Tiếp tục đổi mới cơ chế cơ chế chính sách và quy trình nghiệp vụ về quản lý quỹ NSNN và các quỹ tài chính nhà nước (TCNN) thuộc phạm vi quản lý theo hướng: đơn giản, hiện đại, công khai, minh bạch, phù hợp với Luật NSNN năm 2015 và các thông lệ quốc tế, nhằm quản lý chặt chẽ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính nhà nước, góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2016 – 2020.
Công tác kiểm soát chi NSNN qua KBNN đã được đổi mới và hoàn thiện với nhiều nội dung, trong đó việc thực hiện quản lý, kiểm soát cam kết chi NSNN qua KBNN là bước cải cách thể hiện sự “cam kết” giữa Nhà nước với khách hàng thông qua việc dành một khoản tiền để thanh toán cho nhà cung cấp theo cam kết. Đây là một trong những giải pháp hạn chế nợ đọng khu vực tài chính công nhằm tạo công cụ giám sát chi tiêu NSNN, ngăn chặn nợ đọng vốn đầu tư, góp phần đảm bảo an ninh tài chính, là biện pháp kỹ thuật để quản lý ngân quỹ và dự báo dòng tiền.
Tại sao phải quản lý, kiểm soát cam kết chi
Quản lý, kiểm soát cam kết chi là công cụ hỗ trợ việc kiểm soát chi tiêu ngân sách của các đơn vị sử dụng ngân sách (SDNS), đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, ngăn chặn tình trạng nợ đọng trong thanh toán (như việc nợ đọng trong thanh toán mua sắm xe ôtô, xây dựng cơ bản,… ), làm lành mạnh hoá và tăng cường công tác quản lý tài chính – ngân sách. Thông qua việc thực hiện quản lý, kiểm soát cam kết chi, đặc biệt là quản lý các hợp đồng nhiều năm sẽ hỗ trợ cho việc lập ngân sách trung hạn của cơ quan tài chính các cấp và các Bộ, ngành, địa phương. Quản lý, kiểm soát cam kết chi cho phép theo dõi và quản lý các hợp đồng nhiều năm theo một số thông tin chủ yếu như: tổng giá trị hợp đồng, giá trị hợp đồng đã thực hiện cam kết chi, giá trị hợp đồng đã được thanh toán, giá trị hợp đồng còn phải thanh toán,….
Qua khảo sát một số đơn vị SDNS, chủ đầu tư, Ban QLDA, việc quản lý kiểm soát cam kết chi đối với các khoản chi NSNN chưa được các đơn vị SDNS, chủ đầu tư, Ban QLDA (gọi tắc là đơn vị SDNS) hiểu rõ và đồng thuận, nhiều ý kiến cho rằng, đơn vị đã có dự toán được cấp có thẩm quyền giao, đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định nhưng lại phải còn phải làm thủ tục cam kết chi, đây là một vấn đề cần phải có giải pháp giải quyết cơ bản để nhận được sự đồng thuận của các đơn vị SDNS. Tại Khoản 4, Điều 8 Luật NSNN năm 2015 quy định: “…Ngân sách các cấp, đơn vị dự toán ngân sách, đơn vị sử dụng ngân sách không được thực hiện nhiệm vụ chi khi chưa có nguồn tài chính, dự toán chi ngân sách làm phát sinh nợ khối lượng xây dựng cơ bản, nợ kinh phí thực hiện nhiệm vụ chi thường xuyên”. Trước đây khi chưa triển khai quản lý, kiểm soát cam kết chi, các đơn vị SDNS thực hiện ký hợp đồng với nhà cung cấp hàng hóa dịch vụ, hợp đồng xây dựng chưa biết được nguồn tài chính, dự toán được cấp có thẩm quyền giao bao nhiêu, đến khi có nguồn tài chính, dự toán thì không đủ trả cho các hợp đồng, dẫn đến tình trạng nợ đọng, chậm thanh toán giữa khu vực công với các chủ thể cung cấp hàng hóa, dịch vụ, làm ảnh hưởng đến tình hình tài chính- ngân sách, tăng nợ khu vực công. Bên cạnh đó công tác quản lý, kiểm soát cam kết chi là một trong những công cụ để thực hiện nghiệp vụ quản lý ngân quỹ nhà nước trong hệ thống KBNN, thực hiện dự báo luồng tiền, là cơ sở để chuyển từ kế toán tiền mặt tiến tới kế toán dồn tích, qua đó góp phần thực hiện cải cách tài chính công theo hướng công khai, minh bạch và phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế; hỗ trợ cho việc lập ngân sách trung hạn nhằm thực hiện hiệu quả mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế.
Về cơ chế chính sách
Để triển khai thực hiện, ngày 27/11/2008, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 113/2008/TT-BTC hướng dẫn quản lý và kiểm soát cam kết chi NSNN qua KBNN, Công văn số 507/KBNN-THPC ngày 22/3/2013 về việc hướng dẫn thực hiện Thông tư số 113/2008/TT-BTC về quản lý, kiểm soát cam kết chi NSNN qua KBNN quy định thời gian 5 ngày làm việc kể từ khi đơn vị SDNS ký hợp đồng mua bán hàng hoá, dịch vụ với giá trị 100 tiệu đồng (chi thường xuyên) và 500 triệu đồng (chi đầu tư). Qua thời gian triển khai thực hiện, một số quy định không còn phù hợp với tình hình thực tế, gây không ít khó khăn cho đơn vị SDNS như: Thời gian làm thủ tục cam kết chi, số lượng của các hợp đồng có giá trị 100 triệu đồng (chi TX) và 500 triệu đồng (chi ĐT) rất lớn.
Trên cơ sở các kiến nghị của các KBNN địa phương, ngày 01/3/2016 của Bộ Tài chính Thông tư số 40/2016/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 113/2008/TT-BTC ngày 27/11/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý và kiểm soát cam kết chi NSNN qua KBNN và một số biểu mẫuu kèm theo Thông tư số 08/2013/TT-BTC ngày 10/01/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện kế toán nhà nước áp dụng cho Hệ thống thông tin quản lý Ngân sách và Kho bạc Nhà nước TABMIS).
Theo đó Thông tư số 40/2016/TT-BTC quy định thời hạn là 10 ngày để đơn vị giao dịch hoàn thiện hợp đồng và lập thủ tục đề nghị KBNN thực hiện cam kết chi trên cơ sở kế hoạch/dự toán được cấp có thẩm quyền giao và được chấp nhận trên TABMIS; nâng mức giá trị hợp đồng phải thực hiện cam kết chi đối với chi thường xuyên là 200 triệu đồng, và chi đầu tư là 1 tỷ đồng trở lên, việc nâng thời hạn và giá trị hợp đồng phải thực hiện quản lý, kiểm soát cam kết chi đã giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa đơn vị SDNS trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực KBNN và hạn chế vi phạm thời hạn cam kết chi theo quy định, đồng thời được đánh giá là một điều chỉnh kịp thời, rất phù hợp trong điều kiện chi tiêu ngân sách phục vụ hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước hiện nay và quản lý hợp đồng xây dựng theo các quy định hiện hành.
Đặc biệt, với mức điều chỉnh tăng gấp đôi so với mức phải cam kết chi cũ đã làm cho khối lượng hợp đồng phải thực hiện cam kết chi giảm, cũng như giảm khối lượng công việc cho công chức KBNN cũng như các đơn vị giao dịch.
Để nâng cao kỷ cương, kỷ luật trong thực hiện cam kết chi, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 54/2014/TT-BTC ngày 24/4/2014 quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Kho bạc Nhà nước theo quy định tại Nghị định số 192/2013/NĐ-CP của Chính phủ nêu rõ, khi phát hiện đơn vị dự toán hoặc chủ đầu tư không làm thủ tục cam kết chi NSNN đối với các khoản chi thuộc phạm vi phải thực hiện cam kết chi theo quy định, người có thẩm quyền xử phạt áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc đơn vị phải làm thủ tục cam kết chi trước khi đề nghị KBNN thanh toán, chi trả NSNN.
Kết quả đạt được
Mục tiêu của quản lý, kiểm soát cam kết chi là cơ sở để thực hiện kế toán dồn tích và hỗ trợ cho việc lập ngân sách trung hạn của cơ quan tài chính các cấp và các Bộ, ngành, địa phương thông qua việc quản lý các hợp đồng nhiều năm; đồng thời, xét trên phương diện quản lý, kiểm soát cam kết chi cũng sẽ hỗ trợ đắc lực cho việc kiểm soát chi tiêu của các đơn vị SDNS, góp phần ngăn chặn tình trạng nợ đọng thanh toán, nâng cao trách nhiệm, kỷ luật tài chính không chỉ đối với cơ quan tài chính, KBNN, mà còn đối với cả các đơn vị dự toán, chủ đầu tư.
Việc quản lý, kiểm soát cam kết chi đã giúp các đơn vị KBNN quản lý, kiểm soát các khoản chi NSNN ngay từ khi lập dự toán đến khi phân bổ ngân sách; kí kết hợp đồng và thanh toán. Do vậy, từ khi triển khai quản lý, kiểm soát cam kết chi, các đơn vị KBNN đã đảm bảo tiến độ giải ngân vốn theo kế hoạch. Đồng thời, ngăn chặn tình trạng nợ đọng trong thanh toán xây dựng cơ bản của các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách.
Quản lý, kiểm soát cam kết chi là việc thực hiện khâu kiểm soát quan trọng trong chu trình quản lý chi NSNN. Đặc biệt trong khoản thời gian chưa triển khai cam kết chi, việc quản lý hợp đồng mua sắm, sửa chữa của các đơn vị SDNS còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, đến khi gửi hồ sơ thanh toán đến Kho bạc mới phát hiện sai sót và đề nghị bổ sung, thay thế. Quản lý, kiểm soát cam kết chi sẽ hỗ trợ, nâng cao chất lượng công tác kiểm soát chi NSNN qua KBNN, góp phần giữ vững kỷ luật tài khóa, ngăn chặn đáng kể tình trạng nợ đọng.
Trong hoạt động chi NSNN, quản lý, kiểm soát cam kết chi thực hiện vai trò đảm bảo khả năng thanh toán. Đối với các hợp đồng chưa thực hiện cam kết chi hoặc đã thực hiện cam kết chi nhưng dự toán không đủ thì việc giải ngân sẽ bị ảnh hưởng.
Một số vướng mắc
Trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, với vai trò là cơ quan kiểm soát chi, các đơn vị KBNN đã tổ chức thông tin, tuyên truyền đến các đơn vị SDNS để hiểu rõ và thực hiện. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính, KBNN cũng đã ban hành nhiều văn bản để kịp thời giải thích hướng dẫn đã giải quyết được cơ bản các vấn đề vướng mắc phát sinh. Tuy nhiên trong thực tế vẫn còn tồn tại, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Cụ thể:
– Việc nhập dự toán vào Tabmis là trách nhiệm của cơ quan, đơn vị theo quy định tại tiết c, điểm 1, mục II Thông tư số 107/2008/TT-BTC ngày 18/11/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn bổ sung một số điểm về quản lý, điều hành ngân sách nhà nước (như :Bộ Tài chính, Sở Tài chính, Phòng Tài chính,…). Trong thực tế, quyết định giao dự toán cho các đơn vị sử dụng ngân sách, kế hoạch vốn đầu tư cho các chủ đầu tư, Ban QLDA nhưng cơ quan Tài chính chưa nhập dự toán, kế hoạch vốn vào chương trình TABMIS, khi đơn vị SDNS gửi hợp đồng đến các đơn vị KBNN đề nghị cam kết chi, Giao dịch viên thực hiện cam kết chi thì dự toán, kế hoạch vốn đầu tư không có, dẫn đến ảnh hưởng đến tình hình thực hiện nhiệm vụ của đơn vị SDNS, đến tiến độ thi công của các công trình dự án. Trong trường hợp này chưa phân định rõ trách nhiệm của cơ quan nhập dự toán, kế hoạch vốn; chưa có quy định mang tính ràng buộc của các cá nhân, tổ chức có liên quan nhằm đáp ứng yêu cầu về cải cách hành chính theo Nghị quyết của Chính phủ.
– Theo quy định, khi được cấp thẩm quyền giao dự toán, kế hoạch vốn, hợp đồng được ký kết, các đơn vị dự toán, chủ đầu tư đề nghị cam kết chi gửi đến Kho bạc, số tiền do đơn vị đề nghị cam kết chi rất nhỏ so với dự toán, kế hoạch vốn giao. Cụ thể: Dự toán, kế hoạch vốn giao là 1 tỷ đồng, đơn vị chỉ đề nghị cam kết chi 1.000 đồng, khi thanh toán, chủ đầu tư lập đề nghị điều chỉnh cam kết chi bằng với số tiền đề nghị thanh toán cho nhà thầu. Đến khi có nhu cầu thanh toán tiếp theo, thì chủ đầu tư lại tiếp tục đề nghị điều chỉnh cam kết chi bằng với số tiền đề nghị thanh toán. Trong 1 năm ngân sách, cùng 1 hợp đồng chủ đầu tư có thể điều chỉnh trên 5 lần hoặc có thể hơn. Điều này cho thấy, tính pháp lý, tính hiệu quả của cam kết chi NSNN qua KBNN chưa được phát huy tích cực, chỉ mang tính ép buộc đối với các chủ đầu tư. Các chủ đầu tư chưa thấy được hiệu quả của việc cam kết chi NSNN qua KBNN trong chu trình quản lý chi NSNN.
– Theo phản ánh của các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, khi triển khai cam kết chi vì mất nhiều thời gian hơn cho cả chủ đầu tư và cơ quan Kho bạc. Nguyên nhân là do, tiến độ chi tiết dự án thường không như dự kiến ban đầu vì phụ thuộc vào nhiều yếu tố (mặt bằng, thời tiết, năng lực các nhà thầu không đồng đều…) dẫn tới, cam kết chi cũng thường xuyên phải điều chỉnh cho phù hợp với tiến độ thi công thực tế, để kịp thời thanh toán cho các nhà thầu (trên nguyên tắc ưu tiên những nhà thầu thi công đáp ứng tiến độ). Trong khi đó, theo quy định của KBNN, việc điều chỉnh cam kết chi chỉ được thực hiện khi có kế hoạch tăng hoặc giảm, sau đó phải đối chiếu với KBNN. Tuy nhiên, trong một dự án có nhiều nhà thầu thì việc đối chiếu mất rất nhiều thời gian dẫn đến công tác giải ngân chậm.
– Trong quá trình nhập cam kết chi, một số lỗi như: Lỗi hệ thống nên cam kết chi bị treo, giao dịch viên không tìm thấy bút toán cam kết chi; khi thanh toán không xuất cam kết chi,… nên việc xử lý chứng từ chi do đơn vị sử dụng ngân sách, chủ đầu tư đề nghị thanh toán không thể xử lý theo đúng thời gian quy định, do vậy phải nhờ đến Đội hỗ trợ của KBNN. Sự cố này xảy ra vào những ngày cuối năm, mật độ giải ngân cao, việc xử lý phải thông qua sự hỗ trợ của Đội xử lý trung tâm sẽ mất rất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến thời gian xử lý chứng từ.
– Hiện nay việc quản lý, kiểm soát cam kết chi tại các đơn vị SDNS bằng thủ công, nên khi phát sinh khoản chi NSNN có cam kết chi, đơn vị SDNS gửi hồ sơ đề nghị thanh toán đến KBNN, Giao dịch viên phát hiện khoản chi này có cam kết chi thì đơn vị mới lập giấy đề nghị cam kết chi hoặc điều chỉnh cam kết chi gửi đến Kho bạc.
– Vào những này cuối năm, số lượng giao dịch tăng rất lớn, trong đó có rất nhiều đơn vị SDNS gửi điều chỉnh cam kết chi do nhiều nguyên nhân như: Dự toán của đơn vị dự toán hoặc kế hoạch vốn của chủ đầu tư bị điều chỉnh giảm dẫn đến phải điều chỉnh cam kết chi; điều chỉnh số tiền của hợp đồng mua bán hàng hoá, dịch vụ giữa đơn vị dự toán, chủ đầu tư với nhà cung cấp hoặc điều chỉnh số kinh phí bố trí cho hợp đồng trong năm ngân sách… Điều này tạo nhiều áp lực cho cán bộ kiểm soát chi của các đơn vị KBNN.
– Một số dự án hay một số nhiệm vụ được ký kết hợp đồng để thực hiện rồi sau đó mới giao dự toán hay giao kế hoạch vốn. Trong trường hợp này, việc chấp hành quy định về thời hạn gửi cam kết chi thường gặp phải một số phản ứng, rồi lý giải nguyên nhân của các đơn vị sử dụng NSNN, khó khăn và lúng túng trong việc xử lý của các đơn vị KBNN.
Một số khuyến nghị
Từ những vướng mắc trên đã ít nhiều ảnh hưởng đến công tác cải cách hành chính của KBNN và đặc biệt là chưa nhận sự đồng thuận cao của các đơn vị SDNS. Để công tác quản lý, kiểm soát cam kết chi NSNN qua KBNN được hiệu quả hơn, đáp ứng được mục tiêu Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020. Bài viết đưa ra một số khuyến nghị sau:
– Cần bổ sung cụm từ “Cam kết chi” vào điều khoản Tổ chức chi NSNN trong Luật NSNN. Theo Luật NSNN năm 2015 quy định: “Các khoản chi ngân sách chỉ được thực hiện khi có dự toán được cấp có thẩm quyền giao và phải bảo đảm đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định. Ngân sách các cấp, đơn vị dự toán ngân sách, đơn vị sử dụng ngân sách không được thực hiện nhiệm vụ chi khi chưa có nguồn tài chính, dự toán chi ngân sách làm phát sinh nợ khối lượng xây dựng cơ bản, nợ kinh phí thực hiện nhiệm vụ chi thường xuyên”, chưa quy định cụ thể nội dung cam kết chi đối với các khoản chi NSNN, dẫn đến các đơn vị SDNS lại có suy nghĩ rằng, bao lâu nay không có triển khai cam kết chi thì có ảnh hưởng sao đâu, bây giờ lại thêm thủ tục cam kết chi, lại thêm thủ tục hành chính. Điều này cho thấy, phần lớn các đơn vị SDNS, các tổ chức, cá nhân có liên chưa hiểu hết mục tiêu của việc cam kết chi nên họ cho rằng, thủ tục kiểm soát chi NSNN còn mang tính rườm rà, chưa thực sự đơn giản.
Trong vấn đề này, để việc quản lý và kiểm soát cam kết chi triển khai có hiệu quả hơn, phải có quy định cụ thể ràng buộc từ khâu phân bổ dự toán, nhập dự toán vào chương trình TABMIS, đơn vị SDNS phải nhập cam kết chi vào TABMIS đối với các hợp đồng phải thực hiện cam kết chi. Khi gửi hồ sơ đến Kho bạc đề nghị thanh toán, Giao dịch viên nhập vào TABMIS đối với hợp đồng có cam kết chi nhưng không thực hiện cam kết chi, chương trình TABMIS chặn lại và không cho thanh toán. Có như vậy, mới nâng cao trách nhiệm của các đơn vị SDNS trong việc chấp hành chu trình chi NSNN, nâng cao trách nhiệm giải trình, giảm nợ khối lượng xây dựng cơ bản, nợ kinh phí thực hiện nhiệm vụ.
– Cần ban hành quy định pháp lý cao hơn nữa cụ thể như: Nghị định của Chính phủ về quản lý và kiểm soát cam kết chi, đảm bảo công tác quản lý, kiểm soát cam kết chi thực sự là một chu trình cần thiết trong nhiệm vụ quản lý NSNN, trong công tác điều hành ngân quỹ nhà nước, dự báo luồng tiền, hạn chế nợ khu vực công.
– Bổ sung quy định cụ thể trách nhiệm nhập và phân bổ dự toán của các cơ quan có liên, hạn chế tình trạng khi đơn vị SDNS gửi hợp đồng đến đề nghị cam kết chi nhưng không có dự toán trên TABMIS.
– Theo quy định của Thông tư 54 Điều 9: “Hành vi không làm thủ tục kiểm soát cam kết chi theo quy định tại Điều 50 Nghị định số 92/2013/NĐ-CP là hành vi không gửi hoặc gửi đề nghị cam kết chi đến Kho bạc Nhà nước chậm quá thời hạn theo quy định tại Thông tư số 113/2008/TT-BTC ngày 27/11/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lỷ và kiểm soát cam kết chi ngân sách nah2 nước qua Kho bạc Nhà nước và các văn bản sửa đổi bổ sung thay thế nếu có”, đồng thời KBNN ban hành Công văn số 2924/KBNN-THPC ngày 11/11/2014 hướng dẫn thực hiện Thông tư số 54/2014/TT-BTC hướng dẫn: Khi phát hiện đơn vị SDNS, chủ đầu tư, Ban QLDA có hành vi vi phạm hành chính không làm thủ tục kiểm soát cam kết chi hoặc gửi đề nghị cam kết chi đến Kho bạc Nhà nước chậm quá thời hạn theo quy định.
Tại KBNN cấp huyện, Giao dịch viên phải lập biên bản vi phạm, soạn thảo quyết định xử phạt gửi về KBNN tỉnh để Giám đốc KBNN tỉnh ký ban hành. Như chúng ta biết, hàng ngày 01 Giao dịch viên trung bình nhận và giải quyết trung bình từ 50 hồ sơ chứng từ, trường hợp có hành vi vi phạm về thủ tục cam kết chi, Giao dịch viên phải lập Biên bản, soạn thảo quyết định trên cơ sở phải đảm bảo đúng các quy định hiện hành. Nhiều Giao dịch viên chưa gặp các trường hợp phải lập biên bản, soạn thảo quyết định nên ảnh hưởng nhiều đến thời gian để xử lý các công việc khác, phần thì đơn vị vi phạm yêu cầu phải xử lý ngay để giải quyết chứng từ cho họ dẫn đến áp lực rất lớn nên Giao dịch viên e ngại, băn khoăn không muốn lập biên bản xử phạt, ảnh hưởng đến chất lượng kiểm soát chi của Giao dịch viên tại KBNN cấp huyện.
Qua vấn đề trên, để giảm bớt áp lực cho Giao dịch viên tại KBNN huyện, có thể sửa đổi Điều 50 Nghị định số 92/2013/NĐ-CP, Thông tư số 54/2014/TT-BTC, Giám đốc KBNN tỉnh có thể ủy quyền cho Giám đốc KBNN huyện ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Kho bạc Nhà nước, giảm bớt thủ tục hành chính, giảm thời gian xử lý đồng thời tạo điều kiện cho các KBNN cấp huyện chủ động hơn về xử phạt hành chính.
– Để công tác quản lý, kiểm soát cam kết chi thực sự hiệu quả hơn nữa, là công cụ hữu hiệu trong công tác điều hành ngân quỹ nhà nước và dự báo dòng tiền, cần có sự hỗ trợ tích cực từ công nghệ thông tin và đặc biệt là chương trình TABMIS. Có thể nhiệm vụ cam kết chi phải được quản lý từ phía các đơn vị SDNS, để các đơn vị SDNS chủ động hơn trong quá trình thực hiện các hợp đồng đã ký kết với các nhà cung cấp dịch vụ, hạn chế việc khi đơn vị SDNS ký hợp đồng và gửi đến các đơn vị KBNN là việc đã rồi, thanh toán có cam kết chi hay không là thuộc trách nhiệm của các đơn vị KBNN.
Với mục tiêu nâng cao và hoàn thiện hơn nữa khuôn khổ pháp lý, đáp ứng các yêu cầu mới theo quy định, phù hợp với các hoạt động nghiệp vụ của KBNN. Đặc biệt là các quy trình, thủ tục thu, chi NSNN qua KBNN đáp ứng được các mục tiêu, định hướng Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020, định hướng xây dựng Chiến lược phát triển KBNN giai đoạn 2021 – 2030 và tạo tiền đề cho việc nghiên cứu, xây dựng các cơ chế chính sách có liên quan tới KBNN trong các năm tiếp theo.
Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh cải cách, hiện đại hóa KBNN, cải cách thủ tục hành chính theo Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 06/02/2017 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và Quyết định số 328/QĐ-BTC ngày 20/02/2017 của Bộ Tài chính ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP của Chính phủ, thực hiện đẩy mạnh công tác ứng dụng công nghệ thông tin cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo các hoạt động nghiệp vụ được thực hiện trên nền tảng công nghệ thông tin, công khai minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện đáp ứng được mục tiêu lộ trình xây dựng Kho bạc điện tử trong thời gian tới./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Luật NSNN năm 2015;
- Thông tư số 113/2008/TT-BTC ngày 27/11/2008 của Bộ Tài chính;
- Thông tư số 40/2016/TT-BTC ngày 01/3/2016 của Bộ Tài chính;
- Thông tư số 54/2014/TT-BTC ngày 24/4/2014;
DƯƠNG CÔNG TRINH