Sau gần 02 năm vận hành, Kho dữ liệu thống kê, phân tích nghiệp vụ KBNN (Kho dữ liệu) đã trở thành công cụ hữu ích, hỗ trợ đắc lực cho công tác tổng hợp thông tin báo cáo tài chính ngân sách, phục vụ kịp thời cho các cấp có thẩm quyền quản lý điều hành NSNN. Để tiếp tục phát huy hiệu quả khai thác dữ liệu, vận dụng các tiện ích linh hoạt hơn, KBNN đang tiếp tục nghiên cứu nâng cấp, mở rộng một số nội dung để tạo nên Kho dữ liệu ngày một tốt hơn, hỗ trợ đắc lực cho nhiệm vụ của KBNN và mục tiêu hướng tới hình thành Kho bạc số, bắt nhịp với xu hướng phát triển của cuộc cách mạng 4.0.
Kho dữ liệu đã chính thức đi vào vận hành từ ngày 30/11/2018, tổng hợp số liệu thu, chi NSNN từ hàng loạt các ứng dụng CNTT như: Hệ thống Quản lý thông tin kho bạc và ngân sách (TABMIS), Hệ thống Quản lý thu NSNN (TCS), Hệ thống Thanh toán song phương điện tử với các ngân hàng thương mại (TTSP), Hệ thống Giao diện thanh toán liên ngân hàng (TTLNH) và Hệ thống Danh mục dùng chung KBNN (DMDC_KBNN) đáp ứng nhu cầu khai thác số liệu cho khoảng 1000 người sử dụng là công chức hệ thống KBNN.
Các báo cáo được lập và khai thác trên Kho dữ liệu thực hiện theo Thông tư số 77/2017/TT-BTC ngày 28/7/2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn Chế độ kế toán NSNN và hoạt động nghiệp vụ KBNN, một số báo cáo theo Quyết định số 821/2014/QĐ-KBNN ngày 08/10/2014 về việc ban hành Hệ thống chỉ tiêu và chế độ báo cáo thống kê hoạt động nghiệp vụ KBNN và một số báo cáo nhanh phục vụ theo yêu cầu nghiệp vụ. Sau gần 2 năm vận hành, Kho dữ liệu đã phát huy hiệu quả, lợi thế trong công tác báo cáo phục vụ nhu cầu quản lý điều hành ngân sách các cấp.
Tiện ích từ Kho dữ liệu
Trung bình mỗi ngày có khoảng 900 người sử dụng, khai thác báo cáo; 20.000 đến 30.000 lượt in báo cáo từ Kho dữ liệu, ngày cao điểm lên đến khoảng 62.000 lượt in báo cáo. Với hiệu năng khai thác lớn, Kho dữ liệu đã phát huy hiệu quả rõ rệt, giảm áp lực cho các hệ thống tác nghiệp song song, đặc biệt là hệ thống TABMIS vào thời điểm cuối năm. Các năm trước, vào thời điểm cuối năm hệ thống TABMIS thường trong tình trạng quá tải khi số lượng người sử dụng đồng thời tăng cao. Từ cuối năm 2018, Kho dữ liệu đi vào hoạt động, việc khai thác số liệu và lập báo cáo được các đơn vị KBNN thực hiện trên Kho dữ liệu, hệ thống TABMIS chủ yếu phục vụ cho các hoạt động giao dịch nên không còn xảy ra tình trạng quá tải, giúp hệ thống vận hành thông suốt.
Trước đây, các báo cáo tổng hợp tình hình thu, chi ngân sách và dự toán cả năm phải chạy ngoài giờ hành chính trên hệ thống TABMIS nhưng hiện nay báo cáo chạy trên Kho dữ liệu chưa đến 10 phút. Các chỉ tiêu chung trên Kho dữ liệu được thiết kế công thức chung, khi có biến động dữ liệu, kết quả sẽ tự động thay đổi theo nên số liệu khai thác đảm bảo đồng nhất. Với có khả năng cung cấp số liệu về tình hình thu, chi NSNN gần như tức thời (near time), sử dụng công nghệ phân tích dữ liệu thông minh của nền tảng công nghệ BI (Business Intelliegence), hỗ trợ khai thác theo nhiều chiều thông tin, khoan sâu dữ liệu, hỗ trợ giao diện trực quan phân tích dữ liệu theo biểu đồ, thiết lập các kiểu hiển thị… hỗ trợ hiệu quả công tác phân tích, thống kê đáp ứng yêu cầu quản lý, điều hành.
Kho dữ liệu không chỉ giúp cho công tác điều hành ngân sách hằng ngày, đặc biệt là thời điểm cuối năm được tiến hành nhanh chóng, kịp thời mà còn là nguồn cung cấp số liệu cho hàng loạt các hệ thống ứng dụng quản lý khác như: Hệ thống Quản lý ngân quỹ tổng hợp, dự báo ngân quỹ nhà nước, phục vụ công tác điều hành ngân quỹ an toàn, hiệu quả; Hệ thống Tổng kế toán nhà nước báo cáo tài chính của Chính phủ (chính quyền địa phương); Chương trình Cung cấp thông tin nhanh về số liệu thu, chi NSNN và huy động vốn hàng ngày cho Văn phòng chính phủ phục vụ cho việc khai thác thông tin, số liệu lập báo cáo theo Quyết định số 359/ QĐ-BTC ngày 11/3/2019 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành chế độ báo cáo số liệu thu, chi NSNN của hệ thống KBNN; Kho dữ liệu NSNN (KHONS) của Bộ Tài chính để phục vụ cho công tác khai thác thông tin, tổng hợp dữ liệu của đối tượng sử dụng ngoài KBNN (cơ quan tài chính các cấp)…
Đặc biệt, Kho dữ liệu là công cụ rất hữu ích trong việc kiểm tra số liệu định kỳ, kịp thời phát hiện các sai sót, điển hình trong việc phân tích để tìm ra các nguyên nhân sai số liệu, như thông tin của dữ liệu thu, chi chưa được đưa vào công thức báo cáo theo các chiều thông tin kho bạc, cấp ngân sách, tài khoản, nội dung kinh tế, đơn vị sử dụng ngân sách… Trong trường hợp đơn vị hạch toán sai sẽ nhanh chóng nhận biết để điều chỉnh, trường hợp khoản phát sinh theo văn bản mới hướng dẫn chưa được đưa vào công thức, đội hỗ trợ sẽ xem xét cập nhật công thức theo tài liệu nghiệp vụ đề xuất.
Một số hạn chế và đề xuất
Hạ tầng chưa đáp ứng đủ nhu cầu khai thác:
Theo thiết kế ban đầu, Kho dữ liệu đáp ứng nhu cầu khai thác của khoảng 1.000 người sử dụng, không bao gồm công chức kiểm soát chi (KBNN: 45 người; mỗi KBNN cấp tỉnh: 03 người và mỗi KBNN huyện: 01 người). Tuy nhiên, hiện tại công chức ở các đơn vị như kiểm soát chi, thanh tra… cũng tham gia khai thác báo cáo trên Kho dữ liệu nên số lượng người dùng thực tế khoảng 2.500 người, vượt quá so với thiết kế 1.500 người. KBNN đã tiến hành khảo sát nhu cầu sử dụng từ các đơn vị KBNN, theo đó nhu cầu thực tế khai thác, sử dụng Kho dữ liệu cần đáp ứng khoảng 7.500 người sử dụng.
Tần xuất tổng hợp dữ liệu quá lớn:
Kho dữ liệu xử lý dữ liệu lớn, đồng bộ từ nhiều nguồn theo cơ chế kỹ thuật mới (Oracle Golden gate), một trong các hệ thống nguồn thay đổi cũng dễ ảnh hưởng đến Kho dữ liệu nên trong thời gian đầu vận hành chưa được ổn định, thường phát sinh lỗi dẫn đến dữ liệu không sang Kho dữ liệu. Bên cạnh đó, việc đáp ứng dữ liệu gần như tức thời đã phải xử lý nhiều dữ liệu liên tục trong ngày gây ảnh hưởng đến hiệu năng cũng như các file phải xử lý của hệ thống trong việc sao lưu hay đồng bộ sang môi trường dự phòng; các đợt thay đổi công thức báo cáo nhiều, phải tổng hợp lại dữ liệu của cả năm cũng rất ảnh hưởng đến hệ thống, đặc biệt là các công thức/chỉ tiêu được áp dụng chung cho nhiều báo cáo.
Chưa đáp ứng được các báo cáo theo quy định của các văn bản pháp lý mới và xu thế phát triển:
Trong năm 2019, 2020, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 19/2020/TT-BTC ngày 31/3/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 77/2017/ TT-BTC ngày 28/7/2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn Chế độ kế toán NSNN và hoạt động nghiệp vụ KBNN và Thông tư số 02/2019/ TT-BTC ngày 14/01/2019 của Bộ Tài chính quy định chế độ báo cáo thống kê ngành Tài chính quy định chung các chỉ tiêu, báo cáo cần cung cấp cho Hệ thống Thông tin thống kê Tài chính.
Theo xu hướng phát triển của CNTT, một số hệ thống đã và sẽ được xây dựng để đáp ứng quản lý đủ các lĩnh vực nghiệp vụ của KBNN như: Lĩnh vực huy động vốn; quản lý, kiểm soát chứng từ dự án chi đầu tư cũng như nhu cầu kết xuất, cung cấp dữ liệu cho một số hệ thống khác. Hiện trạng của Kho dữ liệu hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý của lĩnh vực này.
Giải pháp khắc phục
Với một số điểm hạn chế đã nêu, Kho dữ liệu sẽ cần được nghiên cứu để có các giải pháp khắc phục. Những giải pháp sau cần được xem xét, nghiên cứu:
Giảm tần xuất tổng hợp dữ liệu từ dữ liệu nguồn trong thời kỳ không cao điểm, chưa cần khai thác báo cáo mức near time để hạn chế mức độ phải xử lý nhiều của hệ thống. Cụ thể: Kho dữ liệu giảm mức độ tổng hợp liên tục xuống còn tổng hợp 3 lần trong ngày (tổng hợp báo cáo lúc 2h sáng của dữ liệu kết sổ ngày hôm trước và 11h30, 15h30 của dữ liệu kết sổ trong ngày hiện tại); chỉ thực hiện tổng hợp liên tục để đáp ứng dữ liệu near time vào thời điểm cao điểm cuối năm (hoặc khi có yêu cầu).
Do Kho dữ liệu chuẩn bị dữ liệu sẵn theo các báo cáo phục vụ khai thác nhanh chóng nên trường hợp có thay đổi công thức cần tổng hợp lại số liệu của cả niên độ; với dữ liệu lớn, thời gian tổng hợp kéo dài ảnh hưởng đến hiệu năng cũng như khai thác hiện thời của người sử dụng khi tổng hợp và khai thác trên cùng một vùng dữ liệu. Do vậy, cần bổ sung chức năng cho phép tổng hợp dữ liệu thực hiện trên vùng khác để không ảnh hưởng đến việc khai thác báo cáo hiện thời của người sử dụng.
Bổ sung/cập nhật các báo cáo đáp ứng thay đổi của các văn bản pháp lý liên quan; bổ sung các chức năng đồng bộ dữ liệu từ một số nguồn khác và cung cấp dữ liệu thêm cho các hệ thống khác.
Bổ sung năng lực hệ thống hạ tầng (dung lượng lưu trữ, máy chủ) để có thể đáp ứng được việc bổ sung số lượng người sử dụng tăng thêm và đáp ứng nhu cầu bổ sung chức năng thay đổi theo yêu cầu của các quy định, văn bản pháp lý mới.
Nâng cấp hệ thống đáp ứng số lượng người sử dụng tăng thêm và tối ưu khả năng xử lý của hệ thống; cần mở rộng chức năng đáp ứng thêm các yêu cầu nghiệp vụ, quản lý theo chức năng của KBNN.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Thông tư số 77/2017/TT-BTC ngày 28/7/2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn Chế độ kế toán NSNN và hoạt động nghiệp vụ KBNN;
- Thông tư số 19/2020/TT-BTC ngày 31/3/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 77/2017/TT-BTC ngày 28/7/2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn Chế độ kế toán NSNN và hoạt động nghiệp vụ KBNN;
- Thông tư số 02/2019/TT-BTC ngày 14/01/2019 của Bộ Tài chính quy định chế độ báo cáo thống kê ngành Tài chính;
- Thiết kế sơ bộ dự án theo Quyết định số 4601/ QĐ-KBNN ngày 27/10/2016 của KBNN về việc phê duyệt dự án “Nâng cấp và triển khai kho dữ liệu và công cụ thống kê, phân tích nghiệp vụ”;
- Công văn số 3329/KBNN-CNTT ngày 22/6/2020 về khảo sát số lượng người sử dụng hệ thống Kho dữ liệu thống kê, phân tích nghiệp vụ.
ĐẶNG THỊ DỊU