thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư năm 2020 vốn ngân sách trung ương, vốn công trái quốc gia, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài
Căn cứ quy định tại Khoản 5, Điều 101 Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14: Đối với kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019 và năm 2020, các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương được phép thực hiện và giải ngân theo quy định của Luật Đầu tư công số 49/2014/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 28/2018/QH14 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành; đối với việc thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư năm 2020 vốn ngân sách trung ương, vốn công trái quốc gia, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài: KBNN tỉnh thực hiện theo quy định tại Khoản 5, Điều 1 Nghị định số 120/2018/NĐ-CP ngày 13/9/2018 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 77/2015/NĐ-CP, Nghị định số 136/2015/NĐ-CP và Nghị định số 161/2016/NĐ-CP ngày 02/12/2016 của Chính phủ về cơ chế đặc thù trong quản lý đầu tư xây dựng đối với một số dự án thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 (viết tắt là Nghị định số 120/2018/NĐ-CP); Công văn số 1513/KBNN-KTNN ngày 29/3/2019; Công văn số 3626/KBNN-KTNN ngày 22/7/2019 của KBNN; Công văn số 15391/BTC-KBNN ngày 11/12/2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn xử lý chuyển nguồn NSNN cuối năm 2018 sang năm 2019 và các năm sau; Công văn của Bộ Tài chính về công tác khóa sổ kế toán niên độ 2020 trên TABMIS và các văn bản hướng dẫn bổ sung, thay thế (nếu có).
2.3. Về thời hạn giải ngân vốn kéo dài sang năm 2020 và nguồn dự phòng
a) Về giải ngân kế hoạch vốn kéo dài từ năm 2018, 2019 sang năm 2020
Thời gian thực hiện giải ngân kế hoạch vốn kéo dài từ năm 2018, 2019 sang năm 2020 đến hết ngày 31/12/2020 theo quy định tại Điểm b, Mục 3, Nghị quyết số 129/NQ-CP ngày 11/9/2020 của Chính phủ tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 năm 2020.
b) Về thời hạn thực hiện và giải ngân các dự án được bổ sung từ nguồn dự phòng NSTW năm 2018:
Thời hạn thực hiện và giải ngân các dự án được bổ sung từ nguồn dự phòng NSTW năm 2018 thực hiện theo Công văn số 6054/VPCP-KTTH ngày 24/7/2020 của Văn phòng Chính phủ về việc kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn NSTW, vốn TPCP năm 2018 sang năm 2020 và Công văn số 9438/BTC-ĐT ngày 06/8/2020 của Bộ Tài chính về việc kéo dài thời gian thực hiện và thanh toán kế hoạch vốn đầu tư bổ sung từ nguồn dự phòng NSTW năm 2018 sang năm 2020; trong đó, lưu ý:
(1) Các dự án bổ sung vốn từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2018 theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ có quy định rõ thời gian thực hiện và giải ngân thì thực hiện giải ngân theo đúng thời hạn quy định tại các quyết định này.
(2) Các dự án bổ sung vốn từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2018 theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ (quyết định bổ sung vốn sau ngày 30/9/2018) không quy định rõ thời hạn thực hiện và giải ngân: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã giao vốn đầu tư ngân sách trung ương kế hoạch năm 2019 được thực hiện và giải ngân đến hết ngày 31/12/2020.
(3) KBNN căn cứ vào danh mục do Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo để thanh toán theo quy định; tổng số vốn thanh toán không được vượt tổng số vốn đã giao từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2018 cho dự án.
2.4. Về kiểm soát thanh toán dự án khởi công mới
– Tại Điều 53, Luật Đầu tư công (2019) quy định về điều kiện để chương trình, dự án, nhiệm vụ, đối tượng đầu tư công khác được bố trí vốn kế hoạch đầu tư công hằng năm như sau: (1) Dự án phải có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, trừ dự án khẩn cấp; (2) Dự án đã được cấp có thẩm quyền quyết định.
– Theo quy định tại Nghị định số 11/2020/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 52/2018/TT-BTC ngày 24/5/2018 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 08/2016/TT-BTC ngày 18/01/2016 của Bộ Tài chính quy định về quản lý thanh toán vốn đầu tư sử dụng vốn NSNN, Thông tư số 108/2016/TT-BTC ngày 30/6/2016 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số Điều của Thông tư số 08/2016/TT-BTC ngày 18/01/2016 của Bộ Tài chính, không quy định dự án khởi công mới phải có quyết định đầu tư trước ngày 31/10 năm trước năm kế hoạch.
Vì vậy, đối với các dự án khởi công mới, đề nghị KBNN tỉnh thực hiện kiểm soát thanh toán theo đúng quy định nêu trên, không yêu cầu dự án khởi công mới phải có quyết định đầu tư trước ngày 31/10 năm trước năm kế hoạch.
2.5. Về kiểm soát chi đối với các dự án ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài
Giám đốc KBNN tỉnh chỉ đạo các phòng, bộ phận kiểm soát chi tại các đơn vị thuộc và trực thuộc thực hiện nghiêm các nội dung liên quan đến việc kiểm soát chi đối với các dự án ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài theo đúng quy định tại Nghị định số 56/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020 của Chính phủ về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài (viết tắt là Nghị định 56/2020/NĐ-CP). Trong đó, lưu ý một số nội dung sau:
(1) Về thời hạn hạch toán ghi thu ghi chi
Các khoản đề nghị hạch toán ghi thu ghi chi thuộc kế hoạch năm, Chủ đầu tư gửi đến KBNN nơi giao dịch trước ngày 01 tháng 02 năm sau theo quy định tại Khoản 5 Điều 66, Nghị định số 56/2020/NĐ-CP. KBNN nơi giao dịch hoàn thành hạch toán các khoản chi trong vòng 30 ngày kể từ ngày 31/01 theo quy định tại Khoản 2, Điều 69, Nghị định số 56/2020/NĐ-CP.
(2) Về nguyên tắc hạch toán vốn ODA, vốn vay ưu đãi tại KBNN thực hiện đúng quy định tại Điều 66 Nghị định số 56/2020/NĐ-CP của Chính phủ.
(3) Về giải ngân kế hoạch vốn nước ngoài từ ngân sách trung ương và kế hoạch vốn nước ngoài cho vay lại.
KBNN tỉnh thực hiện theo Thông báo số 385/TB-VPCP ngày 26/11/2020 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình thực hiện, giải ngân các chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài; trong đó tại Khoản e, Mục 5, Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục giải ngân kế hoạch vốn nước ngoài năm 2020 từ ngân sách trung ương và kế hoạch vốn nước ngoài cho vay lại một cách độc lập, không để ảnh hưởng, làm chậm tiến độ giải ngân các dự án theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 94/NQ-CP ngày 29/10/2019.
2.6. Về kiểm soát chi phí thẩm tra phê duyệt quyết toán
KBNN tỉnh thực hiện kiểm soát chi phí thẩm tra phê duyệt quyết toán theo quy định tại Khoản 2, Điều 20 Thông tư số 10/2020/TT-BTC ngày 20/02/2020 của Bộ Tài chính về quyết toán dự án hoàn thành sử dụng nguồn vốn nhà nước, theo đó căn cứ đề nghị của cơ quan chủ trì thẩm tra quyết toán và ủy nhiệm chi, bảng kê chứng từ thanh toán (đối với các khoản chi không kê hết nội dung chi trên ủy nhiệm chi) và kiểm soát theo đúng nội dung chi quy định tại tiết b, Khoản 2, Điều 20 Thông tư số 10/2020/TT-BTC ngày 20/02/2020 của Bộ Tài chính để thanh toán chi phí thẩm tra, phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành cho cơ quan chủ trì thẩm tra quyết toán.
Việc mở tài khoản phí thẩm tra phê duyệt quyết toán của cơ quan tài chính thực hiện theo quy định tại Công văn số 3545/KBNN-KTNN ngày 01/7/2020 của Kho bạc Nhà nước về việc hướng dẫn thực hiện Chế độ kế toán NSNN và hoạt động nghiệp vụ Kho bạc Nhà nước: Tài khoản 3743- Tiền gửi có mục đích khác.
2.7. Về thanh toán vốn tạm giữ chờ quyết toán theo quy định tại Thông tư số 52/2018/TT-BTC
KBNN tỉnh thực hiện kiểm soát thanh toán vốn tạm giữ chờ quyết toán theo quy định tại Khoản 6 Điều 1 Thông tư số 52/2018/TT-BTC ngày 24/5/2018 của Bộ Tài chính, cụ thể: “Trường hợp giữa chủ đầu tư và nhà thầu có thỏa thuận trong hợp đồng về việc tạm giữ chưa thanh toán cho nhà thầu một khoản tiền nhất định hoặc một tỷ lệ nhất định so với khối lượng hoàn thành và thỏa thuận về việc chuyển khoản tiền nêu trên vào tài khoản tiền gửi của chủ đầu tư mở tại KBNN thì việc thanh toán được thực hiện theo quy định của hợp đồng. Chủ đầu tư và nhà thầu chịu trách nhiệm tuân thủ các quy định hiện hành về quản lý hợp đồng xây dựng.”
Như vậy, trường hợp chủ đầu tư và nhà thầu có thỏa thuận trong hợp đồng theo quy định nêu trên thì khoản tiền này bắt buộc phải chuyển khoản vào tài khoản tiền gửi của chủ đầu tư mở tại Kho bạc Nhà nước.
2.8. Về khấu từ thuế giá trị gia tăng để nộp vào ngân sách nhà nước
KBNN tỉnh thực hiện theo quy định tại Khoản 3, Điều 28 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thi hành một số điều của Luật quản lý thuế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế và Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22/7/2013 của Chính phủ; Theo đó, KBNN tỉnh thực hiện khấu trừ thuế giá trị gia tăng đảm bảo đúng đối tượng quy định và số thuế giá trị gia tăng do KBNN khấu trừ được thực hiện trên cơ sở chứng từ thanh toán khối lượng hoàn thành theo đúng quy định của pháp luật.
2.9. Về kiểm soát thanh toán kinh phí bảo trì đường bộ
– Tại Khoản 1, Điều 2, Nghị định số 09/2020/NĐ-CP ngày 13/01/2020 của Chính phủ bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật về quỹ bảo trì đường bộ quy định:
+ Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải quy định việc thu, nộp và sử dụng phí sử dụng đường bộ thu qua đầu phương tiện ô tô thống nhất trong cả nước, bao gồm cả đường bộ thuộc trung ương quản lý và đường bộ thuộc địa phương quản lý theo quy định của pháp luật về phí, NSNN;
+ Phí sử dụng đường bộ thu qua đầu phương tiện ô tô (sau khi trừ chi phí tổ chức thu) được nộp toàn bộ vào ngân sách trung ương, sử dụng để quản lý, bảo trì đường bộ;
– Từ năm 2020, tại các Quyết định của Bộ Giao thông vận tải về việc giao dự toán chi NSNN nguồn kinh phí sự nghiệp chi hoạt động kinh tế đường bộ cho công tác quản lý, bảo trì hệ thống quốc lộ thì việc giao dự toán được giao cho các cơ quan được Bộ Giao thông vận tải giao nhiệm vụ quản lý, bảo trì quốc lộ (Tổng Cục Đường bộ, Cục quản lý chuyên ngành đường bộ, Các Ban quản lý trực thuộc Tổng cục và các Sở Giao thông vận tải thuộc UBND tỉnh là cơ quan chuyên ngành giao thông quản lý trực tiếp các tuyến quốc lộ được Bộ Giao thông vận tải giao ủy quyền địa phương quản lý bảo trì quốc lộ).
Vì vậy, theo quy định nêu trên, Sở Giao thông vận tải các tỉnh là chủ đầu tư được Bộ Giao thông vận tải giao dự toán nên Sở Giao thông vận tải sẽ thực hiện các giao dịch thanh toán với KBNN đối với kinh phí bảo trì quốc lộ được giao dự toán năm 2020. Do vậy, KBNN tỉnh thực hiện kiểm soát thanh toán kinh phí bảo trì quốc lộ giao cho Sở Giao thông vận tải làm chủ đầu tư theo đúng dự toán năm 2020 được Bộ Giao thông vận tải giao theo quy định hiện hành.
2.10.Về việc thu hồi tạm ứng vốn đầu tư xây dựng cơ bản
KBNN tỉnh thực hiện kiểm soát vốn tạm ứng và thu hồi tạm ứng theo đúng quy định hiện hành; chủ động đôn đốc các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án thực hiện đúng quy định về việc thu hồi vốn tạm ứng (kể cả bằng văn bản) đảm bảo theo đúng trách nhiệm và quy định hiện hành về quản lý, thanh toán vốn đầu tư sử dụng nguồn vốn NSNN.
KBNN tỉnh thực hiện báo cáo đầy đủ, kịp thời, đúng quy định về tình hình tạm ứng vốn đầu tư xây dựng cơ bản gửi KBNN theo Công văn số 3103/KBNN-KSC ngày 27/6/2018 của KBNN, trong đó báo cáo chi tiết các khoản tạm ứng đã quá hạn mà không thực hiện thu hồi được, nguyên nhân và đề xuất hướng xử lý thu hồi tạm ứng; đối với các dự án thuộc UBND các cấp quản lý, KBNN tỉnh báo cáo UBND tỉnh và gửi Sở Tài chính để có biện pháp xử lý số dư tạm ứng chưa thu hồi.
II. Về thời hạn chi NSNN, tiếp nhận hồ sơ kiểm soát chi, công tác khóa sổ, chuyển nguồn cuối năm 2020
1. Thời hạn nhận hồ sơ, thời hạn tạm ứng, thanh toán niên độ ngân sách năm 2020
Thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn công tác khóa sổ kế toán niên độ 2020 trên TABMIS
Đề nghị KBNN các cấp thông báo cho đơn vị sử dụng ngân sách, chủ đầu tư, Ban QLDA biết để cùng phối hợp thực hiện; đồng thời bố trí cán bộ làm việc vào các ngày gần hết thời hạn thanh toán, đảm bảo việc tiếp nhận hồ sơ đầy đủ và thực hiện kiểm soát thanh toán vốn kịp thời, đáp ứng nhu cầu chi tiêu của đơn vị sử dụng ngân sách.
2. Về chế độ báo cáo, quyết toán ngân sách niên độ 2020
2.1. Về chế độ báo cáo và số liệu tổng hợp báo cáo quyết toán năm 2020
a) Về báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản
Giám đốc KBNN các tỉnh, thành phố chỉ đạo các phòng Kiểm soát chi và các đơn vị trực thuộc thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo theo Công văn số 5971/BTC-ĐT ngày 20/5/2020 của Bộ Tài chính về việc báo cáo tình hình giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công và Công văn số 3998/KBNN-KSC ngày 28/07/2020 của Kho bạc Nhà nước về việc tổng hợp báo cáo dự án do địa phương quản lý. Trong đó, lưu ý:
+ Giám đốc KBNN tỉnh chỉ đạo công chức thực hiện công tác tổng hợp báo cáo theo đúng quy định, nhập và kiểm soát số liệu vào chương trình Tổng hợp báo cáo đảm bảo đầy đủ, kịp thời ngay từ khi phát sinh số kế hoạch vốn và số liệu giải ngân, nhất là thời điểm từ ngày 25/12/2020 đến ngày 31/12/2020 và thời điểm từ ngày 15/01/2021 đến ngày 31/01/2021. Đồng thời, đối chiếu thống nhất số liệu giải ngân vốn đầu tư XDCB năm 2020 tại từng thời điểm trên chương trình Tổng hợp báo cáo với hệ thống TABMIS. Thực hiện việc xác nhận, đối chiếu kế hoạch vốn và số liệu giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 với chủ đầu tư theo đúng quy định.
+ Số liệu báo cáo phải thực hiện đối chiếu, thống nhất với Sở Tài chính (bao gồm số liệu kế hoạch vốn và số liệu giải ngân), đảm bảo theo đúng nguồn vốn được cấp có thẩm quyền phê duyệt, tránh trường hợp hạch toán nhầm nguồn vốn, làm sai lệch về kế hoạch vốn đầu tư công, ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả của công tác báo cáo.
b) Về báo cáo quyết toán tình hình sử dụng vốn đầu tư XDCB theo niên độ ngân sách năm 2020
– Số liệu được tổng hợp vào báo cáo quyết toán tình hình sử dụng vốn đầu tư năm 2020 là số liệu giải ngân vốn đầu tư, vốn Trái phiếu chính phủ, vốn chương trình MTQG giao bằng kế hoạch vốn đầu tư và các nguồn vốn đầu tư được giao (gồm kế hoạch vốn giao năm 2020 và kế hoạch vốn của các dự án thuộc kế hoạch năm trước được phép kéo dài sang năm 2020) do KBNN kiểm soát thanh toán (chi tiết riêng vốn tạm ứng chưa thu hồi, vốn thanh toán khối lượng XDCB hoàn thành đến hết ngày 31/01/2021 theo quy định tại Thông tư số 85/2017/TT-BTC ngày 15/8/2017 của Bộ Tài chính quy định việc quyết toán tình hình sử dụng vốn đầu tư nguồn NSNN theo niên độ ngân sách hàng năm). Số liệu giải ngân vốn đầu tư sau ngày 31/01/2021 đối với các trường hợp được phép kéo dài sang năm 2021 được tổng hợp vào báo cáo quyết toán vốn đầu tư năm 2021 theo quy định.
– KBNN tỉnh chỉ đạo các phòng nghiệp vụ liên quan rà soát, đối chiếu số liệu với chủ đầu tư theo quy định hiện hành để đảm bảo chính xác, khớp đúng chi tiết theo tính chất nguồn và niên độ ngân sách, đồng thời nhập đầy đủ số liệu vào Chương trình Tổng hợp báo cáo, truyền về KBNN và gửi báo cáo quyết toán bằng bản giấy về KBNN (Vụ Kiểm soát chi) đảm bảo đúng thời gian quy định.
2.2. Về chuyển nguồn ngân sách cuối năm và chế độ báo cáo
a) Về chuyển nguồn cuối năm ngân sách sang năm sau
KBNN tỉnh chỉ đạo các đơn vị thực hiện chuyển nguồn ngân sách cuối năm theo Công văn số 15391/BTC-KBNN ngày 11/12/2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn xử lý chuyển nguồn NSNN cuối năm 2018 sang năm 2019 và các năm sau; Công văn của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn công tác khóa sổ kế toán niên độ 2020 trên TABMIS và các văn bản hướng dẫn bổ sung, thay thế (nếu có). Trong đó, lưu ý về thủ tục chuyển nguồn sang năm sau được thực hiện theo quy định tại Điểm a, Mục 2, Công văn số 15391/BTC-KBNN có kèm theo các tài liệu liên quan nêu tại Mục 1 Công văn số 15391/BTC-KBNN và các văn bản hướng dẫn bổ sung, thay thế (nếu có) để KBNN tỉnh rà soát, đối chiếu chuyển nguồn sang năm sau.
b) Về chế độ báo cáo chuyển nguồn ngân sách sang năm sau:
– Đối với các dự án đầu tư sử dụng vốn NSNN (bao gồm vốn Trái phiếu chính phủ và vốn ODA giải ngân theo cơ chế tài chính trong nước):
Chậm nhất đến ngày 28/02/2020, KBNN tỉnh tổng hợp báo cáo về KBNN (Vụ Kiểm soát chi) danh mục các dự án thuộc vốn ngân sách trung ương, vốn công trái quốc gia, vốn Trái phiếu Chính phủ, mà chủ đầu tư đã thực hiện đối chiếu, xác nhận số liệu với KBNN nơi giao dịch theo quy định tại Điều 26 Thông tư số 342/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính. Biểu mẫu báo cáo Phụ lục số 01, 02 ban hành kèm theo Công văn này.
– Đối với các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài:
Chậm nhất đến ngày 31/03/2020, KBNN tỉnh tổng hợp báo cáo về KBNN (Vụ Kiểm soát chi) danh mục các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài mà chủ dự án đã thực hiện đối chiếu, xác nhận số liệu với KBNN nơi giao dịch theo hướng dẫn tại Phụ lục số 03 ban hành kèm theo Công văn này.
– Phương thức gửi báo cáo: thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn số 3803/KBNN-THPC ngày 07/8/2019 của KBNN về thực hiện chế độ báo cáo định kỳ thuộc hệ thống KBNN.
III. Về kiểm soát, thanh toán các khoản chi NSNN trong những tháng đầu năm 2021
1. Trường hợp vào đầu năm ngân sách 2021, dự toán ngân sách và phương án phân bổ ngân sách đã được Quốc hội, Hội đồng nhân dân quyết định, tuy nhiên Bộ, ngành, địa phương chưa kịp thời nhập dự toán vào hệ thống TABMIS, KBNN thực hiện như sau:
– Đối với các khoản chi lương, các khoản chi phụ cấp cho cán bộ công chức, chi cho người có công với cách mạng và một số khoản chi cần thiết khác để bảo đảm hoạt động của bộ máy nhà nước trong tháng 01 và tháng 02 năm 2021: Trường hợp đơn vị sử dụng ngân sách gửi đề nghị thanh toán nhưng dự toán của đơn vị chưa được cấp có thẩm quyền nhập dự toán vào hệ thống TABMIS, KBNN tỉnh, thành phố căn cứ vào Quyết định giao dự toán ngân sách năm 2021 của cấp có thẩm quyền (bản chính), Giấy rút dự toán ngân sách và hồ sơ theo quy định do đơn vị sử dụng ngân sách gửi đến, thực hiện nhập dự toán (tạm cấp) theo quy định tại Khoản 4, Điều 5 Thông tư số 123/2014/TT-BTC ngày 27/08/2014 của Bộ Tài chính về hướng dẫn tổ chức vận hành, khai thác hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS) và thực hiện kiểm soát thanh toán theo quy định hiện hành.
– Trường hợp đơn vị sử dụng ngân sách không có quyết định giao dự toán của đơn vị dự toán cấp trên: KBNN tỉnh không thực hiện thanh toán đối với các khoản chi này; đồng thời có ý kiến với đơn vị sử dụng ngân sách để báo cáo cấp có thẩm quyền khẩn trương giao dự toán cho đơn vị, làm cơ sở để thực hiện việc kiểm soát thanh toán theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
– KBNN các cấp chủ động báo cáo UBND để chỉ đạo, đôn đốc cơ quan tài chính địa phương nhập dự toán kịp thời, đầy đủ vào hệ thống TABMIS đảm bảo đúng quy định.
2. Về quy trình nhập dự toán và phương pháp hạch toán kế toán
KBNN nơi đơn vị giao dịch nhập dự toán (tạm cấp) vào hệ thống TABMIS với số tiền bằng đúng đề nghị chi trong tháng 01/2021 và tháng 02/2021 của đơn vị sử dụng ngân sách. Phương pháp hạch toán kế toán thực hiện theo hướng dẫn về kế toán dự toán tạm cấp tại Công văn số 3545/KBNN-KTNN ngày 01/7/2020 của KBNN về việc hướng dẫn thực hiện Chế độ kế toán NSNN và hoạt động nghiệp vụ KBNN. Ngay sau khi các Bộ, ngành (đối với cơ quan trung ương) và cơ quan tài chính (đối với cơ quan địa phương) nhập dự toán vào hệ thống TABMIS, KBNN nơi đơn vị giao dịch thực hiện thu hồi dự toán đã nhập (tạm cấp) theo hướng dẫn tại Công văn số 3545/KBNN-KTNN ngày 01/7/2020 của KBNN.
Đề nghị KBNN các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Sở Giao dịch KBNN nghiên cứu, tổ chức triển khai thực hiện. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc kịp thời phản ánh về Kho bạc Nhà nước để được hướng dẫn./.