Kiểm soát, thanh toán các khoản chi đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn NSNN là một trong những nhiệm vụ quan trọng của KBNN, bắt buộc phải tuân thủ các quy định của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Bộ Tài chính và một số cơ quan ngang Bộ khác. Tuy nhiên, giữa các văn bản vẫn còn một số điểm chưa có sự thống nhất, đồng bộ gây lúng túng trong quá trình vận dụng thực tế.
Nhằm hoàn thiện các quy định của pháp luật về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 68/2019/NĐ-CP ngày 14/8/2019 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng (Nghị định 68) thay thế Nghị định số 32/2015/NĐ-CP ngày 23/5/2015 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình (Nghị định 32).
Nghị định 68 có hiệu lực từ ngày 01/10/2019, tập trung hoàn thiện các vấn đề như: Phạm vi quản lý và nguyên tắc quản lý chi phí đầu tư xây dựng; nội dung, phương pháp xác định và điều chỉnh chi phí đầu tư xây dựng; quy định thẩm định chi phí đầu tư xây dựng theo từng giai đoạn; hệ thống công cụ phục vụ lập chi phí đầu tư xây dựng và cơ sở dữ liệu phục vụ quản lý chi phí; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm quản lý nhà nước của các chủ thể trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng.
Qua gần 01 năm thực hiện, Nghị định 68 đã nâng cao chất lượng, hiệu quả đầu tư, chống thất thoát, lãng phí, bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của nhà nước về quản lý đầu tư xây dựng và Luật Xây dựng số 50/2014/QH13. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Nghị định 68 cũng đã bộc lộ một số bất cập, vướng mắc.
Trong phạm vi bài viết, chúng tôi trao đổi một số vấn đề có liên quan đến công tác kiểm soát chi của KBNN được quy định tại Nghị định 68. Tại Khoản 9, Điều 6 Nghị định 68 quy định: “Dự toán chi phí các công việc thực hiện ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư để lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi hoặc Báo cáo chuẩn bị đầu tư do cơ quan, đơn vị thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị dự án đầu tư thẩm định và phê duyệt.
Các khoản mục chi phí này sẽ được cập nhật vào tổng mức đầu tư của dự án sau khi dự án được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư”. Về nội dung của vốn chuẩn bị đầu tư, tại Khoản 1 Điều 54 Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 (Luật Đầu tư công) đã chi tiết: “Vốn chuẩn bị đầu tư được bố trí để lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư dự án; lập, thẩm định, quyết định đầu tư dự án”, đồng thời quy định rõ thẩm quyền phê duyệt dự toán nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư tại Điểm a Khoản 5 Điều 40 Luật Đầu tư công: “Căn cứ nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư và nhiệm vụ quy hoạch được cấp có thẩm quyền quyết định, cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư và nhiệm vụ quy hoạch lập dự toán nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, nhiệm vụ quy hoạch trình người đứng đầu Bộ, cơ quan trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp quyết định”.
Như vậy, thẩm quyền phê duyệt dự toán chi phí các công việc để lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư đã có những quy định khác nhau giữa Nghị định 68 và Luật Đầu tư công gây khó khăn cho KBNN các cấp trong việc kiểm soát tính hợp pháp, hợp lệ của hồ sơ, tài liệu.
Về thẩm quyền phê duyệt dự toán chi phí các công việc để lập Báo cáo nghiên cứu khả thi (dự án đầu tư xây dựng) và dự toán chi phí các công việc chuẩn bị để lập thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công đều thuộc về cấp quyết định đầu tư theo quy định tại Khoản 10, Điều 6 Nghị định 68: “Dự toán chi phí các công việc thực hiện ở giai đoạn chuẩn bị dự án để lập Báo cáo nghiên cứu khả thi do cơ quan chuyên môn trực thuộc người quyết định đầu tư dự án thẩm định làm cơ sở trình cấp quyết định đầu tư phê duyệt chi phí này.
Các khoản mục chi phí này sẽ được cập nhật vào tổng mức đầu tư của dự án để phục vụ lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng”. Tại Khoản 3, Điều 10 Nghị định 68 cũng quy định: “Riêng dự toán các công việc chuẩn bị để lập thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công thì cơ quan chuyên môn trực thuộc người quyết định đầu tư dự án thẩm định làm cơ sở trình cấp quyết định đầu tư phê duyệt chi phí này. Các khoản mục chi phí này sẽ được cập nhật vào dự toán xây dựng công trình để phục vụ lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng”.
Tuy nhiên, trong thực tế, dự toán chi phí khảo sát xây dựng phục vụ lập dự án đầu tư xây dựng và phục vụ lập thiết kế xây dựng công trình lại do chủ đầu tư, người đứng đầu cơ quan được giao chuẩn bị dự án phê duyệt.
Cụ thể quy định tại Điểm c, Khoản 1, Điều 76 Luật Xây dựng số 50/2014/QH13: “Chủ đầu tư có các quyền sau: Phê duyệt nhiệm vụ khảo sát xây dựng”; theo Điểm d, Khoản 3, Điều 12 Nghị định số 46/2015/ NĐ-CP ngày 12/5/2015 của Chính phủ về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng: “Các nội dung của nhiệm vụ khảo sát xây dựng bao gồm: Khối lượng các loại công tác khảo sát xây dựng (dự kiến) và dự toán chi phí cho công tác khảo sát xây dựng”, từ các quy định này có thể xác định thẩm quyền phê duyệt dự toán khảo sát xây dựng thuộc về chủ đầu tư.
Về vấn đề này (thẩm quyền phê duyệt dự toán chi phí khảo sát) đã được Nghị quyết số 108/NQ-CP ngày 17/7/2020 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Nghị định 68 (Nghị quyết 108) đề cập, cụ thể: “Trường hợp cần thiết, người quyết định đầu tư có thể ủy quyền để chủ đầu tư thẩm định, phê duyệt chi phí khảo sát nhằm rút gọn thủ tục, trên cơ sở đảm bảo tiến độ, hiệu quả của dự án”, như vậy Nghị quyết 108 đã một lần nữa khẳng định thẩm quyền phê duyệt dự toán khảo sát thuộc về người quyết định đầu tư.
Tuy nhiên, như chúng tôi đã đề cập ở trên, việc chủ đầu tư được quyền phê duyệt dự toán chi phí khảo sát xuất phát từ Điểm c, Khoản 1, Điều 76 Luật Xây dựng số 50/2014/QH13. Về chi phí quản lý dự án, tại Khoản 4, Điều 21 Nghị định 68 quy định: “Trường hợp chủ đầu tư thuê tư vấn quản lý dự án đối với các dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài ngân sách và dự án có tính chất đặc thù, riêng lẻ thì chi phí tư vấn quản lý dự án xác định bằng dự toán trên cơ sở nội dung, khối lượng công việc quản lý dự án được chủ đầu tư và tổ chức tư vấn thỏa thuận trong hợp đồng quản lý dự án”.
Tại Khoản 8, Điều 1 Nghị định số 42/2017/ NĐ-CP ngày 05/4/2017 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng quy định: “Chủ đầu tư sử dụng tư cách pháp nhân của mình và bộ máy chuyên môn trực thuộc có đủ điều kiện, năng lực để trực tiếp quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình có tổng mức đầu tư dưới 15 tỷ đồng; trường hợp không đủ điều kiện thực hiện, chủ đầu tư được thuê tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực theo quy định tại Nghị định này để thực hiện”.
Như vậy, đối với dự án có tổng mức đầu tư dưới 15 tỷ đồng thì chủ đầu tư được trực tiếp thuê đơn vị tư vấn quản lý có đủ điều kiện năng lực theo quy định của pháp luật về xây dựng. Nhưng Nghị định 68 chưa có nội dung quy định đối với trường hợp dự án đầu tư sử dụng vốn NSNN (không phải là dự án có tính chất đặc thù, riêng lẻ) mà chủ đầu tư thuê tư vấn quản lý dự án thì chi phí thuê tư vấn quản lý dự án được xác định như thế nào?
Để kiểm soát chặt chẽ các khoản chi, đồng thời đảm bảo minh bạch về hồ sơ, chứng từ, nội dung kiểm soát, tiến tới thực hiện quy trình kiểm soát chi điện tử thì ngoài sự đòi hỏi về sự rõ ràng, rành mạch trong cơ chế, chính sách, còn đòi hỏi sự thống nhất giữa các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Trên đây là một số trao đổi, nhằm làm rõ, tháo gỡ những khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ kiểm soát thanh toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản, một trong những nhiệm vụ trọng yếu và mang tính nhạy cảm của hệ thống KBNN.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Luật Xây dựng số 50/2014/QH13;
- Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14;
- Nghị định số 68/2019/NĐ-CP ngày 14/8/2019 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng;
- Nghị quyết số 108/NQ-CP ngày 17/7/2020 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Nghị định số 68/2019/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng..
ThS. LÊ QUANG TÂN