Nhiệm vụ tổng hợp, lập Báo cáo tài chính nhà nước (BCTCNN) của hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN) phụ thuộc vào nguồn thông tin cung cấp từ phía các đơn vị dự toán cấp 1. Chính vì vậy, nâng cao chất lượng thông tin tài chính trình bày trên Báo cáo tài chính của đơn vị dự toán cấp 1 sẽ góp phần hoàn thiện Báo cáo tài chính nhà nước trong thời gian tới.
BCTCNN được lập trên phạm vi toàn quốc và từng địa phương, trên nguyên tắc hợp nhất báo cáo cung cấp thông tin tài chính của các cơ quan quản lý và đơn vị dự toán cấp 1. Trong đó bao gồm các đơn vị dự toán cấp 1 có đơn vị trực thuộc và các đơn vị dự toán cấp 1 đồng thời là đơn vị kế toán cơ sở.
Hiện nay, cơ chế tài chính áp dụng cho các đơn vị kế toán trực thuộc đơn vị kế toán khá đa dạng, phức tạp. Các đơn vị này được sử dụng nhiều nguồn kinh phí để duy trì hoạt động, ngoài ra còn có thể huy động vốn, vay nợ, đầu tư, góp vốn và được tổ chức hoạt động kinh doanh dịch vụ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ.
Do đó, các đơn vị cần cung cấp các thông tin tài chính đảm bảo tính chính xác, đầy đủ, minh bạch nhằm nâng cao trách nhiệm giải trình của các đơn vị trong lĩnh vực công, phục vụ cho việc lập BCTCNN, góp phần điều hành quản lý tài chính công của Nhà nước.
Thực Trạng Báo Cáo Tài Chính Của Các Đơn Vị Dự Toán Cấp 1
Phần lớn các đơn vị dự toán cấp 1 áp dụng chế độ kế toán hành chính sự nghiệp. Bài viết này sẽ tập trung giới thiệu một số nghiên cứu về báo cáo cung cấp thông tin tài chính được lập bởi các đơn vị dự toán cấp 1 theo quy định tại Thông tư số 107/2017/TT-BTC ngày 10/10/2017 của Bộ Tài chính, hướng dẫn chế độ kế toán hành chính sự nghiệp (Thông tư số 107), nhằm phục vụ việc tổng hợp và lập BCTCNN.
Hiện nay, thông tin trình bày trên báo cáo tài chính (BCTC) của các đơn vị dự toán cấp 1 chưa thực sự thống nhất với các chỉ tiêu của BCTCNN, chưa đáp ứng hiệu quả công tác điều hành, quản lý của cấp có thẩm quyền. Một số quy định về lập BCTC của các đơn vị dự toán cấp 1 còn gặp phải một số vướng mắc, cụ thể:
- Quy định về trình bày BCTC đối với đơn vị dự toán cấp 1 hiện nay đã khá chi tiết. Tuy nhiên, một số thuật ngữ chuyên môn còn mới và chưa được hiểu, áp dụng thống nhất giữa các đơn vị. Ví dụ: khái niệm về tài sản, nợ phải trả, doanh thu, chi phí, tài sản thuần, tương đương tiền, hàng tồn kho, đơn vị kinh tế, đơn vị kiểm soát và đơn vị bị kiểm soát… Do đó, chất lượng thông tin BCTC của các đơn vị dự toán cấp 1 chưa đồng đều và vẫn còn những hạn chế nhất định.
Theo Chuẩn mực kế toán công Việt Nam số 01, ban hành tại Quyết định số 1676/QĐ-BTC ngày 01/9/2021 của Bộ Tài chính về việc công bố 5 Chuẩn mực kế toán công Việt Nam đợt 1, hướng dẫn bộ BCTC hoàn chỉnh bao gồm: BCTC, báo cáo kết quả hoạt động, báo cáo lưu chuyển tiền tệ, báo cáo về những thay đổi trong tài sản ròng/vốn chủ sở hữu, báo cáo thuyết minh tài chính và một số thông tin so sánh bổ sung.
Tuy nhiên, các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay chưa hướng dẫn về việc lập riêng báo cáo về những thay đổi trong tài sản ròng/vốn chủ sở hữu.
Các Vướng Mắc Trong Quá Trình Lập Báo Cáo
Hiện nay, Ban quản lý dự án (BQLDA) chuyên ngành, BQLDA khu vực và BQLDA do chủ đầu tư thành lập là đối tượng áp dụng chế độ kế toán cho ban quản lý dự án sử dụng vốn đầu tư công theo Thông tư số 79/2019/TT-BTC ngày 14/11/2019 của Bộ Tài chính (Thông tư số 79). Tuy nhiên, theo Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng (Nghị định số 15), hiện nay BQLDA chuyên ngành và BQLDA khu vực do cơ quan có thẩm quyền thành lập là đơn vị sự nghiệp công lập.
Trong khi đó, các BQLDA này có những hoạt động kinh tế, tài chính đặc thù vẫn chưa được hướng dẫn, quy định tại chế độ kế toán hành chính sự nghiệp theo Thông tư số 107.
Qua 5 năm triển khai lập BCTCNN, có thể thấy nguyên nhân dẫn đến những vướng mắc trong thực hiện quy định về việc lập BCTC của đơn vị dự toán cấp 1 chủ yếu đến từ:
- Thay đổi cơ chế, chính sách
- Yêu cầu quản lý của đơn vị và cơ quan quản lý nhà nước
- Tình hình kinh tế, xã hội của đất nước
- Yêu cầu hội nhập quốc tế
Giải Pháp Hoàn Thiện Báo Cáo Tài Chính
Để BCTC của đơn vị dự toán cấp 1 thực sự có ý nghĩa và cung cấp được các thông tin tài chính theo yêu cầu quản lý, trên cơ sở vận dụng các thông lệ tốt của quốc tế, minh bạch bức tranh tài chính của đơn vị và đảm bảo thông tin đầu vào cho lập BCTCNN, cần tiếp tục hoàn thiện một số nội dung sau:
- Thống nhất về bản chất đối tượng thông tin: Cần quy định về ghi nhận và trình bày thông tin trên BCTC phù hợp. Trên cơ sở đó, cần có các nguyên tắc kế toán và khái niệm của một số thuật ngữ chuyên môn như: tài sản thuần, doanh thu – chi phí, tương đương tiền, các khoản chuyển giao…
- Tuân thủ thông lệ quốc tế và Chuẩn mực kế toán công Việt Nam: Cần quy định đầy đủ các báo cáo thành phần của BCTC. Nhằm đáp ứng các yêu cầu quản lý và cơ chế tài chính, Bộ Tài chính cần sớm có hướng dẫn chi tiết về việc lập riêng biểu báo cáo những thay đổi trong tài sản ròng/vốn chủ sở hữu.
- Hoàn thiện hệ thống BCTC của các đơn vị kế toán cơ sở: Chế độ kế toán hành chính sự nghiệp cần có các hướng dẫn kế toán phù hợp với mô hình hoạt động của các BQLDA sử dụng vốn đầu tư công.
Việc hoàn thiện hệ thống BCTC của các đơn vị kế toán nhà nước, trong đó trọng tâm là sửa đổi chế độ kế toán hành chính sự nghiệp, là một yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng thông tin tài chính của các đơn vị dự toán cấp 1.
Kết Luận
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và đổi mới mạnh mẽ hoạt động của các đơn vị trong khu vực công, việc tăng cường năng lực hoạt động, tự chủ về tài chính, tinh giản bộ máy, minh bạch hoạt động đáp ứng yêu cầu quản lý là điều cần thiết. Để đảm bảo tính chính xác và nâng cao chất lượng thông tin trên BCTCNN, các thông tin cung cấp từ các đơn vị dự toán cấp 1 là rất quan trọng.
Hy vọng những nghiên cứu và giải pháp trong bài viết này sẽ góp phần hoàn thiện hơn nữa thông tin tài chính của các đơn vị dự toán cấp 1, từ đó nâng cao chất lượng của BCTCNN và thực sự trở thành kênh thông tin tham khảo hữu ích về tài sản và tài chính công của Nhà nước.
Tài Liệu Tham Khảo:
- Luật Kế toán số 88/2015/QH13 ngày 20/11/2015.
- Nghị định số 25/2017/NĐ-CP ngày 14/3/2017 của Chính phủ về Báo cáo tài chính nhà nước.
- Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng.
- Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.
- Thông tư số 107/2017/TT-BTC ngày 10/10/2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ kế toán hành chính, sự nghiệp.
- Thông tư số 99/2018/TT-BTC ngày 01/11/2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn lập báo cáo tài chính tổng hợp của đơn vị kế toán nhà nước.
- Thông tư số 79/2019/TT-BTC ngày 14/11/2019 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ kế toán áp dụng cho ban quản lý dự án sử dụng vốn đầu tư công.
- Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp.
NGUYỄN THỊ HẢI YẾN