Nghị định số 24/2024/NĐ-CP ngày 27/02/2024 của Chính phủ (có hiệu lực thi thành kể từ ngày 27/02/2024) quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu (Nghị định số 24) với mục tiêu quy định chi tiết và đầy đủ những nội dung mà Luật Đấu thầu số 22/2023/QH13 giao Chính phủ quy định, đồng thời có các quy định cụ thể về biện pháp thi hành Luật nhằm đảm bảo tính khả thi, hiệu quả các quy định của pháp luật. Trong đó, cần lưu ý một số nội dung mới ban hành khi thực hiện lựa chọn nhà thầu mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ trong hệ thống KBNN.
Mở rộng thêm căn cứ xác định giá gói thầu khi xây dựng Kế hoạch lựa chọn nhà thầu
Theo đó, để có căn cứ xác định giá gói thầu đã được bổ sung thêm quy định cho phép lấy tối thiểu 01 báo giá của hàng hóa, dịch vụ; khuyến khích thu thập nhiều hơn 01 báo giá; trường hợp có nhiều hơn 01 báo giá thì lấy giá trung bình của các báo giá.
Riêng đối với việc lựa chọn nhà thầu thuộc dự toán mua sắm trong trường hợp dự toán mua sắm bố trí trong năm tiếp theo hoặc nhiều năm thì trong văn bản trình kế hoạch lựa chọn nhà thầu phải nêu cụ thể các nội dung như: Dự toán NSNN được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo niên độ ngân sách hoặc dự kiến dự toán ngân sách được cấp đối với trường hợp mua sắm cho năm tiếp theo hoặc mua sắm cho nhiều năm; dự kiến nguồn tài chính hợp pháp trong năm tài chính hoặc dự kiến nguồn tài chính hợp pháp cho các năm kế tiếp đối với trường hợp mua sắm cho năm tiếp theo hoặc mua sắm cho nhiều năm; giá trị phần công việc mua sắm đã thực hiện trong năm tài chính, năm ngân sách; phần kinh phí không dùng để mua sắm; dự toán mua sắm, được xác định bằng kinh phí quy định tại điểm a trừ kinh phí quy định tại điểm b và điểm c Khoản 4, Điều 16 Nghị định số 24. Chủ đầu tư không phải thẩm định, phê duyệt dự toán mua sắm.
Trường hợp chủ đầu tư có sẵn kinh phí để mua sắm trong năm ngân sách, năm tài chính và không dùng nguồn thu dự kiến trong năm thì không phải xác định dự toán mua sắm theo quy định tại Khoản 4, Điều 16 Nghị định số 24. Trong trường hợp này, dự toán mua sắm là khoản kinh phí có sẵn dùng để mua sắm trong năm ngân sách, năm tài chính.
Trường hợp gói thầu có thời gian thực hiện hợp đồng dài hơn 01 năm hoặc ngày hợp đồng có hiệu lực và ngày hoàn thành các nghĩa vụ hợp đồng không cùng một năm tài chính thì nêu rõ dự toán mua sắm của năm ngân sách, năm tài chính và dự kiến dự toán mua sắm của các năm tiếp theo. Người có thẩm quyền, chủ đầu tư chịu trách nhiệm bảo đảm bố trí đầy đủ kinh phí để thanh toán hợp đồng trong từng năm. Việc thanh toán theo từng năm được thực hiện sau khi dự toán chi trong năm được phê duyệt.
Ngoài ra, chủ đầu tư được tổ chức lựa chọn nhà thầu trong năm hiện tại để mua sắm cho các năm tiếp theo nhằm bảo đảm việc cung ứng hàng hóa, dịch vụ, xây lắp không bị gián đoạn; văn bản trình kế hoạch lựa chọn nhà thầu phải dự kiến dự toán mua sắm cho các năm sau làm cơ sở lập giá gói thầu.
Bổ sung một số quy định về quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu
Nghị định số 24 đã cụ thể hóa quy định tại Điều 43 Luật Đấu thầu về quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu. Trong đó, quy định rõ các bước thực hiện đối với từng lĩnh vực, hình thức, phương thức lựa chọn nhà thầu trên cơ sở kế thừa Nghị định số 63/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu, đồng thời bổ sung thêm một số quy định mới để tạo thuận lợi hơn cho quá trình lựa chọn nhà thầu như:
Bổ sung quy trình lựa chọn nhà thầu theo hướng cắt bỏ một số thủ tục thẩm định, phê duyệt ở khâu trung gian như không quy định chủ đầu tư phê duyệt danh sách xếp hạng nhà thầu (trong trường hợp có nhiều hơn một nhà thầu), không bắt buộc thương thảo hợp đồng đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, dịch vụ phi tư vấn áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh…
Bổ sung quy định về quy trình lựa chọn nhà thầu đối với gói thầu dịch vụ tư vấn trong trường hợp là thầu là cá nhân theo 02 quy trình thông thường và rút gọn, trong đó quy định về nguyên tắc, hạn mức và trình tự cụ thể để phù hợp với quy định của Luật Đấu thầu.
Ngoài trường hợp quy định quy trình chỉ định thầu thông thường áp dụng trong trường hợp chỉ có một nhà thầu được xác định để nhận hồ sơ yêu cầu, đã bổ sung quy trình chỉ định thầu thông thường trong trường hợp chủ đầu tư gửi hồ sơ yêu cầu cho nhiều hơn một nhà thầu. Riêng đối với gói thầu thuộc trường hợp quy định tại các điểm đ, e, h, k, và l khoản 1 Điều 23 của Luật Đấu thầu thì chủ đầu tư quyết định chọn một nhà thầu dự kiến chỉ định hoặc xác định, phê duyệt danh sách dự kiến nhà thầu để mời nhận hồ sơ yêu cầu. Việc quy định rõ quy trình chỉ định thầu trong trường hợp này giúp tăng tính cạnh tranh trong đấu thầu (đối với trường hợp một hãng sản xuất nhưng có nhiều đơn vị phân phối), giúp chủ đầu tư tiếp cận được với sản phẩm, dịch vụ chất lượng, giá cả phù hợp với thị trường.
Bổ sung quy định về trách nhiệm quản lý hợp đồng và cập nhật thông tin
Nghị định số 24 giao chủ đầu tư có trách nhiệm quản lý việc thực hiện hợp đồng (gồm hoặc nhà thầu chào thầu hàng hóa rẻ và kém chất lượng. Bổ sung một số quy định về xử lý tình huống thường phát sinh trong đấu thầu qua mạng và không qua mạng các nội dung: Tiến độ thực hiện, chất lượng, chi phí và các nội dung khác của hợp đồng). Đồng thời, để có cơ sở dữ liệu làm căn cứ xây dựng tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật, đưa vào công thức xác định giá đánh giá (nếu có), các chủ đầu tư phải cập nhật tiến độ thực tế thực hiện hợp đồng khi thực hiện xong các mốc hoàn thành quy định trong hợp đồng trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia; đối với gói thầu có nội dung cung cấp hàng hóa, phải công khai về kết quả thực hiện hợp đồng của nhà thầu và công khai về chất lượng hàng hóa đã sử dụng do nhà thầu cung cấp trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia như: Chất lượng của hàng hóa trên thực tế so với quy định trong hợp đồng; mức độ nghiêm trọng của các lỗi phát sinh và việc khắc phục các lỗi phát sinh hoặc thay thế hàng mới (nếu có); tần suất hư hỏng, gặp sự cố của hàng hóa và chất lượng dịch vụ bảo hành, sửa chữa, khắc phục (nếu có); độ tin cậy, độ bền, hiệu suất, công suất (nếu cần thiết)… Qua đó, cơ sở dữ liệu quốc gia về chất lượng hàng hóa đã được sử dụng được cập nhật thường xuyên trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia để bảo đảm thông tin khách quan, trung thực cho việc lựa chọn nhà thầu, hạn chế được tình trạng nhà thầu vi phạm hợp đồng, không cung cấp hàng hóa đúng theo hợp đồng đã ký kết.
Việc bổ sung các quy định về trách nhiệm quản lý hợp đồng và cập nhật thông tin của chủ đầu tư đã góp phần công khai các thông tin trong quá trình thực hiện hợp đồng, kết quả thực hiện hợp đồng, chất lượng hàng hóa đã sử dụng trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia nhằm nâng cao trách nhiệm của nhà thầu khi tham dự thầu, hạn chế tình trạng nhà thầu không đủ năng lực thực hiện gói thầu mà vẫn trúng thầu hoặc nhà thầu chào thầu hàng hóa rẻ và kém chất lượng.
Bổ sung một số quy định về xử lý tình huống thường phát sinh trong đấu thầu qua mạng và không qua mạng
Đối với gói thầu mua sắm hàng hóa thuộc danh mục do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức hoặc quyết định việc phân cấp quy định tiêu chuẩn, định mức như: Ô tô; máy móc, thiết bị văn phòng phổ biến…, trường hợp nhà thầu xếp hạng thứ nhất có đơn giá dự thầu một hoặc một số mặt hàng vượt tiêu chuẩn, định mức do cấp có thẩm quyền ban hành và giá đề nghị trúng thầu không vượt giá gói thầu được duyệt thì có thể xem xét, xử lý lần lượt theo các cách sau: Mời nhà thầu xếp hạng thứ nhất vào đàm phán đối với các mặt hàng có đơn giá dự thầu vượt tiêu chuẩn, định mức mua sắm do cấp có thẩm quyền ban hành; cho phép tất cả nhà thầu vượt qua bước đánh giá về kỹ thuật được chào lại giá dự thầu.
Trường hợp hồ sơ dự thầu có giá dự thầu sau sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch, trừ đi giá trị giảm giá (nếu có) thấp khác thường, ảnh hưởng đến chất lượng gói thầu hoặc gói thầu xây lắp có giá dự thầu sau sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch, trừ đi giá trị giảm giá (nếu có) nhỏ hơn 70% giá gói thầu thì chủ đầu tư xử lý tình huống như sau:
Yêu cầu nhà thầu giải thích, làm rõ về tính khả thi của giá dự thầu khác thường đó và các chi phí cấu thành giá dự thầu. Nhà thầu phải chứng minh sự phù hợp giữa giá dự thầu với phạm vi công việc, giải pháp thực hiện do nhà thầu đề xuất, tiến độ thực hiện và các yêu cầu khác của hồ sơ mời thầu. Nếu sự giải thích của nhà thầu không đủ rõ, không có tính thuyết phục thì không chấp nhận giá dự thầu đó, đồng thời coi các hạng mục có giá chào thấp khác thường dẫn đến giá dự thầu thấp khác thường như là sai lệch thiếu và tiến hành hiệu chỉnh sai lệch đối với các hạng mục này theo quy định tại Khoản 2, Điều 29 Nghị định số 24. Việc hiệu chỉnh sai lệch chỉ nhằm mục đích so sánh, xếp hạng nhà thầu. Trường hợp sau hiệu chỉnh sai lệch nhà thầu vẫn xếp thứ nhất thì giá đề nghị trúng thầu không bao gồm giá trị hiệu chỉnh sai lệch quy định tại nội dung này.
Trường hợp để đề phòng rủi ro, chủ đầu tư có thể quy định giá trị bảo đảm thực hiện hợp đồng lớn hơn 10% nhưng không quá 30% giá hợp đồng và phải được người có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản.
Trong quá trình thực hiện hợp đồng, trường hợp nhà thầu có đề nghị thay đổi các hàng hóa có phiên bản sản xuất, năm sản xuất mới hơn so với hàng hóa ghi trong hợp đồng thì căn cứ nhu cầu sử dụng, chủ đầu tư được chấp thuận đề xuất của nhà thầu nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây: Được nhà thầu thông báo bằng văn bản cho chủ đầu tư; hàng hóa thay thế và hàng hóa ghi trong hợp đồng thuộc cùng hãng sản xuất và có cùng xuất xứ; hàng hóa thay thế có tính năng kỹ thuật, cấu hình, thông số và các yêu cầu kỹ thuật khác tương đương hoặc tốt hơn hàng hóa ghi trong hợp đồng; phù hợp với nhu cầu sử dụng; đơn giá của hàng hóa không vượt đơn giá ghi trong hợp đồng.
Bổ sung thêm 02 hình thức lựa chọn nhà thầu là chào giá trực tuyến và mua sắm trực tuyến
Ngoài 09 hình thức LCNT đã được quy định tại Khoản 1, Điều 20 Luật Đấu thầu, Nghị định số 24 đã bổ sung 02 hình thức LCNT mới là“Chào giá trực tuyến” và “Mua sắm trực tuyến” mà trong thời gian tới hứa hẹn sẽ được áp dụng rộng rãi trên Hệ thống MĐTQG do tính ưu việt qua việc sử dụng phương tiện điện tử tiến bộ, hiện đại, bảo đảm mục tiêu cạnh tranh, công bằng, minh bạch, hiệu quả kinh tế trong đấu thầu, tiết kiệm được thời gian và chi phí cho cả chủ đầu tư, bên mời thầu và nhà thầu.
Nghị định số 24 quy định chi tiết về nguyên tắc, điều kiện áp dụng, cách thức áp dụng 02 hình thức LCNT trên sẽ giúp đơn giản hóa các thủ tục trong đấu thầu thông qua việc rút ngắn thời gian thực hiện và lược bỏ một số thủ tục không cần thiết trong đấu thầu, làm tăng tính chủ động, linh hoạt, tự chịu trách nhiệm cho các chủ đầu tư.
Với hình thức LCNT “Chào giá trực tuyến” sẽ làm tăng tính cạnh tranh do việc công khai giá chào giúp các nhà thầu dễ dàng theo dõi và điều chỉnh mức gá của mình, từ đó thúc đẩy cạnh tranh và giúp lựa chọn được nhà thầu có giá tốt nhất. Bên cạnh đó, quá trình chào giá được thực hiện trực tuyến trên Hệ thống MĐTQG một cách công khai, giúp đảm bảo tính minh bạch và hạn chế tiêu cực.
Việc ban hành Nghị định số 24 đã đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đấu thầu, giải quyết những bất cập phát sinh trong thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị khi triển khai thực hiện mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ tại các đơn vị trong hệ thống KBNN, giảm thiểu được nhiều thủ tục hành chính và tiết kiệm thời gian cũng như mua sắm được sản phẩm dịch vụ chất lượng với giá cả phù hợp trên thị trường.
T hS. LÊ THỊ THÚY HUYỀN – TRẦN THỊ HẰNG