Báo cáo và bản xác nhận số liệu của KBNN giao dịch về số liệu thu, chi NSĐP trên hệ thống TABMIS là một căn cứ quan trọng để cơ quan tài chính, KBNN trung ương kiểm tra, đối chiếu, rà soát xử lý số liệu quyết toán NSĐP theo quy định. Trong quá trình thẩm định quyết toán NSĐP các năm qua, công tác quyết toán NSĐP có những vướng mắc đáng mà các bộ, cơ quan trung ương, địa phương và KBNN các cấp cần tháo gỡ để phục vụ công tác được giao.
Reports and confirmation of the State Treasury’s data on the revenue and expenditure of local state budget on TABMIS system are an important basis for financial agencies and the central State Treasury to check, compare, review and handle the data of finalizing local state budget as prescribed. In the process of appraising the finalization of local state budget in the past years, the work of finalizing local state budget has significant problems that the ministries, central agencies, localities and the State Treasury at all levels need to solve in order to serve the assigned work.
Theo quy định của Luật NSNN năm 2015, ngân sách địa phương (NSĐP) là một bộ phận cấu thành NSNN, cung cấp nguồn lực chủ yếu để chính quyền địa phương thực hiện các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn trong quá trình quản lý nền kinh tế – xã hội, an ninh quốc phòng ở địa phương. Việc quản lý chặt chẽ, hiệu quả NSĐP góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết được những vấn đề bức thiết của xã hội trên địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Thực hiện tốt công tác quyết toán NSĐP hằng năm giúp các cấp chính quyền địa phương nhìn nhận lại công tác quản lý ngân sách của cấp mình, từ đó tìm ra các giải pháp phù hợp tăng cường công tác quản lý NSNN, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn NSNN, tạo niềm tin cho nhân dân trong công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Theo quy định của Luật NSNN năm 2015, cơ quan tài chính các cấp thực hiện thẩm định quyết toán năm của các đơn vị dự toán thuộc cấp mình; cơ quan tài chính cấp tỉnh, cấp huyện thẩm định quyết toán năm của ngân sách cấp dưới. Bộ Tài chính không thẩm định đối với quyết toán NSĐP mà thực hiện rà soát, tổng hợp vào quyết toán NSNN.
Trong quá trình thẩm định, rà soát, tổng hợp quyết toán NSNN, cơ quan tài chính kiểm tra, đối chiếu tính đầy đủ và khớp đúng giữa các số liệu quyết toán với số liệu xác nhận của KBNN theo quy định; bảo đảm khớp đúng giữa số liệu quyết toán của đơn vị dự toán cấp I với các thông báo duyệt quyết toán của cơ quan, đơn vị trực thuộc và xác nhận số liệu của KBNN; đồng thời xem xét, xác định tính chính xác và hợp pháp của số liệu quyết toán của các khoản tăng, giảm so với dự toán được giao; xem xét, xử lý, hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý những sai phạm, sai sót theo quy định. Về việc tính toán số liệu kết dư ngân sách địa phương Theo Luật NSNN năm 2015, kết dư ngân sách là chênh lệch lớn hơn giữa tổng số thu ngân sách so với tổng số chi ngân sách của từng cấp ngân sách sau khi kết thúc năm ngân sách, theo công thức: Kết dư NSĐP = Tổng số thu NSĐP – Tổng số chi NSĐP.
Tổng số thu NSĐP để tính kết dư bao gồm các khoản thu NSĐP được hưởng từ các khoản thu sau: Số thu của NSNN phát sinh trên địa bàn trong năm như thu nội địa; thu dầu thô; thu xuất khẩu, nhập khẩu; thu viện trợ; các khoản thu huy động, đóng góp; thu hồi vốn của nhà nước và quỹ dự trữ tài chính theo quy định; số thu chuyển nguồn của NSĐP từ năm trước chuyển sang; số thu kết dư NSĐP năm trước; số thu bổ sung từ ngân sách trung ương (NSTW) cho NSĐP.
Lưu ý: Tổng số thu NSĐP để tính kết dư không bao gồm các khoản: Nguồn thu (bội thu, kết dư, tăng thu, tiết kiệm chi) của ngân sách cấp tỉnh bố trí để trả nợ gốc; số thu bổ sung của ngân sách cấp tỉnh, cấp huyện cho ngân sách cấp huyện, cấp xã và số thu từ ngân sách cấp huyện, cấp xã nộp lên ngân sách cấp tỉnh, cấp huyện; số vay của ngân sách cấp tỉnh.
Tổng số chi NSĐP để tính kết dư bao gồm các khoản sau: Số chi của NSĐP phát sinh trong năm như chi đầu tư phát triển; chi thường xuyên; chi trả lãi vay theo quy định; chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính; chi chuyển nguồn; chi viện trợ (nếu có) và các nhiệm vụ chi khác theo quy định; số chi của ngân sách cấp tỉnh nộp trả NSTW.
Lưu ý: Tổng số chi NSĐP để tính kết dư không bao gồm các khoản chi: Số chi của ngân sách cấp tỉnh, cấp huyện bổ sung cho ngân sách cấp huyện, cấp xã và không bao gồm số chi của ngân sách cấp huyện, cấp xã nộp trả ngân sách cấp tỉnh, cấp huyện; số chi trả nợ gốc NSĐP từ nguồn vay.
Một số sai sót thường gặp như sau: Số thu chuyển nguồn của NSĐP từ năm trước chuyển sang lớn hơn số chi chuyển nguồn của NSĐP cuối năm trước; số thu kết dư của NSĐP từ năm trước chuyển sang lớn hơn số kết dư năm trước của NSĐP, nguyên nhân do việc theo dõi và hạch toán trên hệ thống TABMIS đối với số liệu chi chuyển nguồn, số kết dư từ năm trước chuyển sang chưa đầy đủ các bước theo quy định, vì vậy số liệu chưa chính xác.
Việc theo dõi số thu chuyển giao, số chi chuyển giao của NSĐP chưa chính xác do: Không hạch toán số thu từ ngân sách cấp tỉnh nộp trả NSTW vào khoản thu chuyển giao ngân sách mà hạch toán vào khoản thu khác của NSĐP; không hạch toán số chi của ngân sách cấp tỉnh nộp trả NSTW vào các nhiệm vụ chi khác của NSĐP. Việc theo dõi, hạch toán như trên là chưa phản ánh đúng bản chất của khoản thu, chi chuyển giao ngân sách.
Về số liệu vay, trả nợ của ngân sách địa phương
Để đảm bảo việc theo dõi, hạch toán số liệu vay, trả nợ, dư nợ của NSĐP đúng quy định, Bộ Tài chính đã có Công văn số 10536/BTC-NSNN ngày 09/09/2019, trong đó đã hướng dẫn các địa phương tổng hợp số liệu quyết toán vay, trả nợ của NSĐP theo đúng mẫu biểu, đồng thời lưu ý đối với quyết toán vay, trả nợ của NSĐP như sau:
Quyết toán vay của NSĐP nằm trong phạm vi dự toán vay được Quốc hội quyết định, Chính phủ giao theo đúng quy định tại Khoản 4, Điều 5 Luật NSNN năm 2015; quyết toán chi trả nợ gốc của NSĐP theo đúng quy định tại Điều 5 và điểm c) Khoản 3, Điều 35 Nghị định số 163/2016/ NĐ-CP ngày 21/12/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật NSNN năm 2015.
Riêng đối với khoản vay để đầu tư cho doanh nghiệp, như Dự án “Năng lượng nông thôn II” vay vốn ngân hàng thế giới (REII), thực hiện như sau: Trường hợp địa phương bố trí ngân sách để trả nợ gốc và lãi, thì hạch toán, quyết toán vay, trả nợ và tính vào dư nợ vay của NSĐP; trường hợp địa phương và Tổng công ty điện lực đã cam kết bằng văn bản, theo đó Tổng công ty điện lực thanh toán trả nợ gốc, lãi, thì không hạch toán, quyết toán vay, trả nợ và tính vào dư nợ vay của NSĐP.
Số liệu quyết toán vay, trả nợ của NSĐP được đối chiếu, xác nhận với KBNN tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Trường hợp phát hiện có chênh lệch, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với KBNN tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tìm nguyên nhân, báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định, bảo đảm phản ánh đúng, đầy đủ các khoản vay, trả nợ của NSĐP theo quy định.
Lưu ý để tránh các vướng mắc như: Hạch toán số vay của NSĐP lớn hơn so với dự toán vay của NSĐP đã được Quốc hội quyết định; hạch toán số vay của NSĐP bao gồm cả các khoản vay do chính quyền địa phương bảo lãnh nhưng do doanh nghiệp thực hiện trả nợ, hạch toán số trả nợ của NSĐP bao gồm cả các khoản do doanh nghiệp thực hiện trả nợ, vì nằm ngoài phạm vi vay, trả nợ của NSĐP.
Để khắc phục những vướng mắc trên, cần có sự phối hợp giữa cơ quan tài chính, KBNN hạch toán trên hệ thống TABMIS và đơn vị nhận nợ để kiểm tra, rà soát thông tin, số liệu, đảm bảo việc báo cáo số vay, trả nợ, dư nợ của NSĐP đúng phạm vi, đúng quy định.
Về số bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương
Hiện nay, vẫn còn tình trạng tổng hợp thiếu một số khoản kinh phí NSTW bổ sung cho NSĐP ví dụ như: Phí bảo trì đường bộ, kinh phí chăn nuôi nông hộ, trồng lúa sang trồng ngô, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, do Sở Tài chính chưa phối hợp với KBNN để làm thủ tục hạch toán chi NSTW, thu bổ sung cho NSĐP vào hệ thống TABMIS đúng quy định, vì vậy xác định không chính xác số bổ sung có mục tiêu từ NSTW cho NSĐP, từ đó xác định sai số tồn quỹ NSĐP và báo cáo cấp có thẩm quyền không chính xác.
Theo số liệu trên hệ thống TABMIS, dự toán số bổ sung có mục tiêu vốn ngoài nước từ NSTW cho một số địa phương vẫn còn dư dự toán mà chưa thực hiện phối hợp, rà soát để xử lý theo quy định. Để khắc phục tình hình trên, cần có sự kiểm tra, rà soát giữa cơ quan tài chính và KBNN để xác định trường hợp không thuộc đối tượng chuyển nguồn sang ngân sách năm sau thì thực hiện hủy dự toán theo quy định.
Một số địa phương chưa rà soát và nộp trả NSTW đối với các khoản bổ sung có mục tiêu từ NSTW cho NSĐP còn dư nhưng không thuộc đối tượng chuyển nguồn sang ngân sách năm sau theo quy định.
Về số liệu thu, chi chuyển giao của ngân sách địa phương
Thông tư số 77/2017/TT-BTC ngày 28/7/2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ kế toán NSNN và nghiệp vụ KBNN đã sử dụng Mã tổ chức ngân sách dùng để hạch toán các khoản thu, chi chuyển giao giữa các cấp ngân sách để phân biệt với các khoản thu, chi NSNN, đảm bảo việc phân tích, đánh giá đúng bản chất của các khoản thu, chi NSNN. Tuy nhiên thực tế, một số địa phương không tổng hợp, báo cáo đầy đủ, chính xác số liệu thu, chi chuyển giao của NSĐP như: Số thu từ cấp trên không bằng số chi của cấp trên cho cấp dưới; hoặc số chi nộp cấp trên không bằng số thu từ cấp dưới nộp cấp trên, do có khoản hạch toán vào thu, chi khác của ngân sách.
Việc hạch toán vào số thu khác, chi khác của ngân sách làm ảnh hưởng tới việc đánh giá số thu, chi của NSNN do không phản ánh đúng bản chất khoản thu, chi NSNN.
Xử lý các khoản thu, chi NSNN sai quy định khi đã được cấp có thẩm quyền phê chuẩn quyết toán
Theo quy định của Luật NSNN năm 2015, sau khi quyết toán NSĐP đã được cấp có thẩm quyền phê chuẩn, trường hợp phát hiện những khoản thu NSNN không đúng quy định của pháp luật phải được hoàn trả cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân đã nộp; những khoản thu NSNN nhưng chưa thu phải được truy thu đầy đủ cho ngân sách; những khoản chi NSNN không đúng với quy định của pháp luật phải được thu hồi đủ cho ngân sách theo quy định tại Khoản 8, Điều 65 Luật NSNN năm 2015.
Để đảm bảo số liệu quyết toán NSĐP đầy đủ, chính xác, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan tài chính và KBNN trong việc kiểm tra, đối chiếu số liệu và xử lý theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao.
Có thể nhận thấy, số liệu kế toán thu, chi NSNN trên hệ thống TABMIS ngày càng trở thành căn cứ quan trọng để cơ quan tài chính các cấp và KBNN trung ương thực hiện thẩm định, kiểm tra, rà soát, tổng hợp quyết toán NSĐP theo quy định. Để công tác quyết toán NSĐP được thực hiện theo đúng thời gian, trình tự quy định của Luật NSNN năm 2015 đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa Bộ Tài chính, cơ quan tài chính các cấp, KBNN trung ương và KBNN giao dịch để kiểm tra, đối chiếu số liệu thu, chi NSĐP đảm bảo quy định của Luật NSNN năm 2015, làm căn cứ tổng hợp Báo cáo quyết toán NSĐP đầy đủ, chính xác, kịp thời hạn và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đúng quy định./.
Tài liệu tham khảo:
1. Luật NSNN số 83/2015/QH13 năm 2015;
2. Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21/12/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật NSNN;
3. Thông tư số 77/2017/TT-BTC ngày 28/7/2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ kế toán NSNN và nghiệp vụ KBNN;
4. Công văn số 10536/BTC-NSNN ngày 09/9/2019 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn địa phương trong công tác báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018.
THS.NGUYỄN HỒNG NHUNG
“Tổng số thu NSĐP để tính kết dư không bao gồm các khoản: Nguồn thu (bội thu, kết dư, tăng thu, tiết kiệm chi) của ngân sách cấp tỉnh bố trí để trả nợ gốc; số thu bổ sung của ngân sách cấp tỉnh, cấp huyện cho ngân sách cấp huyện, cấp xã và số thu từ ngân sách cấp huyện, cấp xã nộp lên ngân sách cấp tỉnh, cấp huyện; số vay của ngân sách cấp tỉnh.” cho mình hỏi nội dung này văn bản nào quy định bạn?