Trong những năm qua, hệ thống KBNN kiểm soát chi CTMTQG nhanh, chính xác, minh bạch, hiệu quả kịp thời phục vụ nguồn lực vốn đầu tư công cho xây dựng các công trình xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, xây dựng điện, đường, trường, trạm; phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn, miền núi, biên giới hải đảo, góp phần giảm bớt khoảng cách về nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của người dân nông thôn, miền núi với vùng thành thị, đồng bằng.
Cơ sở pháp lý và thực tế kiểm soát chi Chương trình mục tiêu quốc gia
CTMTQG là một trọng tâm của Đảng và Nhà nước để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội đồng đều giữa các vùng miền của đất nước. CTMTQG đã được cụ thể hóa trong Luật định như việc quyết định chủ trương đầu tư của CTMTQG do Quốc hội – cơ quan lập pháp của Nhà nước quyết định và giao vốn từ nguồn vốn đầu tư công và nguồn kinh phí thường xuyên cho các CTMTQG hằng năm của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thông qua Nghị quyết về ngân sách. Đồng thời, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện phân bổ chi tiết nguồn vốn CTMTQG theo từng chương trình, từng dự án đến từng cấp ngân sách. Việc phân bổ chi tiết dự án đảm bảo được tính cụ thể, tính hiệu quả trong thực hiện các dự án chương trình mục tiêu, đảm bảo rằng các dự án, các công trình được hỗ trợ đến từng hộ gia đình, từng thôn, xóm vùng sâu vùng xa, vùng biên giới, hải đảo. Nguồn vốn được phân bổ chi tiết từng dự án, được nhập trên hệ thống T Hông tin quản lý ngân sách và Kho bạc (TABMIS) và được cơ quan tài chính phê duyệt trước khi chuyển đến KBNN nơi giao dịch thực hiện kiểm soát thanh toán cho các chương trình, dự án đến từng đối tượng cụ thể.
Đối với công tác kiểm soát chi các chương trình, dự án CTMTQG được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các CTMTQG ( Nghị định số 27); Nghị định số 38/2023/NĐ-CP ngày 24/6/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 27 (Nghị định số 38); Nghị định số 99/2021/NĐ-CP ngày 11/11/2021 của Chính phủ quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công (Nghị định số 99); Nghị định số 11/2020/NĐ CP ngày 20/01/2020 của Chính phủ quy định thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực KBNN (Nghị định số 11); Thông tư số 55/2023/TT-BTC ngày 15/8/2023 của Bộ Tài chính quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn NSNN thực hiện các CTMTQG giai đoạn 2021 – 2025 (Thông tư số 55); Thông tư số 96/2021/TT-BTC ngày 11/11/2021 của Bộ Tài chính quy định về hệ thống mẫu biểu sử dụng trong công tác quyết toán.
Đối với nội bộ hệ thống KBNN, để đáp ứng thực hiện được các quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật nêu trên, các đơn vị trực thuộc KBNN đã phối hợp, nghiên cứu và hướng dẫn các đơn vị KBNN trong toàn hệ thống về cách thức hạch toán, phương thức thanh toán và các quy định về kiểm soát thanh toán cũng như phối hợp để hướng dẫn các đơn vị KBNN từ cấp huyện tổng hợp báo cáo gửi các cấp có thẩm quyền kịp thời. Cụ thể, KBNN đã chủ trì báo cáo Bộ Tài chính ký ban hành Thông tư số 51/2022/ TT-BTC ngày 11/8/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 324/2016/TT-BTC quy định hệ thống mục lục NSNN, áp dụng từ năm ngân sách 2022 (Thông tư số 51). Đây là cơ sở cơ bản để hạch toán thanh toán theo từng chương trình cụ thể và cũng là cơ sở để các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện phân bổ nguồn lực theo từng chương trình và từng nội dung cụ thể tại các chương trình, dự án thực hiện nguồn vốn CTMTQG.
Bên cạnh đó, KBNN ban hành các công văn hướng dẫn KBNN địa phương thực hiện kiểm soát thanh toán và hướng dẫn công tác báo cáo theo đúng chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Tài chính như: Công văn số 5797/ KBNN-KSC ngày 27/9/2022 về tổ chức quán triệt, hướng dẫn hệ thống KBNN thực hiện công tác kiểm soát chi CTMTQG; Công văn số 5604/KBNN-KSC ngày 02/10/2023 về báo cáo tình hình giải ngân vốn các CTMTQG hằng tháng; Công văn số 3683/ KBNN-KSC ngày 28/6/2024 về báo cáo tình hình giải ngân nguồn vốn NSNN của 03 CTMTQG giai đoạn 2021 – 2025.
Với việc quy định hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cùng với những văn bản nội bộ trong hệ thống KBNN, việc kiểm soát chi cho các nhiệm vụ, dự án thuộc CTMTQG đã đảm bảo được tính chặt chẽ, hợp pháp, hợp lệ về hồ sơ, chứng từ, bên cạnh quy trình kiểm soát đang được hiện đại hóa thông qua hình thức giao dịch điện tử giữa các đơn vị sử dụng ngân sách với KBNN đảm bảo đúng thời gian quy định với từng loại hồ sơ thanh toán của các chủ đầu tư/đơn vị sử dụng ngân sách gửi đến KBNN – nơi giao dịch để thanh toán.
KBNN đang thực hiện số hóa hồ sơ chứng từ thông qua việc hiện đại hóa các ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện nghiệp vụ của KBNN trong lộ trình xây dựng Kho bạc số đến năm 2030. Theo đó, các hồ sơ của các nhiệm vụ, dự án thuộc CTMTQG chủ yếu là các dự án nhỏ cấp xã, phường, thị trấn, với số vốn không lớn thường là các kinh phí hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng người dân, hoặc các công trình dự án điện, đường, trường, trạm, xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo được điện tử hóa, các đơn vị sử dụng ngân sách sẽ không còn phải trực tiếp đến kho bạc để gửi hồ sơ thanh toán, thay vào đó, qua Cổng tiếp nhận của hệ thống Dịch vụ công trực tuyến, các đơn vị thiết lập hồ sơ theo các mẫu chứng từ quy định về các thủ tục hành chính để khai báo thông tin và gửi hồ sơ trực tuyến đến KBNN để xử lý và thanh toán.
Với đối tượng phục vụ đa dạng, các khoản chi cũng như các nội dung chi phong phú, hệ thống KBNN từ cấp trung ương – cấp tỉnh – cấp huyện trong thời gian qua đã nỗ lực để kiểm soát chi các nhiệm vụ, dự án thuộc CTMTQG đúng, đủ, chặt chẽ, trong thời gian quy định.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác quản lý, kiểm soát thanh toán các CTMTQG còn tồn tại một số vướng mắc như:
Về cơ chế chính sách: Đối với chi CTMTQG từ nguồn kinh phí chi thường xuyên, hiện vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về các tiêu chuẩn định mức liên quan đến những nội dung hỗ trợ trực tiếp cho người dân thụ hưởng, các nội dung này thường lồng ghép ở các thông tư của các bộ, cơ quan chuyên ngành.
Cơ chế kiểm soát chi mặc dù đã được hướng dẫn chi tiết tại các Nghị định số 27, Nghị định số 38, Nghị định số 99, Nghị định số 11 và Thông tư số 55 nhưng các nội dung về tiêu chuẩn, định mức vẫn được quy định ở các Thông tư hướng dẫn đặc thù nghiệp vụ riêng biệt. Do vậy, chưa tạo ra sự đồng nhất trong quá trình thực hiện, kiểm soát, thanh toán tại KBNN.
Việc phân bổ vốn còn chưa đồng đều giữa các cấp, cụ thể: Có trường hợp CTMTQG ở tỉnh này được phân bổ chi tiết đến từng dự án theo từng chương trình xuống cấp xã, tuy nhiên cũng còn trường hợp một số CTMTQG ở một số tỉnh giao vốn chưa phân bổ chi tiết đến dự án thành phần xuống cấp tỉnh, cấp huyện nhưng không chi tiết xuống cấp xã, gây khó khăn trong công tác kiểm soát thanh toán vì không có chi tiết theo dự án đặc biệt là đối với các KBNN cấp huyện quản lý nhiều xã ở nhiều địa hình khác nhau.
Việc kiểm soát, thanh toán các dự án, nhiệm vụ chi của các chương trình mục tiêu đa dạng với nhiều tiêu chuẩn định mức khác nhau, dẫn đến cần phải có nguồn lực về con người, cơ sở vật chất và thời gian để thực hiện.
Việc phối hợp giữa KBNN nơi giao dịch và các cơ quan chức năng, đơn vị sử dụng ngân sách còn gặp nhiều vướng mắc trong triển khai thực hiện, do cơ chế, cũng như việc hướng dẫn chưa thực sự bám sát thực tế và tình hình thực hiện của từng tiểu dự án, từng chương trình cụ thể.
Công tác tổng hợp báo cáo còn gặp nhiều khó khăn do việc phân bổ vốn chương trình mục tiêu có mạng lưới rộng lớn từ trung ương xuống địa phương, từ tỉnh đến huyện đến xã, nguồn vốn giao vừa lồng ghép giữa các cấp ngân sách, vừa đa dạng các dự án, nhiệm vụ chi ở nhiều phạm vi khác nhau.
Giải pháp hoàn thiện công tác kiểm soát chi chương trình mục tiêu quốc gia
Về cơ chế chính sách, thời gian tới Bộ Tài chính cần phối hợp với các bộ, ngành chuyên môn để ban hành tiêu chuẩn, định mức cho các nội dung chi đối với các tiểu dự án thành phần nhất là trong việc sử dụng nguồn vốn chi thường xuyên để chi cho các nội dung.
Đồng thời, Bộ Tài chính cần nghiên cứu ban hành văn bản quy phạm pháp luật bổ sung, thay thế một số điều của T Hông tư số 51… trong đó quy định chi tiết các mã cho các tiểu dự án thành phần của từng CTMTQG, thống nhất từ trung ương tới địa phương để có cơ sở nhập dữ liệu dự toán vào hệ thống TABMIS để thực hiện kiểm soát, thanh toán đảm bảo chặt chẽ, đúng tiêu chuẩn, đúng định mức, đúng đối tượng; góp phần đảm bảo số liệu đầu ra của ngân sách được đảm bảo thống nhất, chính xác ở từng cấp ngân sách. Đây là cơ sở quan trọng để báo cáo Chính phủ, báo cáo Quốc hội điều hành tình hình thực hiện các CTMTQG.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính báo cáo, tham mưu Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành trung ương và địa phương giao vốn chi tiết đến từng dự án cho từng cấp ngân sách tại từng CTMTQG, đảm bảo nguồn vốn đi xuống đến xã thống nhất ở tất cả các bộ ngành trung ương và địa phương trên phạm vi toàn quốc; tiếp tục cải cách đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục kiểm soát chi các dự án, các khoản hỗ trợ thuộc các tiểu dự án của từng CTMTQG để các đơn vị, các hộ dân được tiếp cận gần hơn với nguồn vốn của nhà nước.
Hệ thống KBNN cần xây dựng kế hoạch tập huấn cơ chế chính sách cho công chức làm công tác kiểm soát chi trong hệ thống; đồng thời, nắm bắt các khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện để báo cáo cấp có thẩm quyền kịp thời tháo gỡ, xử lý. Xây dựng, củng cố hệ thống công nghệ thông tin để triển khai về từng huyện, xã, kết nối với hệ thống của Bộ Kế hoạch và đầu tư, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về hệ thống kế hoạch vốn kết hợp trong quá trình kiểm soát chi và chốt số liệu giải ngân từ KBNN nơi giao dịch; nâng cấp hệ thống báo cáo để kết xuất dữ liệu theo từng mức độ quản lý để đáp ứng yêu cầu đánh giá tình hình giải ngân theo từng giai đoạn, từng thời kỳ, từng loại nguồn vốn và từng chương trình mục tiêu cụ thể.
THS. PHẠM THỊ HOÀI – NGUYỄN THỊ HUYỀN TRANG