Trong các năm gần đây, công tác giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản trên cả nước gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên, KBNN Thanh Hóa luôn nằm trong top 10 những tỉnh có tỷ lệ giải ngân cao nhất. Để đạt được kết quả tích cực này, KBNN Thanh Hóa đã chủ động nghiên cứu và triển khai nhiều giải pháp đẩy nhanh tiến độ kiểm soát chi đầu tư xây dựng cơ bản nhưng vẫn đảm bảo đúng chế độ, chặt chẽ, an toàn.
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án đầu tư là một trong các nội dung để thực hiện các giải pháp mà Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hành các bộ, cơ quan, địa phương trong Nghị quyết về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán NSNN hằng năm. Đặc biệt Nghị quyết số 01/ NQ-CP ngày 01/01/2018 Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phấn đấu giải ngân 100% dự toán chi đầu tư phát triển được Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ giao.
Nhằm hiện thực hóa Nghị quyết của Chính phủ, KBNN Thanh Hóa đã có nhiều biện pháp nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư từ NSNN thông qua kiểm soát chặt chẽ các khoản chi đầu tư XDCB, kiểm soát tình hình triển khai dự án, thanh toán và tiến độ thu hồi tạm ứng vốn đầu tư XDCB, tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư XDCB, tiến độ quyết toán dự án hoàn thành.
Các giải pháp đôn đốc giải ngân vốn đầu tư XDCB
Thường xuyên đôn đốc, phối hợp tuyên truyền đến các chủ đầu tư, đơn vị thi công việc thanh toán và tạm ứng vốn NSNN và TPCP cho các dự
án đầu tư (trong kế hoạch) phải căn cứ vào khối lượng thực hiện; quản lý, sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả; quản lý chặt chẽ vốn ứng, kiên quyết không cho nhà thầu ứng vốn khi chưa có mặt bằng thi công.
KBNN Thanh Hóa thường xuyên rà soát và có kế hoạch giải ngân cụ thể đối với từng dự án, gói thầu; thông báo kịp thời đến các ban quản lý dự án, các chủ đầu tư các dự án giải ngân chậm,trường hợp dự kiến khả năng không giải ngân hết kế hoạch vốn, yêu cầu các chủ đầu tư báo cáo về Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính để tổng hợp, trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, điều chuyển vốn cho các dự án khác theo quy định. Phối hợp và yêu cầu các đơn vị chủ đầu tư khẩn trương nghiệm thu, lên phiếu giá khối lượng hoàn thành để thanh toán ngay với KBNN khi có khối lượng nghiệm thu và hoàn ứng theo quy định.
Bên cạnh đó, KBNN Thanh Hóa thường xuyên quan tâm kiểm soát chặt chẽ, an toàn và hiệu quả nguồn vốn đầu tư với nhiều biện pháp: Kiên quyết chỉ giải ngân vốn dự án cho các mục tiêu đã được xác định cụ thể trong các quyết định giao kế hoạch của các bộ, ban ngành và UBND các cấp.
Chú trọng công tác kiểm tra hồ sơ đề nghị thanh toán do chủ đầu tư gửi đến, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra hiện trường; việc thanh toán và tạm ứng tiếp theo chỉ được thực hiện sau khi thanh toán khối lượng hoàn thành.
Phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, các cơ quan đơn vị sử dụng vốn NSNN cùng thực hiện nhiệm vụ chung trong quá trình kiểm soát chi NSNN; tình hình triển khai dự án, tình hình sử dụng vốn; qua đó tham mưu với các cấp có thẩm quyền thực hiện điều hoà, điều chỉnh kế hoạch kịp thời từ những dự án không có khả năng thực hiện, dự án có số vốn tạm ứng lâu chưa thu hồi sang những dự án có khối lượng thực hiện lớn; phát hiện và báo cáo cấp có thẩm quyền đối với những dự án chưa thực hiện đúng trình tự, hoặc thiếu thủ tục đầu tư xây dựng, từ đó có biện pháp đôn đốc và tháo gỡ khó khăn các chủ đầu tư.
Đối với những dự án hoàn thành, KBNN Thanh Hóa chủ động thông tin, tuyên truyền đến các chủ đầu tư, ban quản lý dự án nội dung Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 27/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh công tác quyết toán vốn đầu tư các dự án hoàn thành sử dụng vốn nhà nước; cũng như thông báo kịp thời đến các chủ quản đầu tư, các chủ đầu tư những dự án hoàn thành đủ điều kiện quyết toán dự án hoàn thành để các chủ đầu tư lập hồ sơ quyết toán các gói thầu, dự án đã hoàn thành gửi cơ quan có thẩm quyền thẩm tra và phê duyệt quyết toán.
Thông qua việc triển khai nhiều biện pháp trong kiểm soát các khoản chi đầu tư XDCB dự án sử dụng vốn đầu tư từ NSNN: KBNN Thanh Hóa đã từ chối thanh toán hàng ngàn khoản chi do vượt dự toán, vượt khối lượng, vượt giá trị hợp đồng, sai tài khoản đơn vị hưởng… tỷ lệ giải ngân hằng năm của KBNN Thanh Hóa so với kế hoạch đều đạt trên 90%; thực tế KBNN Thanh Hóa luôn nằm trong top 10 các đơn vị có tỷ lệ giải ngân cao nhất hệ thống KBNN; số dư tạm ứng năm giảm rõ rệt: Năm 2014 là 1.279 tỷ đồng giảm xuống 1.142 tỷ đồng vào năm 2015; 1.134 tỷ đồng năm 2016 và giảm xuống 907 tỷ đồng vào năm 2017.
Các giải pháp đối với công tác thu hồi tạm ứng
Trong công tác thu hồi tạm ứng vốn đầu tư XDCB, KBNN Thanh Hóa định kỳ có thông báo cho các các chủ đầu tư về tình hình giải ngân của dự án, đặc biệt là đối với các dự án có tốc độ giải ngân thấp, có số vốn tạm ứng lớn, thu hồi vốn ứng chậm, các hợp đồng còn dư ứng và thời gian của bảo lãnh tạm ứng… để chủ đầu tư tích cực trong việc nghiệm thu khối lượng hoàn thành và gia hạn bảo lãnh tạm ứng cho phù hợp với khả năng thực hiện, tránh tính trạng kế hoạch vốn của dự án hết, số dư tạm ứng còn nhưng thời gian bảo lãnh tạm ứng hết hiệu lực…
Đồng thời, gửi văn bản đôn đốc các đơn vị chủ đầu tư khẩn trương nghiệm thu, lên phiếu giá khối lượng hoàn thành để thanh toán ngay với KBNN khi có khối lượng nghiệm thu và hoàn ứng theo quy định; yêu cầu các chủ đầu tư có trách nhiệm sử dụng vốn tạm ứng đúng mục đích, đúng đối tượng, thu hồi đủ số vốn đã tạm ứng theo chế độ quy định.
Trường hợp vốn tạm ứng không sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích, yêu cầu chủ đầu tư có trách nhiệm thu hồi hoàn trả lại NSNN theo quy định. Yêu cầu chủ đầu tư có trách nhiệm khẩn trương thực hiện việc thanh toán số vốn đã tạm ứng đối với các hộ dân đã nhận tiền bồi thường, hỗ trợ không chờ đến khi toàn bộ các hộ dân trong phương án giải phóng mặt bằng đã nhận tiền mới làm thủ tục thanh toán vốn tạm ứng.
Trường hợp vốn tạm ứng chưa thu hồi nhưng không sử dụng, nếu quá thời hạn 6 tháng quy định trong hợp đồng hoặc tiến độ giải phóng mặt bằng đã được phê duyệt phải thực hiện khối lượng mà nhà thầu hoặc đơn vị được giao nhiệm vụ giải phóng mặt bằng chưa thực hiện do nguyên nhân khách quan hay chủ quan hoặc sau khi ứng vốn mà nhà thầu hoặc đơn vị được giao nhiệm vụ giải phóng mặt bằng sử dụng sai mục đích chủ đầu tư có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với KBNN để thu hồi hoàn trả vốn đã tạm ứng cho NSNN.
Riêng trường hợp chủ đầu tư đã tạm ứng vốn cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng vì lý do bất khả kháng chưa chi trả cho người thụ hưởng, nếu trước đây đã gửi tiền tại các tổ chức tín dụng có phát sinh lãi đề nghị nộp toàn bộ lãi phát sinh vào NSNN; đồng thời chuyển toàn bộ số tiền đã tạm ứng về tài khoản tiền gửi của chủ đầu tư tại KBNN để thuận tiện cho việc kiểm soát thanh toán và thu hồi tạm ứng.
Phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, các cấp có thẩm quyền trong giữ gìn kỷ cương, kỷ luật tài chính đối với dự án đầu tư từ nguồn vốn NSNN trên địa bàn tỉnh, KBNN Thanh Hóa đã thực hiện đầy đủ chức năng kiểm soát chi đầu tư XDCB. Nhờ vậy, nâng cao vai trò của KBNN Thanh Hóa trong công tác quản lý tài chính, tiền tệ, ngân sách, ngân quỹ Quốc gia trong hệ thống Tài chính tỉnh, đáp ứng tốt yêu cầu thực tiễn công tác quản lý ngân sách trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
THS. LÊ MINH ĐỨC