Mặc dù đã có các văn bản hướng dẫn về xử lý số dư các khoản kinh phí ngân sách cấp cho đơn vị sử dụng ngân sách vào tài khoản tiền gửi (TKTG) ngân sách cấp, song vẫn còn nhiều nội dung phức tạp, liên quan nhiều đơn vị, nhiều cấp; để hiểu bản chất và thực hiện tốt công tác chuyển nguồn NSNN cuối năm 2019, tác giả trao đổi, làm rõ thêm một số nội dung.
Trên cơ sở quy định của Luật NSNN năm 2015, Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21/12/2016 của Chính Phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của luật NSNN (Nghị định 163), Thông tư số 342/2016/TT-BTC ngày 30/12/2016 của Bộ Tài chính về công tác xử lý chuyển nguồn ngân sách cuối năm (Thông tư 342), Bộ Tài chính có Công văn số 15391/BTC-KBNN ngày 11/12/2018 về hướng dẫn xử lý chuyển nguồn ngân sách cuối năm 2018 sang năm 2019 và các năm sau; Công văn số 2086/BTC-KBNN ngày 22/02/2018 về ghi đầy đủ các thông tin trên chứng từ chi NSNN và mẫu biểu đối chiếu số dư TKTG theo quy định (Công văn 2089), KBNN có Công văn số 760/KBNNKTNN ngày 28/02/2018 về hướng dẫn xác định số dư kinh phí TKTG ngân sách cấp thuộc diện chuyển nguồn (Công văn 760); Công văn số 1513/KBNNKTNN ngày 29/03/2019 về xác định số tiền Chính phủ đã nhận nợ nhưng chưa giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài được chuyển nguồn cuối năm 2018 sang năm 2019; Công văn số 3626/ KBNN-KTNN ngày 22/07/2019 về hướng dẫn hạch toán chuyển nguồn ngân sách 2018 đối với vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài, Công văn số 7392/ KBNN-KTNN ngày 25/12/2019 về hướng dẫn công tác khóa sổ kế toán niên độ 2019 trên TABMIS.
Về nguyên tắc, trách nhiệm, theo quy định của Luật NSNN năm 2015, Nghị định 163, Thông tư 342, các thông tư của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý các khoản kinh phí đặc thù qua các TKTG do NSNN cấp, quy định: KBNN nơi giao dịch kiểm soát chi TKTG căn cứ nội dung dự toán giao, thời hạn được chi (đến hết 31/01 hằng năm), điều kiện được chuyển nguồn theo quy định, thực hiện rà soát, xác nhận số dư TKTG của các khoản kinh phí ngân sách cấp thuộc diện được chuyển nguồn sang năm sau theo mẫu biểu quy định (Biểu mẫu số 58 ban hành kèm theo Thông tư số 342/2016/TT-BTC) do đơn vị lập, gửi KBNN giao dịch và chịu trách nhiệm về số liệu đề nghị xác nhận, KBNN nơi giao dịch, đối chiếu, xác nhận và chuyển số dư các TKTG được chuyển sang năm sau để sử dụng theo quy định.
Quy định sử dụng TKTG mở tại KBNN tại Thông tư số 77/2017/TT-BTC ngày 28/07/2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ kế toán NSNN và hoạt động nghiệp vụ KBNN (Thông tư 77), gồm 13 tài khoản cấp 2:
Tài khoản 3711 – Tiền gửi dự toán: Dùng để hạch toán các khoản kinh phí do NSNN cấp bằng Lệnh chi tiền, các khoản kinh phí do đơn vị cấp trên cấp rút ngân sách theo dự toán vào TKTG để cấp vào TKTG cho đơn vị cấp dưới sử dụng; KBNN tiếp tục thực hiện kiểm soát chi theo cơ chế tài chính do Bộ Tài chính ban hành (địa phương không tự ban hành).
Tài khoản 3712 – Tiền gửi thu phí: Dùng để hạch toán khoản phí của Nhà nước để lại đơn vị theo chế độ. KBNN phải thực hiện kiểm soát chi theo cơ chế tài chính do Bộ Tài chính ban hành (khoản thu, chi ngoài phạm vi NSNN).
Tài khoản 3713 – Tiền gửi khác: Dùng để hạch toán các khoản kinh phí khác của đơn vị hành chính, sự nghiệp; như: Quỹ khen thưởng, phúc lợi… của đơn vị tự chủ. Không hạch toán mã cấp ngân sách vì không quyết toán lại với NSNN.
Tài khoản 3714 – Tiền gửi thu sự nghiệp khác: Dùng để hạch toán các các khoản thu sự nghiệp, như: Học phí, viện phí… (trừ các khoản phí được đưa vào tài khoản 3712 nêu trên). Không hạch toán mã cấp ngân sách.
Tài khoản 3716 – Tiền gửi thu dịch vụ khác: Dùng để phản ánh các khoản tiền gửi từ thu dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, dịch vụ y tế dự phòng, học phí theo mức giá quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc nhóm 3, nhóm 4.
Tài khoản 3717- Tiền gửi khác có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước: Dùng để phản ánh các khoản tiền gửi khác có nguồn gốc NSNN của đơn vị hành chính, sự nghiệp như tiền gửi của đơn vị hạch toán phụ thuộc nhận kinh phí của NSNN từ đơn vị cấp trên; Khoản thu từ NSNN hỗ trợ (hỗ trợ của ngân sách địa phương cho cơ quan, đơn vị
Tài khoản 3721 – Tiền gửi vốn đầu tư do xã quản lý: Dùng để hạch toán vốn đầu tư do xã huy động quản lý theo quy định.
Tài khoản 3722 – Quỹ công chuyên dùng: Dùng để hạch toán các các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do xã quản lý, như: An ninh, vệ sinh môi trường… của xã.
Tài khoản 3723 – Tiền gửi khác của xã: Tài khoản này phản ánh các khoản tiền khác của xã, như: Thu hộ, giữ hộ…
Tài khoản 3731 – Chi phí ban quản lý: Dùng để hạch toán thu, chi ban quản lý dự án, hoặc được các tổ chức, đơn vị khác tài trợ. Chủ đầu tư, ban quản lý dự án quản lý nhiều dự án được mở 1 tài khoản chi phí quản lý dự án chung tại KBNN để tiếp nhận và thanh toán chi phí quản lý dự án của tất cả các dự án được giao quản lý.
Tài khoản 3741 – Tiền gửi có mục đích: Dùng để hạch toán tiền gửi chuyên thu, bảo hiểm xã hội, chuyên thu của công ty Bảo Minh, chi đền bù giải phóng mặt bằng, tiền gửi bảo hành công trình…
Tài khoản 3751 – Tiền gửi của các tổ chức: Dùng để hạch toán các khoản tiền gửi của các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế – xã hội – nghề nghiệp và các đơn vị khác được mở tài khoản tại KBNN.
Tài khoản 3761 – Tiền gửi của các quỹ: Dùng để hạch toán các quỹ có tư cách pháp nhân gửi tại KBNN theo quy định của pháp luật như: Quỹ dự trữ quốc gia, Quỹ hỗ trợ xuất khẩu, Quỹ phát triển đất… được chi tiêu theo cơ chế hoạt động của Quỹ.
Tài khoản 3771 – Tiền gửi đặc biệt của các đơn vị: Dùng để hạch toán các khoản tiền gửi đặc biệt của các đơn vị như tiền gửi khoản kinh phí có yêu cầu bảo mật của các đơn vị thuộc Bộ Công An, Bộ Quốc Phòng, Chương trình Biển Đông – Hải đảo, cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam… tiền gửi đặc biệt của Bộ Tài chính… KBNN tiếp tục thực hiện kiểm soát chi theo cơ chế tài chính do Bộ Tài chính ban hành.
Tài khoản 3791 – Tiền gửi của đơn vị khác: Dùng để hạch toán tiền gửi của các tổ chức, đơn vị khác gửi tại KBNN cần được theo dõi, quản lý riêng.
Để công tác kiểm soát chi TKTG theo đúng quy định, cần lưu ý một số nội dung sau:
Phân nhóm TKTG căn cứ vào cơ chế quản lý nguồn hình thành, gắn với yêu cầu quản lý kiểm soát chi TKTG theo Thông tư số 39/2016/ TT-BTC ngày 01/03/2016 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 161/2012/TTBTC ngày 02/10/2012 của Bộ Tài chính quy định chế độ kiểm soát, thanh toán các khoản chi NSNN qua KBNN, Thông tư số 161/2012/TTBTC ngày 02/10/2012 của Bộ Tài chính quy định chế độ kiểm soát, thanh toán các khoản chi NSNN qua KBNN, Luật NSNN năm 2015, Luật Phí, lệ phí, các văn bản hướng dẫn Luật.
Phân chia 13 TKTG quy định tại Thông tư 77, thành 3 nhóm:
Nhóm TKTG kiểm soát chi theo quy định của Luật NSNN năm 2015, yêu cầu quản lý NSNN: Có tạm ứng, có thanh toán, theo dự toán, nội dung thanh toán ghi niên độ ngân sách, ghi mã nguồn NSNN trên chứng từ chi ngân sách, dấu hiệu nhận biết là ghi mã cấp ngân sách theo quy định cụ thể:
– Đối với khoản kinh phí cấp bằng lệnh chi tiền, giấy rút dự toán từ tài khoản dự toán vào TKTG theo quy định, các đơn vị ghi đầy đủ, đúng các nội dung trên mẫu biểu C2-01a/ NS, C2-02a/NS, C3-01/NS ban hành kèm theo Thông tư 77. Trong đó, lưu ý ghi nội dung nguồn kinh phí ngân sách cấp vào cột “Nội dung chi” và mã nguồn vào cột “Mã nguồn NSNN” theo đúng sáu nội dung được xử lý chuyển nguồn. Sáu nội dung xử lý chuyển nguồn được gắn với mã nguồn theo quy định:
Chi đầu tư phát triển chuyển sang năm sau theo quy định được theo dõi theo từng mã nguồn vốn đầu tư; kinh phí không giao tự chủ, không giao khoán ghi mã nguồn 12; kinh phí được giao tự chủ, vốn mua tăng, mua bù hàng dự trữ quốc gia, viện trợ không hoàn lại đã xác định cụ thể nhiệm vụ chi ghi mã nguồn 13; nguồn thực hiện chính sách tiền lương ghi mã nguồn 14; các khoản kinh phí được bổ sung từ cấp ngân sách sau ngày 30/09 đối với nguồn không tự chủ ghi mã nguồn 15; kinh phí nghiên cứu khoa học (thuộc lĩnh vực khoa học công nghệ) bố trí cho các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học được cấp có thẩm quyền quyết định đang trong thời gian thực hiện ghi mã nguồn 16.
– Đối với khoản kinh phí NSNN cấp cho đơn vị sử dụng ngân sách bằng ủy nhiệm chi từ TKTG ngân sách cấp, các đơn vị ghi niên độ ngân sách khoản chi và nguồn của khoản kinh phí trong phần “Nội dung thanh toán” trên mẫu C4-02a/KB ban hành kèm theo Thông tư 77 (ví dụ: Phần “Nội dung thanh toán” trên mẫu C4-02a/KB: Kinh phí nghiên cứu khoa học (thuộc lĩnh vực khoa học công nghệ) bố trí cho các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học được cấp có thẩm quyền quyết định đang trong thời gian thực hiện, đơn vị ghi: “Kinh phí nghiên cứu khoa học, mã nguồn 16, niên độ 2019”).
Nhóm TKTG kiểm soát chi theo yêu cầu của Luật Phí, lệ phí (quản lý theo dự toán ngoài ngân sách được cơ quan cấp trên giao và quy chế chi tiêu nội bộ, không phản ánh vào NSNN)
Nhóm TKTG còn lại kiểm soát chi theo yêu cầu tính hợp pháp của ủy nhiệm chi và số dư tại thời điểm thanh toán.
Về TK 3731-Tiền gửi chi phí ban quản lý.
Hiện tại trong quá trình thực hiện Thông tư số 72/2017/TT-BTC ngày 17/07/2017 của Bộ Tài chính quy định về quản lý, sử dụng các khoản thu từ hoạt động quản lý dự án của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án sử dụng vốn NSNN, có một số vướng mắc về công tác kiểm soát chi, chuyển nguồn từ TKTG ban quản lý dự án, do đưa nhiều khoản thu của Ban quản lý dự án (BQLDA) vào cùng một TKTG, nên cần theo dõi quản lý theo 3 nhóm nguồn hình thành:
Chủ đầu tư, BQLDA được mở tài khoản dự toán để nhận và sử dụng dự toán ngân sách theo quy định của Luật NSNN.
Chủ đầu tư, BQLDA được mở TKTG tại KBNN để quản lý, thanh toán chi phí BQLDA theo quy định của Nhà nước và theo quy chế chi tiêu nội bộ.
BQLDA khu vực, BQLDA chuyên ngành có các hoạt động dịch vụ được mở tài khoản tại Ngân hàng hoặc KBNN để phản ánh các khoản thu, chi của hoạt động dịch vụ. Các khoản thu từ hoạt động dịch vụ của BQLDA phải được kê khai nộp thuế theo quy định.
Trường hợp BQLDA khu vực, BQLDA chuyên ngành được ủy quyền quản lý dự án: Nếu được cấp có thẩm quyền giao kế hoạch vốn thực hiện dự án theo Luật NSNN thì mở tài khoản dự toán để nhận, quản lý, thanh toán chi phí dự án theo quy định của Luật NSNN; nếu không được cấp có thẩm quyền giao kế hoạch vốn thực hiện dự án theo Luật NSNN năm 2015 thì mở TKTG tại KBNN để quản lý, thanh toán chi phí được hưởng khi thực hiện quản lý dự án theo hợp đồng.
Một đơn vị có thể có cả 3 loại TKTG trên cho 3 tính chất hoạt động của họ (ví dụ Quỹ bảo trì đường bộ: Vừa có tiền NSNN cấp để chi cho nhiệm vụ chi của NSNN, vừa có khoản thu phí được để lại chi theo dự toán, vừa có hoạt động dịch vụ có doanh thu); hoặc ban quản lý dự án đầu tư khu vực vừa có tiền NSNN cấp kiểm soát chi theo Luật NSNN năm 2015, vừa có doanh thu dịch vụ.
Tóm lại, để xử lý kinh phí cuối năm đối với TKTG của đơn vị tại các đơn vị KBNN theo quy định tại Thông tư 77, căn cứ vào nội dung phân tích nêu trên, có 5 tài khoản: TK 3711, TK 3731, TK 3741, TK 3761, TK 3771 gắn với kiểm soát chi, xử lý chuyển nguồn theo quy định của Luật NSNN năm 2015, vì vậy cần theo dõi để nhận biết:
Hạch toán mã cấp ngân sách, mã dự phòng (niên độ), mã nguồn theo hướng dẫn tại Công văn 2086 và Công văn 760 (chỉ những khoản thuộc phạm vi NSNN).
Căn cứ vào cơ chế quản lý nguồn hình thành, kiểm soát chi theo quy định Thông tư 39, Luật NSNN năm 2015, Luật Phí, lệ phí, các văn bản hướng dẫn Luật.
Địa phương không được tự ban hành cơ chế quản lý tài chính trái quy định.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Luật NSNN năm 2015
2. Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21/12/2016 của Chính Phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của luật NSNN
3. Thông tư số 342/2016/TT-BTC ngày 30/12/2016 của Bộ Tài chính về công tác xử lý chuyển nguồn ngân sách cuối năm
4. Công văn số 15391/BTC-KBNN ngày 11/12/2018 của Bộ Tài chính về hướng dẫn xử lý chuyển nguồn ngân sách cuối năm 2018 sang năm 2019 và các năm sau.
PHẠM THỊ PHƯƠNG HOA