Kiểm soát rủi ro trong thực hiện nhiệm vụ kiểm soát thanh toán các khoản chi NSNN có vai trò rất quan trọng. Đặc biệt, chi thường xuyên ngân sách xã có nhiều đặc thù, công chức thực hiện nhiệm vụ kiểm soát chi cần thường xuyên nghiên cứu, nhận diện, đánh giá đúng và có các giải pháp phòng ngừa đối với một số nghiệp vụ có mức độ rủi ro cao.
Qua nghiên cứu thực tiễn nghiệp vụ cho thấy, các khoản chi thường xuyên ngân sách xã có nhiều đặc thù nên quá trình kiểm soát chi tiềm ẩn nhiều rủi ro ở nhiều nghiệp vụ khác nhau.
Thực tế cho thấy, hầu hết các xã, thị trấn, khi lập dự toán đều có dự phòng kinh phí để chi cho các nội dung đầu năm chưa đưa vào dự toán. Tuy nhiên, trong quá trình điều hành ngân sách, Ủy ban nhân dân xã trình cấp có thẩm quyền phân bổ và quyết định sử dụng dự phòng ngân sách dôi dư để chi hỗ trợ chi phí đào tạo, bồi dưỡng, chi trả nợ khối lượng các công trình xây dựng nông thôn mới, chi giải quyết chính sách cho những người hoạt động không chuyên trách, công chức, viên chức, người lao động là chưa đúng theo quy định của Luật NSNN.
Một số xã, thị trấn khi lập chứng từ rút tiền mặt tại KBNN chưa xác định rõ nội dung chi hoặc chi trợ cấp, phụ cấp bằng tiền mặt cho những người hoạt động không chuyên trách ở xã là chưa đúng theo quy định của Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018 về thanh toán không dùng tiền mặt đối với “các khoản chi lương, thưởng và các khoản chi khác có tính chất thường xuyên”. Bên cạnh đó, còn có tình trạng lập thủ tục thanh toán tạm ứng đối với các khoản chi thường xuyên không có hợp đồng mua bán hàng hóa, dịch vụ gửi đến KBNN sau thời hạn cuối cùng quy định tại T hông tư số 17/2024/TT-BTC ngày 14/3/2024 của Bộ Tài chính hướng dẫn kiểm soát, thanh toán các khoản chi thường xuyên qua KBNN (Thông tư số 17) là trái với quy định tại Nghị định số 63/2019/NĐ-CP ngày 11/7/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; KBNN.
Theo quy định của Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018 và các văn bản hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Tài chính, công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý nhưng trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc thuộc lĩnh vực tài chính tại chính quyền địa phương từ 02 năm đến 05 năm thì phải chuyển đổi vị trí công tác. Tuy nhiên, do khó khăn trong bố trí, sắp xếp công chức, viên chức thay thế nên việc chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức làm kế toán hiện nay còn chậm, chưa nghiêm. Điều này dễ nảy sinh tiêu cực, lợi dụng kẽ hở của pháp luật để lập chứng từ khống chiếm đoạt tiền ngân sách. Bên cạnh đó, còn một số trường hợp phụ trách kế toán đơn vị được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại nhưng đơn vị cấp xã chưa làm thủ tục đăng ký thay đổi mẫu dấu, mẫu chữ ký với kho bạc.
Trong quá trình thực thi nhiệm vụ, vẫn còn tình trạng công chức, viên chức không tuân thủ quy định, nguyên tắc an toàn bảo mật khi thực hiện giao dịch với KBNN trên chương trình dịch vụ công trực tuyến KBNN (DVCTT) dễ dẫn đến việc bị lợi dụng để lập chứng từ, phê duyệt giao dịch bút toán “khống” và ký số trên chương trình DVCTT.
Nhằm góp phần phòng ngừa rủi ro trong quá trình kiểm soát, thanh toán các khoản chi ngân sách xã, một số giải pháp được nhóm tác giả đề xuất như sau:
Đối với các rủi ro tiềm ẩn từ phân bổ và sử dụng dự phòng NSNN, công chức kiểm soát chi phải kiểm tra chặt chẽ hồ sơ, tài liệu phân bổ và sử dụng dự phòng NSNN của các xã, thị trấn, đảm bảo đúng quy định tại Điều 10 Luật NSNN năm 2015. Theo đó, mức bố trí dự phòng NSNN chỉ giới hạn trong khoảng từ 2% đến 4% tổng chi ngân sách mỗi cấp. Ngân sách dự phòng chỉ được sử dụng để chi phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, cứu đói, chi nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và các nhiệm vụ cần thiết khác mà chưa có dự toán. Ủy ban nhân dân các cấp quyết định sử dụng dự phòng ngân sách phải tuân thủ chế độ báo cáo theo quy định. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kiểm soát chi, công chức KBNN phát hiện trường hợp sai phạm trong phân bổ và sử dụng dự phòng NSNN thì kiên quyết từ chối thanh toán.
Đối với những khoản chi bằng tiền mặt tại các xã, công chức làm nhiệm vụ kiểm soát chi KBNN thực hiện đúng hướng dẫn về chế độ kế toán NSNN và hoạt động nghiệp vụ KBNN về thanh toán bằng tiền mặt quy định tại Khoản 2, Điều 11 T hông tư số 13/2017/TT-BTC ngày 15/02/2017 của Bộ Tài chính quy định quản lý thu, chi bằng tiền mặt qua hệ thống KBNN. Yêu cầu đơn vị giao dịch phải xác nhận rõ trên nội dung chứng từ đề nghị thanh toán (giấy rút dự toán, ủy nhiệm chi) là đơn vị, cá nhân cung cấp hàng hóa, dịch vụ không có tài khoản tại ngân hàng và hoàn toàn chịu trách nhiệm về tính chính xác của các nội dung ghi trên chứng từ”; thực hiện chi trợ cấp, phụ cấp cho những người hoạt động không chuyên trách ở xã hằng tháng bằng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt theo đúng quy định của Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018.
Đối với khoản chi NSNN của đơn vị sử dụng ngân sách chưa có đủ điều kiện thực hiện thanh toán trực tiếp từ KBNN, thực hiện thanh toán tạm ứng theo quy định tại Điều 5 Thông tư số 17 “nội dung đề nghị thanh toán tạm ứng phải phù hợp với nội dung đề nghị tạm ứng. Trường hợp đơn vị chưa xác định được chính xác nội dung chi, thực hiện tạm ứng vào tiểu mục khác của mục tương ứng với khoản chi, KBNN thanh toán tạm ứng trong phạm vi các tiểu mục trong cùng nhóm mục tương ứng với nội dung đã tạm ứng”. “Đối với các khoản chi không có hợp đồng hoặc khoản chi không phải gửi hợp đồng đến KBNN, đơn vị sử dụng ngân sách phải thanh toán tạm ứng chậm nhất với KBNN vào ngày cuối cùng của tháng kế tiếp tháng tạm ứng” (trừ khoản chi trợ cấp, phụ cấp theo quy định của Bộ Tài chính).
Công chức kiểm soát chi cần chủ động cập nhật kịp thời các nghiệp vụ, văn bản, chế độ, chính sách mới; những tồn tại, sai sót được phát hiện trong quá trình thanh tra, kiểm tra của các ngành, đơn vị có liên quan… để nâng cao khả năng nhận diện, kiểm soát rủi ro và thực hiện các biện pháp phòng ngừa sai phạm liên quan tới chuyển đổi vị trí công tác. Trên cơ sở các rủi ro được nhận diện, công chức chủ động rà soát, nắm bắt, xem xét đưa vào danh mục các đơn vị sử dụng ngân sách có mức độ rủi ro cao để lưu hành nội bộ phục vụ tự kiểm tra, kiểm tra chéo trong nội bộ hoặc đề xuất phòng Thanh tra – Kiểm tra thực hiện thanh tra chuyên ngành KBNN. Đồng thời, chủ động, tích cực tham mưu giám đốc KBNN huyện kịp thời ban hành văn bản cảnh báo, thủ trưởng các đơn vị sử dụng ngân sách phải hoàn toàn chịu trách nhiệm đối với các thông tin đăng ký giao dịch trên hệ thống DVCTT; xây dựng kênh thông tin để chia sẻ, tuyên truyền kịp thời các quy định về an toàn công nghệ thông tin để thủ trưởng/chủ tài khoản các đơn vị sử dụng ngân sách nắm bắt, các quy định về đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin trong quản lý tài khoản, mật khẩu, chứng thư số… trên tài khoản giao dịch với Kho bạc và trên máy tính cá nhân.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Luật NSNN năm 2015;
- Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018;
3.Thông tư số 344/2016/TT-BTC ngày 30/12/2016 của Bộ Tài chính quy định về quản lý ngân sách xã và các hoạt động tài chính khác của xã, phường, thị trấn;
4.Thông tư số 27/2024/TT-BTC ngày 03/5/2024 của Bộ Tài chính quy định danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc thuộc lĩnh vực tài chính tại chính quyền địa phương.
HUỲNH THANH ĐOÀN – LÊ THỊ TỐ QUYÊN