Trong thời gian qua, công tác kiểm soát chi thường xuyên NSNN đã được các đơn vị KBNN quan tâm, kiểm soát chặt chẽ, góp phần nâng cao hiệu quả các khoản chi từ NSNN… Bên cạnh đó, vẫn còn một số điểm cần hoàn thiện trong công tác kiểm soát thanh toán tạm ứng các khoản chi thường xuyên. Dựa trên kinh nghiệm thực tiễn, tác giả đưa ra một số giải pháp nhằm tháo gỡ những vướng mắc phát sinh tại cơ sở.
Căn cứ Khoản 5, Điều 34 Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21/12/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật NSNN và Khoản 2, Điều 3 Thông tư số 62/2020/TT-BTC ngày 22/6/2020 của Bộ Tài chính hướng dẫn kiểm soát, thanh toán các khoản chi thường xuyên từ NSNN qua KBNN (Thông tư 62) thì: “Chi NSNN thực hiện theo nguyên tắc thanh toán trực tiếp từ KBNN cho người hưởng lương, phụ cấp, trợ cấp và người cung cấp hàng hóa, dịch vụ. Trường hợp một số khoản chi chưa có đủ điều kiện thực hiện việc thanh toán trực tiếp từ KBNN, đơn vị sử dụng ngân sách được tạm ứng kinh phí để chủ động chi theo dự toán được giao, sau đó đơn vị thanh toán với KBNN theo đúng quy định tại Điều 7 Thông tư này”.
Theo quy định tại Khoản 3, Điều 7 Thông tư 62: “Đối với các khoản chi không có hợp đồng hoặc khoản chi không phải gửi Hợp đồng đến KBNN, đơn vị sử dụng ngân sách phải thanh toán tạm ứng chậm nhất với KBNN vào ngày cuối cùng tháng kế tiếp tháng tạm ứng”. Điều này làm cho đơn vị sử dụng ngân sách gặp khó khăn vì có những lý do khách quan như khoản tạm ứng đó đơn vị chưa chi; hoặc do đặc thù của các đơn vị như đi biển, đơn vị ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo đang đi công tác chưa về thanh toán được… nên không kịp thanh toán tạm ứng, nếu không thanh toán tạm ứng đúng thời hạn thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực KBNN.
Thực tế, một số khoản chi bù tiền ăn cho đại biểu không hưởng lương, chi khen thưởng trong các hội nghị, công tác phí… đơn vị sử dụng ngân sách đã ứng trước kinh phí để chi trong ngày diễn ra hội nghị và đã có phiếu chi (tức là đã có chứng từ chi). Nhưng theo quy định nêu trên, đơn vị vẫn phải thực hiện lập giấy rút dự toán bằng hình thức tạm ứng để rút tiền mặt chi trả cho các đối tượng thụ hưởng, sau đó lại làm thủ tục thanh toán tạm ứng. Việc này dẫn đến Kho bạc phải thực hiện kiểm soát 02 lần/01 khoản chi gây lãng phí thời gian xử lý nghiệp vụ.
Những khoản chi nhỏ, lẻ đơn vị đã tạm ứng tiền để chi, nhưng khi rút tiền tại KBNN theo nguyên tắc vẫn phải tạm ứng nên dẫn đến chứng từ chi có (ngày phát sinh) trước khi đơn vị rút tạm ứng tại KBNN.
Những khoản chi đơn vị đã có đầy đủ hồ sơ, chứng từ thanh toán, có bảng kê chứng từ thanh toán nhưng không thanh toán trực tiếp cho cho người hưởng lương, phụ cấp, trợ cấp và người cung cấp hàng hóa, dịch vụ được nên phải thực hiện tạm ứng sau đó mới thanh toán tạm ứng (thanh toán ngay cùng thời điểm với tạm ứng) như vậy làm tăng thêm khối lượng công việc cho công chức KBNN và tăng thêm thủ tục hành chính cho đơn vị và kho bạc.
Các khoản tạm ứng đặc thù cho các đoàn đi dài ngày trên biển không kịp hoàn thiện hồ sơ thanh toán, các khoản chi tạm ứng để đảm bảo nhiệm vụ cấp thiết như chống dịch…
Ngoài ra, có đơn vị còn gặp khó khăn trong thời gian chỉnh lý quyết toán. Chế độ không cho phép tạm ứng trong thời gian chỉnh lý quyết toán thì đối với khoản chi có hóa đơn chứng từ hoặc khối lượng công việc trước ngày 31/12 đơn vị sẽ vướng trong việc gửi hồ sơ chứng từ rút tiền mặt trong thời gian này.
Trong việc theo dõi các khoản chi tạm ứng từ tài khoản tiền gửi Kho bạc phải mở sổ theo dõi thủ công, nhưng khi đơn vị thực hiện hoàn ứng hồ sơ chứng từ không biết lưu vào đâu, vì khi đó Kho bạc không thực hiện hạch toán kế toán.
Điểm c, Điều 7, Thông tư 62 quy định: Khi thanh toán tạm ứng, đơn vị sử dụng ngân sách có trách nhiệm gửi đến KBNN giấy đề nghị thanh toán tạm ứng:
Trường hợp đủ điều kiện quy định, KBNN thực hiện thanh toán tạm ứng cho đơn vị sử dụng ngân sách, cụ thể: Nếu số tiền đề nghị thanh toán lớn hơn số đã tạm ứng: Căn cứ vào Giấy đề nghị thanh toán tạm ứng của đơn vị (đã được KBNN kiểm soát và chấp nhận thanh toán), KBNN làm thủ tục chuyển từ tạm ứng sang thanh toán (số tiền đã tạm ứng); đồng thời, đơn vị lập thêm giấy rút dự toán NSNN/ Ủy nhiệm chi gửi KBNN để thanh toán cho đơn vị số chênh lệch giữa số tiền KBNN chấp nhận thanh toán và số tiền đã tạm ứng.
Để khắc phục, hạn chế các vướng mắc trong quá trình thực hiện kiểm soát tạm ứng thanh toán các khoản chi thường xuyên của kho bạc và đơn vị sử dụng ngân sách, cần quan tâm thực hiện tốt một số nội dung sau:
Tăng cường công tác tuyên truyền đến các đơn vị giao dịch các văn bản, chế độ mới liên quan đến công tác kiểm soát chi của Kho bạc để các đơn vị cùng biết, thực hiện đúng. Tuyên truyền các đơn vị đơn vị sử dụng ngân sách sử dụng hình thức thanh toán qua thẻ tín dụng đã được quy định tại Khoản 6, Điều 6 Thông tư số 13/2017/TT-BTC ngày 15/02/2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn thu, chi tiền mặt qua hệ thống KBNN.
Việc sử dụng thẻ tín dụng trong thanh toán các khoản chi tiêu nhỏ, lẻ của đơn vị đơn vị sử dụng ngân sách đảm bảo khắc phục được những vướng mắc nêu trên trong việc tạm ứng/thanh toán bằng tiền mặt của đơn vị phù hợp với chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị đơn vị sử dụng ngân sách trong quản lý chi tiêu nội bộ của đơn vị và phù hợp với xu thế phát triển của xã hội hiện nay đặc biệt trong tình hình dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp.
Thủ trưởng các đơn vị đơn vị sử dụng ngân sách, căn cứ nhiệm vụ, chương trình công tác thường xuyên hàng tháng, dự toán được giao chủ động trong việc tạm ứng chi các nhiệm vụ thường xuyên để đảm bảo hoạt động của đơn vị, thực hiện thanh toán kịp thời các khoản tạm ứng hằng tháng luôn đảm bảo số thanh toán tạm ứng nhỏ hơn số tiền tạm ứng, số chưa thanh toán sẽ thực hiện thanh toán vào lần kế tiếp vừa hạn chế được thanh toán tạm ứng quá hạn… Đối với hệ thống ngân hàng thương mại tiếp tục mở rộng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, mở thêm các điểm chấp nhận thẻ POS, ATM, thanh toán trực tuyến…
Về nội dung tạm ứng từ tài khoản tiền gửi đề nghị kho bạc không thực hiện theo dõi thủ công, chuyển để thủ trưởng đơn vị đơn vị sử dụng ngân sách chủ động trong quản lý, điều hành chi tiêu của đơn vị bằng quy chế chi tiêu nội bộ với các khoản chi thường xuyên nhỏ và bằng điều khoản trong các hợp đồng thanh toán với các món chi có hợp đồng.
Làm thủ tục thanh toán tạm ứng sau thời hạn cuối cùng phải thực hiện thanh toán tạm ứng đối với các khoản chi thường xuyên không có hợp đồng mua bán hàng hóa, dịch vụ hoặc khoản chi không phải gửi hợp đồng mua bán hàng hóa, dịch vụ đến KBNN theo quy định.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Nghị định số 163/2016/NĐ-CP của Chính phủ ngày 21/12/2016 quy định chi tiết thi hành một số điều của luật NSNN;
- Nghị định số 63/2019/NĐ-CP của Chính phủ ngày 11/7/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Dự trữ quốc gia; Kho bạc Nhà nước;
- Nghị định số 11/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 20/01/2020 quy định về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước;
- Thông tư số 62/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 22/6/2020 hướng dẫn kiểm soát, thanh toán các khoản chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước;
- Thông tư số 87/2019/TT-BTC ngày 19/12/2019 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Kho bạc Nhà nước;
Ths. Ngô Hải Trường