Trong quá trình kiểm soát, thanh toán các khoản chi cho đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) từ nguồn NSNN, việc quản lý kiểm soát các khoản tạm ứng vốn vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách. Trong khuôn khổ bài viết, chúng tôi mong muốn được trao đổi, hướng dẫn để làm rõ hơn một số quy định liên quan đến trách nhiệm của KBNN trong theo dõi, kiểm tra, thu hồi các khoản tạm ứng.
Tạm ứng vốn đầu tư XDCB là việc chủ đầu tư tạm ứng vốn cho nhà thầu thi công xây dựng, nhà thầu tư vấn xây dựng, nhà thầu cung cấp và lắp đặt thiết bị… để thực hiện các công tác chuẩn bị cần thiết trước khi triển khai thực hiện các công việc theo hợp đồng; tạm ứng các chi phí không thông qua hợp đồng xây dựng như: Chi phí quản lý dự án, chi phí bồi thường hỗ trợ tái định cư… để các đơn vị có liên quan thực hiện các công việc được giao trong quá trình thực hiện dự án. Trong phạm vi bài viết, chúng tôi xin trao đổi một số vướng mắc ảnh hưởng đến việc thực hiện trách nhiệm của KBNN trong công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra và thu hồi các khoản tạm ứng.
Việc kiểm tra, đánh giá thực hiện và thu hồi tạm ứng vốn đã được Bộ Tài chính quy định tại Khoản 5, Điều 1 Thông tư số 52/2018/TT-BTC ngày 24/5/2018 (Thông tư 52) sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 08/2016/TT-BTC ngày 18/01/2016 của Bộ Tài chính quy định về quản lý, thanh toán vốn đầu tư sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước (Thông tư 08); Thông tư số 108/TT-BTC ngày 30/6/2016 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 08. Tuy nhiên, qua vận dụng thực tế, chúng tôi thấy vẫn còn một số vướng mắc sau:
Tại gạch đầu dòng thứ nhất Khoản 5, Điều 1 Thông tư 52 quy định: “KBNN nơi mở tài khoản đôn đốc các chủ đầu tư thực hiện đúng quy định về việc thu hồi vốn tạm ứng, phối hợp với chủ đầu tư thực hiện kiểm tra số vốn đã tạm ứng để thu hồi những khoản tồn đọng chưa sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích”. Để có thể phối hợp với chủ đầu tư thực hiện kiểm tra số vốn đã tạm ứng nhằm thu hồi những khoản tồn đọng chưa sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích, chúng tôi trao đổi một số vấn đề như sau:
Hiện nay, có rất nhiều hợp đồng xây dựng có phát sinh tạm ứng tại mỗi đơn vị KBNN, đặc biệt tại KBNN cấp tỉnh. Vì vậy, cần có tiêu chí để xác định đối tượng phải kiểm tra trong số rất nhiều các khoản tạm ứng mà KBNN đang quản lý;
Việc kiểm tra nhà thầu có sử dụng vốn đúng mục đích hay không là một công việc khá phức tạp và tốn rất nhiều thời gian. Vì kết quả kiểm tra sẽ gắn trách nhiệm của KBNN trong việc khẳng định có hay không việc nhà thầu sử dụng vốn sai mục đích nên cần phải có sự hướng dẫn cụ thể về mặt nghiệp vụ, bao gồm các nội dung như: Phương pháp kiểm tra, thời gian kiểm tra, cách thức ghi nhận kết quả kiểm tra (Biên bản kiểm tra, Biên bản làm việc…).
Tại gạch đầu dòng thứ tư Khoản 5, Điều 1 Thông tư 52 quy định: “Đối với các công việc của dự án thực hiện theo hợp đồng: Vốn tạm ứng chưa thu hồi nếu quá thời hạn 03 tháng kể từ thời điểm phải thu hồi tạm ứng theo quy định của hợp đồng mà nhà thầu chưa thực hiện hoặc khi phát hiện nhà thầu sử dụng sai mục đích, chủ đầu tư có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với KBNN để thu hồi hoàn trả vốn đã tạm ứng cho NSNN. “Trường hợp chủ đầu tư chưa thu hồi, KBNN có văn bản đề nghị chủ đầu tư thu hồi của nhà thầu hoặc đề nghị chủ đầu tư yêu cầu tổ chức tín dụng phát hành bảo lãnh hoàn trả tiền tạm ứng theo nghĩa vụ bảo lãnh khi nhà thầu vi phạm cam kết với chủ đầu tư về việc sử dụng vốn tạm ứng”. Tuy nhiên, theo quy định hiện nay, việc thu hồi tạm ứng phải được các bên thỏa thuận cụ thể trong hợp đồng, tức là thỏa thuận thu hồi qua các lần thanh toán khối lượng hoàn thành và tỷ lệ thu hồi từng lần. Theo quy định tại Điểm b, Khoản 3, Điều 6 Thông tư số 09/2016/ TT-BXD ngày 10/3/2016 của Bộ Xây dựng hướng dẫn hợp đồng thi công xây dựng công trình (Thông tư 09): “Giai đoạn thanh toán có thể theo thời gian (tháng, quý) hoặc theo công việc (bê tông, thép…), giai đoạn thi công, bộ phận công trình (phần móng, phần thân, phần hoàn thiện, nền đường, mặt đường), hạng mục công trình, công trình”. Như vậy, chỉ khi hợp đồng thi công xây dựng quy định “giai đoạn thanh toán theo thời gian (tháng, quý)” thì KBNN mới có cơ sở để xác định “vốn tạm ứng chưa thu hồi quá thời hạn 03 tháng kể từ thời điểm phải thu hồi tạm ứng theo quy định của hợp đồng”. Trong trường hợp hợp đồng quy định giai đoạn thanh toán theo công việc, theo giai đoạn thi công… thì KBNN không thể xác định được thời điểm “chưa thu hồi quá thời hạn 03 tháng” như quy định tại Thông tư 52.
Theo quy định, trong hợp đồng không có tiến độ chi tiết, bản tiến độ chi tiết được nhà thầu trình riêng chủ đầu tư theo quy định tại Tiết 7.2, Điều 7, Mẫu hợp đồng thi công xây dựng ban hành kèm theo Thông tư 09. Vì vậy, KBNN không thể theo dõi các mốc thời gian phải hoàn thành các công việc để xác định thời điểm phải thanh toán khối lượng hoàn thành để thu hồi tạm ứng, nhiều trường hợp KBNN không có cở sở để đề nghị chủ đầu tư thực hiện các yêu cầu thu hồi tạm ứng. Vì vậy, quy định “Trường hợp chủ đầu tư chưa thu hồi, KBNN có văn bản đề nghị chủ đầu tư thu hồi của nhà thầu hoặc đề nghị chủ đầu tư yêu cầu tổ chức tín dụng phát hành bảo lãnh hoàn trả tiền tạm ứng theo nghĩa vụ bảo lãnh khi nhà thầu vi phạm cam kết với chủ đầu tư về việc sử dụng vốn tạm ứng” còn chưa phù hợp với thực tế.
Tại gạch đầu dòng thứ ba, Khoản 5, Điều 1 Thông tư 52 quy định: “Hằng quý, trước ngày 15 của tháng đầu quý sau (riêng quý IV trước ngày 10 tháng 02 năm sau), KBNN các cấp lập báo cáo đánh giá tình hình tạm ứng và thu hồi tạm ứng vốn đầu tư của các bộ, ngành và địa phương gửi cơ quan tài chính đồng cấp, trong báo cáo phân loại rõ số dư tạm ứng quá hạn chưa được thu hồi đến thời điểm báo cáo và nêu rõ các lý do, các khó khăn vướng mắc trong quá trình thu hồi số dư tạm ứng quá hạn nêu trên (nếu có), đồng thời đề xuất biện pháp xử lý”. Tuy nhiên, theo quy định tại Thông tư 08 và Thông tư 52, KBNN chỉ có thể xác định các khoản tạm ứng chi phí đền bù, bồi thường, hỗ trợ tái định cư là quá hạn hay chưa, còn đối với tạm ứng hợp đồng thi công xây dựng thì không phải tất các hợp đồng thi công xây dựng KBNN đều xác định được các khoản tạm ứng quá hạn. Vì vậy, KBNN các cấp cần tham chiếu thêm ở báo cáo hằng quý do chủ đầu tư gửi đến để thực hiện “phân loại rõ số dư tạm ứng quá hạn”.
Để tháo gỡ các vướng mắc, kiến nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, sửa đổi quy định phù hợp hơn. Riêng vướng mắc về “kiểm tra số vốn đã tạm ứng để thu hồi những khoản tồn đọng chưa sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích”, chúng tôi có đề xuất như sau:
Theo quy định tại Thông tư số 03/2015/TT-BKHĐT ngày 06/5/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định chi tiết việc lập hồ sơ mời thầu xây lắp, “nhà thầu chỉ được sử dụng tiền tạm ứng cho việc trả lương cho người lao động, mua hoặc huy động thiết bị, nhà xưởng, vật tư và các chi phí huy động cần thiết cho việc thực hiện hợp đồng. Nhà thầu phải chứng minh rằng khoản tiền tạm ứng đã được sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng bằng cách nộp bản sao các hóa đơn chứng từ hoặc tài liệu liên quan cho chủ đầu tư. Nhà thầu sẽ bị thu bảo lãnh tiền tạm ứng trong trường hợp sử dụng tiền tạm ứng không đúng mục đích”. Như vậy, trách nhiệm để theo dõi vốn tạm ứng tồn đọng chưa sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích thuộc về chủ đầu tư, về phía KBNN chỉ cần kiểm tra đảm bảo trong hợp đồng (nếu các bên thỏa thuận vào trong hợp đồng) hoặc trong “điều kiện chung” kèm theo văn bản hợp đồng có nội dung trên là đảm bảo yêu cầu.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Thông tư số 03/2015/TT-BKHĐT ngày 06/5/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định chi tiết việc lập hồ sơ mời thầu xây lắp;
- Thông tư số 09/2016/TT-BXD ngày 10/3/2016 của Bộ Xây dựng hướng dẫn hợp đồng thi công xây dựng công trình;
- Thông tư số 08/2016/TT-BTC ngày 18/01/2016 của Bộ Tài chính quy định về quản lý, thanh toán vốn đầu tư sử dụng nguồn vốn NSNN;
- Thông tư số 52/2018/TT-BTC ngày 24/5/2018 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 08/2016/TT-BTC ngày 18/01/2016 của Bộ Tài chính quy định về quản lý, thanh toán vốn đầu tư sử dụng nguồn vốn NSNN;
- Thông tư số 108/TT-BTC ngày 30/6/2016 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 08/2016/TT-BTC ngày 18/01/2016 của Bộ Tài chính quy định về quản lý, thanh toán vốn đầu tư sử dụng nguồn vốn NSNN
Ths. Lê Quang Tân