Đến nay, công tác quản lý thu, chi bằng tiền mặt qua KBNN đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, vừa nâng cao tốc độ xử lý, minh bạch hóa các giao dịch thanh toán của Chính phủ; vừa có tác động lan tỏa, thúc đẩy và tăng cường sự phát triển của hệ thống hạ tầng thanh toán, chất lượng dịch vụ của các NHTM.
Sau gần hai năm triển khai thực hiện Thông tư số 13/2017/TTBTC ngày 15/02/2017 của Bộ Tài chính quy định quản lý thu, chi bằng tiền mặt qua hệ thống KBNN, công tác quản lý thu, chi bằng tiền mặt qua KBNN đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai áp dụng Thông tư này tại các KBNN địa phương cũng đã phát sinh một số vấn đề trong quản lý thu, chi bằng tiền mặt, đòi hỏi cần được tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung. Ngày 28/12/2018, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 136/2018/TTBTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 13/2017/TT-BTC ngày 15/02/2017 của Bộ Tài chính quy định quản lý thu, chi bằng tiền mặt qua hệ thống KBNN (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/4/2019) (Thông tư 136). Sau một thời gian triển khai thực hiện Thông tư số 136/2018/TT-BTC, công tác quản lý thu, chi bằng tiền mặt qua KBNN đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, thể hiện qua các số liệu thống kê về thu, chi NSNN. Cụ thể như sau:
Về thu ngân sách nhà nước
Để tạo thuận lợi cho người nộp thuế và giảm thiểu số thu NSNN bằng tiền mặt qua KBNN, hệ thống KBNN đã đẩy mạnh việc phối hợp thu và ủy nhiệm thu NSNN cho các ngân hàng thương mại (NHTM) đảm nhận. Theo đó, KBNN các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và KBNN cấp huyện đóng trên các địa bàn các tỉnh, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh phải thực hiện mở tài khoản chuyên thu tại tất cả các NHTM trên cùng địa bàn thuộc 5 hệ thống NHTM (Vietcombank, Agribank, BIDV, Vietinbank và MBBank).
Đồng thời, căn cứ quy định tại Thông tư số 58/2019/TT-BTC ngày 30/8/2019 của Bộ Tài chính quy định về quản lý và sử dụng tài khoản của KBNN mở tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các NHTM, KBNN chủ trương triển khai thí điểm và mở rộng tài khoản chuyên thu tại các hệ thống NHTM cổ phần đáp ứng đủ điều kiện quy định. Kể từ ngày 01/04/2019, theo quy định tại Khoản 1, Điều 1 Thông tư 136, các đơn vị, tổ chức kinh tế có tài khoản tại NHTM thực hiện nộp NSNN bằng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt hoặc nộp bằng tiền mặt tại NHTM để chuyển vào tài khoản của KBNN.
Sau hơn 4 tháng triển khai thực hiện quy định trên, số thu bằng tiền mặt qua KBNN đã giảm đáng kể, chỉ còn 1,09% so với tổng thu qua KBNN, giảm 13,24% so với cùng kỳ năm 2018 (số liệu thống kê tính đến ngày 15/8/2019).
Về chi ngân sách nhà nước
Cùng với việc mở rộng địa bàn bắt buộc chi trả cá nhân qua tài khoản, theo quy định tại Khoản 4, Điều 1 Thông tư 136, các đơn vị sử dụng NSNN khi giao dịch với đơn vị KBNN mở tài khoản thanh toán tại NHTM có nhu cầu thanh toán bằng tiền mặt có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên trong 01 lần giao dịch, thì thực hiện rút tiền mặt tại NHTM nơi đơn vị KBNN mở tài khoản (trước đây là 01 tỷ đồng/ lần thanh toán).
Bên cạnh đó, để giảm thiểu lượng chi bằng tiền mặt, KBNN đã chỉ đạo các đơn vị KBNN cấp tỉnh và cấp huyện có văn bản thông báo tới các đơn vị sử dụng NSNN nghiêm túc thực hiện quy định trên; đồng thời, tuyên truyền, vận động và hướng dẫn đơn vị sử dụng NSNN thực hiện rút tiền mặt tại NHTM đối với các lần giao dịch có giá trị dưới 100 triệu đồng trong trường hợp đơn vị sử dụng NSNN có nhu cầu rút tiền mặt tại NHTM. Nhờ đó, sau hơn bốn tháng triển khai thực hiện Thông tư 136, tỷ trọng chi bằng tiền mặt qua KBNN đã giảm mạnh, chỉ còn 2,67% so với tổng chi qua KBNN và giảm 42,65% so với cùng kỳ năm 2018 (số liệu thống kê tính đến ngày 15/08/2019).
Những khó khăn, thách thức trong quản lý thu, chi bằng tiền mặt
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác quản lý thu, chi bằng tiền mặt qua KBNN vẫn còn một số khó khăn, thách thức. Tại một số địa bàn, khối lượng giao dịch thu, chi bằng tiền mặt qua KBNN còn lớn do thói quen của người nộp NSNN và các đơn vị giao dịch. Việc thu, chi bằng tiền mặt qua KBNN không chỉ làm tăng thời gian thanh toán, khối lượng công việc, dẫn đến tốn kém chi phí về nhân lực, thời gian… mà còn làm giảm tính minh bạch trong quy trình thu, chi NSNN. Từ đó, gây khó khăn cho KBNN trong việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính theo định hướng đơn giản hóa, rút ngắn thời gian xử lý cũng như sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy theo chủ trương của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017.
Bên cạnh đó, công tác quản lý thu, chi bằng tiền mặt chưa tương xứng với mức độ phát triển của hạ tầng thanh toán. Công tác quản lý thu, chi bằng tiền mặt của KBNN liên quan tới hình thức thanh toán bằng thẻ tín dụng đối với các khoản chi NSNN. Mặc dù cơ sở pháp lý cho việc thanh toán bằng thẻ tín dụng đối với các khoản chi NSNN đã được hoàn thiện, nhưng hình thức thanh toán này còn chưa phổ biến, chưa tận dụng được triệt để các lợi ích do thanh toán thẻ mang lại.
Nguyên nhân chủ yếu là do thói quen của các đơn vị sử dụng ngân sách và hạn chế của mạng lưới thiết bị chấp nhận thẻ (POS/EDC) hiện nay (hạ tầng thanh toán tại Việt Nam có sự chưa đồng bộ giữa khu vực nông thôn và thành thị; tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, mức độ tiếp cận các dịch vụ ngân hàng của người dân còn rất thấp).
Giải pháp nhằm giảm thiểu thu, chi bằng tiền mặt qua KBNN
Để khắc phục những khó khăn, hạn chế nêu trên, góp phần thực hiện chủ trương phát triển thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ và hướng tới mục tiêu của Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020, về cơ bản, KBNN không thực hiện giao dịch bằng tiền mặt, trong thời gian tới, hệ thống KBNN cần tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp sau:
Tiếp tục mở rộng tài khoản chuyên thu và ủy nhiệm thu NSNN bằng tiền mặt cho các NHTM đảm nhận.
Mở rộng hơn nữa phương thức thanh toán qua thẻ tín dụng trong chi tiêu NSNN; hạn chế các trường hợp thanh toán bằng tiền mặt. Hiện nay, mặc dù tỷ trọng thanh toán bằng tiền mặt so với tổng chi qua KBNN đã ở mức thấp, song do thói quen chi tiêu của các đơn vị sử dụng NSNN nên hình thức chi trả bằng tiền mặt vẫn còn phổ biến, thậm chí ở các tỉnh, thành phố có thể sử dụng các phương thức thanh toán điện tử.
Tình trạng này có thể được thay đổi thông qua việc bắt buộc chi trả qua thẻ tín dụng đối với các khoản chi nhỏ, lẻ hiện đang được phép chi bằng tiền mặt như chi mua vé máy bay, trả tiền phòng khách sạn…
Tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi quy trình trả lương cho các đối tượng hưởng lương từ NSNN. Theo đó, KBNN sẽ là đơn vị chuyển bảng kê tiền lương và phụ cấp cho NHTM nhằm đề phòng gian lận trong chi trả lương cũng như cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho các đơn vị giao dịch.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền; đồng thời, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp và các đơn vị giao dịch sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt trong thu, chi NSNN.
Trong thời gian tới, để KBNN giữ vững vai trò là một cơ quan có đóng góp tích cực vào chuyển đổi thanh toán không dùng tiền mặt, KBNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các KBNN địa phương thực hiện tốt các quy định của Bộ Tài chính và hướng dẫn của KBNN về quản lý thu, chi bằng tiền mặt qua KBNN.
ĐINH THU TRANG