Thời gian qua, các quy định về quản lý đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) đã được ban hành, sửa đổi, bổ sung, tạo hành lang pháp lý ngày càng đầy đủ, hoàn thiện, đã phát huy hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thống nhất quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, góp phần cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường pháp lý thông thoáng, thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân, phát huy quyền chủ động và nâng cao trách nhiệm của cơ quan quản lý, tổ chức, cá nhân trong đầu tư XDCB. Tuy nhiên, quá trình vận dụng thực tế vẫn còn một số vấn đề cần được chia sẻ, trao đổi làm rõ thêm.
Quản lý dự án đầu tư xây dựng là quá trình phức tạp, được điều chỉnh bởi nhiều hệ thống pháp luật khác nhau như: Các quy định về đầu tư công, về đất đai, bảo vệ môi trường, về quản lý dự án đầu tư, lựa chọn nhà thầu, quản lý thực hiện hợp đồng, thanh toán vốn đầu tư… và phải thực hiện qua nhiều bước thủ tục khác nhau, từ các công việc chuẩn bị đầu tư dự án như: Thủ tục xin giao đất; lập, thẩm định, phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi/Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư; Báo cáo nghiên cứu khả thi, đánh giá tác động môi trường; đền bù giải phóng mặt bằng, khảo sát xây dựng; lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế dự toán; cấp giấy phép xây dựng; đến các công việc tổ chức lựa chọn nhà thầu và ký kết hợp đồng xây dựng; tổ chức thi công xây dựng; giám sát thi công xây dựng; nghiệm thu đưa công trình xây dựng hoàn thành; bàn giao công trình xây dựng hoàn thành đưa vào sử dụng; tạm ứng, thanh toán; quyết toán hợp đồng, dự án; bảo hành, bảo trì… Vì vậy, khi áp dụng đồng bộ các quy định về đầu tư công, đầu tư xây dựng, lựa chọn nhà thầu, thanh toán vốn đầu tư và các quy định có liên quan trong quản lý dự án đầu tư, sẽ không tránh khỏi có những lúng túng. Trong phạm vi bài viết, chúng tôi mong muốn được chia sẻ, trao đổi một số nội dung trong quản lý dự án đầu tư khi áp dụng đồng bộ các quy định có liên quan.
Phân biệt và xác định nguồn vốn để áp dụng đúng các quy định về thẩm quyền thẩm định, phê duyệt dự án, thiết kế, dự toán

Theo quy định tại Khoản 22, Điều 4 Luật Đầu tư công năm 2019 (Luật Đầu tư công) có hiệu lực ngày 01/01/2020 và theo quy định chuyển tiếp thì thực hiện từ năm kế hoạch vốn 2021: Vốn đầu tư công bao gồm vốn NSNN, vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư theo quy định của pháp luật.
Tại Luật Xây dựng năm 2014 (Luật Xây dựng) và Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/06/2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng (Nghị định 59) đưa vào khái niệm vốn NSNN và vốn nhà nước ngoài ngân sách, như quy định tại Khoản 2, Khoản 3, Điều 57 Luật Xây dựng và Khoản 2, Khoản 3, Điều 10 Nghị định 59 về thẩm quyền thẩm định dự án đầu tư đối với dự án sử dụng vốn NSNN và vốn nhà nước ngoài ngân sách; quy định tại Khoản 2, Khoản 3, Điều 82 Luật Xây dựng và Điều 24, 25 Nghị định 59 về thẩm quyền thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán đối với dự án sử dụng vốn NSNN và vốn nhà nước ngoài ngân sách…
Tại Điều 4, Luật NSNN năm 2015 (Luật NSNN) quy định: NSNN là toàn bộ các khoản thu, chi của nhà nước được dự toán và thực hiện trong một khoảng thời gian nhất định do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định để bảo đảm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của nhà nước; và quy định tại Khoản 14, Điều 2 Nghị định 59: Vốn nhà nước ngoài ngân sách là vốn nhà nước theo quy định của pháp luật nhưng không bao gồm vốn NSNN.
Như vậy, cần phải phân biệt và xác định đúng dự án sử dụng vốn NSNN và vốn nhà nước ngoài ngân sách để áp dụng đồng bộ các quy định tại các Luật NSNN, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn.
Quy định về hình thức quản lý dự án, chứng chỉ hành nghề của giám đốc quản lý dự án
Đối với dự án đầu tư xây dựng công trình có tổng mức đầu tư trên 15 tỷ đồng, cấp quyết định đầu tư phải phê duyệt trong quyết định đầu tư hình thức giao ban quản lý dự án chuyên ngành hoặc ban quản lý dự án khu vực để chủ đầu tư thực hiện. Giám đốc quản lý dự án phải có chứng chỉ hành nghề theo quy định tại Khoản 18, Điều 1 Nghị định số 42/2017/NĐ – CP ngày 05/04/2017 của Chính phủ (Nghị định 42) sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/06/2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng (Nghị định 59), cụ thể sửa đổi Điều 54 Nghị định 59: Cá nhân đảm nhận chức danh Giám đốc quản lý dự án phải có chứng chỉ hành nghề quản lý dự án phù hợp với loại và quy mô dự án theo quy định tại điều này; cá nhân có trình độ chuyên môn thuộc chuyên ngành xây dựng phù hợp với yêu cầu của dự án được cấp chứng chỉ hành nghề quản lý dự án khi đáp ứng các điều kiện tương ứng với mỗi hạng…”.
Đối với dự án đầu tư xây dựng công trình có tổng mức đầu tư dưới 15 tỷ đồng, theo quy định tại Khoản 8, Điều 1 Nghị định 42: Chủ đầu tư sử dụng tư cách pháp nhân của mình và bộ máy chuyên môn trực thuộc có đủ điều kiện, năng lực để trực tiếp quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình có tổng mức đầu tư dưới 15 tỷ đồng. Quy định tại Khoản 2, Điều 21 Nghị định 59: Cá nhân tham gia quản lý dự án làm việc theo chế độ kiêm nhiệm và phải có chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với công việc đảm nhận.
Tuy nhiên, không có quy định cụ thể về điều kiện, năng lực của chủ đầu tư và cá nhân tham gia quản lý dự án đối với hình thức chủ đầu tư trực tiếp quản lý dự án. Vì vậy, trường hợp này vận dụng quy định tại Khoản 18, Điều 1 Nghị định 42 để thực hiện, theo đó điều kiện, năng lực của chủ đầu tư là đã trực tiếp tham gia quản lý dự án có quy mô tương tự, cá nhân tham gia quản lý dự án có trình độ chuyên môn thuộc chuyên ngành xây dựng phù hợp với yêu cầu của dự án.
Quy định về trình tự nghiệm thu thiết kế xây dựng công trình
Tại Điều 17 Nghị định số 46/2015/NĐ-CP ngày 12/05/2015 của Chính phủ về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng (Nghị định 46) quy định: Lập nhiệm vụ thiết kế xây dựng công trình; quản lý chất lượng công tác thiết kế xây dựng; thẩm định, thẩm tra thiết kế xây dựng; phê duyệt thiết kế xây dựng công trình; nghiệm thu thiết kế xây dựng công trình. Điều 5 Thông tư số 26/2016/TT-BXD ngày 26/10/2016 của Bộ Xây dựng quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng (Thông tư 26) có quy định về nghiệm thu thiết kế xây dựng công trình: Sau khi hồ sơ thiết kế xây dựng công trình được thẩm định, phê duyệt theo quy định, chủ đầu tư kiểm tra khối lượng công việc đã thực hiện, sự phù hợp về quy cách, số lượng hồ sơ thiết kế so với quy định của hợp đồng xây dựng và thông báo chấp thuận nghiệm thu hồ sơ thiết kế xây dựng bằng văn bản đến nhà thầu thiết kế nếu đạt yêu cầu.
Như vậy, từ khâu lựa chọn nhà thầu, thương thảo, ký kết hợp đồng tư vấn giữa chủ đầu tư và nhà thầu, cần phải xác định thời gian thực hiện hợp đồng tư vấn thiết kế từ thời điểm bắt đầu đến thời điểm kết thúc và các giai đoạn bàn giao, nghiệm thu cụ thể: Khi nhà thầu thiết kế bàn giao hồ sơ thiết kế cho chủ đầu tư để thẩm định, phê duyệt, thời điểm này thiết kế chưa được nghiệm thu, vì vậy cần lập Biên bản bàn giao (giao nhận) hồ sơ thiết kế để thực hiện đúng quy định đồng thời xác nhận thời điểm hoàn thành theo giai đoạn của hợp đồng, việc nghiệm thu thiết kế chỉ thực hiện sau khi hồ sơ thiết kế đã được phê duyệt, là thời điểm kết thúc thời gian thực hiện hợp đồng tư vấn.
Quy định về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa
Điều 12 Nghị định số 68/2019/ NĐ-CP ngày 14/08/2019 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng (Nghị định 68) quy định về giá gói thầu xây dựng, có hiệu lực từ ngày 01/10/2019 quy định: Trường hợp thời điểm tổ chức lựa chọn nhà thầu thực tế khác với kế hoạch triển khai của dự án thì chủ đầu tư phải tổ chức cập nhật giá gói thầu xây dựng theo mặt bằng giá ở thời điểm 28 ngày trước ngày mở thầu. Trường hợp giá gói thầu xây dựng sau khi cập nhật cao hơn giá gói thầu xây dựng đã phê duyệt và làm vượt tổng mức đầu tư xây dựng của dự án thì chủ đầu tư phải điều chỉnh chủng loại, xuất xứ vật tư, thiết bị đảm bảo yêu cầu về chất lượng, kỹ thuật nhưng có giá phù hợp để không vượt tổng mức đầu tư và báo cáo người quyết định đầu tư quyết định.
Điểm đ, Khoản 2, Điều 86 Luật Xây dựng có quy định: Nhà thầu thiết kế xây dựng không được chỉ định nhà sản xuất cung cấp vật liệu, vật tư và thiết bị xây dựng trong nội dung thiết kế xây dựng của công trình sử dụng vốn nhà nước; căn cứ Điểm i, Khoản 6, Điều 89 Luật Đấu thầu năm 2013 (Luật Đấu thầu) quy định cấm nêu yêu cầu cụ thể về nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa trong hồ sơ mời thầu đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp hoặc gói thầu hỗn hợp khi áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế.
Khoản 7, Điều 12 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/06/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu (Nghị định 63) có quy định: Hồ sơ mời thầu không được nêu yêu cầu về nhãn hiệu, xuất xứ cụ thể của hàng hóa. Trường hợp không thể mô tả chi tiết hàng hóa theo đặc tính kỹ thuật, thiết kế công nghệ, tiêu chuẩn công nghệ thì được nêu nhãn hiệu, catalô của một sản phẩm cụ thể để tham khảo, minh họa cho yêu cầu về kỹ thuật của hàng hóa nhưng phải ghi kèm theo cụm từ “hoặc tương đương” sau nhãn hiệu, ca – ta – lô (cataloge) đồng thời phải quy định rõ nội hàm tương đương với hàng hóa đó về đặc tính kỹ thuật, tính năng sử dụng, tiêu chuẩn công nghệ và các nội dung khác (nếu có) để tạo thuận lợi cho nhà thầu trong quá trình chuẩn bị hồ sơ dự thầu.
Chỉ yêu cầu nhà thầu nộp Giấy phép hoặc Giấy ủy quyền bán hàng của nhà sản xuất hoặc Giấy chứng nhận quan hệ đối tác trong trường hợp hàng hóa là đặc thù, phức tạp cần gắn với trách nhiệm của nhà sản xuất trong việc cung cấp các dịch vụ sau bán hàng như bảo hành, bảo trì, sửa chữa, cung cấp phụ tùng, vật tư thay thế. Vì vậy, trong trường hợp chủ đầu tư phải điều chỉnh chủng loại, xuất xứ vật tư, thiết bị đảm bảo yêu cầu về chất lượng, kỹ thuật nhưng có giá phù hợp để không vượt tổng mức đầu tư quy định tại Điều 12 Nghị định số 68 nêu trên thì chủ đầu tư cần ghi kèm theo cụm từ “hoặc tương đương” sau nhãn hiệu đó trong hồ sơ thiết kế điều chỉnh và trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu khi thực hiện lựa chọn nhà thầu.
Quy định về thời gian thực hiện hợp đồng
Tại Khoản 1, Điều 14 Nghị định số 37/2015/ NĐ-CP ngày 15/06/2015 của Chính phủ quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng có quy định: Thời gian thực hiện hợp đồng được tính từ ngày hợp đồng có hiệu lực cho đến khi các bên đã hoàn thành các nghĩa vụ theo hợp đồng xây dựng đã ký. Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 7, Điều 35 Luật Đấu thầu: Thời gian thực hiện hợp đồng là số ngày tính từ ngày hợp đồng có hiệu lực đến ngày các bên hoàn thành nghĩa vụ theo quy định trong hợp đồng, trừ thời gian thực hiện nghĩa vụ bảo hành (nếu có); Điều 66 Luật Đấu thầu quy định: Thời gian có hiệu lực của bảo đảm thực hiện hợp đồng tính từ ngày hợp đồng có hiệu lực cho đến ngày các bên hoàn thành nghĩa vụ theo hợp đồng hoặc ngày chuyển sang thực hiện nghĩa vụ bảo hành đối với trường hợp có quy định về bảo hành; Khoản 2, Điều 67 Luật Đấu thầu và Điều 143 Luật Xây dựng quy định: Việc điều chỉnh hợp đồng chỉ áp dụng trong thời gian hợp đồng còn hiệu lực. Vì vậy, để thực hiện đồng bộ đảm bảo đúng các quy định nêu trên, khi ký kết hợp đồng các bên cần thỏa thuận rõ thời gian thực hiện hợp đồng để hoàn thành các nghĩa vụ cụ thể theo quy định trong hợp đồng và thời gian thực hiện nghĩa vụ bảo hành (nếu có) theo quy định tại Khoản 7, Điều 35 Luật Đấu thầu.
Quy định về thanh toán vốn đầu tư xây dựng công trình
Về thời hạn thanh toán vốn đầu tư xây dựng công trình: Tại Khoản 1, Điều 26 Nghị định 68 quy định: Trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ thanh toán theo quy định, cơ quan thanh toán vốn đầu tư có trách nhiệm thanh toán vốn đầu tư theo đề nghị thanh toán của chủ đầu tư hoặc đại diện hợp pháp của chủ đầu tư trên cơ sở kế hoạch vốn được giao. Tuy nhiên, theo quy định tại Nghị định số 11/2020/NĐ-CP ngày 20/01/2020 của Chính phủ quy định về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực KBNN (Nghị định 11) thì thời hạn thanh toán vốn đầu tư xây dựng công trình tùy từng khoản chi nhưng tối đa là 03 ngày làm việc, vì vậy quy định về thời hạn thanh toán vốn đầu tư xây dựng công trình thực hiện theo quy định tại Nghị định 11.
Về trách nhiệm của các bên trong thanh toán vốn đầu tư xây dựng công trình: Tại Khoản 2, Điều 26 Nghị định 68 quy định: Chủ đầu tư hoặc đại diện hợp pháp của chủ đầu tư chịu trách nhiệm về đơn giá, khối lượng và giá trị đề nghị thanh toán trong hồ sơ đề nghị thanh toán; cơ quan thanh toán vốn đầu tư không chịu trách nhiệm về đơn giá, khối lượng và giá trị đề nghị thanh toán trong hồ sơ đề nghị thanh toán của chủ đầu tư hoặc đại diện hợp pháp của chủ đầu tư. Trong quá trình thanh toán, trường hợp phát hiện những sai sót trong hồ sơ đề nghị thanh toán, cơ quan thanh toán vốn đầu tư thông báo bằng văn bản để chủ đầu tư hoặc đại diện hợp pháp của chủ đầu tư bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ.
Như vậy, cơ quan thanh toán vốn đầu tư không chịu trách nhiệm về đơn giá, khối lượng và giá trị đề nghị thanh toán, nhưng có quyền và trách nhiệm thông báo bằng văn bản để chủ đầu tư hoặc đại diện hợp pháp của chủ đầu tư bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ trong trường hợp phát hiện những sai sót trong hồ sơ đề nghị thanh toán, kể cả những sai sót về đơn giá, khối lượng và giá trị đề nghị thanh toán.
Quy định về bảo hiểm công trình
Tiết a, Khoản 1, Điều 46 Nghị định 37 quy định: Chủ đầu tư mua bảo hiểm công trình trong thời gian xây dựng đối với công trình có ảnh hưởng đến an toàn cộng đồng, môi trường, công trình có yêu cầu kỹ thuật đặc thù, điều kiện thi công xây dựng phức tạp. Trường hợp, phí bảo hiểm này đã được tính vào giá hợp đồng thì bên nhận thầu thực hiện mua bảo hiểm công trình theo quy định. Như vậy, ngoài các công trình nêu trên thì đối với các công trình còn lại không bắt buộc, chủ đầu tư sẽ quyết định việc mua bảo hiểm công trình nếu thấy cần thiết.
Trên đây là một số ý kiến trao đổi, chia sẻ với đồng nghiệp, rất mong được sự góp ý của đồng nghiệp để công tác quản lý ĐTXD nội ngành ngày càng hoàn thiện trong thời gian tới.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 ngày 13/06/2019;
- Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 ngày 18/06/2014;
- Luật NSNN số 83/2015/QH13 ngày 25/06/2015;
- Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng;
- Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/06/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu;
- Nghị định số 37/2015/NĐ-CP ngày 15/06/2015 của Chính phủ quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng;
- Nghị định số 68/2019/NĐ-CP ngày 14/08/2019 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng;
- Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 20/01/2020 của Chính phủ quy định về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực KBNN;
- Thông tư số 26/2016/TT-BXD ngày 26/10/2016 của Bộ Xây dựng quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng
THS. TRẦN THỊ SONG MÂY