Những năm qua, KBNN Hải Phòng đã triển khai nhiều biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn bằng những kênh thông tin khác nhau để việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kho bạc thực sự phát huy hiệu quả, ngăn chặn các hành vi vi phạm hành chính tại địa phương. Tuy nhiên, do sự thay đổi một số quy định và hình thức giao dịch kiểm soát chi NSNN qua KBNN nên công tác xử phạt vi phạm hành chính năm 2020 sẽ gặp một số khó khăn vướng mắc cần được trao đổi, tháo gỡ.
Ngày 19/12/2019, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 87/2019/TT-BTC ngày 19/12/2019 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực KBNN, có hiệu lực từ ngày 01/02/2020 (Thông tư 87), thay thế Thông tư số 54/2014/ TT-BTC ngày 24/04/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KBNN theo quy định tại Nghị định số 192/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, dự trữ quốc gia, KBNN.
Thông tư 87 đã quy định cụ thể mức phạt đối với các hành vi VPHC trong lĩnh vực kho bạc là mức trung bình của khung giữa mức phạt tối thiểu và tối đa đối với các hành vi vi phạm được quy định trong Nghị định số 63 nếu không có các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ; đồng thời cũng không còn mức phạt cảnh cáo đối với một số hành vi vi phạm.
Xác định được tầm quan trọng của công tác xử phạt VPHC trong lĩnh vực KBNN, KBNN Hải Phòng đã chỉ đạo triển khai, hướng dẫn thực hiện trong các cuộc họp giao ban, hội nghị tập huấn của đơn vị đến toàn thể công chức làm công tác kiểm soát chi về Luật, Nghị định, Thông tư và các văn bản liên quan đến việc xử phạt VPHC trong lĩnh vực KBNN. Thông qua các buổi tập huấn nghiệp vụ, phổ biến các văn bản, cập nhật chế độ mới; đưa nội dung xử phạt VPHC trong lĩnh vực KBNN vào các cuộc thi nghiệp vụ kiểm soát chi giỏi hằng năm nhằm nâng cao trình độ chuyên môn cho công chức làm nhiệm vụ kiểm soát chi, kế toán và công chức phòng Thanh tra – Kiểm tra. Bên cạnh đó, KBNN Hải Phòng cũng chú trọng xây dựng đội ngũ công chức làm công tác kiểm soát chi và thanh tra chuyên ngành, đảm bảo về số lượng, năng lực trình độ, chuyên môn, có phẩm chất đạo đức và tinh thần trách nhiệm cao trong thực thi nhiệm vụ.
KBNN Hải Phòng triển khai nhiều biện pháp, hình thức tuyên truyền sâu, rộng đến các đơn vị sử dụng NSNN về nội dung việc xử phạt VPHC trong lĩnh vực KBNN: Gửi thông báo, cung cấp danh mục các văn bản cần thiết, liên quan đến các đơn vị giao dịch về xử lý VPHC lĩnh vực KBNN; niêm yết công khai các văn bản quy định tại trụ sở làm việc các đơn vị KBNN trên địa bàn và Cổng thông tin điện tử thành phố Hải Phòng và UBND các quận, huyện; in ấn, phát tờ rơi cho cá nhân, tổ chức đến giao dịch; tổ chức hội nghị khách hàng giao dịch để phổ biến đến chủ đầu tư, chủ tài khoản và kế toán trưởng các đơn vị sử dụng ngân sách mở tài khoản tại kho bạc. KBNN Hải Phòng thường xuyên báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng về công tác triển khai xử phạt VPHC lĩnh vực KBNN trên địa bàn theo quy định của pháp luật, tranh thủ sự chỉ đạo, điều hành của cấp chính quyền địa phương trong thực thi nhiệm vụ nhằm tạo sự đồng thuận, hợp tác của các cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng NSNN đối với công tác xử phạt VPHC trong lĩnh vực KBNN.
Phòng Thanh tra – Kiểm tra phối hợp chặt chẽ với phòng Kiểm soát chi, mỗi công chức kiểm soát chi đều làm tốt nhiệm vụ chuyên môn, đồng thời thường xuyên nhắc nhở các đơn vị giao dịch về các quy định xử phạt VPHC lĩnh vực KBNN, giúp đơn vị sử dụng NSNN luôn nắm rõ, tránh để xảy ra các sai sót, vi phạm đảm bảo việc chi tiêu ngân sách đúng quy định và tuân thủ luật pháp. Triển khai nghiêm túc, nâng cao tính trách nhiệm trong thực thi công vụ, xem việc tuyên truyền, hướng dẫn đúng, đủ các quy định của nhà nước là nhiệm vụ của từng công chức chuyên môn đã mang lại hiệu quả cao, có tác dụng ngăn chặn các hành vi VPHC tại địa phương. Sau hơn bốn năm triển khai, các trường hợp bị phạt VPHC đã giảm: Năm 2019, thông qua hoạt động kiểm tra, kiểm soát, KBNN Hải Phòng đã phát hiện, ban hành 80 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính, thực hiện xử phạt 54 đơn vị trên tổng số 1.925 đơn vị mở tài khoản giao dịch tại KBNN Hải Phòng và KBNN các quận, huyện; giảm 07 Quyết định xử phạt, giảm 17 đơn vị so với năm 2018 (87 Quyết định xử phạt/71 đơn vị); thu vào NSNN hơn 70.000.000 đồng. Các hành vi vi phạm phổ biến là: Vi phạm thủ tục kiểm soát cam kết chi, vi phạm thời hạn thanh toán tạm ứng, vi phạm quy định về khoản chi NSNN phải có trong dự toán; chưa có trường hợp vi phạm nào chuyển sang truy cứu trách nhiệm hình sự, chưa có trường hợp nào hoãn thi hành, miễn thi hành, giảm tiền phạt, hoặc phải đình chỉ thi hành xử phạt.
Tuy nhiên, năm 2020, hoạt động giao dịch kiểm soát chi NSNN qua KBNN có nhiều thay đổi, công tác xử phạt VPHC trong thời gian tới sẽ gặp một số khó khăn như:
Năm 2020, tất cả các đơn vị giao dịch với KBNN Hải Phòng đã thực hiện giao dịch qua dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) lĩnh vực KBNN, trừ khối an ninh – quốc phòng là 121 đơn vị. Hầu hết chứng từ của đơn vị chuyển qua DVCTT, trong đó nhiều đơn vị thực hiện giao dịch qua DVCTT trên 90% lượng chứng từ. Vì vậy, khi phát hiện có hành vi vi phạm, tiến hành lập biên bản xử phạt VPHC phải chờ liên hệ với đơn vị đến kho bạc ký biên bản, gây chậm trễ cho việc xử phạt và thanh toán cho đơn vị giao dịch.
Tại mỗi đơn vị KBNN, công chức làm nhiệm vụ kiểm soát chi được giao quản lý một số đơn vị giao dịch nhất định nên giữa công chức KBNN và cán bộ giao dịch của đơn vị thường xuyên phối hợp với nhau trong giải quyết công việc. Vì vậy, nếu những công chức giao dịch lại là người lập biên bản xử phạt VPHC mỗi khi có vi phạm sẽ không tránh khỏi có sự nể nang, ngại va chạm và áp lực trong việc lập biên bản xử phạt; chỉ những sai phạm mà bản thân đơn vị sử dụng ngân sách không thể tự hoàn thiện được mới bị công chức kiểm soát chi KBNN lập biên bản xử phạt VPHC. Đây là thực trạng tồn tại làm giảm hiệu quả thực sự của công tác xử phạt VPHC trong lĩnh vực KBNN.
Trong quá trình triển khai thực hiện Thông tư 87 chưa quy định cụ thể về mức phạt tăng hoặc giảm đối với các hành vi vi phạm có các tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ gây khó khăn cho việc áp dụng khung mức phạt đối với những hồ sơ xử phạt có các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ theo quy định.
Thông tư 87 không có quy định việc thực hiện đầu mối trong xử phạt VPHC tại KBNN tỉnh, thành phố mà chỉ thực hiện theo hướng dẫn tạm thời của KBNN theo Công văn số 7273/KBNN-TTKT ngày 20/12/2019 của KBNN về việc thực hiện đầu mối trong xử phạt VPHC tại KBNN tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, trong đó quy định: Phòng Kiểm soát chi xử lý hồ sơ và là đầu mối tiếp nhận hồ sơ xử phạt do KBNN huyện đề nghị. Định kỳ tổng hợp kết quả gửi phòng Thanh tra – Kiểm tra để báo cáo theo quy định.
Nhằm nâng cao hiệu quả của công tác xử phạt VPHC lĩnh vực KBNN, chúng tôi đề xuất một số ý kiến như sau:
Theo Khoản 1, Điều 55 Nghị định 63 quy định: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi ký hợp đồng trước khi có kế hoạch vốn được cấp có thẩm quyền phê duyệt (trừ các công trình theo lệnh khẩn cấp). Thực tế công tác kiểm soát chi thường xuyên, nhiều đơn vị thực hiện mua sắm, sửa chữa… tiến hành ký hợp đồng trước khi có dự toán được giao, nhất là đối với trường hợp bổ sung dự toán năm, đề nghị bổ sung chế tài xử phạt đối với hành vi này.
Do có sự thay đổi chức năng nhiệm vụ của các phòng nghiệp vụ thuộc KBNN tỉnh, thành phố và thực hiện sáp nhập một đầu mối kiểm soát chi KBNN quận huyện nên đến nay quy định cũ đã không còn phù hợp. Đề nghị KBNN sớm ban hành Công văn hướng dẫn thực hiện Thông tư 87 thay thế Công văn số 2924/KBNN-THPC ngày 11/11/2014 của KBNN về việc hướng dẫn thực hiện Thông tư số 54/2014/TT-BTC, trong đó quy định rõ trách nhiệm các đơn vị thuộc KBNN tỉnh, thành phố trong xử phạt vi phạm hành chính.
có hiệu lực thi hành từ ngày 16/03/2020. Đề nghị Bộ Tài chính, KBNN ban hành quy trình xử phạt VPHC lĩnh vực KBNN cho phù hợp với điều kiện hiện nay trong đó có một số nội dung: Hướng dẫn quy trình xử phạt VPHC lĩnh vực KBNN đối với các đơn vị tham gia dịch vụ công trực tuyến có vi phạm; quy định chi tiết mức phạt tăng/ giảm đối với các trường hợp có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ; quy định cụ thể việc thực hiện đầu mối trong xử phạt VPHC tại KBNN tỉnh, thành phố; quy định trách nhiệm của công chức, lãnh đạo KBNN các cấp trong công tác kiểm soát chi và lập biên bản xử phạt VPHC để tránh tình trạng nể nang, ngại va chạm mà không tiến hành xử phạt đối với các đơn vị có hành vi vi phạm.
Kiến nghị KBNN nâng cấp chương trình DVCTT để công chức kiểm soát chi có thể lập biên bản xử phạt VPHC lĩnh vực KBNN trên chương trình DVCTT, chuyển cho đơn vị giao dịch và kế toán trưởng, thủ trưởng đơn vị giao dịch có thể ký chữ ký số chuyển lại cho KBNN nơi mở tài khoản. Khi nhận được biên bản có chữ ký số của đơn vị, chuyên viên kiểm soát chi KBNN tiếp nhận và tiến hành các bước tiếp theo của quy trình xử phạt vi phạm hành chính.
Công tác xử phạt VPHC trong lĩnh vực KBNN được các đơn vị KBNN quan tâm thực hiện nâng cao hiệu quả, chắc chắn sẽ tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức cũng như trong chấp hành quy định của pháp luật về sử dụng NSNN của các đơn vị sử dụng ngân sách.
Tài liệu tham khảo:
- Nghị định số 63/2019/NĐ-CP ngày 11/07/2019 của Chính phủ về quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm chống lãng phí; dự trữ quốc gia; KBNN;
- Thông tư số 87/2019/TT-BTC ngày 19/12/2019 của Bộ Tài chính về về việc hướng dẫn thực hiện xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KBNN;
- Công văn số 2924/KBNN-THPC ngày 11/11/2014 của KBNN về việc hướng dẫn thực hiện Thông tư số 54/2014/TT-BTC;
- Công văn số 7273/KBNN-TTKT ngày 20/12/2019 của KBNN về việc thực hiện đầu mối trong xử phạt VPHC tại KBNN tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
PHAN THỊ THU HẰNG